DS48, EC Các biện pháp liên quan đến thịt và các sản phẩm thịt có chứa hoócmôn

Một phần của tài liệu cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các TRANH CHẤP về HÀNG rào kỹ THUẬT TRONG THƯƠNG mại (Trang 36 - 38)

2. 06 vụ tranh chấp có giải pháp thống nhất chung

4.4.DS48, EC Các biện pháp liên quan đến thịt và các sản phẩm thịt có chứa hoócmôn

Nguyên kháng: Canada

Bị kháng: Cộng đồng chung Châu Âu

Bên thứ ba: Úc; New Zealand, Na Uy, Hoa Kỳ

Tóm tắt

Vào ngày 28/6/1996, Canada yêu cầu tham vấn với EC về việc nhập khẩu động vật và thịt động vật được xử lý bằng một số loại chất có chứa hormone theo Hiệp định GATT - Điều XXII và các điều khoản tương ứng trong Hiệp định SPS, TBT và các Hiệp định Nông nghiệp. Sự vi phạm Điều 2, 3, và 5

Hiệp định SPS; Điều III hoặc XI Hiệp định GATT; Điều 2 Hiệp định TBT; và Điều 4 Hiệp định về Nông nghiệp đã được viện dẫn. Khiếu nại của Canada về bản chất cũng giống như khiếu nại của Mỹ (WT/DS26), trong vụ này Ban hội thẩm đã được thành lập sớm hơn.

Vào ngày 16/9/1996, Canada đã đề nghị thành lập Ban hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 27/9/1996, DSB đã trì hoãn việc thành lập Ban hội thẩm. Ban hội thẩm đã được DSB thành lập sau lần yêu cầu thứ hai của Canada vào cuộc họp ngày 16/10/1996. Ngày 4/11/1996, Ban hội thẩm đã được hình thành. Báo cáo của Ban hội thẩm được gửi đến các thành viên ngày 18/8/1997. Ban hội thẩm cho rằng, lệnh cấm của EC về nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt gia súc có chứa bất cứ một trong 6 loại hormones tăng trưởng đã được quy định là không phù hợp với Điều 3.1, 5.1 và 5.5 của Hiệp định SPS.

Ngày 24/9/1997, EC đã thông báo ý định kháng cáo về các vấn đề liên quan đến các lý lẽ về pháp lý do Ban hội thẩm đưa ra. Cơ quan Phúc thẩm đã xem xét kháng cáo với vụ WT/DS26. Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm đã được chuyển đến các thành viên vào ngày 16/1/1998. Cơ quan Phúc thẩm đã tán thành kết luận của Ban hội thẩm rằng lệnh cấm nhập khẩu của EC là không phù hợp với Điều 3.3 và 5.1 của Hiệp định SPS, nhưng thay đổi kết luận của Ban hội thẩm về việc lệnh cấm nhập khẩu của EC là không phù hợp với Điều 3.1 và 5.5 của Hiệp định SPS. Nhìn chung Cơ quan Phúc thẩm đã giữ nguyên bản tuyên án và kết luận của Ban hội thẩm, trừ các lý lẽ liên quan đến Hiệp định SPS.

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và báo cáo của Ban hội thẩm được Cơ quan Phúc thẩm sửa đổi, đã được DSB thông qua vào ngày 13/2/1998.

Điều khoản có liên quan:

GATT (III, XI, XXII); SPS (2, 3, và 5); TBT (2) và Hiệp định về Nông nghiệp (4).

Tình trạng

Vào ngày 8/4/1998, bị cáo đã yêu cầu rằng “thời hạn hợp lý” để thực thi các khuyến nghị và quyết định của DSB được xác định thông qua sự phân xử kết hợp, theo Điều 21.3(c) của DSU. Trọng tài phân xử đã cho rằng khoảng thời gian hợp lý để thực thi là 15 tháng kể từ thời điểm thông qua (nghĩa là 15 tháng kể từ ngày 13/2/1998). Báo cáo của trọng tài được chuyển cho các nước thành viên vào ngày 29/5/1998.

Thời gian thực thi được quy định là 15 tháng kể từ ngày thông qua báo cáo, nghĩa là nó sẽ hết hạn vào ngày 13/5/1999. EC cam kết tuân thủ các khuyến nghị của DSB trong khoảng thời gian trên. Tại cuộc họp của DSB ngày 28/4/1999, EC đã thông báo với DSB rằng, nước này sẽ xem xét việc bồi thường cho khả năng có thể họ không tuân thủ các khuyến nghị và quyết định của DSB tại thời điểm ngày 13/5/1999.

Ngày 3/6/1999, Hoa Kỳ và Canada yêu cầu DSB đòi EC bồi thường 202 triệu USD và tương đương với 57 triệu đô Canada, tương ứng theo Điều 22.2 của DSU. EC đã yêu cầu trọng tài vào cuộc xem xét mức phạt được đưa ra bởi Hoa Kỳ và Canada. DSB đã chuyển vấn đề này cho Ban hội thẩm.

Các trọng tài đã xác định mức thiệt hại của Hoa Kỳ tương ứng với 116.8 triệu USD, và của Canada là 11.3 triệu đô Canada. Báo cáo của trọng tài đã được lưu chuyển đến các nước thành viên vào ngày 12/7/1999. Tại cuộc họp ngày 26/7/1999, DSB đã đồng ý mức bồi thường do trọng tài đưa ra tương đương với mức thiệt hại mà họ phải gánh chịu.

Tại cuộc họp của DSB vào ngày 7/11/2003, EC đã tuyên bố rằng việc thực thi Chỉ thị mới (2003/74/EC) liên quan đến lệnh cấm sử dụng một số loại hormones trong chăn nuôi gia súc, không có bất cứ một cơ sở hợp pháp nào cho việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trả đũa của bởi Canada và Hoa Kỳ; một trong những lý do được Cơ quan Phúc thẩm đưa ra trong quyết định chống lại EC là việc thất bại trong việc tiến hành đánh giá rủi ro theo Điều 5.1 và 5.2 của Hiệp định SPS; và đánh giá đó được tiến hành bởi một ủy ban khoa học độc lập mà những kết luận của họ chỉ ra rằng hormones đang được đề cập có nguy hại đến người tiêu dùng, EC đã thực hiện nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ WTO và được quyền yêu cầu Canada và Hoa Kỳ dỡ bỏ ngay lập tức lệnh trừng phạt theo các Điều khoản 22.8 của DSU. Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng họ đã rà soát một cách kỹ lưỡng Chỉ thị mới của EC và không chia sẻ quan điểm rằng EC đã thực thi các khuyến nghị và quyết định của DSB. Biện pháp mới thiếu cơ sở khoa học và như vậy không thể là phù hợp với Hiệp định SPS. Trái ngược với khiếu nại của EC, một số các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi tiêu dùng các sản phẩm thịt từ động vật có hormones kích thích tăng trưởng. Trong trường hợp này, Hoa Kỳ không tán thành yêu cầu của EC. Canada nói rằng, trong khi nước này đã được chuẩn bị cho một cuộc tranh luận với EC về vấn đề này, Canada nghi ngờ liệu các nghiên cứu mới có đưa ra bất cứ cơ sở khoa học nào không cho lệnh cấm nhập khẩu thịt bò có chứa hormones, và cũng không tán thành yêu cầu của EC. EC đã trả lời rằng trên cơ sở lập trường chống đối với Hoa Kỳ và Canada, nước này sẽ suy nghĩ về các hành động thích hợp được cho là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của EC theo các Hiệp định của WTO.

Tại cuộc họp DSB ngày 1/12/2003, EC cho rằng: do sự bất đồng ý kiến giữa các bên về vụ tranh chấp liên quan đến sự tuân thủ của EC đối với các khuyến nghị của DSB, nên vấn đề cần được chuyển đến WTO để đưa ra quyết định mang tính nhiều bên; tình huống này giống với các vụ tranh chấp khác đã được giải quyết trong quá khứ thông qua Điều 21.5 của DSU; Canada và Hoa Kỳ nên bắt đầu những thủ tục nhằm xác định liệu EC có tuân thủ hay không; EC đã sẵn sàng để tranh luận về vấn đề này với Canada và Hoa Kỳ. Canada cho rằng, mặc dù trong cuộc gặp mặt ngày 7 tháng 11 của DSB, Canada đã trình bày đề xuất về việc trao đổi song phương liên quan đến tính hợp lý của quan điểm của EC trong việc tuân thủ quyết định của WTO; EC đã không có phúc đáp cho đề xuất này; EC có trách nhiệm chứng minh rằng EC đã tuân thủ các quyết định của WTO; Canada tiếp tục đưa ra ý kiến kêu gọi EC trao đổi về vấn đề này; tại thời điểm này, Canada không thấy có bất cứ lý do gì để dỡ bỏ các biện pháp trả đũa, cũng không mong muốn tiến hành bất cứ hành động nào khác. Hoa Kỳ cho rằng: Hoa Kỳ đã không nhìn thấy khả năng biện pháp đã được sửa đổi của EC có thể được cân nhắc để thực thi các khuyến nghị của DSB; liên quan đến khuyến nghị của EC rằng phiên tòa nhiều bên cần được mở ra để xác định liệu EC có tuân thủ các phán quyết của WTO hay không, Hoa Kỳ cũng đã sẵn sàng để thảo luận vấn đề này cùng với một số vấn đề nổi cộm khác liên quan đến lệnh cấm nhập khẩu thịt bò của Hoa Kỳ.

Một phần của tài liệu cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các TRANH CHẤP về HÀNG rào kỹ THUẬT TRONG THƯƠNG mại (Trang 36 - 38)