7. Bố cục của luận văn
2.2.4 Công tác khám chữa bệnh
Năm 1991 là năm khởi đầu của việc thực hiện chiến lược kinh tế, xã hội 5 năm (1991-1995). Cả nước trên đà chuyển đổi và điều chỉnh từng bước cơ chế hoạt động trên mọi lĩnh vực. Năm 1994 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành trung ương Đảng (khoá VII) nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1991-1995). Trong năm 1994,
75
tổng số lần khám chữa bệnh là 3.566.494 lượt người, bằng 1,4 lần/năm so với năm 1993. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 229.100 người [51, tr. 282].
Những năm tiếp theo, từ 1995-2000, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao của nhân dân, Nhà nước đã tăng kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ bản và đây là điều kiện cần và đủ để ngành y tế Thanh Hoá triển khai công tác đạt kết quả.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật
Trong thời gian này, cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh, huyện đến trạm y tế xã tiếp tục được đầu tư xây dựng. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá về tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh, ngày 09/03/1994, UBND tỉnh có Quyết định số 2011 TC/UBTH thành lập Ban quản lý công trình trực thuộc Sở Y tế. Chủ trương đầu tư là ưu tiên các đơn nguyên kỹ thuật, các huyện miền núi và những huyện có khó khăn. Nguồn kinh phí huy động từ kinh phí tập trung của tỉnh, kinh phí tiết kiệm của sự nghiệp y tế, viện trợ ODA…Trong thời gian 1994-2004 đã đầu tư hoàn chỉnh Bệnh viện chống Lao, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Đông y, Bệnh viện Phụ sản, Trung tâm Phòng chống sốt rét, Trạm vệ sinh phòng dịch, đang nâng cấp và xây dựng hiện đại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, xây dựng mới Bệnh viện Nhi với quy mô 200 giường….Tổng kinh phí đã được đầu tư cho các đơn vị tuyến tỉnh là 143 tỷ đồng, tuyến huyện là 102 tỷ đồng. Ngoài ra còn nâng cấp thiết bị phục vụ cho công tác dự phòng và phòng chống dịch. Tổng kinh phí được đầu tư giai đoạn 2000-2005 là 33,5 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các đơn vị y tế tuyến huyện đã có đủ máy siêu âm, điện tim, X.quang, xét nghiệm sinh hoá đa chức năng, máy xét nghiệm nước tiểu, siêu âm chẩn đoán thai, máy tạo ô xy…Các đơn vị tuyến tỉnh tiếp tục được đầu tư trang thiết bị theo hướng chuyên sâu, tập trung cho khoa chẩn đoán hình ảnh, cận lâm sàng, cấp cứu, phẫu thuật, CT Scaner,
76
X.quang tăng sáng, siêu âm màu, các máy xét nghiệm sinh hoá, nội soi, máy gây mê, máy thở, máy chạy thận nhân tạo.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, ngành đã bước đầu ứng dụng tin học vào công tác quản lý, điều hành. Đến nay, đã có 33/33 bệnh viện đã triển khai ứng dụng tin học trong quản lý bệnh viện và sử dụng phần mềm thống kê theo phân loại bệnh viện quốc tế….Việc tin học hoá quản lý bệnh viện đã tăng cường hiệu quả quản lý nguồn thu viện phí, tránh thất thoát, tạo điều kiện cho người bệnh trong nộp và thanh toán viện phí cũng như trong công tác thống kê báo cáo. Nhiều đơn vị thực hiện tốt như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, TTYTHoằng Hoá, Ngọc Lặc, Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Thiệu Hóa….
Thực hiện chính sách xã hội hoá trong khám chữa bệnh
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội, cùng với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, y tế Thanh Hoá đã có nhiều cố gắng trong việc CS&BVSKND, tạo mọi điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế.
Để thực hiện chính sách xã hội hoá về y tế, ngày 21/08/1997, Chính phủ đã có Nghị quyết 90/CP “Về phương hướng chủ trương xã hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá”. Đa dạng các loại hình chăm sóc sức khoẻ, cho phép thành lập các bệnh viện bán công, bệnh viện tư, bệnh viện liên doanh 100% vốn đầu tư nước ngoài, các xí nghiệp dược phẩm liên doanh hoặc cổ phần.
Nghị định số 73/1999/NĐ-Chính phủ ngày 19/08/1999 “Về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao” nhằm tổ chức và vận động nhân dân tham gia vào phát triển các sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ về giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao trong sự phát triển về vật chất và tinh thần của nhân dân.
77
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hoá, trong nhiều năm qua ngành y tế Thanh Hoá đã từng bước thực hiện xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại cộng đồng thông qua việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình y tế quốc gia, chương trình thanh toán loại trừ và phòng ngừa một số bệnh dịch nguy hiểm, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm thanh khiết môi trường và cung cấp nước sạch, chương trình xã hội hoá YHCT.
Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, mục tiêu đặt ra là phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được khám chữa bệnh một cách thuận lợi, có chất lượng an toàn và đảm bảo công bằng. Phát huy được các nguồn lực sẵn có (con người và cơ sở vật chất) và tạo thêm nguồn lực cho ngành y tế. Xây dựng được cơ chế chính sách hợp lý huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được huy động.
Thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác y tế, ngành y tế đã xây dựng đề án xã hội hoá công tác y tế, trong đó nhấn mạnh những nội dung cơ bản sau:
Xây dựng chiến lược phát triển sự nghiệp y tế qua từng giai đoạn
Xây dựng mô hình y tế Nhà nước, tư nhân trên các lĩnh vực khám bệnh và chữa bệnh, chia ra các loại hình đa khoa và chuyên khoa. Xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có chuyên khoa sâu. Tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Xây dựng cơ chế quản lý nhân lực và tài chính cụ thể có thể phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất.
Trước mắt có phương án triển khai thực hiện thí điểm mô hình bệnh viện bán công, tạo điều kiện giúp đỡ các hoạt động y tế tư nhân phát triển đúng định hướng, tiến tới thành lập bệnh viện tư. Tăng cường các nguồn lực cùng với sự đóng góp của cộng đồng để hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển chuyên môn y tế.
78
Thực hiện các chính sách xã hội, nâng cao tính công bằng và hiệu quả trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nhất là đối với trẻ em, người nghèo, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, ngành y tế đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 139 về khám chữa bệnh cho người nghèo, Quyết định số 1007/QĐ-CT ngày 20/04/2005 của UBND tỉnh về phương thức thực hiện chính sách khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi. Sau khi đề án được phê duyệt, ngành Lao động-Thương binh xã hội phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố tổng hợp danh sách các đối tượng đói nghèo thuộc diện được cấp thẻ khám chữa bệnh 139 đã được bình xét từ thôn, bản theo đúng quy định của Nhà nước, tổ chức hoàn chỉnh việc cấp thẻ cho các đối tượng được hưởng. Tổng số đối tượng được cấp thẻ khám chữa bệnh 139 đã được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt là 716.155 người. Tất cả các đối tượng 139 khi đến cơ sở y tế từ xã đến tỉnh đều được điều trị miễn phí theo quy định.
Đến cuối năm 2003, đã cấp 732.899 thẻ, trong đó có 239.193 thẻ cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, 493.706 thẻ cho người nghèo theo Quyết định 1443/LĐTB&XH, với tổng kinh phí đã chi là 38.700.837.000 đồng, bằng 113% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2006, đã cấp 1.092.229 thẻ khám chữa bệnh cho người nghèo theo chuẩn nghèo mới và cấp 314.397 thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bệnh nhân thuộc các đối tượng trên sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng cao, từ 58.338 lượt năm 2004 lên 89.527 lượt năm 2005, nhất là ở Trạm y tế xã, phường, thị trấn (từ 18.812 năm 2004 lên 67.692 năm 2005), với trẻ em 6 tuổi tăng từ 11.200 lượt (năm 2004) lên 158.346 lượt (năm 2005). Ngoài ra, quỹ đã vận dụng để hỗ trợ chương trình phẫu thuật đục thủy tinh thể, đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, với tổng số 3.033 người được phẫu thuật [81, tr.5].
79
Chủ trương khám chữa bệnh cho người nghèo là một bước đột phá đối với ngành y tế, nhờ đó mà những tỉnh nghèo như Thanh Hoá có điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo, tránh được tình trạng khó khăn trước đây.
Hệ thống khám chữa bệnh tư nhân
Thực hiện đa dạng hoá, xã hội hoá các loại hình khám chữa bệnh, lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân ngày càng phát triển.
Sau khi Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân do Chủ tịch nước công bố ngày 31/10/1993 và Pháp lệnh mới về hành nghề y dược tư nhân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 25/02/2003 cho phép những người có đủ tiêu chuẩn và điều kiện được phép hành nghề. Cùng với pháp lệnh, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành các văn bản pháp quy tương đổi hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho công tác quản lý Nhà nước và sự phát triển đúng hướng của hoạt hành nghề y dược tư nhân. Trên cơ sở đó, khu vực y dược tư nhân-bộ phận cấu thành của hệ thống y tế hoạt động theo pháp luật ở Thanh Hóa đã phát triển nhanh chóng và đa dạng, góp phần làm tăng khả năng tiếp cận và lựa chọn của người dân đến các cơ sở y tế, đóng góp không nhỏ vào việc giảm gánh nặng cho y tế công.
Ở Thanh Hoá, trước khi triển khai thực hiện Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, có 420 cơ sở được cấp giấy phép hành nghề (1994). Đến 30/06/1996, số cơ sở được cấp giấy đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề đã tăng lên 656 cơ sở (trong đó y tư nhân là 88, YHCT dân tộc tư nhân là 98, dược tư nhân là 470).
Cho đến 09/1999, tổng số cơ sở được cấp giấy phép là 850 cơ sở (trong đó hành nghề y là 136, hành nghề YHCT là 118, hành nghề dược là 596 cơ sở).
Tính đến ngày 30/06/2006, toàn tỉnh có 2.086 cơ sở hàng nghề y dược tư nhân, với các loại hình, số lượng và chủng loại cán bộ như sau: Về Y, có 202 cơ sở, trong đó có 1 bệnh viện tư (Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hợp Lực) quy
80
mô 100 giường bệnh; 148 phòng khám đa khoa và chuyên khoa; 53 cơ sở cung cấp dịch vụ, với tổng số cán bộ là 310 người, trong đó 179 người có trình độ đại học trở lên. Về Dược, có 1.663 cơ sở, trong đó có 19 doanh nghiệp, 45 nhà thuốc, 336 quầy thuốc, 1.259 đại lý thuốc và 4 cơ sở sản xuất thuốc, với tổng số cán bộ là 1.772 người, trong đó có 85 người có trình độ đại học trở lên. Về Y dược dân tộc, có 221 cơ sở, trong đó có 76 cơ sở kinh doanh thuốc và 145 phòng chuẩn trị YHCT, với tổng số cán bộ là 221 người, trong đó có 5 bác sỹ, 81 y sỹ và 131 lương y [81, tr. 6].
Ở Thanh Hoá, nhìn chung công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân thực hiện tương đối tốt, việc thẩm định xét duyệt các cơ sở hành nghề y dược tư nhân thực hiện đúng quy định. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp hành nghề không có giấy phép. Ngành y tế đã làm tốt chức năng tham mưu của mình. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở bước đầu đã thấy rõ vai trò trách nhiệm trong quản lý Nhà nước đối với hành nghề y dược tư nhân, từng bước đưa công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân đi vào nề nếp. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp lệnh và các văn bản pháp quy về hành nghề y dược tư nhân được quan tâm đúng mức. Các cơ sở hiểu rõ chính sách quy định của Nhà nước và tự giác chấp hành một cách nghiêm túc.
Cùng với việc thực hiện nghiêm các quy chế, chế độ chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất,đầu tư trang thiết bị hiện đại như CT-Scaner, máy siêu âm 4D, chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân từng bước được nâng lên, tỷ lệ người bệnh sử dụng các dịch vụ y tế tư nhân ngày càng tăng, từ 9,5% (năm 2003) lên 12% (năm 2005) so với các cơ sở công lập, góp phần giảm tải cho y tế công lập.