8. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Học thuyết về Đạo và Đức
- Quan niệm về Đạo
Theo Lão Tử, con người và vạn vật có nguồn gốc, bắt nguồn từ Đạo. Trong lịch sử triết học Trung Quốc cổ đại, phạm trù Đạo đã được sử dụng từ rất sớm, trước thời Lão Tử. Đạo có nghĩa ban đầu là con đường, về sau phạm trù Đạo được khái quát dùng để chỉ con đường có chí hướng nhất định, hướng dẫn hành vi hoạt động của con người theo một hướng đích nhất định, Đạo còn được dùng với hàm nghĩa là quy luật mà người và vật phải tuân theo, và Đạo là nguồn gốc, bản nguyên của sự vật v.v … Đạo của Lão Tử mang nội dung sâu sắc và hoàn thiện hơn nhiều so với những khái niệm đã có từ trước như “thiên đạo”, “nhân đạo” hay “đạo đức”. Đạo của Lão Tử là một thứ rất huyền bí thoát trần, nó không có hình dáng nên không thể có tên gọi, nó không phải là vật hiện hữu nhưng không phải không có, không thể dùng ngôn ngữ, khái niệm nói và nhận thức về nó. Bản chất của Đạo là tự nhiên, chất phác, trống không, nó vốn là tự nhiên độc lập với ý chí con người. Có lẽ Lão Tử là người đầu tiên trong số các triết gia Trung Quốc đã dùng chữ Đạo để chỉ cái nguyên lí tuyệt đối đã có từ trước khi khai thiên lập địa, không sinh không diệt không tăng không giảm.
Trong Đạo Đức kinh, Đạo được Lão Tử giải thích là nguồn gốc hình thành vạn vật, được xác định là cái bản thể:
“Đạo thì trống không, nhưng đổ vô mãi mà không đầy; Đạo như vực thẳm, dường như tổ tông của vạn vật.” [31; 55]
Như vậy, theo Lão Tử, Đạo tồn tại với tư cách là cái là bản thể, bản nguyên của vạn vật, vạn vật trong trời đất đều do Đạo sinh ra. Đạo là nơi vạn
vật dựa vào đó mà tồn tại, Đạo tồn tại với tư cách là bản nguyên, còn thế giới của vạn vật kể cả con người là cái phái sinh. Vạn vật trong trời đất đều do Đạo biến hóa mà ra. Quá trình đó được Lão Tử diễn đạt rất rõ ràng:
“Đạo sinh một, Một sinh hai, Hai sinh ba, Ba sinh vạn vật.
Trong vạn vật không vật nào mà không cõng âm và bồng dương, Nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau.” [31; 210]
Điều này có thể hiểu Đạo là nguồn gốc của tất cả, muôn loài đều từ Đạo sinh sôi, nảy nở, bắt nguồn từ Đạo. “Một” chỉ trạng thái hỗn mang, chưa phân ranh giới, có trước khi trời đất được hình thành (hỗn mang). Từ một sinh hai tức là sinh ra trời đất (hoặc hai thực thể âm, dương). Trời đất, âm dương giao hòa sinh tam tức sinh xung khí, sao đó mới sinh vạn vật.
Quan niệm Đạo gia về nguồn gốc của vạn vật khác với quan niệm về bản nguyên của thế giới của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Nếu như các yếu tố riêng lẻ như là đất, nước, lửa, không khí hay nguyên tử là bản nguyên của thế giới như quan niệm của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại hay như quan niệm về tồn tại của Parmenides (500-449 TCN) nhà triết học Hy Lạp cổ đại thuộc trường phái Eleatics. Theo triết gia này thì chỉ có những sự vật, hiện tượng trong tự nhiên mà con người nhận thức được bằng các giác quan mới biến đổi và ông gọi là cái đa, còn cái bản chất của sự vật, của thế giới thì chẳng những bất biến, bất động mà còn thuần nhất, đồng nhất với bản thân nó.
Theo Đạo gia, Đạo tồn tại với tư cách bản thể nhưng là cái bản thể siêu việt. Ở chương 21 của Đạo Đức kinh, Lão Tử khẳng định Đạo là nguồn gốc sinh ra vạn vật: “Đạo sinh ra vật, thấp thoáng mập mờ” [31; 122]. Như vậy Đạo là nguồn gốc, là bản thể nhưng là cái bản thể siêu việt không thể nhận
biết bằng các giác quan hay dựa vào nhận thức thông thường mà có thể biết được. Mở đầu cuốn Đạo Đức kinh, Lão Tử cho rằng:
“Đạo mà ta có thể gọi được không phải là Đạo “thường”
Danh mà ta có thể gọi được không phải là Danh “thường” [31; 38] Tiếp tục Lão Tử, Trang Tử ở thiên Trí Bắc Du giải thích câu nói trên của Lão Tử khá rõ ràng “Đạo chẳng có thể nghe được, nghe được không còn phải là Nó nữa; Đạo chẳng có thể thấy được, thấy được không còn phải là nó nữa. Có thể nào lấy cái Trí mà hiểu được cái hình dung của cái không hình dung được chăng? Vậy thì không nên đặt tên cho Đạo” [65; 68].
Đạo được Lão Tử đề cập nhiều lần trong Đạo Đức kinh. Ở chương 25 Lão Tử định nghĩa Đạo như sau:
“Có vật hỗn độn mà nên Sanh trước trời đất, Yên lặng trống không, Đứng riêng mà không đổi, Đi khắp mà không mỏi, Có thể là mẹ thiên hạ, Ta không biết tên,
Gọi đó là Đạo” [31; 139]
Vì nó là một cái gì lớn tuyệt đối nên Lão Tử mới tiếp tục khẳng định ở chương 14 Đạo Đức kinh: “Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi” [31; 92] hay: “Dài dằng dặc mà không có tên, rồi lại trở về chỗ không có, ấy gọi là hình trạng không hình trạng” [31; 92]. Vậy Đạo là một cái gì gần như không có hình trạng, không phải là một vật gì cả.
Trong Đạo Đức kinh ở chương 40 Lão Tử đưa ra một cách hiểu Đạo dưới hai phương diện: Vô và Hữu. “Vô” thì Đạo là nguyên lí của trời và đất, nguyên lí vô hình, “hữu” thì Đạo là nguyên lí hữu hình, là Mẹ sinh ra vạn vật. Trời Đất do Đạo mà ra mà Đạo là cái lẽ nhiệm màu không sao hình dung
được nên gọi là “vô”. Đạo là bản nguyên, là nguồn gốc của vạn vật, của con người. Mối quan hệ giữa Đạo và thế giới muôn hình vạn trạng được Lão Tử giải thích ra sao? Theo Lão Tử thì:
“Vạn vật dưới trời sinh nơi “có”, “Có” sinh nơi “không” [31; 201]
Đạo trong quan niệm của Đạo gia được thể hiện ở thể, tướng, dụng, không có hình dáng tướng mạo mà lại rất công hiệu. Thể của Đạo không thể dùng lời nói mà hình dung được, thì nguyên thủy của Đạo cũng không sao nói ra được, ta chỉ có thể hiểu Đạo dường như có trước tạo vật, nhưng không thể biết Đạo do đâu mà ra. Tuy là hư không mà dùng không hết, lấy không cùng, linh hoạt vô cùng. Qua đó có thể thấy quan niệm của Đạo tỏ ra rất tương đồng với quan niệm bản thể là tính không (sùnyatà) của Phật giáo. Tuy nhiên, nếu Phật giáo nhất là Phật giáo Thiền tông cho rằng thế giới hiện tượng (thế giới ngoại cảnh) vốn không nhưng vì vọng niệm (tâm chấp cảnh) nên thành có thì Đạo gia cho rằng nguồn gốc, cội nguồn vốn có của vạn vật là vô thủy vô chung.
Tướng của Đạo được bàn đến ngay từ chương 1 Đạo Đức kinh: “Không tên, là gốc của Trời Đất, có tên là mẹ của vạn vật” [31; 37]. Không tên là cái Thể, có tên là cái Tướng, “không tên” là chỉ về thời kì tiên thiên, Đạo chưa hiển lộ ra, “có tên” là chỉ về thời kì hậu thiên, lúc mà Đạo đã hiển lộ ra.
Dụng của Đạo được nhắc tới ở chương 4: “Nó làm nhụt bén nhọn, tháo gỡ rối rắm, điều hòa ánh sáng, đồng cùng bụi bặm” [31; 54]. Đạo dung hòa tất cả mọi trình độ hiểu biết về thị phi thiện ác. Đạo cũng hòa lẫn cái trong sạch và nhơ bẩn, không phân thanh trọc gì cả, thế mà Đạo vẫn trong trẻo lạ lùng. Chương 40 ông viết: “Yếu, mềm là cái dụng của Đạo” [31; 201]. Đạo lưu hành ở khắp nơi không chỗ nào không có, là căn nguyên tạo thành bản chất của mỗi vật, đa dạng vô cùng vô tận, vô thủy vô chung không làm sao giới hạn được. Đạo là chỗ tự sinh của muôn loài mà không biết tại sao sinh ra. Nó là vật che chở và nuôi dưỡng vạn vật mà không tự cho mình là chủ của muôn
vật. Bởi thế ở chương 34 Đạo Đức kinh chúng ta thấy viết: “Vạn vật nhờ Nó mà sinh ra, mà không một vật nào bị Nó khước từ. Xong việc rồi không để tên. Che chở nuôi nấng muôn loài mà không làm chủ” [31; 175].
Khi bàn về cái Đạo nhân sự chương 37 Đạo Đức kinh có viết: “Đạo thường không làm nhưng không gì không làm” [31; 186]. Lão Tử tỏ ra rất tâm đắc khi lấy nước để ví với Đạo và bậc chí nhân, nhiều lần ông dùng hình tượng của nước để thể hiện quan điểm của mình. Trong chương 8 của Đạo Đức kinh, Lão Tử nói về điều này: “Bậc thượng thiện, giống như nước, nước thì ưa làm lợi cho vạn vật mà không tranh. Ở chỗ mà người người đều ghét, nên gần với Đạo. Ở thì hay lựa chỗ thấp, lòng thì chịu chỗ thâm sâu, xử thế thì thích lòng nhân, nói ra thì trung thành không sai chạy, sửa trị thì làm cho được thiên hạ thái bình” [31; 68]. Đó là khi Lão Tử bàn đến cái Đạo về nhân sự.
Tiếp tục quan điểm của Lão Tử, quan niệm về Đạo ở Trang Tử có tính chất bản thể luận và đó là thứ bản thể siêu việt. Nếu như Lão Tử còn có lí luận để nói về Đạo là “tính quy luật” hay “trình tự” của tự nhiên thì Trang Tử xem Đạo là một thứ siêu không gian, siêu thời gian, siêu cảm giác. Trong Nội thiên của tác phẩm Nam Hoa kinh, Trang Tử đã dùng khoảng 33 từ Đạo với nhiều hàm nghĩa, diễn tả những nội dung khác nhau. Chủ yếu ở thiên Trí Bắc Du và thiên Đại Tông Sư. Cũng như Lão Tử, Đạo của Trang Tử mang hàm nghĩa bản thể luận, Đạo sinh ra trời đất, là nguồn gốc của vạn vật. Trang Tử khi nói về Đạo cho rằng: “Đạo thì bản thân tự căn, hồi chưa có Trời Đất, Đạo đã có rồi. Từ cội nguồn gốc gác xa xưa, khi chưa có trời đất, nó vốn đã tồn tại rồi, thần quỷ thần đế, sinh ra trởi, sinh ra đất, xuất hiện trước thái cực, mà không coi là cao, ở sâu bên dưới lục cực mà không coi là sâu, có trước cả khi có trời, có đất mà không lâu, phát triển từ thời thượng cổ rồi mà vẫn không coi là già nua” [64; 290]. Đạo biểu hiện ở vạn sự vạn vật, bởi vậy không sự vật nào là không có cái tính “tự sinh”, “tự trưởng”, “tự hủy”, “tự diệt” của nó. Đạo là cái tự nhiên, không phụ thuộc vào bất kì một đấng sáng tạo nào.
Trang Tử còn xem Đạo là “vô thường”. Đây chính là một bổ sung mới của Trang Tử. “Vô thường” chính là sự biến hóa của vũ trụ, là quá trình chuyển tiếp giữa vũ trụ và vạn vật, là trạng thái vận động biến hóa không ngừng của Đạo. Trang Tử đã không tách biệt trạng thái bất động, tĩnh lặng của Đạo với sự vận động biến đổi của nó như Lão Tử, ông đã đồng nhất làm một, tuyệt đối hóa sự vận động, bỏ qua sự bất động tĩnh lặng. Ông cũng không phân ra các mặt đối lập trong Đạo mà xóa nhòa ranh giới giữa các sự vật xem ta và vật, phải và trái, lớn và nhỏ, sống và chết như nhau. Khi xem Đạo là “vô thường” ông đã tuyệt đối hóa vận động, xóa nhòa mọi ranh giới giữa vận động và đứng im, giữa tồn tại và không tồn tại để chỉ còn thấy tất cả đều là tương đối, nhưng quy luật tự nhiên của ông lại mang tính tuyệt đối, khuôn mẫu. Đó là mâu thuẫn trong tư tưởng Trang Tử.
Như vậy theo Đạo gia thì vũ trụ vận động biến đổi chứa đựng vạn vật đa dạng nhưng đều có nguồn gốc từ một cái tuyệt đối và duy nhất đó là Đạo. Đạo là nguyên lí tuyệt đối sinh ra Trời Đất vạn vật cho nên hễ có vật tức là có Đạo, con người cũng vậy, con người sinh ra từ Đạo. Thiên Trí Bắc Du có đoạn: “Cái sống của con người là sự tụ hợp của khí. Tụ lại thì sống, tan ra thì chết” [65; 72]. Ngay cả con người và ý thức của họ cũng là từ Đạo mà ra, chỉ trong sự vận động của Đạo mới sinh ra ý thức cùng mọi sự vật khác.
- Quan niệm về đức
Đi liền với những tư tưởng về Đạo là những tư tưởng về Đức. Đức thông thường có hàm nghĩa chỉ luân lý. Đức ở Đạo gia được sử dụng với nghĩa rộng hơn rất nhiều so với nghĩa thông thường.Chữ Đức cũng được Đạo gia nhắc đến với hai nghĩa cái Đức của Đạo và cái Đức không phải của Đạo, tức là cái Đức của sự đã mất Đạo như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… Tôn chỉ của Lão Tử, chỗ chủ yếu nhất là câu “Thượng đức bất đức” [31; 189] ở chương 38 Đạo Đức kinh. “Thượng đức” là ám chỉ cái Đức của Đạo, “bất đức” là cái Đức của nhân sự. Ông nói “Mất Đạo rồi mới có Đức, mất Đức rồi mới có
nhân, mất nhân rồi mới có nghĩa, mất nghĩa rồi mới có lễ” [31; 191]… Đức được thể hiện ở chương 10 bằng các câu: “Sanh đó, nuôi đó. Sanh mà không chiếm cho mình. Làm mà không cậy công, làm bậc lớn mà không làm chủ. Đó gọi là Huyền đức” [31; 77]. Tiếp tục ở chương 51 ông cũng có bàn đến Huyền Đức: “Muôn vật tôn Đạo quý Đức” [31; 246]. Đến chương 65 thì ông bàn về cái dụng của Huyền Đức trong việc trị quốc:
“Biết hai điều ấy, là biết làm mô thức.
Thường biết làm mô thức, nên gọi là Huyền Đức. Huyền Đức thì sâu thẳm, nhân đó muôn vật trở về. Rồi sau mới đến chỗ đại thuận” [31; 333]
Tất cả đều là cái Đức của Đạo. Còn như khi ông nói “dĩ đức báo oán” thì đây lại chỉ Đức nhân nghĩa thông thường.
Trang Tử cũng có nhắc đến chữ Đức trong thiên Thiên Địa. Với Trang Tử thì Đức là cái Đạo biểu hiện nơi mỗi người mỗi vật, là những năng khiếu tự nhiên. Khái niệm Đức không phải là đạo đức xã hội mà là năng lực phát triển tự do trọn vẹn có bản tính tự nhiên ở mọi người, mọi vật. Đạo với Đức, tuy danh từ dùng có khác nhưng thực ra vẫn là một. Đức này không mang nghĩa luân lí, đạo đức mà là đặc tính tự nhiên cơ bản chân thực của vạn vật được bẩm thụ từ Đạo. Đức chính là cái khiến cho mỗi vật có một sở năng riêng, không lặp lại ở bất cứ vật nào, tự nhiên mà như thế. Trong quan niệm về mối quan hệ giữa Đạo và Đức, Trang Tử đã bày tỏ ý tưởng về tính đa dạng và thống nhất của vũ trụ, mỗi vật là một sự tự thống nhất, mỗi loài đều có Đức riêng, có khả năng tự nhiên riêng. Tuy nhiên sai lầm của Trang Tử thể hiện ở chỗ đã thổi phồng sự thống nhất của vạn vật để phủ nhận sự khác biệt giữa chúng.
Kế tục quan điểm của Lão Tử, Trang Tử cũng khẳng địnhcó một cái gì đó tồn tại chân thực, là cội nguồn sơ khai của vạn vật, vượt khỏi giới hạn có thể biết của nhận thức thông thường và ông tạm gọi nó là Đạo, trong khi đó Lão Tử cũng miêu tả hình dạng của Đạo là cái “mập mờ”, “thấp thoáng”, “tối
tăm‟, “nhìn không thấy‟, “nắm không được” nhưng có lẽ Trang Tử đã tỏ ra cụ thể hơn khi cho Đạo là cái “vô hình”. Đó chính là điểm khác với các nhà triết học đương thời khác khi bàn về khởi nguyên của vũ trụ họ đi từ thấp đến cao trong đó có cả Lão Tử, Trang Tử đã đi từ cao xuống thấp để chỉ ra tính tối cao bao trùm của Đạo. Và như thế Trang Tử phần nào đã chỉ ra được cái khởi nguyên của vũ trụ vừa mang tính phổ quát lại vừa mang tính cụ thể riêng biệt. Khi đề cao bản tính thần diệu của Đạo, truất ngôi tối cao của Thượng Đế, Trang Tử đã góp phần gạt bỏ tôn giáo. Nhưng với luận điểm Đạo tạo ra quỷ thần và làm cho nó trở thành linh thiêng thì ông lại mở đường cho Đạo giáo, các chi phái của Đạo giáo về sau phát triển,vì thế quan niệm của Trang Tử so với Lão Tử về Đạo còn nhiều điều huyền bí.
Khi so sánh với Nho gia chúng ta thấy xuất phát từ quan niệm Đạo như