Trong những năm qua, với nhiệm vụ quan trọng là cung cấp năng lượng điện cho
mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Điện đã có những bước
phát triển nhanh và đã đạt được những thành tích khá ấn tượng. Cụ thể, số vốn đầu tư
cho ngành Điện để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội tăng mạnh qua các
năm. Năm 2011, số vốn đầu tư cho ngành Điện là 43.146 tỷ đồng, năm 2012 là 54.404 tỷ đồng, năm 2013 là 75.973 tỷ đồng. Theo quy hoạch phát triển hệ thống điện Việt
Nam giai đoạn 2011 - 2020, đầu tư thuần trong ngành Điện giai đoạn 2011 – 2015 là
244.390 tỷ đồng, trong đó tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 192.826 tỷ đồng, đầu tư ngoài EVN là 51.565 tỷ đồng. Dự kiến, tổng số vốn đầu tư
thuần trong giai đoạn 2016 – 2020 là 305.331 tỷ đồng, trong đó riêng EVN có số vốn
đầu tư là 255.822 tỷ đồng; đầu tư ngoài EVN là 49.809 tỷ đồng.
Thực tế trên cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển
ngành Điện để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước. Nhờ có số vốn đầu tư này mà tổng điện năng sản xuất thời gian qua đã có bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình tốc độ tăng đạt khoảng 14%/năm.
Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và xây dựng, vận hành các nhà máy điện lớn. Các nhà máy điện có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng đối với kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, do đó tất cả các công trình này Nhà
nước đều giao cho EVN đầu tư, quản lý và vận hành khai thác. Trong những năm qua, EVN đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các nhà máy điện và hệ thống lưới điện trên khắp cả nước, vì mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và truyền tải điện năng. Do các công trình điện được đầu tư mở rộng kịp thời, điện năng được phân phối rộng khắp
và giảm đáng kể số giờ cao điểm phải cắt điện nên đã phục vụ ngày càng tốt hơn đời
sống người dân và vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.