8. Kết cấu của luận văn
1.2.3. Tư tưởng biện chứng
Phần quý giá nhất và đặc sắc trong tư tưởng Đạo gia là tư tưởng biện chứng chất phác. Trong quá trình học thuyết về Đạo của mình, Lão Tử cũng như Trang Tử cho rằng toàn bộ thế giới vạn vật trong vũ trụ, kể cả con người bắt nguồn từ Đạo và luôn trong dòng biến chuyển không ngừng.
Tư tưởng biện chứng là một trong những tiền đề lí luận quan trọng cho quan điểm về con người trong Đạo gia đặc biệt về khía cạnh nhân sinh. Chương 22 Đạo Đức kinh Lão Tử cho rằng:
“Cái gì khuyết thì lại toàn; Cái gì cong thì lại ngay; Cái gì sâu thì lại đầy; Cái gì cũ thì lại mới; It thì lại được;
Nhiều thì lại mê” [31; 126]
Như vậy Đạo là quân bình, là không có gì là thái quá. Chương 23 ông lại nói thêm: “Gió lốc không thổi suốt một buổi mai, mưa rào không mưa suốt một ngày trường” [31; 131]. Đạo rất ghét cái gì thái quá cho nên ông khuyên ta nếu cần phải làm thì hãy “khứ thậm, khứ xa, khứ thái” nghĩa là hãy trừ khử những cái gì thái quá. Chương 24 Lão Tử lại viết:
“Nhón gót lên thì không đứng vững;
Xoạc chân ra thì không bước được” [31; 135]
Lão Tử ý muốn bảo cái gì thái quá thì mất quân bình mà mất quân bình thì sẽ không được vững vàng. Đó cũng là cùng một ý với câu “vật mạnh lớn ắt già” [31; 158] ở chương 30. Cũng để biểu diễn cái luật cốt yếu của cái Đạo biến hóa ấy ở chương 25 ông nói: “Lớn là tràn khắp, tràn khắp là đi xa, đi xa là trở về” [31; 139] có nghĩa là bất cứ sự vật nào trên đời hễ phát đạt bành trướng đến cực điểm sẽ bị biến trở lại cái mâu thuẫn trước kia của nó. Để chứng minh cái định luật phản phục, không chương nào nói rõ ràng bằng chương 36:
“Hòng muốn thu rút đó lại, là sắp mở rộng đó ra. Hòng muốn làm yếu đó, là sắp làm đó mạnh lên. Hòng muốn vứt bỏ đó, là sắp làm hưng khởi đó.
Hòng muốn cướp đoạt đó, là sắp ban thêm cho đó”. [31; 182] Chương 77 ông nói thêm:
“Đạo Trời ư? Khác nào cây cung giương lên: Chỗ cao thì ép xuống,
Chỗ thấp thì nâng lên. Có dư thì bớt đi. Không đủ thì bù vào. Đạo của Trời:
Bớt chỗ dư.
Bù chỗ thiếu.” [31; 380]
Trước hết trong luật quân bình chúng ta nhìn thấy quan điểm biện chứng về các mặt đối lập và mối quan hệ giữa chúng, mỗi vật đều tồn tại những cặp mâu thuẫn tồn tại bên cạnh nhau, bổ sung chuyển hóa và tác động lẫn nhau. Ông còn chỉ ra mọi sự vận động, biến đổi của sự vật là do nguồn gốc từ chính trong bản thân sự vật. Mỗi sự vật đều là một thể thống nhất của hai mặt đối lập, vừa không thể thiếu nhau vừa xung khắc với nhau, dựa vào nhau để chuyển hóa. Với lí luận mặt đối lập Lão Tử đã vạch ra được bản chất thực của quá trình chuyển hóa, vạch ra được nguồn gốc của mọi sự vận động biến đổi. Đây là thành quả đặc sắc nhất trong triết học Lão Tử, biểu hiện năng lực quan sát tinh vi và trình độ tư duy sắc sảo của ông đối với sự vật khách quan. Tuy nhiên Lão Tử mới chỉ thấy các mặt đối lập trong sự vật, hiện tượng tồn tại nương tựa vào nhau một cách hình thức giản đơn. Ông quan niệm sự chuyển hóa cũng chỉ là sự thay thế, chuyển đổi vị trí cho nhau một cách tuần tự, kế tiếp, phản phục, quân bình, không có sự đấu tranh, phủ định, bài trừ, thâm nhập vào nhau một cách biện chứng. Do vậy sự vận động, biến đổi của sự vật không có bước nhảy vọt, không có sự thay đổi về chất mà chỉ là quá trình lặp đi lặp lại, mang tính chất tuần hoàn.
Luật phản phục thể hiện rõ hơn quan điểm biện chứng của Lão Tử. Bất kể sự vật hiện tượng nào cũng bao gồm những cặp mâu thuẫn vì thế Lão Tử cho rằng cách thức vận động của đại Đạo cũng như của vạn vật là đều theo quy luật “vật tráng tắc lão”; “vật cực tắc phản” cũng là theo cái nghĩa “phản phục”. Vũ trụ luôn vận động theo một vòng tuần hoàn “đi rồi về”, chẳng hạn
có họa ắt có phúc, trong phúc ẩn chứa họa, lớn mãi rồi ắt bé, đầy rồi lại vơi… Như vậy với tư tưởng biện chứng sơ khai Lão Tử đã chỉ ra được một phần nội dung quy luật mâu thuẫn và quy luật lượng chất - quy luật tất yếu của tự nhiên xã hội và con người, đó là sự chuyển biến về chất của một sự vật hiện tượng khi đã phát triển đến điểm tận cùng của nó. Nhưng hạn chế của ông là ở chỗ ông mới chỉ khẳng định rằng có sự chuyển hóa mà chưa chỉ ra ranh giới sự khác biệt về chất giữa các mặt đối lập để từ đó xác định điều kiện cho sự chuyển hóa giữa chúng. Hơn nữa Lão Tử mới chỉ chỉ ra và khẳng định hai mặt đối lập trong một sự vật mà chưa thấy được sự đấu tranh chuyển hóa giữa chúng để đưa đến một kết quả mới. Thậm chí ông còn chủ trương tiêu diệt mâu thuẫn. Ông cho rằng những cái mâu thuẫn, đối lập mà thống nhất với nhau trong hiện thực chính là nguồn gốc của mọi sự rối loạn và tai họa trong xã hội. Khi Đạo lớn bị phá bỏ, thì xuất hiện “nhân” và “nghĩa”, khi trí tuệ xuất hiện thì sinh ra sự giả dối nhiều, khi gia tộc không hòa thuận thì xuất hiện “hiếu” và “từ”, khi quốc gia rối loạn thì xuất hiện “trung thần” và ông cũng cho rằng sự vật phát triển đến tột cùng sẽ xoay ngược lại, tai nạn sẽ biến thành hạnh phúc, dè sẻn và tích lũy của cải một cách thái quá sẽ dẫn tới lãng phí và tổn thất nhiều… Hạn chế của ông là không vạch ra được xu thế phát triển đi lên, với sự ra đời của cái mới tiến bộ mà dừng lại ở sự chuyển hóa trong vòng tuần hoàn khép kín theo “luật phản phục”. Còn sự chuyển hóa của các mặt đối lập không phải là quá trình đấu tranh giải quyết mâu thuẫn mà là sự điều hòa theo “luật quân bình”.
Như vậy tư tưởng biện chứng của Lão Tử tuy đã vẽ nên bức tranh sinh động của hiện thực nhưng về căn bản nó vẫn mang tính chất tự phát ngây thơ, dựa trên những kinh nghiệm có tính trực quan cảm tính và chủ yếu là mô tả sự biến chuyển của sự vật hiện tượng trong tự nhiên cũng như trong xã hội. Nó chưa có cơ sở để vạch ra bản chất bên trong của sự biến đổi đó. Đây không chỉ là hạn chế bị quy định bởi tính chất thời đại lịch sử mà còn do sự hạn chế
về trình độ nhận thức còn thấp ở Trung Quốc lúc bấy giờ.
Nếu Lão Tử có luật quân bình và luật phản phục thì trong Nam Hoa Kinh Trang Tử nói đến thuyết “thiên quân” trong thiên Tề Vật Luận và thiên Thiên Địa, lại nói đến cả thuyết “vạn hóa” trong thiên Đại Tông Sư, Thu Thủy, Tại Hựu, Thiên Thụy, Tắc Dương thể hiện tư tưởng biện chứng sơ khai. Theo Trang Tử thì thế giới là một dòng sinh sinh hóa hóa bất tận, muôn vật vật nào cũng luôn trong trạng thái biến đổi, vừa sống lại vừa chết và nguyên nhân của chuỗi biến hóa này thì không thể biết được. Trong thiên Tề Vật Luận tác phẩm Nam Hoa Kinh, Trang Tử đã chứng tỏ triết học của mình là một thứ triết học biến động. Ông viết “Vạn vật đều là một giống cả, không cùng hình mà thay nhau, trước sau như cái vòng tròn, không thể phân biệt luân loại. Nên gọi là Thiên Quân” [31; 154]. Như vậy Trang Tử cho rằng vạn vật đều biến hóa theo một cái khuôn tựa như một “bánh xe tự nhiên”. Ông cho rằng vạn vật như mau như chạy, không lúc nào là không biến, vật vừa là nó đồng thời cũng là một cái khác nó. Có thể coi đây là quy luật vận hành đắp đổi quân bình của vạn vật. Vật lớn rồi đi xa, đi xa rồi trở lại giống như hết ngày đến đêm, hết họa thì đến phúc. Cái sẽ đến cũng giống với cái đã qua, quá khứ hiện tại và tương lai chỉ là sự lặp lại tuần hoàn, vĩnh viễn. Mọi vật trong tự nhiên đều vận động theo luật quân bình, cho nên chúng đều bình đẳng hợp lí. Tự nhiên luôn luôn vẫn quân bình còn sự biến thiên của các giống vật đều không có mục đích, không có phương hướng. Có thể nói ông chủ trương vạn hóa chứ không chủ trương tiến hóa. Và cho dù là Lão Tử hay Trang Tử thì bất kể sự vật hay con người thì đều phải trở với cái trạng thái ban đầu có sẵn của mình. Tư tưởng biện chứng của Trang Tử cũng được thể hiện khi ông bài bác sự cố chấp một cách mù quáng của Khổng Mạnh khi lí tưởng chính trị của họ là khôi phục lễ nghi của nhà Chu, xây dựng xã hội đại đồng, vua sáng tôi hiền, tôn vinh Nghiêu Thuấn trong khi Trang Tử cho rằng
lễ nghi pháp độ phải tùy thời mà thay đổi. Quan niệm này đã thể hiện tư duy biện chứng đặc sắc của Trang Tử.
Vậy là ở một mức độ nhất định Trang Tử cũng đã đề cập đến một trong những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật - quy luật phủ định của phủ định, ông cũng khẳng định sự biến hóa và phát triển không ngừng của mọi sự vật hiện tượng “vạn hóa” tuy nhiên khuynh hướng phát triển của ông lại giống như hình ảnh chiếc bánh xe tròn “thiên quân”, điểm khởi đầu và điểm kết thúc là một. Con đường đó của vạn sự vạn vật là một cái vòng tròn chứ không phải một đường thẳng đi đến một mục tiêu nào. Cũng như những nhà biện chứng khác, Trang Tử cho rằng mọi vật ở trong một sự khăng khít phụ thuộc lẫn nhau mà có chỗ ông ví như sự liên hệ giữa những bộ phận trong cơ thể con người. Mặc dù vậy thực chất phép biện chứng Trang Tử là phép biện chứng tự phát, nó không phải một hệ thống mà chỉ là những yếu tố rời rạc, hay nói cách khác những yếu tố biện chứng của ông chỉ dừng lại ở mặt hình thức còn nội dung thì là thuật ngụy biện và chủ nghĩa tương đối. Trang Tử một mặt cũng thấy được sự tồn tại của những yếu tố đối lập trong sự vật hiện tượng nhưng mặt khác do tuyệt đối hóa sự vận động, không thừa nhận đứng im tương đối nên ông thổi phồng tính tương đối của hai yếu tố đối lập và chủ trương xóa nhòa ranh giới giữa chúng. Điều này là hoàn toàn sai vì như vậy ông đã xóa nhòa mọi đối lập mọi tương phản trong sự vật và không nhìn thấy động lực thực sự của sự vận động và phát triển, khiến những sự vật vô cùng khác biệt trở thành bình đẳng tuyệt đối và tất cả chỉ là tương đối. Đó là bước lùi của ông so với Lão Tử.
Có thể thấy Đạo gia với hai triết gia tiêu biểu Lão Tử và Trang Tử đã phát triển những quan điểm về con người nhân sinh từ những tư tưởng biện chứng sơ khai của mình. Tư tưởng Lão Trang quan niệm muôn vật mọi loài trong vũ trụ tồn tại trong sự phụ thuộc lẫn nhau và đều có khả năng “tự hóa”, vũ trụ luôn luôn biến đổi vạn vật trong đó đều theo vòng quay bất tận của
vòng trời và có thể thay vị đổi ngôi. Đó là những tiền đề lí luận cơ bản về nguyên lí mối liên hệ và sự phát triển cho những quan điểm về con người của Đạo gia sau này.
Tuy nhiên có một số điểm hạn chế mà chúng ta có thể nhận thấy ngay đó là tuy tư tưởng Lão Trang nhìn thấy sự biến đổi tuần hoàn của thế giới vạn vật nhưng lại cho rằng mỗi vòng khâu giống như một vòng tròn khép kín, trong đó điểm đầu và điểm cuối trùng khít lên nhau. Họ quan niệm phiến diện về thế giới. Thế giới vận động theo một vòng tròn vĩnh cửu, mọi sự vật hiện tượng chỉ xô đẩy nhau để lặp đi lặp lại một cách vô tận. Rõ ràng họ chưa nhìn thấy sự vận động khuynh hướng phát triển của sự vật đi lên theo vòng xoáy ốc mà sản phẩm của giai đoạn sau bao giờ cũng cao hơn về chất so với giai đoạn trước. Hạn chế này cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Cuộc sống của những người dân thời cổ đại Trung Quốc gắn liền với nền kinh tế lúa nước. Cùng với việc cầu xin sức mạnh thần bí từ những lực lượng tự nhiên, họ buộc phải tìm hiểu tự nhiên để vận dụng trong quá trình gieo trồng, có thể khi quan sát những hiện tượng tự nhiên lặp đi lặp lại nhiều lần thì họ đã cho rằng quy luật về sự vận động tuần hoàn là quy luật phổ biến của tự nhiên và cũng là quy luật của con người và xã hội loài người.
Phần lớn các học giả đều cho rằng học thuyết của Lão Tử, Trang Tử khi đề cập đến Đạo và Đức và về cơ bản có nội dung tương đồng. Quan niệm về Đạo, tư tưởng vô vi và con đường biến hóa của vạn vật của Trang Tử về cơ bản là thống nhất với quan niệm của Lão Tử. Tuy vậy giữa Trang và Lão vẫn có sự khác biệt trong quan niệm về quan hệ giữa “vật” và “ngã”, sinh và tử, trước và sau, trên và dưới, cứng và mềm, cương và nhu, trống và mái…Lão Tử còn phân định các khái niệm trên, chủ trương quý mềm giữ mái, Trang Tử cực đoan hơn còn thủ tiêu mọi sự khác biệt, chủ trương “huyền đồng vật ngã”, tề thị phi, tề sinh tử, tề vạn vật. Hay nói một cách chính xác thì Trang Tử đã phát triển những khiếm khuyết trong tư tưởng biện chứng của Lão Tử thành
chủ nghĩa tương đối, từ đó tiến tới phủ nhận chân lí khách quan. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng đến nhân sinh quan Lão - Trang và nhân sinh quan của Trang Tử về cơ bản là phát triển một cách cực đoan những nhân tố bi quan, yếm thế trong nhân sinh quan Lão Tử mà trong đó quan điểm về chính trị - xã hội là yếu tố thể hiện rõ nhất điều này.