Ngư trường Phú Quốc và những khó khăn

Một phần của tài liệu Lịch sử nghề sản xuất nước mắm truyền thống phú quốc từ cuối thế kỷ xĩ đến đầu thế kỷ XXI (Trang 41 - 47)

6. Bố cục luận văn

2.1.1.Ngư trường Phú Quốc và những khó khăn

Theo Luật Thủy sản, Ngư trường là vùng biển có nguồn lợi thuỷ sản tập trung được xác định để tàu cá đến khai thác.

Theo thông tư số 04TS/TT ngày 23/10/1986 (bộ trưởng Huỳnh Công Hòa đã ký) thì ngư trường Phú Quốc thuộc Vùng biển đông và tây các tỉnh Nam bộ: Giới hạn từ vĩ độ 10 độ 40 N trở xuống, về phía đông giới hạn bởi đường đẳng sâu 50m, về phía tây giới hạn bởi đường bao ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Trong vùng biển này có các ngư trường là Vũng Tàu - Côn Đảo, Cù Lao Thu, Hòn Khoai, Phú Quốc, Thổ Chu... Ngư trường chính là Vũng Tầu - Côn Đảo, Hòn Khoai và Phú Quốc. Ở vùng biển này cần tăng cường đầu tư nghề lưới kéo cá ở vùng biển có độ sâu ngoài 30m nước. Phục hồi nghề vây cá cơm, du nhập với số lượng hợp lý nghề pha xúc phục vụ cho sản xuất nước mắm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Phát triển có mức độ các nghề kết hợp ánh sáng như vây, vó, mành...

Ngư trường khai thác là nơi có các quần thể cá (hay hải sản khác) tập trung tương đối ổn định, việc tiến hành khai thác tại đây luôn đạt sản lượng cao. Sự xuất hiện các quần thể cá tại ngư trường thường mang tính mùa vụ, với chu kỳ dài ngắn khác nhau tùy thuộc các yếu tố sinh thái tự nhiên. Các ngư trường thường đựơc gọi tên theo địa danh gần chúng nhất, thường là tên các đảo hoặc cửa sông. Vùng biển Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, từ 11030,N trở xuống, nơi bờ biển chuyển hướng Bắc Nam sang Đông Nam. Thời kỳ gió mùa đông bắc, cá nổi tập trung ở vùng gần bờ nhiều hơn thời kỳ gió mùa Tây Nam. Các khu vực tập trung chính ở Vũng Tàu - Phan Thiết, quần đảo Côn Sơn. Thời kỳ gió mùa tây nam, cá phân tán, mật độ cá trong toàn vùng giảm, không có những khu vực

tập trung lớn và có xu hướng ra xa bờ. Các khu vực đẻ trứng gần bờ, số lượng đàn cá tăng lên, có nhiều đàn lớn, có lúc di chuyển nổi lên tầng mặt. Sản lượng cá đáy vùng gần bờ phía Tây Nam bộ nhìn chung cao hơn vùng biển phía Đông Nam bộ. Bờ phía Đông, sản lượng khai thác vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc cao hơn thời kỳ gió mùa Tây Nam, còn ở bờ phía Tây thì ngược lại.

Ở vịnh Thái Lan cho đến cuối những năm 50 hầu như chưa có hoạt động nghiên cứu nào về nguồn lợi cá đáy. Từ năm 1960 được sự giúp đỡ của Cộng hòa Liên bang Đức đã sử dụng tàu lưới kéo đáy để nghiên cứu nguồn lợi cá đáy và đã thu được nhiều kết quả, từ đó nghề lưới kéo đáy phát triển mạnh mẽ ở đây, dẫn đến sau một thời gian ngắn nguồn lợi đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Sau khi thống nhất đất nước, Viện Nghiên cứu Hải sản đã sử dụng tàu “Biển Đông” để hoạt động nghiên cứu nguồn lợi cá vùng biển gần bờ Việt Nam trong 3 năm. Những kết quả thu được đã cung cấp hiểu biết cơ bản về nguồn lợi cá ở vùng biển ven bờ Việt Nam.

Trữ lượng cá nổi trong đó có cá cơm ở vùng biển Tây Nam Bộ là không nhiều. Và từ năm 2012, nguồn cá cơm ở biển Phú Quốc bắt đầu khan hiếm, sản lượng giảm nhiều, trong khi nhiều thương lái nơi khác về thu gom với giá gấp đôi (10.000 - 20.000 đồng/kg). Những nhà thùng không thể cạnh tranh, bởi nếu mua với giá đó thì làm nước mắm sẽ lỗ. Tranh mua tranh bán là hệ quả từ việc khan hiếm nguồn cá cơm. Đặc biệt đánh bắt bằng phương pháp tận diệt như giã cào càng làm nghiêm trọng tình trạng khan hàng.

Theo Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, năm 2013, hoạt động sản xuất nước mắm Phú Quốc đã giảm 60% - tức chỉ còn khoảng 20 triệu lít/năm; nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì số lượng sẽ tiếp tục giảm.

Nguồn nguyên liệu để cung cấp cho các nhà thùng sản xuất nước mắm Phú Quốc hiện nay chủ yếu do các ngư dân khai thác là mành đèn, vây rút chì có kết hợp ánh sáng và pha xúc, nghề vây truyền thống không còn nữa vì

không có kinh tế. Các ngư dân đều cho rằng đánh bắt có kết hợp với ánh sáng có hiệu quả hơn nhiều vì cá cơm là loại cá nổi có tính chất hướng quang rất mạnh. Hầu hết nghề khai thác cá cơm có kết hợp ánh sáng đều trang bị ánh sáng vượt quá mức cho phép của Bộ thủy sản rất nhiều (cụ thể như trang bị bóng đèn có công suất từ 250w - 2000w, đèn hơn 1000w chiếm tỷ lệ cao, một tàu tùy theo lớn nhỏ mà trang bị từ 6 đến 15 bóng, mắt lưới nhỏ như lưới mùng. Trong khi đó theo quy định của Bộ thủy sản chỉ cho phép với nghề vây được trang bị bóng có công suất không quá 200w, nghề mành đèn không quá 150w và mắt lưới lớn hơn 18mm). Nghề này bắt đầu từ các tàu của những ngư dân vùng Phan Thiết và miền Trung vào đánh bắt rất hiệu quả, trong khi nhà nước chưa có cách quản lý hiệu quả nên dân địa phương bắt chước làm theo, hiện nay đánh bắt theo hình thức trên đang phát triển rất mạnh và hậu quả là nguồn cá cơm đang ngày bị cạn kiệt.

Với chính sách mở rộng ngư trường, nhiều ngư dân nơi khác cùng đến khai thác tại ngư trường Phú Quốc và tiến hành đánh bắt chủ yếu bằng “pha xúc” khiến cho nguồn nguyên liệu giảm mạnh. Sản lượng đánh bắt chỉ còn khoảng một nửa so với trước đây. Trước đây khi đánh bắt, tàu chỉ cần đi từ 30 phút đến khoảng 1 giờ đồng đã có thể có cá đánh bắt, bây giờ phải từ 5 đến 6 giờ (cách bờ khoảng 70 đến 100 km) mới có cá nên chi phí rất cao.

Người dân khai thác cá cơm hiện nay rất nhiều người phải làm hợp đồng tay với một số người có chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản bên Campuchia, giá trị một hợp đồng khoảng 10 đến 30 triệu/chuyến đi biển tùy theo vùng khai thác. Và dù đã có hợp đồng nhưng trong quá trình đánh bắt nếu gặp tàu chức năng kiểm tra phát hiện vẫn bị xử phạt. Có hợp đồng phạt khoảng 100 USD/tàu, không có hợp đồng bị phạt từ 4.000 đến 5.000 USD/tàu. Hiện nay có rất nhiều tàu phải sang vùng biển Campuchia khai thác vì có lãi cao hơn rất nhiều so với đánh bắt ở vùng biển Phú Quốc (Phú Quốc cách Campuchia rất gần: hơn 4km).

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở Phú Quốc rất vui mừng khi chỉ dẫn địa lý cho “sản phẩm thuần Việt” này được hình thành và công bố rộng rãi. Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ mới các doanh nghiệp sản xuất nước mắm không tránh khỏi những “rào cản” do “nguồn nguyên liệu không thể nhiều hơn được nữa và không biết có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất và cung cấp nước mắm cho người tiêu dùng hay không?” - theo giám đốc hãng nước mắm Thanh Hà.

Hai năm qua sản lượng nước mắm Phú Quốc sụt giảm nghiêm trọng do thiếu nguồn nguyên liệu chính nên một số nhà thùng phải “treo” thùng, số khác chỉ sản xuất cầm chừng chỉ vì nguồn cá cơm khan hiếm. Trong số gần 100 nhà thùng chỉ còn khoảng từ 60 đến 70% số nhà thùng hoạt động cầm chừng.

Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, chủ tịch hội Nước mắm Phú Quốc, nghề sản xuất nước mắm ở Phú Quốc năm nay (2012) phải đối mặt với thời tiết bất lợi, ba tháng đầu vụ (tháng 6, 7, 8) mưa bão bất thường, tàu đánh bắt cá cơm chỉ hoạt động khoảng mười ngày/tháng. Nhà thùng hy vọng ba tháng còn lại (tháng 9, 10, 11) của mùa vụ sẽ có đủ lượng cá cơm mua vào để chượp, nhưng cũng là thời điểm mà thương lái từ miền Trung và thương lái tại chỗ tranh mua “cá lạnh” để luộc, phơi khô đem bán lại cho thương lái Trung Quốc với giá cao gấp đôi. Ngày cao điểm, lượng “cá lạnh” được thu gom 300 - 500 tấn/ngày, bà Tịnh cho hay “cá lạnh” được thu gom chiếm 80% sản lượng cá cơm chất lượng tốt (cá cơm chiếm tỷ lệ 85 - 90%) của Phú Quốc, đã tạo nên một cú sốc đối với nghề nước mắm truyền thống nơi đây.

Ngư dân Nguyễn Công Định ở cảng An Thới so sánh về cái lợi trước mắt: nếu trước đây, 10 tấn cá muối bán cho nhà thùng chỉ được 83 triệu đồng, nay 10 tấn “cá lạnh” bán được 130 - 200 triệu đồng mà không phải mất 30% trọng lượng do bị hao ngót trong quá trình ướp muối, “nên ngư dân ai cũng chuyển qua bán cá lạnh”.

Lo ngại nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt, trong vụ mùa thu hoạch cá cơm buộc các cơ sở sản xuất nước mắm phảii “giành giật” với thương lái việc thu mua nhằm trữ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sau vụ mùa.

Không chỉ khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, việc chậm chạp áp dụng phương thức vừa truyền thống vừa hiện đại vô hình trung kéo giảm sự phát triển của nước mắm Phú Quốc.

Với một ngư trường rộng lớn, giàu tiềm năng, đa dạng về chủng loại đã giúp cho nghề sản xuất, chế biến nước mắm Phú Quốc vươn xa trong lịch sử, tuy nhiên việc khai thác tận diệt như thời gian vừa qua rõ ràng đã tạo ra những nguy cơ lộ rõ cho nghề sản xuất nước mắm nói riêng và nghề cá của Phú Quốc nói chung.

Sau việc thu mua cá cơm hấp sấy, các nhà thùng chưa kịp phục hồi sản xuất, đầu năm 2014 các thương lái Trung Quốc bất ngờ săn lùng mua con banh lông với giá cao ngất ngưởng khiến cho các ghe đánh bắt cá cơm đã chuyển đổi ngư cụ để cào con banh lông.

Trung tá Quảng Trọng Bình - đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu cảng An Thới - cho biết hiện nay chỉ riêng số phương tiện cào banh lông tại An Thới ước tính lên tới gần 600 tàu, trong đó chủ yếu là tàu của ngư dân miền Trung (Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...) đổ về vùng biển này đánh bắt banh lông, nhiều ngư dân địa phương cũng chuyển từ đánh bắt cá sang cào banh lông.

Anh Võ Thanh Hải - ngư dân đi tàu cào đôi - cho biết hơn 10 năm đi biển chưa từng thấy loại cào nào khủng khiếp như cào banh lông. Mỗi họng cào banh lông là một rọ thép dài 3-5m, đáy uốn cong, miệng hở, một bên đục lỗ dọc theo khung thép để xỏ hàng loạt gai sắc nhọn tua tủa dài chừng 20cm bằng thép, đường kính 8mm. Với tàu cào đôi bình thường gần như toàn bộ sinh vật từ gần đáy tới sát mặt biển đều đã rất khó thoát. Còn với họng cào banh lông thì đáy biển chắc chắn sẽ bị xới tung lên hết. “Trước đây thỉnh

thoảng cào trúng banh lông tụi tui lượm bỏ ra. Nhưng chuyến này biết có người mua nên đem ướp muối. Hồi chiều mới xách lên bán cho vựa Phương Các, mỗi đứa trong nhóm tui được hơn 500.000 đồng” - anh Hải cho hay.

Nhiều người dân An Thới cho biết chưa từng ăn con banh lông lần nào, cũng như không biết chế biến làm sao để ăn. Nhưng do nhiều thương lái Trung Quốc đến thu gom với giá cao nên các tàu đua nhau chuyển sang đánh bắt loại hải sản này. Tuy nhiên, nhiều ngư dân lâu năm bày tỏ lo ngại tình trạng khai thác tràn lan theo kiểu tận diệt của các tàu khai thác banh lông là nguy cơ đe dọa đối với nguồn lợi thủy sản.

TS Nguyễn Văn Long - Viện Hải dương học tại Nha Trang - cũng nhận định việc cào xới đáy biển như vậy thì chắc chắn toàn bộ hệ sinh thái tầng đáy bùn dưới biển sẽ bị phá hủy. “Chưa kể bùn bị khuấy lên sẽ theo các dòng hải lưu trôi tấp vào các rạn san hô làm biến dạng môi trường sinh thái của hàng ngàn loài sinh vật biển khác” - TS Long khẳng định [21].

Cũng như cá cơm, sau khi làm cho đáy biển Phú Quốc bị cày nát, hệ sinh thái biến dạng, không còn thức ăn (thảm thực vật dưới đáy biển…) các loại cá bỏ đi tìm nơi trú ẩn mới thì thương lái Trung Quốc cũng vắng mặt luôn. Những cơ sở sấy cá cơm, những tàu cào banh lông đành ngậm ngùi bên những lò sấy cá hay những họng cào banh lông giờ đây không biết sử dụng cho việc gì. Sự nhẹ dạ của ngư dân đã bị trả giá quá đắt, không những bị thiệt hại kinh tế cá nhân mà còn đe dọa gây khó khăn cho những ngành nghề liên quan mà trực tiếp là nghề sản xuất nước mắm, nghề cá… Phải mất rất nhiều thời gian để chúng ta mới có thể khắc phục được những hậu quả đó.

Trong thời gian qua đã rất nhiều lần ngư dân Việt Nam (Phú Quốc) dong tàu sang đánh bắt trên vùng nước lịch sử (chồng lấn) của Campuchia hay Thái Lan (vùng biển này nhiều cá, hải sản do ít đánh bắt) và đã bị lực lượng chức năng phía bạn bắt giữ, phạt tiền. Đó là những hậu quả do dân ta thiếu tầm nhìn chiến lược, chỉ thấy lợi trước mắt mà không thấy họa lâu dài.

Đau đớn hơn, trong tháng 9/2015 vừa qua, tàu cá của ngư dân Kiên Giang đã vào vùng biển chủ quyền Thái Lan để khai thác và phía Thái Lan đã rất tiêu cực khi nổ súng vào tàu và ngư dân khiến 1 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương [4].

Những bài học đắt giá về phát triển kinh tế trong thời kỳ mới, thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập, mở cửa khiến cho tất cả chúng ta không khỏi suy nghĩ. Cảnh giác, tỉnh táo với chính bản thân mình theo đó người dân cũng phải được tuyên truyền, trang bị lý luận khoa học trên “luống cày” của mình như Lê nin từng nói: “Hãy để cho người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ”. Có như vậy, “luống cày” đó mới đủ khả năng nuôi dưỡng nhiều thế hệ nói chung và đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc nói riêng.

Một phần của tài liệu Lịch sử nghề sản xuất nước mắm truyền thống phú quốc từ cuối thế kỷ xĩ đến đầu thế kỷ XXI (Trang 41 - 47)