0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (109 trang)

ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁC BỆNH NHÂN TRONG NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH SỬ DỤNG KHÁNG SINH TRÊN CÁC BỆNH NHÂN PHẪU THUẬT TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỨC GIANG (Trang 60 -61 )

Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 2/2014 tại khoa Sản, Ngoại tổng hợp, Ngoại Chấn thương chỉnh hình có 142 bệnh nhân được lựa chọn vào nhóm bệnh nhân hồi cứu và từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015 có 287 bệnh nhân được đưa vào nhóm bệnh nhân tiến cứu trong nghiên cứu của chúng tôi. Nhìn chung các đặc điểm của bệnh nhân về tuổi, giới, tình trạng bệnh, đặc điểm phẫu thuật ở cả 2 nhóm là tương tự nhau.

Tỷ lệ bệnh nhân nữ (59,9% - nhóm hồi cứu; 61,7% - nhóm tiến cứu) cao hơn so với bệnh nhân nam (40,1% - nhóm hồi cứu và 38,3% - nhóm tiến cứu) tương tự như kết quả nghiên cứu của Nguyễn Việt Hùng (2010), Trương Văn Dũng (2012), Nguyễn Quốc Anh (2009 -2010) (tỷ lệ bệnh nhân nữ lần lượt là 65,8%; 73,3%; 55,5%) [2], [6], [8].

Tuổi trung bình của các bệnh nhân trong nhóm hồi cứu là 37,6 ± 21,1 và trong nhóm tiến cứu là 37,5 ± 18,7 khá tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Quốc Anh (41,6 ± 20) và nghiên cứu của Nongyao Kasatpibal (37,2 ± 19,2) [2], [50]. Nhóm tuổi từ 19 – 39 chiếm tỷ lệ cao nhất trong nghiên cứu của chúng tôi (53,5% - nhóm hồi cứu, 51,9% - nhóm tiến cứu) trong khi đó theo nghiên cứu của Nguyễn Việt Hùng (2010) nhóm tuổi < 40 chiếm tỷ lệ cao nhất (62,9%), tỷ lệ này tương tự với kết quả nghiên cứu của chúng tôi khi tính chung cả nhóm tuổi ≤ 18 và nhóm tuổi 19 - 39 (hồi cứu - 64,1%; tiến cứu – 62,0%) [8]. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ giữa các nhóm tuổi [2], [8], [37]. Theo báo cáo của Lê Tuyên Hồng Dương tại bệnh viện Giao Thông Vận Tải (2011), nhiễm khuẩn vết mổ ở nhóm tuổi trên 76 là cao nhất (16,3%) có lẽ do đây là nhóm người cao tuổi nên sức đề kháng yếu và sự liền vết thương chậm [7].

Tỷ lệ bệnh nhân có bệnh mắc kèm trong nghiên cứu của chúng tôi là 13,2% (nhóm tiến cứu); 15,5% (nhóm hồi cứu) và 1/4 trong số đó là các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Một số nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng, bệnh

51

mắc mắc kèm, bệnh đái tháo đường là các yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ [8], [9], [67].

Về phương pháp phẫu thuật, tỷ lệ mổ mở trong nghiên cứu của chúng tôi (66,2% - nhóm hồi cứu và 67,6% - nhóm tiến cứu) cao hơn so với mổ nội soi (33,8% - nhóm hồi cứu và 32,4% - nhóm tiến cứu), tỷ lệ này khá phù hợp với nghiên cứu tại bệnh viện Giao Thông Vận Tải (2011) (tỷ lệ mổ mở là 57,4%) [7]. Điều này có thể là do 2 bệnh viện đều là bệnh viện đa khoa hạng I nằm trên địa bàn Hà Nội có sự tương đồng về trang thiết bị khoa học kỹ thuật cũng như trình độ chuyên môn.

Tỷ lệ bệnh nhân phẫu thuật sản phụ khoa, chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng hợp trong nghiên cứu này là 37,3%; 36,6%; 26,1% (nhóm hồi cứu) và 38,0%; 33,8%; 28,2% (nhóm tiến cứu) có sự khác biệt đối với nghiên cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình (2010) (khoa sản: 47,8%; ngoại chung: 39,5%; chấn thương: 12,7%) [8]. Điều này có thể do mô hình bệnh tật ở 2 viện là khác nhau.

Phần lớn các bệnh nhân trong nhóm tiến cứu của chúng tôi thuộc loại phẫu thuật sạch – nhiễm (50,5%), tiếp đến là phẫu thuật sạch (24,7%) khá tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Quốc Anh (2009 - 2010) (phẫu thuật sạch – nhiễm 47,9% và phẫu thuật sạch 20,6%) [2]. Tuy nhiên, tỷ lệ phẫu thuật bẩn trong nghiên cứu của chúng tôi là 2,8% thấp hơn so với phẫu thuật nhiễm (22,0%) trong khi đó tỷ lệ 2 loại này ở nghiên cứu của Nguyễn Quốc Anh gần như tương đương (16,2% và 15,2%) [2]. Điều này có thể là do nghiên cứu của chúng tôi chỉ chọn những bệnh nhân mổ phiên trong khi nghiên cứu của Nguyễn Quốc Anh bao gồm cả bệnh nhân mổ phiên và mổ cấp cứu.

Trung bình thời gian nằm viện, thời gian nằm viện trước mổ của các bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi lần lượt là 8,4 ± 4,7 ngày; 2,9 ± 3,3 ngày – bệnh nhân hồi cứu; 9,1 ± 5,2 ngày; 3,2 ± 3,6 ngày – bệnh nhân tiến cứu tương tự như kết quả của Nguyễn Quốc Anh 10,9 ± 8,3 ngày và 3,7 ± 4,8 ngày [2].

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH SỬ DỤNG KHÁNG SINH TRÊN CÁC BỆNH NHÂN PHẪU THUẬT TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỨC GIANG (Trang 60 -61 )

×