Giá trị văn hóa của các nhà thùng

Một phần của tài liệu Lịch sử nghề sản xuất nước mắm truyền thống phú quốc từ cuối thế kỷ xĩ đến đầu thế kỷ XXI (Trang 53 - 56)

6. Bố cục luận văn

2.2.2.Giá trị văn hóa của các nhà thùng

Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.

Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam - Bộ Giáo dục và đào tạo, do Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản

Văn hóa - Thông tin, xuất bản năm 1998, thì: "Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử".

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi những ông chủ hãng nước mắm là ông chủ nhà thùng. Phải tận mắt chứng kiến mới thấy được vẻ đẹp của nó. Trước hết phải nói đến là sự khổng lồ của những thùng ủ chượp. Mỗi một nhà thùng không phải chỉ có một vài cái thùng chứa như vậy mà là hàng chục thùng thậm chí là hàng trăm thùng, xếp thẳng hàng ngay ngắn trong những dãy nhà nên còn gọi là nhà thùng. Chiều cao của thùng hơn 2 mét, đường kính miệng thùng hơn 3 m, thùng lại được kê cao chắc chắn trên những hòn đá tạo độ thông thoáng cũng như tạo áp suất để việc kéo rút nước mắm được dễ dàng càng khiến cho chúng ta thấy mình nhỏ bé trước sự lừng lững uy nghi của chúng.

Thùng ủ nước mắm Phú Quốc thật sự là một tác phẩm nghệ thuật, nó đã kết tinh sự tài hoa, khéo léo, mồ hôi, công sức của những người thợ làm thùng và kiến thức khoa học của người sử dụng chúng. Việc chế tác thành công một thùng ủ chượp cá như thế đã thể hiện được tính nghệ thuật trong nghề mộc, mặc dù đây chỉ là những chiếc thùng, những chiếc thùng vô cùng độc đáo và kỳ vĩ. Thời gian tồn tại của nó có khi lên cả trăm năm - là vật chứng của lịch sử nói lên tập quán lao động, sinh hoạt của cư dân miền biển nói chung và cư dân Phú Quốc nói riêng.

Cuối thế kỷ XIX, những chiếc thùng như thế đã có mặt ở Phú Quốc nhưng dung tích chứa nhỏ hơn, khoảng từ ba đến bốn tạ chượp cá. Sau đó dung tích thùng được cải tiến theo năng suất đánh bắt qua các thời kỳ. Với bề dày lịch sử, sự tồn tại của những chiếc thùng đi cùng lịch sử của nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự riêng biệt của nước mắm nơi đây.

Thùng ủ nước mắm Phú Quốc là sự kế thừa kinh nghiệm đóng thùng của Bình Thuận nhưng được nâng lên thành một đẳng cấp mới với tính nghệ thuật

cao và tính sáng tạo dựa theo đặc điểm của địa phương. Nếu ở Bình Thuận người ta niền thùng bằng đai sắt thì ở Phú Quốc người ta niền bằng đai mây. Những vòng đai mây được niền xung quanh thùng thể hiện sự kỳ công và sáng tạo nghệ thuật. Những sợi mây bằng ngón tay được kết lại với nhau (từ 70 đến 120 sợi tùy sợi lớn, nhỏ) để tạo thành vòng đai bằng cườm tay của một thanh niên trai tráng, vô cùng chắc chắn, có độ bền rất cao. Với sự khéo léo, người thợ đã dùng thủ thuật giấu mối nên người xem cứ tưởng là chỉ có một sợi mây kết lại. Những vòng đai mây tạo độ bền, chắc chắn cho thùng ủ chượp cá để nó không vì bị áp lực rất lớn (do lượng chượp cá ở trong thùng rất nhiều, từ 3 - 4 tấn ngày xưa và 10 - 13 tấn, rồi 15 tấn như ngày nay) mà bị vỡ, bị nứt…

Những thanh gỗ ghép lại, những ron vỏ tràm mềm bít kín, những vòng đai mây thít chặt, những con ốc gỗ ổi vít lại… tất cả làm nên một sản phẩm hoàn hảo. Một kiệt tác của thiên nhiên và bàn tay, khối óc con người hòa quện khiến cho chúng ta vô cùng thích thú và khâm phục. Điều này được thể hiện rõ trong ánh mắt, nét mặt của du khách khi tới thăm quan nhà thùng sản xuất nước mắm .

Nguyên liệu gỗ để đóng thùng là những loại gỗ quý, hiếm chỉ có trong rừng Phú Quốc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Cuối thế kỷ XIX cho đến giữa thế kỷ XX, loại gỗ này còn nhiều, các nhà thùng đỡ tốn chi phí khi đóng thùng vì vậy thùng ủ chỉ được làm bằng gỗ.

Hiện nay các loại gỗ Bời lời, trai, vên vên bị cấm khai thác, do đó giá thành cao nên những nhà thùng có vốn liếng mới dám tậu gỗ từ Tây Nguyên hoặc Campuchia về để đóng thùng, những nhà thùng khác buộc phải sử dụng nguyên liệu khác để làm thùng đó là bê tông.

Dù thùng bê tông không ảnh hưởng gì nhiều đến chất lượng và mùi vị nước mắm do được xử lý kỹ thuật nhiều lần trước khi sử dụng nhưng xét về tính truyền thống, nước mắm Phú Quốc đã bị xem xét. Chắc chắn nước mắm

được ủ trong những thùng như thế này sẽ không được gắn nhãn chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu.

Bên cạnh tuân thủ mặt kỹ thuật, chủ nhà thùng còn phải yêu cầu thợ đóng thùng thực hiện đúng quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng của thùng. Những chiếc thùng ngoài việc thể hiện sự khéo léo, tinh tế, cẩn trọng của người thợ còn thể hiện được cả tâm huyết, nguyện vọng của người chủ.

Khi nước mắm đã tiêu thụ hết, khi chượp cá đã được sử dụng cho mục đích khác thì thùng ủ chượp vẫn còn đó, hiên ngang khẳng định sự tồn tại hữu ích của mình trong lịch sử. Thùng ủ chượp cá của nghề sản xuất, chế biến nước mắm Phú Quốc thực sự đã trở thành sản phẩm đại diện cho văn hóa làng nghề nơi tận cùng của Tổ Quốc.

Một phần của tài liệu Lịch sử nghề sản xuất nước mắm truyền thống phú quốc từ cuối thế kỷ xĩ đến đầu thế kỷ XXI (Trang 53 - 56)