7. Bố cục của luận văn
1.2.3 Y tế ThanhHoá trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước
24
Sau khi thất bại ở Điện Biên Phủ, ngày 21/07/1954, thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định đình chiến ở Giơnevơ. Mỹ bắt đầu can thiệp vào miền Nam với âm mưu chiếm đóng, chia cắt lâu dài đất nước ta. Từ đây, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền Nam-Bắc, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước sẽ còn phải trải qua nhiều gian nan thử thách. Nhân dân ta vừa phải lo hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, vừa phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thực hiện hoà bình thống nhất đất nước.
Đất nước vừa trải qua 9 năm kháng chiến, bom đạn tàn phá hầu hết cơ sở hạ tầng, cộng với thiên tai nặng nề, nhân dân lầm vào cảnh nghèo đói, trình độ văn hoá thấp kém, tập tục mê tín dị đoan, sinh hoạt, ăn ở mất vệ sinh phổ biến khắp nơi, trong khi đó việc tuyên truyền giáo dục vệ sinh phòng bệnh còn yếu, các bệnh dịch như: sởi, lỵ, đậu mùa, ỉa chảy, tả, sốt rét….nhân đà đó phát sinh, phát triển khắp nơi.
Trong bối cảnh ấy, y tế Thanh Hoá cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, như lực lượng cán bộ mỏng, yếu, trang thiết bị y tế thiếu thốn lạc hậu, dụng cụ phẫu thuật thô sơ, thuốc chữa bệnh thiếu thốn cả về chủng loại và số lượng nhưng vẫn phải đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân trong tỉnh. Góp phần thực hiện chủ trương tập trung khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, sớm ổn định đời sống nhân dân….y tế Thanh Hoá đã tích cực phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh kịp thời để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ngành y tế Thanh Hóa bắt tay vào giai đoạn khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai và tham gia nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như: khắc phục hậu quả vỡ đê ở Thọ Nguyên (Thọ Xuân), phục vụ công trình tu sửa đập Bái Thượng và hệ thống Nông Giang; phục vụ công trường A-56 Hồi Xuân và công trường 217; thành lập bệnh xá
25
riêng phục vụ đoàn cán bộ cải cách ruộng đất của tỉnh; phục vụ bộ phận đồng bào chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc; chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đi khai hoang,….
Trong thời kỳ hoà bình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955- 1964), y tế Thanh Hoá đã có bước trưởng thành và phát triển vượt bậc, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong khoảng thời gian đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, y tế Thanh Hoá đã được thiết lập và hình thành được hệ thống tổ chức từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thôn, bản. Hình thành các chuyên ngành để thực hiện công tác YTDP và phòng chống các bệnh xã hội. Hoạt động của ngành lúc này đã thể hiện quán triệt quan điểm đường lối YTDP của Đảng và Nhà nước. Sau khi Bệnh viện miền Nam D được bàn giao cho tỉnh và sáp nhập với Bệnh viện Thanh Hóa đã trở thành bệnh viện lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ với quy mô 800 giường nội trú. Ở hầu hết các huyện thị đều thành lập bệnh xá có từ 50-70 giường bệnh, sau đó được nâng cấp chuyển thành bệnh viện huyện có quy mô từ 50-100 giường.
Đây là thời kỳ thực hiện tốt xã hội hoá công tác y tế thể hiện rõ nét qua việc phát động và duy trì phong trào vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh yêu nước rộng khắp trong nhân dân; bài trừ các hủ tục lạc hậu không có lợi cho sức khoẻ; khống chế đẩy lùi một số bệnh xã hội; huy động sức người, sức của của nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất cho ngành, đặc biệt là xây dựng hệ thống trạm y tế tại các xã trong tỉnh.
Mạng lưới y tế được quan tâm chú trọng với việc kiện toàn mạng lưới y tế xã, thôn bản, y tế công, nông trường, xí nghiệp cùng chế độ chính sách cho y tế cơ sở. Đây là yếu tố quan trọng góp phần đạt những kết quả to lớn trong công tác YTDP và phòng chống các bệnh xã hội.
Đội ngũ cán bộ có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đủ khả năng hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác y tế trong thời bình
26
cũng như chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ phục vụ thời chiến.
Đây là thời kỳ đạt nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực điều trị, dự phòng, phòng chống các bệnh xã hội, phát triển nền y học cổ truyền (YHCT) dân tộc, cũng cố và phát triển ngành dược….Nhiều hoạt động và mô hình đã trở thành điểm sáng của ngành y tế cả nước, có giá trị đóng góp về lý luận và thực tiễn trong tiến trình xây dựng và phát triển ngành y tế cả nước.
Sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa nửa triệu quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu và miền Nam, gây ra cuộc chiến tranh phá hoại trên toàn miền Bắc. Thanh Hoá là một trong những trọng điểm chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của địch, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam. Cùng với miền Bắc, Thanh Hoá phải đối đầu với hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, trong đó lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1965, lần thứ hai khốc liệt hơn mang tính huỷ diệt vào năm 1972. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ có 14 bệnh viện, 114 trạm y tế xã, 12 hiệu thuốc, trường y sĩ, xí nghiệp dược phẩm bị bom đạn tàn phá. Bom đạn cũng đã cướp đi sinh mạng của nhiều con người, trong đó có 85 cán bộ và học sinh trường Trung cấp Y sĩ trong khi làm nhiệm vụ đắp đê bảo vệ công trình quốc phòng an ninh trọng điểm gần chân cầu Hàm Rồng. Y tế Thanh Hoá phải hai lần sơ tán về các vùng nông thôn, cách xa các khu vực trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ để bảo toàn lực lượng, vừa làm nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục vụ chiến đấu.
Công tác y tế thời kỳ này thực hiện 5 phương châm: Y tế phục vụ sản xuất và chiến đấu; phòng bệnh là chính; thống nhất phòng bệnh và chữa bệnh,
27
chữa bệnh để phòng bệnh, chữa bệnh toàn diện; kết hợp Đông-Tây y trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh; y tế đi đúng đường lối.
Trong 10 năm, vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh, y tế Thanh Hoá vẫn không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh, đạt nhiều thành tích trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phục vụ chiến đấu, khắc phục các hậu quả thiên tai, bão lụt. Mạng lưới y tế tiếp tục được phát triển, cũng cố và ngày càng hoàn thiện, đã xây dựng và nâng cấp các bệnh xá trở thành các bệnh viện huyện, thị, phát triển các chuyên khoa, hầu hết các chuyên ngành đều có mạng lưới chân rết tại cơ sở. Công tác đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh, đội ngũ cán bộ có sự phát triển lớn mạnh vượt bậc (đến năm 1974, toàn ngành có 200 bác sỹ và dược sỹ đại học). Đến năm 1975, đã đạt tỷ lệ 8,7 y bác sỹ và 10,5 giường bệnh cho 1 vạn dân [51, tr. 143].
Trong công tác phục vụ chiến đấu, Thanh Hoá là một trong những tỉnh phát triển về công tác ngoại khoa thời kỳ này, những kinh nghiệm về tổ chức và thực hiện cấp cứu chiến thương ở Thanh Hoá đã được báo cáo điển hình, đóng góp vào công tác cấp cứu chiến thương của Bộ Y tế. Để sẵn sàng phục vụ chiến đấu, ngành đã thành lập một hệ thống các trạm cấp cứu đặt cách nơi hay đánh phá 2-3 km tập trung các khu vực gần ga xe lửa, dọc đường số 1, ven biển và ở thị xã Thanh Hóa. Các bệnh viện và các hiệu thuốc đều có các cơ số thuốc dự trữ. Các đội cấp cứu và hồi sức đề được trang bị đầy đủ dụng cụ thuốc men.
Đây cũng là thời kỳ ngành y tế Thanh Hoá tiếp tục thực hiện chủ trương tiêu diệt, thanh toán một số bệnh xã hội và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều mô hình trở thành điểm sáng của y tế cả nước, có giá trị đóng góp cả về lý luận và thực tiễn đối với y tế cả nước (điển hình là phong trào vệ sinh yêu nước, thanh toán quặm, tiêu diệt và thanh toán bệnh sốt rét, thanh toán bệnh lao….).
28
Với những kết quả đó, ngành y tế Thanh Hoá đã có những đóng góp thiết thực trong thành tích chung của quân và dân Thanh Hoá, vừa xây dựng kiến thiết chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành nghĩa vụ hậu phương lớn chi việc cho tiền tuyến lớn miền Nam.