6. Ý nghĩa thực tiễn của bài nghiên cứu:
2.3.1.1. Tham nhũng tác động tiêu cực đến các quốc gia đang phát triển
Các bằng chứng thực nghiệm đa phần chỉ ra rằng tham nhũng tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI chảy vào các quốc gia đang phát triển nhưng không thấy ở những quốc gia công nghiệp hóa, có pháp luật nghiêm minh, tính dân chủ cao. Điều này chứng tỏ, ở những quốc gia đang phát triển có hệ thống pháp luật còn nhiều kẻ hở, tính dân chủ chưa cao là môi trường tồn tại của tham nhũng, các nhà đầu nước ngoài ở các quốc gia có mức tham nhũng thấp, chưa có kinh nghiệm đối phó với tham nhũng, họ sẽ có tâm lý lo sợ các khoản chi phí bổ sung ngoài dự kiến gia tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận; do đó, họ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác.
Al Sadig (2009) nghiên cứu tác động của tham nhũng đến dòng vốn FDI, sử dụng dữ liệu bảng 117 quốc gia phát triển và đang phát triển trong khoảng thời gian 1984-2004 thấy rằng tham nhũng tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI trong phạm vi các nước đang phát triển; hơn nữa, tác động tiêu cực của tham nhũng đến dòng vốn FDI không xuất hiện ở các quốc gia có pháp luật nghiêm minh và dân chủ cao.
Voyer và Beamish (2004) nghiên cứu mẫu gần 30.000 dự án của Nhật Bản ở 59 quốc gia, kết quả tham nhũng tác động tiêu cực đến FDI từ Nhật Bản đến các quốc gia đang phát triển nhưng không thấy ở các quốc gia công nghiệp hóa.
2.3.1.2. Tham nhũng tác động tiêu cực tới các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn các công ty nội địa
Các công ty đa quốc gia khi tiến hành đầu tư tại quốc gia sở tại, họ thường bị bất lợi về tài chính và chịu khoản chi phí không chắc chắn nhiều hơn các doanh nghiệp nội địa; bởi vì, họ là những người nước ngoài, mới gia nhập thị trường, chưa nắm rõ các quy định luật pháp của quốc gia đầu tư…các khoản chi phí đó như là một loại thuế buộc các công ty đa quốc gia phải chi trả khi đầu tư vào các quốc gia này.
Wei (2000a) phân tích dòng vốn FDI song phương từ 12 nước đầu tư (07 nước mạnh nhất thế giới và một số nước ở OECD) đến 45 nước nhận đầu tư cho thấy tham nhũng như là một khoản thuế suất làm kìm hãm dòng vốn FDI. Do đó, tham nhũng gây ảnh hưởng nhiều và làm giảm hoạt động dòng vốn FDI hơn so với đầu tư nội địa. Đồng quan điểm với kết luận trên, Habib và Zurawicki (2001) nghiên cứu về tác động của tham nhũng đến việc đầu tư nội địa và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở 111 quốc gia trong khoảng thời gian từ 1994-1998, kết quả cho thấy tác động của tham nhũng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn so với tác động đến đầu tư nội địa. Mặt khác, Lambsdorff (2003) tìm thấy bằng chứng ủng hộ tham nhũng tác động tiêu cực đến đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn đầu tư nội địa khi ông nghiên cứu mẫu gồm 54 quốc gia trong khoảng thời gian 1970-1995.