Thách thức mang tính toàn cầu

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của edgar morin trong tác phẩm bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai (Trang 37 - 41)

Thách thức có tính toàn cầu được hiểu là tình trạng không tương thích ngày càng thêm sâu rộng giữa một bên là tri thức tách biệt thành các bộ phận rời rạc và khu biệt riêng rẽ trong các bộ môn, với bên kia là các thực tại đa chiều, tổng thể , siêu quốc gia, toàn hành tinh và các vấn đề ngày càng thêm dàn rộng, đa ngành, xuyên ngành. Ông viết: “Quả thực, có bất tương thích

34

càng lúc càng lớn, càng sâu, càng trầm trọng giữa một mặt là những tri thức rời rạc, manh mún, khu biệt và mặt khác là những thực tế hay vấn đề càng ngày càng trở nên đa ngành, liên ngành, đa chiều, đa quốc gia, toàn bộ, toàn cầu”. [35, tr. 44]

Trong sự không tương thích ấy Edgar Morin cho rằng có những thứ sẽ trở thành vô hình như bối cảnh, toàn bộ, đa chiều, phức hợp… và nhiệm vụ của giáo dục trong thời đại mới là phải làm cho những thứ có nguy cơ vô hình ấy “trở thành hiển nhiên”.

Theo Morin, nhận thức được những thông tin hay dữ liệu riêng rẽ vẫn chưa đủ, những thông tin hay dữ liệu ấy đều có bối cảnh của nó. Nhờ có bối cảnh mà nó mới có ý nghĩa. Ông đưa ra một ví dụ đó là “từ “tình yêu” sẽ thay đổi nghĩa tùy theo bối cảnh tôn giáo hoặc thế tục, một sự tỏ tình không có cùng một ý nghĩa chân lý nếu nó đến từ miệng của kẻ quyến rũ hay của kẻ của bị quyến rũ”. [35, tr. 45]

Còn cái toàn bộ là tổng thể chứa tất cả các bộ phận khác nhau có tương quan về mặt tổ chức hoặc hỗ tương. “Giống như xã hội là cái toàn bộ có chức năng tổ chức mà chúng ta là thành phần. Trái đất là cái toàn bộ mà chúng ta là thành phần. Cái toàn bộ có những tính chất hoặc thuộc tính không có trong thành phần nếu các thành phần này tách riêng ra khỏi nhau, và một vài tính chất hoặc thuộc tính của những thành phần cũng có thể bị ức chế bởi những hạn chế đến từ toàn bộ”. [35, tr.45]

Edgar Morin quan niệm con người hay xã hội như những đơn vị phức hợp đều có nhiều kích thước vì vậy “con người cùng một lúc là sinh vật, tâm lý, xã hội, tình cảm, lý tính. Xã hội mang trong nó những kích thước lịch sử, kinh tế, xã hội học, tôn giáo…” [35, tr. 47]. Và chúng ta cần phải chấp nhận tính đa chiều này.

Nhận thức hiện nay phải đương đầu với tính phức hợp: “Các yếu tố không thể tách rời tạo thành cái toàn bộ và có kết cấu phụ thuộc lẫn nhau,

35

tương tác, phản ứng tương hỗ giữa đối tượng nhận thức và bối cảnh của nó, giữa những thành phần và cái toàn bộ, giữa toàn bộ và thành phần, giữa những thành phần với nhau. Do đó sự phức hợp chính là mối dây ràng buộc giữa cái có tính thống nhất và cái có tính đa dạng. Với những phát triển đặc biệt của thời đại toàn cầu chúng ta ngày càng phải thường xuyên và tất yếu đối mặt với những thách thức của tính phức hợp”. [35, tr. 48]

Edgar Morin khẳng định đã có nhiều tiến bộ về tri thức trong khuôn khổ những chuyên ngành vào thế kỷ XX. Tuy nhiên những tiến bộ đó của tri thức lại gây trở ngại cho nhận thức vì sự chuyên môn hóa nó đã làm vỡ những “bối cảnh”, cái “toàn bộ”. Tác giả Morin cho rằng biết bao chướng ngại vật đã chồng chất và ngăn cản sự thực thi của nhận thức thích đáng ngay giữa những hệ thống giáo dục của chúng ta. Điều này làm cho giữa nhân tính và các khoa học có một sự cách ly.

Trong các môn khoa học, việc phân chia ra những chuyên ngành đã trở thành siêu chuyên môn hóa, co cụm lại vào chính bản thân chúng. Tri thức tách biệt thành các bộ phận riêng rẽ, cái toàn thể bị phá vỡ. Con người trở nên rời rạc: “Kích thước sinh vật bao gồm cả não bộ của con người “bị nhốt” vào những phân khoa sinh học; những kích thước tâm lý của nó rồi xã hội, tôn giáo, kinh tế đều bị để riêng và phân cách cái này khỏi cái kia trong những phân khoa của khoa học nhân văn; những tính chất chủ quan, hiện sinh, thi vị của nó bị xếp vào trong những phân khoa văn học, thơ ca. Đến lượt triết học, bản chất vốn là suy ngẫm về tất cả các vấn đề con người lại trở thành một lĩnh vực đóng kín vào chính nó. Những vấn đề cơ bản và những vấn đề tổng thể bị sơ tán ra khỏi những khoa học chuyên ngành. Chúng chỉ còn được lưu lại trong triết học, nhưng đã không còn được nuôi dưỡng bởi những đóng góp của các bộ môn khoa học nữa”.[ 35, tr. 50]

Trong điều kiện đó, trí tuệ được đào tạo bởi những ngành chuyên môn sẽ mất khả năng tự nhiên để xếp đặt những tri thức vào bối cảnh của chúng,

36

cũng như để làm cho chúng hòa nhập vào những tổng thể tự nhiên. Sự suy yếu của tri giác về cái toàn bộ đưa đến sự suy giảm trách nhiệm (mỗi người có khuynh hướng chỉ chịu trách nhiệm về nhiệm vụ chuyên môn của mình), cũng như đưa đến sự suy giảm tính liên đới (mỗi người không còn cảm thấy sợi dây liên hệ giữa mình với đồng bào mình nữa).

Sự chuyên môn hóa quá mức ngăn cản không cho ta thấy được cái toàn bộ (mà nó làm vỡ ra thành từng mảnh vụn), cũng như cái cốt yếu. Nó còn ngăn không cho phép xử lý một cách đúng đắn những vấn đề đặc biệt vốn chỉ được đặt ra và suy nghĩ đến trong bối cảnh của chúng… Thế nhưng theo như E. Morin “những vấn đề chủ yếu thì không bao giờ là những mảnh vụn và những vấn đề toàn bộ càng ngày trở nên chủ yếu. Trong khi văn hóa chung thôi thúc việc tìm cách đặt vào bối cảnh tất cả thông tin hay ý tưởng thì văn hóa khoa học và kỹ thuật chuyên ngành lại ngăn ra thành từng mảnh tách rời và khu biệt tri thức, làm cho việc đặt nó vào bối cảnh càng trở nên khó khăn.” [35, tr. 51]

Cùng lúc đó sự phân chia các chuyên ngành làm cho con người không còn hiểu nổi cái phức hợp.

Edgar Morin giải thích rằng nhận thức chuyên môn hóa là một hình thức trừu tượng hóa đặc thù, nó có nghĩa là “rút một đối tượng ra khỏi bối cảnh và tổng thể của nó, bỏ đi những quan hệ và những giao lưu tương hỗ của nó với môi trường, đưa nó vào trong một khu vực khái niệm trừu tượng vốn của ngành chuyên môn khu biệt mà những biên giới phá vỡ một cách độc đoán tính hệ thống (quan hệ của cái bộ phận với cái toàn bộ) và tính đa chiều của những hiện tượng”[ 35, tr. 52]. Ông đưa ra ví dụ kinh tế là một môn khoa học xã hội trong đó toán học mạnh nhất lại là môn khoa học lạc hậu nhất về mặt xã hội và nhân văn, bởi vì nó tự bỏ qua những điều kiện xã hội, lịch sử, chính trị, tâm lý, môi sinh vốn không thể tách rời khỏi những hoạt động kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế càng ngày càng không thể giải mã được

37

những nguyên nhân và hậu quả của những rối loạn tiền tệ, chứng khoán, không thể thấy trước và tiên đoán được bước đi kinh tế ngay cả về ngắn hạn. Thế là những sai lầm kinh tế lại trở thành một hậu quả hàng đầu của kinh tế.

Giáo dục đứng trước thách thức mang tính toàn cầu. Nó dẫn tới việc dần dần, người ta biến giáo dục thành một ngành công nghiệp dịch vụ và tầm thường hóa nó mà nhìn bề nổi có vẻ như đó là chuyên nghiệp hóa giáo dục, coi nó như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp nhưng thực chất đó là sự đơn điệu hóa, tầm thường hóa giáo dục, và cũng là sự tầm thường hóa con người. Giáo dục dạy con người ta “làm việc” nhiều hơn là dạy “làm người”. Đó là sự cải tiến để phát triển mặt thị trường của đời sống lao động chứ không phải là con người, giáo dục con người.

Một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục phong phú, gần cuộc sống và luôn thích ứng với những đòi hỏi của cuộc sống. Có thể nói nếu nền giáo dục vừa lạc hậu vừa xa rời cuộc sống thì đầu ra của nó là những con người sẽ vụng về trong ứng xử, thiếu hiểu biết về kỹ năng, thậm chí còn ngạo mạn về các giá trị văn hóa và tư tưởng. Do đó, trước thách thức có thể khiến giáo dục không phát huy được vai trò của nó, ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội trong tương lai thì nhất thiết cần phải có sự thay đổi về tư duy, cần cải cách giáo dục.

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của edgar morin trong tác phẩm bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai (Trang 37 - 41)