Học thuyết “vô vi nhi trị”

Một phần của tài liệu Quan điểm về con người trong đạo gia và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 67 - 70)

8. Kết cấu của luận văn

2.4.1. Học thuyết “vô vi nhi trị”

Có rất nhiều quan điểm đồng cho rằng Đạo Đức Kinh viết ra là để dành cho những bậc trị nước. Với học thuyết “vô vi nhi trị” Lão Tử đã lên tiếng chống lại những hình phạt hà khắc của Pháp gia. Theo ông trong những chế độ hà khắc bạo ngược dân chúng luôn sống trong cảnh nay sợ mai sợ, đến một khi nào đó dân chúng không còn sợ cái chết nữa thì dùng các hình phạt dùng cái chết mà dọa cũng không có ích lợi gì cả. Đối với cái họa chiến tranh đồng ý với Khổng Tử, Lão Tử cũng cho rằng cần có bậc hiền để trị nước bình thiên hạ. Nhưng người cầm quyền của Khổng học thì khác với Lão học. Trong khi theo Khổng thì người trị nước phải hành theo Đạo hữu vi nghĩa là chế Lễ, tác Nhạc thì bậc trị nước theo Lão học trái lại càng làm ít càng hay, và không làm gì cả càng tốt hơn.

Từ xưa đến nay, việc làm của các bậc trị vương quốc đều là “hữu vi” mà theo học thuyết Đạo gia, đó là cách trị nước không đem đến hiệu quả, chỉ làm cho nước thêm loạn, dân thêm đau khổ. Trị nước bằng Đạo “hữu vi” thường hay can thiệp đến việc làm một cách quá rõ ràng, nên người dân cảm thấy bị trị. Do đó mới có sinh ra tâm trạng chống đối, bậc trị nước phải lo đề phòng để củng cố uy quyền bằng pháp luật bủa giăng… Giữa giai cấp thống trị và bị trị đã có chỗ tranh nhau thì trước và sau sẽ có người thắng kẻ bại. Vì

vậy với quan điểm của mình, Đạo gia đề xướng học thuyết “vô vi nhi trị”. Đây là cách làm mà các bậc trị quốc nên tham khảo.

Mở rộng vô vi sang lĩnh vực xã hội, Lão Tử cho rằng: “Nếu làm theo vô vi, ắt không có gì là không trị” [31; 51] và “Không tôn bậc hiền tài, khiến cho dân không tranh giành; Không quý của khó đặng, khiến cho dân không trộm cướp; Không phô điều ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn” [31; 50]. Phải làm cho dân “Hư lòng, no dạ, yếu chí, mạnh xương, thường khiến cho dân không biết, không ham, khiến cho kẻ trí không dám dùng đến cái khôn của mình” [31; 51]. Đó là dùng phương pháp tiêu cực thủ tiêu mọi nguyên nhân gây lòng tham dục của con người trước hết. Thực ra chủ trương “ngu dân” là chủ trương khiến con người thuần hậu thật thà. Tóm lại vô vi trong đạo trị nước là làm cho dân “hư lòng, no dạ, yếu chí, mạnh xương”, dân mà trở lại thuần phác, không trọng hiền không quý của đặng, không bị ngoại vật lôi cuốn… thì kẻ trí mưu xảo quyệt không dám dùng đến cái khôn của họ, thiên hạ không rối loạn. Như vậy cái đạo trị nước hay nhất để đem hạnh phúc lại cho nhân dân là đưa họ trở về một đời sống thật thà và giản dị.

Ở Đạo Đức kinh chương 10 Lão Tử có viết: “Thương dân trị nước, mà làm như không làm, đặng không?” [31; 77] hay “Làm bậc lớn mà không làm chủ, đó gọi là huyền đức” [31; 77], trị dân mà trị theo phép „vô vi”, dân không biết là bị trị, luôn luôn “làm như con mái”, “làm như không biết gì cả”. Bậc vua chúa “Làm xong công việc cho dân, mà dân cứ tưởng tự nhiên mình làm” [31; 106] như Lão Tử viết ở chương 17. Bậc trị nước theo đạo vô vi khi công việc thành rồi thì lánh mặt ra đi, nên dân không hay là họ có làm mà tưởng là “tự nhiên tự mình làm”. Chương 48 Lão Tử dạy: “Thường dùng “vô vi” thì được thiên hạ, bằng dùng “hữu vi” thì không đủ trị thiên hạ” [31; 232].

Nguyên do của những điều bất nhân bất nghĩa đều ở chỗ dùng đến trí tuệ mà sinh ra. Đạo mà chưa mất, thiên hạ đâu cần dùng đến trí tuệ để mà phân biệt thị phi thiện ác để mà tranh giành tốt xấu, vinh nhục với nhau. Đạo

mà mất rồi, dục vọng mới sinh ra, mới có những sự đèo bòng tham muốn. Trí tuệ được đem ra mà dùng để phụng sự cho dục vọng vô bờ bến của con người, đại loạn sinh ra thế. Nhân nghĩa mà được đề cao là những lúc đời đầy rẫy những bất nhân bất nghĩa. Nguyên nhân là vì thiên hạ đã mất Đạo: “Đạo lớn mất mới có nhân nghĩa, trí tuệ sanh mới có dối trá, lục thân chẳng hòa mới có hiếu từ, nước nhà rối loạn mới có tôi ngay” [31; 108]. Chương 65 Lão Tử đã nói: “Lấy trị mà trị nước, là cái vạ cho nước, không lấy trí mà trị nước, là cái phúc cho nước” [31; 333]. Vì thế phải “Dứt thánh bỏ trí, dân lợi trăm phần; Dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại thảo lành; Dứt xảo bỏ lợi, trộm cướp không có” [31; 111].

Lão Tử cũng đưa ra lời khuyên về cái đức của bậc trị nước, nếu muốn ngồi trên dân chúng hãy tự mình khiêm cung bằng lời nói; nếu muốn cầm đầu nhân dân, phải đứng đằng sau lưng họ. Đây là một nguyên tắc xử thế điển hình của Lão Tử được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở chương 7: “Vì vậy Thánh nhân, để thân ra sau mà thân ở trước” [31; 65]. Bậc thánh nhân trị nước ngồi trên dân mà dân không hay biết, dẫn dắt dân mà dân không hay biết là mình bị dẫn dắt. Bởi vậy người dân không chán mà còn đưa đẩy lên cao. Bậc thánh nhân trị nước bằng Đạo vô vi luôn luôn đứng dưới thấp, ở đằng sau. Thiên Tại Hựu của Trang Tử cũng có nói: “Nghe phòng giữ thiên hạ, không nghe có việc trị thiên hạ. Phòng, nghĩa là sợ thiên hạ đắm đuối mà mất Tính. Giữ, là sợ thiên hạ dời đổi mà mất Đức. Thiên hạ mà không đắm đuối để mất Tính, dời đổi để mất Đức thì sao lại cần đến kẻ trị thiên hạ!” [64; 354]. Làm được như vậy thì vô vi mà thái bình. Bậc trị nước cũng nên lấy đó mà học tập.

Trang Tử trong thiên “Ứng Đế Vương” cuốn Nam Hoa kinh đã giải nghĩa về cái đạo của bậc cầm quyền trị nước. Theo ông thánh nhân lập ra pháp độ và các thứ chế độ để định chế chính trị xã hội, khiến cho người người phải tuân theo, như vậy chỗ dụng ý của thánh nhân tuy tốt nhưng không có hiệu quả mà càng làm cho lòng dân rối loạn. Học thuyết Trang Tử cho rằng

người và vật đều phải có tự do tuyệt đối, cho nên vạn vật đều “đồng”, ý kiến dưới trời đều ngang bằng như nhau. Vì không hiểu lẽ ấy những kẻ tự cho mình có tài đức hơn người thường sửa đời dạy người, cưỡng ép thiên hạ làm theo ý mình, đó đều là làm cho xã hội mất bình đẳng, mất tự do, phân chia đẳng cấp và sinh ra rối loạn. Tóm lại bậc trị nước cần để ý đến hai điều này: làm sao cho người người trong thiên hạ đều được tự do và bài trừ, phòng ngừa cho thiên hạ những gì trở ngại hoặc có hại đến cái sống tự nhiên của họ.

Như vậy học thuyết “vô vi nhi trị” là cách làm của học thuyết Lão - Trang khuyên các bậc trị quốc. Với học thuyết này, Đạo gia chủ trương về một xã hội không thể chế, không pháp luật, không đấu tranh giai cấp, phủ nhận mọi quan niệm luân lí, quan niệm tốt xấu và mọi thứ văn hóa tinh thần của xã hội hiện thực mà trở lại với cái chất phác vô danh, trở lại với cái ý thức của trẻ thơ, không phân biệt tốt xấu, phải trái. Trong đời sống xã hội và phép trị nước phải bỏ hết những gì trái với tự nhiên, vượt quá bản tính, khả năng và nhu cầu của tự nhiên, cần thiết của con người, đưa cuộc sống của con người trở về với tự nhiên, nguyên thủy, không ham muốn, không dục vọng mà theo bản tính, khả năng và sở thích tự nhiên. Nhưng mà vô vi được như Đạo gia quan niệm cũng không phải dễ, vì để có thể sống hòa với tự nhiên theo đúng bản tính quy luật của nó, không tự mãn, không tự phụ, không xao động, không phô trương, không thái quá, không bất cập…con người cần thấu suốt mọi lẽ của tự nhiên và cần có tâm hồn trong sáng hồn nhiên chất phác và vô tội như nội dung của phép xử thế Lão Trang mà chúng ta sắp bàn tới đây.

Một phần của tài liệu Quan điểm về con người trong đạo gia và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)