Tình hình kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu phân tích hiệu quả tài chính của nông hộ trồng bắp ở huyện lấp vò, tỉnh đồng tháp (Trang 31 - 32)

3.1.2.1 Đơn vị hành chính

Huyện Lấp Vò có 13 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 1 thị trấn huyện lỵ và 12 xã.

Nhìn chung, diện tích đất của huyện được sử dụng khá hợp lí và phù họp với điều kiện tự nhiên của vùng. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp đất được sử dụng vào mục đích sản xuất lúa, hoa màu, trồng cây ăn trái, ngoài ra còn nuôi thủy sản như tôm càng xanh trên đất ruộng và nuôi cá tra ven sông.

3.1.2.2 Kinh tế

Nông nghiệp: huyện đề ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2010 tốc độ tăng trưởng khu vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp đạt 7,24%; quy hoạch và sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ để tăng vòng quay của đất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cơ cấu mùa vụ hợp lý theo hướng giảm diện tích lúa 3 vụ, tăng diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, nâng hệ số sử dụng đất lên 2,7 lần; nhằm tăng giá trị trên cùng một đơn vị sử dụng đất, việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác trong đó cây bắp được trồng để giải quyết khó khăn khi nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Công nghiệp - Xây dựng: những năm qua, Lấp Vò đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng các cụm, tuyến công nghiệp, tạo sức bật cho nền kinh tế và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Huyện đã quy hoạch và thu hút đầu tư vào 3 cụm, tuyến công nghiệp với gần 70 ha, gồm cụm công nghiệp Vàm Cống, tuyến công nghiệp Bắc sông Xáng (xã Bình Thạnh Trung), cụm công nghiệp Cồn Quạ (xã Định Yên), tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu.

Thương mại – Dịch vụ: nằm trên vị trí khá thuận lợi về giao thông, Lấp Vò có điều kiện để phát triển thương mại – dịch vụ. Từ khi quốc lộ 80 được nâng cấp mở rộng, việc giao dịch, mua bán ở thị trấn Lấp Vò ngày càng phát triển. Huyện đã quy định thị trấn Lấp Vò trở thành đô thị loại IV, là trung tâm có vai trò đầu mối giao thương trên địa bàn huyện.

3.1.2.3 Dân số - văn hóa - xã hội

Kinh, Hoa, Chăm, Khmer sống chung với nhau trên địa bàn huyện và cùng phát triển kinh tế.

Giáo dục: Theo thông tin từ báo Đồng Tháp, tính đến ngày 02-09-2010, huyện Lấp Vò đã huy động 2.692 học sinh lớp 1 ra lớp đạt 89%, số học sinh vào lớp 6 là 2.615, chiếm tỷ lệ 99,43%. Năm học 2010 - 2011, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tuyển mới 23 giáo viên ở cấp học Mầm non, 20 giáo viên ở cấp Tiểu học, 5 giáo viên cấp Trung học phổ thông, nâng tổng số giáo viên toàn huyện gần 2.000 người ở các khối lớp, đủ đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới.

Y tế: năm 2010, huyện có 13/13 trạm y tế đạt chuẩn, trong đó có 6/13 trạm đạt chuẩn quốc gia. Bệnh viện Lấp Vò là bệnh viện hạng III thuộc tuyến huyện của tỉnh Đồng Tháp, gồm 140 giường kế hoạch và tổng số biên chế là 122. Bệnh viện đã được Sở Y tế tặng danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện trong năm 2009.

3.1.2.4 Cơ sở hạ tầng

Xây dựng cơ bản: hiện nay, thị trấn Lấp Vò đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng các khu dân cư như: khu tái định cư cụm công nghiệp Vàm Cống; cụm dân cư chùa Bà Hai; cụm dân cư Bình Hiệp B; đang triển khai thực hiện tuyến dân cư số 7, tuyến dân cư số 1, cụm dân cư vượt lũ Bình Hiệp A, khu tái định cư đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt, dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp đang được Trung ương lập kế hoạch đầu tư xây dựng.

Một phần của tài liệu phân tích hiệu quả tài chính của nông hộ trồng bắp ở huyện lấp vò, tỉnh đồng tháp (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)