nghèo trong toàn tỉnh (2001-2005)
2.2.1. Chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2001-2005)
Tiếp nối những quan điểm, chủ trương và những thành tựu trong giai đoạn 1992-2000, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4-2001) khẳng định: "Thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo thông qua những biện pháp cụ thể, sát với tình hình từng địa phương, sớm đạt mục tiêu không còn hộ đói, giảm mạnh các hộ nghèo. Tiếp tục tăng tổng nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo, mở rộng các hình thức tín dụng trợ giúp người nghèo sản xuất, kinh doanh. Có hình thức trợ giá nông sản, phát triển việc làm và nghề phụ nhằm tăng thu nhập của
các hộ nông dân. Thực hiện chính sách ưu đãi xã hội và vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và cha mẹ, vợ con liệt sỹ, người được hưởng chính sách xã hội" [31, tr. 652]. Đại hội xác định: "Tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ, giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm... đối với những vùng nghèo, xã nghèo và nhóm dân cư nghèo. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng và giúp đỡ người nghèo. Phấn đấu đến năm 2010 về cơ bản không còn hộ nghèo. Thường xuyên củng cố thành quả xóa đói, giảm nghèo" [31, tr.741]. Về mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, Đại hội IX xác định: "Cơ bản xóa đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10% vào năm 2005" [31, tr.787].
Trong giai đoạn 1992-2000, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng [13], nhưng có sự phát triển không bền vững. Công tác xóa đói, giảm nghèo đứng trước những khả năng và thời cơ lớn, đồng thời cũng đang gặp những khó khăn, thậm chí cả những nguy cơ, thách thức không nhỏ. Nhận thức một cách khoa học và sâu sắc tình hình đó, Đại hội IX của Đảng đã xác định: chiến lược xóa đói, giảm nghèo là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Như vậy, trong khi tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác xóa đói giảm nghèo trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đại hội IX đã nâng nhận thức, tư duy của Đảng về vấn đề xóa đói, giảm nghèo lên một tầm cao mới: từ "chương trình mục tiêu quốc gia", xóa đói giảm nghèo trở thành "chiến lược" gắn chặt với chiến lược phát triển đất nước. "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5 năm 2002 là một minh chứng nổi bật và đầy thuyết phục về bước phát triển tư duy mới, toàn diện của Đảng và Nhà nước ta về xóa đói, giảm nghèo. Chiến lược đã xác định mục tiêu tổng quát; các nhiệm vụ, các chỉ tiêu chủ yếu; việc tạo môi trường; các chính sách, giải pháp chủ yếu phát triển các ngành, các lĩnh vực và việc huy động, phân bổ nguồn nhân lực cho tăng trưởng nhanh, bền vững và xóa đói, giảm nghèo. Mục tiêu hàng đầu của Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và
xóa đói, giảm nghèo là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững đồng thời bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tập trung vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm, tăng hỗ trợ cho các vùng kém phát triển, hạn chế khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các vùng và các dân tộc thiểu số.
Điểm cơ bản, mang tính nổi bật của "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo" là ở chỗ Đảng và Nhà nước ta đã gắn chặt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo với chiến lược phát triển, coi xóa đói, giảm nghèo là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xóa đói, giảm nghèo vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề, điều kiện và thước đo phát triển bền vững, là yếu tố cơ bản bảo đảm công bằng xã hội. Ngược lại, chỉ có tăng trưởng cao, bền vững mới có sức mạnh vật chất để hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên thoát nghèo. Như vậy, xóa đói giảm nghèo có mục tiêu kép: vừa xóa đói giảm nghèo cho bản thân người nghèo, nhóm nghèo, vừa xóa đói giảm nghèo cho cả nước nói chung.
Xóa đói, giảm nghèo không chỉ là công việc nhất thời, trước mắt, mà là nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Trước mắt là xóa số hộ đói, giảm số hộ nghèo; lâu dài là xóa nghèo nói chung, giảm khoảng cách giàu - nghèo, phấn đấu xây dựng một xã hộ giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Xóa đói, giảm nghèo không chỉ nhằm vào người nghèo, mà còn nhằm cả vào người giàu. Trong trường hợp làm giàu hợp pháp và chính đáng, chính người giàu sẽ là đầu tàu kéo người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Xóa đói, giảm nghèo không chỉ nhằm vào vùng nghèo, mà trong khi có những ưu tiên thích đáng cho những vùng nghèo, cần đồng thời mạnh dạn tập trung vào những vùng giàu, tạo ra những "tam giác", "tứ giác" kinh tế, những "cực tăng trưởng", vùng tăng trưởng nhanh tạo động lực thúc đẩy vùng nghèo, hỗ trợ vùng nghèo phát triển.
Xóa đói, giảm nghèo không chỉ tập trung nguồn lực cho khu vực kinh tế nhà nước, mà còn thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân - nơi tạo ra 13-14 triệu việc làm mới trong kế hoạch đến năm 2005 và sẽ tạo ra nhiều chỗ làm việc hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Xóa đói, giảm nghèo không chỉ nhằm vào phát triển chuyên canh hay chỉ tập trung vào một số ngành, một số lĩnh vực, mà cần phát triển đa ngành, đa nghề... nhằm phát huy mọi lợi thế, giảm thiểu rủi ro do thiên tai và thị trường biến động thường xuyên.
Để xóa đói, giảm nghèo cần tranh thủ tối đa sự phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, xây dựng và khai thác một cách có hiệu quả mói liên kết giữa "bốn nhà" (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học).
Để xóa đói, giảm nghèo cần khai thác mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước, nội lực và ngoại lực, song nội lực là chính.
Xóa đói, giảm nghèo không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, các đoàn thể xã hội, mà trước hết và đồng thời là bản thân người nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo.
Cuối cùng, để tiến hành chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo, cần có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, phải có sự quan tâm xây dựng và thường xuyên củng cố, hoàn thiện tổ chức, mạng lưới xóa đói, giảm nghèo. Cần có sự thống nhất ý chí và sự phối hợp hành động nhịp nhàng, ăn ý từ trên xuống dưới và ở tất cả các cấp, các ngành. Trong quá trình tổ chức thực hiện mục tiêu chiến lược xóa đói, giảm nghèo, phải thường xuyên chỉ đạo, xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá và tiến hành tổ chức giám định, đánh giá có hiệu quả; phát hiện kịp thời các thiếu xót, đúc rút kinh nghiệm, đồng thời thận trọng nhân rộng những mô hình xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả, có xu hướng phát triển bền vững.
Căn cứ vào kết quả triển khai chương trình xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2001-2003, Chính phủ giao chỉ tiêu phấn đấu cho các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 13% vào cuối năm 2005.
2.2.2. Đảng bộ tỉnh Kon Tum vận dụng chủ trương của Trung ương lãnh đạo thực hiện xóa đói, giảm nghèo (2001- 2005) lãnh đạo thực hiện xóa đói, giảm nghèo (2001- 2005)
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XI và các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy (khóa XI), tháng 1-2001, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XII được triệu tập. Đại hội đã đánh giá những thành
tựu, hạn chế trong thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 1996-2000 và đề ra quan điểm, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2005.
Đánh giá tổng quát tình hình kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo qua 5 năm 1996-2000, Đại hội nhận định: "Kinh tế - xã hội của tỉnh có bước chuyển biến tích cực, đúng hướng; tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm đáng kể" [35, tr.23]. Đại hội cũng chỉ rõ thành tựu của công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân: "Các chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới..., được thực hiện có hiệu quả. Định canh định cư đi dần vào chiều sâu; lao động, việc làm có sự quan tâm; đời sống của phần lớn nhân dân được cải thiện, đã căn bản giải quyết số hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm từ 53,7% năm 1995 xuống còn 17,91% năm 2000 (theo tiêu chí cũ)" [35, tr.15]. Bên cạnh đó, Đại hội cũng nêu lên những hạn chế trong việc thực hiện chương trình định canh định cư, gắn xóa đói giảm nghèo với giải quyết việc làm giai đoạn 1996-2000: "Kết quả định canh định cư, xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ đói nghèo còn cao" [35, tr. 96], "đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa người Kinh và người dân tộc ngày càng lớn. Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn gặp khó khăn" [35, tr.15]. Trên cơ sở đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XII xác định quan điểm, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2005.
Về quan điểm, Đại hội tiếp tục khẳng định: "Nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; giảm dần khoảng cách giữa các khu vực" [35, tr.57] và tiếp tục khẳng định phương hướng phấn đấu: "Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa không tách rời với việc tổ chức sản xuất, thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo cho hơn 50% đồng bào dân tộc" [35, tr.96]. Theo tiêu chí mới (giai đoạn 2001-2005), số hộ đói nghèo toàn tỉnh còn rất cao (chiếm
37,57% số hộ toàn tỉnh), Đại hội xác định mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2005 xóa hết hộ đói, giảm mạnh hộ nghèo xuống còn dưới 20% tổng số hộ toàn tỉnh (theo tiêu chí mới) [35, tr.71].
Về nhiệm vụ và giải pháp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XII chỉ rõ: "Xây dựng quy chế vận hành các chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất và có hiệu quả. Thực hiện chính sách ưu đãi cho các hộ nghèo, các xã khu vực III được vay vốn của ngân hàng phục vụ người nghèo" [35, tr.71]; "lồng ghép và tổ chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng trung tâm cụm xã, chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... để tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ có hiệu quả việc củng cố vững chắc định canh định cư, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc và các hộ kinh tế mới" [35, tr.35].
Xây dựng và phát triển các xã vùng sâu, vùng cao, vùng kinh tế mới là việc làm lâu dài, rất khó khăn và phải công phu. Để các xã này có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo đòi hỏi phải kiên trì xây dựng nguồn lực bên trong để đủ sức tiếp thu và sử dụng có hiệu quả các nguồn viện trợ, giúp đỡ đầu tư từ bên ngoài. Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở đánh giá gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 13-4-1999, Tỉnh ủy Kon Tum đã ra Chỉ thị về đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU. Chỉ thị khẳng định các ngành, các huyện đã có nhiều cố gắng trong việc phân công cán bộ bám cơ sở để chỉ đạo, điều hành, giúp đỡ, hướng dẫn các xã và tình hình các mặt ở cơ sở đã có bước chuyển biến khá tốt. Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng nêu lên hạn chế: tốc độ phát triển ở các xã còn rất chậm, không đồng đều; hệ thống chính trị chưa thật sự vững mạnh... và vạch ra các nguyên nhân chủ yếu của hạn chế nói trên. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ thị phương hướng, nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo 01 các cấp; các Huyện ủy; các đơn vị nhận kết nghĩa xây dựng xã; các xã và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Đối với các đơn vị nhận kết nghĩa xây dựng xã, Chỉ thị yêu cầu trong năm 1999 phải xây dựng xong đề án tổng quan phát triển
kinh tế - xã hội đến năm 2005. Chỉ thị nêu rõ đề án tập trung vào việc: "Xây dựng các dự án xóa đói giảm nghèo, định canh định cư, phát triển công nghiệp, chăn nuôi. Vận động xây dựng các hình thức kinh tế hợp tác" [10, tr.5]. Đối với các xã, cùng với việc yêu cầu vận động nhân dân tu sửa đường giao thông liên xã, chăm lo giáo dục ở địa phương, thành lập tổ hợp tác làm dịch vụ quản lý thủy lợi, giống, bảo vệ thực vật, thực hiện quy chế dân chủ, Chỉ thị đưa lên hàng đầu yêu cầu: "Tiếp tục đẩy mạnh phong trào tách hộ lập vườn, định canh định cư, làm đập thủy lợi nhỏ để mở rộng diện tích lúa nước hai vụ kết hợp với chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, hoa màu để tự mình xóa đói, giảm nghèo" [10, tr.6].
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XII, ngày 3-1-2001, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum đã ra Nghị quyết số 05/2001/NQ-HĐ thông qua Chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2001-2005 và Chiến lược xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2010. Căn cứ vào các Nghị quyết của Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 2-4-2001, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã ra Quyết định số 173/QĐ-UB ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu chủ yếu: cơ bản không còn hộ đói; mỗi năm bình quân giảm 2.500 hộ nghèo (giảm 4%), đến năm 2005 số hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 20% so với tổng số hộ trong toàn tỉnh; toàn bộ hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để phát triển sản xuất trong thời gian 36 tháng.
Để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho các cơ quan chức năng xây dựng các đề án và giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh:
- Đề án trích ngân sách của tỉnh để cấp bù lãi suất 0,3%/tháng cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh khi vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Như vậy, hộ nghèo ở xã khu vực I và II chỉ phải trả lãi suất 0,2%/tháng; hộ nghèo ở xã khu vực III chỉ trả lãi suất 0,15%/tháng.
- Chính sách tăng cường cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo ở tất cả các xã trong tỉnh (trừ 10 phường nội thị và 6 thị trấn), mỗi xã có 1 cán bộ chuyên trách giúp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai công tác xóa đói giảm