Nội dung của giáo dục

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của edgar morin trong tác phẩm bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai (Trang 58 - 65)

Cần nhấn mạnh một điều rằng nếu nền giáo dục vừa lạc hậu vừa xa rời cuộc sống thì đầu ra của nó là những con người vụng về trong ứng xử, thiếu hiểu biết về kỹ năng, thậm chí còn ngạo mạn về các giá trị văn hóa và tư tưởng. Do đó, chúng ta phải định hướng nội dung giáo dục đào tạo theo tư duy mở, nghĩa là hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới.

Edgar Morin cho rằng chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục. Học tri thức thì chỉ biết tri thức, học phương pháp thì sẽ biết cách chiếm lĩnh các tri thức. Tri thức của thế giới ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. Vì thế chương trình giáo dục phải chọn lọc, tinh giản, không thể quá tải và ôm đồm. Nếu người học chỉ tiếp thu tri thức ở nhà trường thì sau khi ra trường sẽ quên và mau chóng lạc hậu. Do đó việc học tập cần phải được tiếp tục thường xuyên, suốt đời và bằng nhiều phương thức và ở mọi nơi, mọi lúc không phải chỉ ở nhà trường.

Nội dung giáo dục bảo đám tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại và có hệ thống. Coi trọng giáo dục tư tưởng, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

55

Thiết kế nội dung chương trình giảng dạy phải phù hợp với khuynh hướng toàn cầu hóa, Morin đưa ra nội dung giảng dạy trong giáo dục, trong đó nhấn mạnh làm thế nào để người học nắm được những nguyên lý tạo ra kiến thức, hiểu được những khiếm khuyết, sự thiếu chắc chắn của kiến thức, trang bị cho người học khả năng thấu hiểu người khác, tinh thần chấp nhận sự khác biệt, lối ứng xử, cách điều tiết giữa các cá nhân và xã hội thông qua lịch sử của mình, cũng như những khả năng để đối phó với những điều thiếu chắc chắn, bất xác định, bất ngờ có thể xảy ra.

Edgar Morin không nêu ra một nội dung giáo dục cụ thể, chi tiết. Ông không bàn đến việc ở cấp học nào thì nội dung giáo dục ra sao mà đây là những nội dung được ông cho là cần thiết, thiết yếu cho giáo dục. Từ những suy tư về những thách thức của giáo dục hiện đại đến mục tiêu cần hướng đến thì nội dung giáo dục là những vấn đề: Giáo dục là giảng dạy về hoàn cảnh con người (condition humaine), làm cho mỗi người có ý thức sâu sắc thế nào là một con người.

Edgar Morin viết: “Như những sinh vật của hành tinh này, sự sống chúng ta tùy thuộc vào sinh quyển của quả đất; chúng ta phải nhìn nhận cái căn cước địa cầu rất ư vật chất và sinh vật ấy của chúng ta” [35, tr. 64]. Mặt khác “tiến trình nhân loại hóa dẫn đến một khởi đầu mới… khái niệm con người có hai mặt, mặt lý sinh và mặt tâm lý-xã hội-văn hóa, hai mặt này liên quan tương hỗ với nhau.” [35, tr. 65]

Trong nghiên cứu con người, khi cô lập những mặt, những khía cạnh nào đấy ở con người thành những đối tượng nghiên cứu chuyên biệt, thì con người hiện thực với tất cả tính đa dạng và phong phú trần thế của nó vô tình đã bị tước đi tính thống nhất toàn vẹn vốn có. Việc đề cao các khoa học đi vào chuyên biệt theo E. Morin sẽ không tránh khỏi làm cho “bản sắc con người”, tức là tính thống nhất, đa dạng phức hợp của loài người… bị chuyện môn hóa và bị phân cách thành từng ngăn riêng khi triển khai hoạt động. Trong cuốn

56

sách Trái đất tổ quốc chung, Morin cũng từng viết: “các đặc trưng sinh học của loài người bị cắt rời từng mảng cho các khoa sinh học và y học. Các đặc trưng tâm lý, văn hóa và xã hội bị phân chia thành nhiều mảnh bố trí trong nhiều bộ môn riêng biệt của khoa học xã hội và nhân văn, đến nỗi xã hội hóa mất hết khả năng nhìn vào xã hội, sử học tự thu mình lại trong bản thân và kinh tế học thì cố khai thác từ Homo sapien demens (người không/điên rồ) cái phần cặn bã đã vắt kiệt máu của con “người kinh tế”. Tồi tệ hơn thế, ý tưởng về loài người, tình người đã bị đập nát thành những mẩu nhỏ… triết học thì khóa kín trong các trừu tượng hóa của mình, chỉ còn đủ sức để liên kết nhân loại qua những thể nghiệm thực tiễn…” [42, tr. 143]

Có cơ sở để nói rằng, chính những thành tựu mới của khoa học hiện đại, đặc biệt những thành tựu của các khoa học chuyên sâu đã làm hình ảnh về con người trong nhận thức bị “nát vụn thành những mẩu nhỏ”, nảy sinh nhu cầu cần phải có một cái nhìn toàn vẹn hơn về con người. E. Morin còn nói thêm “con người thoát thai từ vũ trụ, từ thiên nhiên, nhưng chính do tính người, văn hóa, tinh thần ý thức của mình, chúng ta lại trở thành khác lạ đối với cái vũ trụ đang vây phủ chúng ta một cách thân thiết đó. Tư duy, ý thức của chúng ta vốn đã giúp chúng ta nhận biết được thế giới vật chất này lại cũng tách rời chúng ta ra khỏi nó. Chính việc nhìn vũ trụ một cách hợp lý và khoa học đã làm chúng ta xa cách nó. Chúng ta đã tự phát triển ra xa hơn cái thế giới vật chất và sinh vật đó”. [35, tr. 65]

Đối với Edgar Morin “con người có có tính thống nhất và tính đa dạng. Hiểu con người nghĩa là hiểu được tính thống nhất trong tính đa dạng, cũng như tính đa dạng trong tính thống nhất của nó” [35, tr. 70]. Giáo dục phải nhấn mạnh nguyên tắc tính thống nhất/tính đa dạng này trong tất cả các lĩnh vực.

Ông coi mỗi người như là một tiểu vũ trụ, mang trong mình tính đa dạng: “Chính bản thân con người cùng một lúc là một và nhiều. Chúng ta đã

57

nói rằng mọi người, như một điểm của một bức ảnh toàn tức, đều mang cả vũ trụ trong nó. Chúng ta phải thấy rằng tất cả mọi người, ngay cả kẻ chỉ có một cuộc đời tầm thường nhất trong những cuộc đời cũng mang trong bản thân nó một vũ trụ. Nó mang trong nó tính đa diện nội tâm, những nhân cách ảo, một tồn tại nhiều mặt trong thực tế và tưởng tượng…” [35, tr. 73]

Tác giả E. Morin nhấn mạnh không một xã hội con người nào, dù cổ sơ hay hiện đại mà không có văn hóa, nhưng tất cả các văn hóa đều khác biệt. Con người là một thực thể sinh vật, nhưng nếu nó không có được văn hóa một cách trọn vẹn thì cũng chỉ là một loài linh trưởng thấp kém. Văn hóa tích lũy lại trong con người những thứ được giữ gìn, truyền đạt, học hỏi và bao gồm những chuẩn mực và nguyên tắc thâu lượm được. Và như thế, giáo dục phải hướng đến nghiên cứu tính phức hợp của con người. Giáo dục phải cho chúng ta thấy được hoàn cảnh con người ở những khía cạnh khác nhau với tư cách là cá nhân, xã hội, nhân loại, lịch sử, mối quan hệ giữa chúng. Ông cho rằng ở “thế kỷ XXI phải từ bỏ cái nhìn đơn phương định nghĩa con người bởi tính hợp lý. Con người vốn phức tạp và mang trong nó những tính chất đối nghịch”. [35, tr. 74]

Xã hội loài người phát triển không chỉ có cái riêng của từng người, từng dân tộc mà còn đi đôi với cái chung của loài người. Do đó mỗi người, mỗi dân tộc phải biết rõ mình, đồng thời phải hiểu người khác, phải biết phát hiện ra người khác. Một trong những nhiệm vụ của giáo dục là giúp người học vừa nhận thức về sự đa dạng vừa hiểu được sự tương đồng và sự phụ thuộc lẫn nhau của con người. Đứa trẻ học môn đạo đức, hoặc giáo dục công dân không phải chỉ học lý thuyết suông mà phải có kỹ năng ứng xử tốt trong gia đình, nhóm bạn, xã hội.

Mặt khác để phát triển toàn diện con người với toàn bộ sự phong phú của nhân cách từng người và toàn bộ các hình thái thể hiện mình… Ở trường học, nghệ thuật và thơ văn cần phải có chỗ đứng quan trọng hơn cái chỗ mà

58

hiện nay nó được đặt bởi một số nền giáo dục mang tính vụ lợi hơn là văn hóa. Mối quan tâm phát triển trí tưởng tượng và óc sáng tạo cũng sẽ khôi phục lại giá trị của nền văn hóa và tri thức…

Chính vì học để khẳng định mình hay học để làm người nên vai trò của khoa học xã hội và nhân văn phải được đặt đúng tầm, nó phải là nền tảng của giáo dục. Vì thế giáo dục chính quy phải thiết kế chương trình học sao cho người học có đủ thời gian và cơ hội để đến với các dự án hợp tác, hoạt động xã hội ngay từ những năm đầu đời, bắt đầu từ những hoạt động thể thao văn hóa. Giáo dục cần phải nghiên cứu đặc điểm trí óc, tinh thần, văn hóa của tri thức con người, những tiến trình và phương thức của nó.

Giảng dạy không phải là mọi kiến thức mà là các nguyên tắc chiến lược cho phép con người đương đầu với những bất định. Nói cách khác là dạy cho con người cách sống, chuẩn bị cho thế hệ trẻ biết đối mặt với những khó khăn, bất chắc và những vấn đề của tồn tại con người. Cần giảng dạy những phương pháp cho phép nắm bắt những tương quan và những ảnh hưởng tương hỗ giữa các bộ phận và toàn bộ trong một thế giới phức hợp. Edgar Morin rất quan tâm đến sự bất định, ông đã trích dẫn một câu nói của Euripide như sau: “Các vị thần tạo cho chúng ta bao ngạc nhiên: Điều chờ đợi đã không xảy ra và một vị thần đã mở đường đến điều không chờ đợi” [35, tr. 105].

Lịch sử con người đã và vẫn còn tiếp tục là một cuộc phiêu lưu vô định. Mặc dù vẫn có những điều xác định về kinh tế, xã hội học và những thứ khác trong quá trình lịch sử nhưng chúng đều không vững vàng và không rõ ràng với biết bao tai nạn và bất ngờ làm cho lịch sử đổi hướng và xoay chiều. Trong nền văn minh hiện nay sự tiến bộ chắc chắn là có thể có, nhưng nó không có gì là chắc chắn. Ngoài bất xác định của tương lai còn có những bất xác định do sự nhanh chóng và tăng tốc của những tiến trình phức tạp và ngẫu

59

nhiên trong thời đại toàn cầu của chúng ta mà không ai hoặc máy tính siêu hạng nào có thể nắm bắt được.

Edgar Morin rất quan tâm chú trọng đến cái ngẫu nhiên, bất định. Ông cho rằng: “Lịch sử tiến bước, không phải chỉ đi về phía trước như một dòng sông, mà qua những ngã rẽ gây ra bởi các cách tân hoặc sáng tạo từ bên trong, hoặc những biến cố hay tai nạn ở bên ngoài” [35, tr. 109]. Lịch sử không phải chỉ là một bước tiến theo đường thẳng. Nó từng cho chúng ta thấy những náo động bất thường, những rẽ ngoặt, những thời kỳ trầm lắng… Đó là một sự chồng chất những biến hóa vấp vào với ngẫu nhiên, bất ổn định, mang trong nó những diễn biến, những thoái hóa, những tiến bộ, những đổ vỡ. Và khi một lịch sử toàn cầu hình thành nó phát triển tuân theo cùng một lúc quyết định luận và những ngẫu nhiên ở đó không ngừng trỗi dậy. Vì vậy chúng ta phải học tập cách đương đầu với cái bất xác định trong thế giới mà chúng ta đang sống.

Giáo dục là phục vụ cho con người, vì con người. Vấn đề trung tâm của giáo dục không gì khác ngoài con người và vì vậy nội dung giáo dục không thể là xa lạ với con người. Cần giảng dạy sự thông cảm giữa con người với nhau, đào luyện tâm hồn con người, hình thành những nhân cách, đạo đức tốt. Mục đích là để tạo dựng nền hòa bình tương lai. Đây cũng thể hiện tính nhân văn trong giáo dục. Đối với Edgar Morin giáo dục cho sự hiểu biết của con người là cơ bản. Tuy nhiên, đó là một nhiệm vụ rất khó khăn, bởi vì để hiểu người khác, bạn phải hiểu chính mình, đó là để nói, bạn phải hiểu được cơ chế của sự hiểu biết. Vì vậy, điều quan trọng là phát triển một khả năng tự kiểm tra và tự phê bình. Chúng ta cần một nền văn hóa tinh thần là quan trọng hơn so với các nền văn hóa vật chất và điều này cần được xây dựng sớm nhất là vào giai đoạn đầu tiên của giáo dục. Giáo dục sẽ giúp mọi người hiểu được

60

người khác. Morin cho rằng, chúng ta phải hiểu rằng con người là những sinh vật phức tạp. Chúng ta có nhiều khía cạnh. Đây là nguyên tắc của sự hiểu biết. Bắt đầu từ nguyên tắc này, chúng ta có thể cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về nền văn hóa khác. Trong một thời gian dài, người phương Tây đã sống dưới ảo tưởng rằng chúng ta đã có tất cả tri thức là đúng, là sự thật và tất cả những gì là tốt. Nhưng chúng ta đã bắt đầu nhận ra và hiểu rằng điều đó không hẳn là sự thật, có những sai lầm. Điều này buộc ta phải xem xét lại và cũng dẫn đến việc đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh.

Làm sao những nền văn hóa có thể giao lưu được với nhau? Trong mỗi nền văn hóa đều lấy dân tộc hoặc xã hội mình làm trung tâm, nghĩa là không ít thì nhiều sẽ khép kín với những nền văn hóa khác. Khi vấn đề liên quan đến nghệ thuật, âm nhạc, văn học, tư duy, toàn cầu hóa văn hóa sẽ không đưa đến đồng nhất hóa. Nó hiện thân như những đợt sóng lớn xuyên quốc gia cùng một lúc lại khích lệ sự biểu hiện những đặc thù quốc gia ở trong nó. Sự phát triển của môi trường toàn cầu hóa này ngày càng rộng khắp và như vậy sẽ cổ vũ cho tiến trình toàn cầu hóa sự thông cảm nhau.

Trong “Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai, Edgar Morin còn nói đến vấn đề dân chủ. Dân chủ là một xu hướng của xã hội hiện đại và cần phải coi là một cơ sở nền tảng trong việc xây dựng hệ thống giáo dục. Mọi người đều bình đẳng về cơ hội học tập.

Nhắc đến “nhân loại” trước giờ chúng ta đều thấy nó có vẻ xa xôi và trừu tượng. Nhưng giờ đây nhân loại không còn là một khái niệm trừu tượng: Nó là một thực thể sống động, đang bị đe dọa bởi “cái chết”. “Nhân loại không còn là một khái niệm thuần lý tưởng, nó đã trở thành một cộng đồng có cùng vận mệnh, và chỉ có cái ý thức về cộng đồng này mới có thể dẫn nó đến một cộng đồng của sự sống” [35, tr. 156]. Con người phải thấu hiểu, có sự thông cảm mới có thể đương đầu với những vấn nạn đang đe dọa chính sự

61

sống của mình: chiến tranh, ô nhiễm môi trường hay thiên tai hạn hán… Với hoàn cảnh như vậy, để hiểu được tầm quan trọng của sự thông cảm điều này lại cần đến một cách tương hỗ đó là cải tạo giáo dục.

Có thể nói trong bối cảnh tầm nhìn của Edgar Morin về tư duy phức hợp, tác phẩm “Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai” đã được xuất bản bởi UNESCO công nhận là một đóng góp cho cuộc tranh luận quốc tế về làm thế nào để chuyển hướng giáo dục theo hướng phát triển bền vững. Ông đưa ra những nội dung quan trọng mà ông cho là cần thiết cho giáo dục trong tương lai. Tác phẩm không nhằm mục đích là một danh mục các môn học được giảng dạy, nhưng nhìn vào ta thấy đó là một sự lựa chọn các vấn đề cơ bản mà theo Edgar Morin là cần thiết. Đó là vấn đề của quá trình học tập bản thân và kiến thức của con người, giảng dạy quá trình thấu hiểu.

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của edgar morin trong tác phẩm bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai (Trang 58 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)