Đánh bắt cá cơm trên biển Tây Nam

Một phần của tài liệu Lịch sử nghề sản xuất nước mắm truyền thống phú quốc từ cuối thế kỷ xĩ đến đầu thế kỷ XXI (Trang 47 - 50)

6. Bố cục luận văn

2.1.2.Đánh bắt cá cơm trên biển Tây Nam

Vùng biển phía Tây Nam của nước ta nằm lọt trong vịnh Thái Lan… Là một ngư trường rộng lớn với nhiều chủng loài cá, mực, tôm… và sinh vật phù du - nguồn thức ăn cho nhiều loài cá trong đó có cá cơm.

Để có nguyên liệu cung ứng cho nghề làm nước mắm, các ngư dân phải ra khơi đánh bắt cá cơm. Thời xa xưa, phương tiện kỹ thuật sản xuất do ngư dân sáng tạo ra là lưới đánh bắt cá cơm được làm bằng tơ, đem nhuộm màu bằng vỏ cây sắn tạo thành màu nâu. Phao lưới được làm từ loại gỗ nhẹ, có thể nổi trên mặt nước. Dây kéo hai đầu lưới được bện từ vỏ dừa khô đã được đập tơi [48]. Ngư dân đánh bắt cá bằng cách đánh bao từ phía ngoài biển theo hình chữ C và kéo cá lên bờ. Cá cơm tươi được chuyển về chượp (ướp) muối tại nhà, vì lúc này ngư dân chỉ dùng thuyền nhỏ, chèo bằng tay, đánh bắt sát bờ nên không chở muối theo như bây giờ.

Sau nhiều năm học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, các nhà sản xuất nước mắm nhận thấy không nên gắn chặt quy trình đánh bắt và chế biến thật đồng bộ để theo kịp tiến độ kỹ thuật.

Những năm 1955 - 1965, người dân đã thay phương tiện đánh bắt thủ công bằng máy thủy động có thể thể đi xa bờ, mở rộng khu vực khai thác cá. Nhưng phương tiện đánh bắt vẫn còn khá nhỏ, trọng tải chỉ khoảng 10 tấn. Thời kỳ này ngư dân còn dùng loại lưới mà khi được thả xuống biển họ phải lặn ở độ sâu 8m trở lại (vì không được trang bị bình dưỡng khí) nhằm để câu thúc hai dây chì cho sát vào nhau bằng hai móc được làm bằng gỗ tre khoét hình chữ C (được gọi là kèo) để khi kéo lưới lên cá không có chỗ hở chạy ra ngoài lưới. Khi thuyền chạy ra biển, người trưởng tàu có cái “chuồng cu” trên cột cao và trèo lên đó để quan sát. Khi phát hiện đàn cá, thuyền trưởng ra lệnh cho thuyền viên chạy lại thả lưới bao vây và kéo cá lên.

Vào thời kỳ phát triển cực thịnh của nghề khai thác và chế biến nước mắm Phú Quốc là những năm 1965 - 1975. Giai đoạn này, phương tiện đánh bắt được đóng lớn hơn với công suất máy lớn, có thể đi xa đảo để đánh bắt. “Lúc này có máy tầm ngư định vị giúp cho thuyền trưởng nhìn thấy xa và sâu hơn”. Hiện nay mỗi đội tàu đánh bắt cá cơm gồm 3 chiếc (hai ghe mồi gắn khoảng 16 đến 18 bóng đèn để nhử cá và một tàu cái dùng vây, kéo lưới và trữ cá) [Phụ lục 7].. Ngư dân còn khám phá ra cách mang muối theo ghe để có thể bám biển dài ngày. Cá lưới được, kéo lưới vào sát mạn tàu, dùng vợt hàng trăm ký (kg) xúc, rạo rửa cá ngay dưới biển sau đó mới đưa cá lên mạn thuyền từng mẻ khoảng 100 kg. Các thuyền viên chượp muối cá ngay trên tàu khi cá còn sống. Thủy thủ đánh bắt tới đâu chượp vào hầm tàu tới đó, khi đủ số lượng, cá được chở về chuyển thẳng vào nhà thùng. Lưới thời kỳ này có loại lưới dài và đánh bắt được ở những vùng nước sâu. Thay vì “lặn câu thúc dây chì”, ngư dân sử dụng máy rút để tiết kiệm thời gian và sức lực (còn gọi lưới vây rút dây chì). Nguyên tắc đánh bắt của nghề lưới vây là khi phát hiện đàn cá, người ta dùng tàu thả lưới vây thành vòng tròn xung quanh đàn cá rồi kéo dây rút gọn giềng chì để thắt kín đáy không cho đàn cá thoát xuống dưới, sau đó thu dần vòng lưới, dồn cá vào đẩy rồi dùng vợt xúc cá lên tàu. Tàu

thuyền lưới vây ngày nay hầu hết đã được lắp máy công suất tới 155CV, chiều dài lưới (chu vi vòng vây đàn cá) khoảng 400m, chiều cao lưới có thể tới 80 - 100m có thể đánh bắt ở vùng nước xa bờ có hiệu quả.

Nghề lưới vây đánh bắt đàn cá ban ngày gọi là lưới vây ngày. Nghề lưới vây dùng ánh sáng đánh bắt cá ban đêm gọi là nghề lưới vây ánh sáng. Ngư trường hoạt động từ vùng nước ven bờ ra đến vùng lộng, nơi có các đàn cá thường tập trung trú ngụ quanh vùng gò rạn hoặc gốc chà rạo. Mùa vụ đánh bắt chính từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm, lưới vây cá cơm có thể đánh bắt đến tháng 9.

Chính phương tiện kỹ thuật đánh bắt được cải tiến đáng kể nên số lượng cá hàng năm ổn định, người dân chỉ còn lo tập trung vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó lượng nước mắm không ngừng tăng lên, đạt 400 đạm và thùng chượp cá có dung tích lên đến 10 tấn. Thành phẩm được chứa trong can nhựa 20 lít để vận chuyển đi nơi khác.

Ngày nay còn có cách đánh bắt bằng pha xúc. Kỹ thuật pha xúc chủ yếu đánh bắt những đàn cá cơm xuất hiện di chuyển theo dòng hải lưu vào sát ven bờ. Nguyên lý đánh bắt của nghề pha xúc là sử dụng ánh sáng cực mạnh của chùm đèn pha có công suất từ 5.000W - 10.000W để thu hút đàn cá nổi lên gần mặt nước, cá cơm say đèn, nổ mắt trồi lên các thủy ngay lập tức dùng lưới để xúc cá lên thuyền. Cách đánh bắt này quân bình mỗi chuyến ra khơi chỉ cần đánh một đêm là có thể thu từ hơn 30 cho đến gần 50 tấn. Mùa vụ khai thác chính cho sản lượng cao nhất là từ tháng 2 đến tháng 4. Đây là hình thức đánh bắt tận diệt nhất mà ngành thủy sản chưa nghiêm cấm triệt để do ngư dân thấy lợi nên vẫn tiến hành.

Với cách đánh bắt như hiện nay đang làm cho nguồn cá cơm nói riêng và các chủng loài khác giảm mạnh bởi sự kết hợp của ánh sáng đèn pha và lưới vây có mắt lưới quá nhỏ đã tận diệt cả cá con cũng như làm nổ mắt cá ảnh hưởng đến chất lượng nước mắm.

Một phần của tài liệu Lịch sử nghề sản xuất nước mắm truyền thống phú quốc từ cuối thế kỷ xĩ đến đầu thế kỷ XXI (Trang 47 - 50)