Huyện Tân Kỳ được thành lập năm 1963 theo Quyết định số 52-CP ngày 19 tháng 4 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ. Dân số Tân Kỳ có khoảng 13.230.000 người; có ba dân tộc Kinh, Thái, Thổ cùng sinh sống. Tân Kỳ được ví là “Quê của muôn quê” bởi Tân Kỳ là một huyện mới, là sự hội ngộ của
người dân từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh cùng về làm ăn và sinh sống. Do đó Tân Kỳ là huyện có đa bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền.
Là một huyện trung du miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, kinh tế Tân Kỳ gần 80% là sản xuất nông nghiệp, trong đó có một số lĩnh vực sản xuất chủ đạo mang tính thế mạnh của vùng, đó là: ngô, lúa, cây ăn quả, cây mía, cây cao su… ngoài ra còn hình thành các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm như: trâu, bò, lợn… và hình thành các vùng kinh tế trang trại
Ngoài sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, Tân Kỳ từng bước phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đem lại năng suất lao động cao, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Kỳ có các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp như:
Nhà Máy đường Sông Con với công suất 3.300 tấn/ngày
Làng nghề sản xuất gạch ngói Cừa (Gạch không nung, gạch tuynen) Đang xây dựng nhà máy gạch ngói COTTO tại xã Nghĩa Dũng
Khảo sát và xây dựng khu công nghiệp khai thác đá Hoa cương ở xã Đồng Văn.
Làng nghề dệt Thổ cẩm ở Tiên Kỳ, Đồng Văn…
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân Tân Kỳ đang tập trung thi đua xây dựng nông thôn mới. Hiện nay trên địa bàn của huyện Tân Kỳ đã có hai xã về đích nông thôn mới đạt 19/19 tiêu chí của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là xã Nghĩa Đồng và xã Tân Phú.
Tân Kỳ là huyện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Km0 điểm khởi nguồn của đường Hồ Chí Minh huyền thoại, có bãi Lê Lợi, có Đình Sen, Đình làng Dụng; Cây sanh ngàn tuổi, Thung Khiển… Đó là những yếu tố văn hóa thuận lợi giúp cho Tân Kỳ phát triển.
Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, Tân Kỳ chịu sự chi phối của các quy luật chung của trong cả nước, nhưng nhờ đứng vững trên nền tảng của truyền thống văn hóa quê hương Xô viết anh hùng cho nên đã giữ gìn được môi trường văn hóa ổn định và có bản sắc riêng. Nét nổi bật của đời sống văn hóa có tác động
tốt tới môi trường xã hội - nhân văn Tân Kỳ, đó là truyền thống hiếu học, ưa chuộng thơ văn, trọng chữ nghĩa, có thói quen lao động trí óc, là số đông người Tân Kỳ không bị cuốn theo lối sống thực dụng trong cơ chế thị trường.
Nhân dân Tân Kỳ vốn có truyền thống tốt đẹp trong quá trình chống ngoại xâm và đấu tranh giai cấp. Con người Tân Kỳ đã được rèn luyện thử thách qua gian khổ, nên đã tạo cho mình những phẩm chất cao quý trong tâm hồn, trung kiên trong bản chất như: cần cù, nhẫn nại, trách nhiệm với cộng đồng, ham học, tiết kiệm, giản dị, nhân hậu, trung thành, dũng cảm, khảng khái, cương quyết. Những yếu tố đó đã cố kết con người Tân Kỳ thành cộng đồng, luôn luôn tôn trọng lẽ phải, bảo vệ chân lý, tạo nên sức mạnh to lớn, vượt qua những trở ngại thử thách trong lịch sử, hình thành nên bản lĩnh chính trị, lập trường vững vàng trước những khó khăn và thử thách. Trong hàng nghìn năm lịch sử bất kỳ thời đại nào cùng với con người xứ Nghệ, Tân Kỳ luôn luôn phát huy được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương Xô viết anh hùng. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhân dân Tân Kỳ tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình xây dựng và phát triển, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã, hội huyện Tân Kỳ vẫn có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, các vấn đề xã hội được chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; nội bộ đoàn kết, thống nhất, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển trong thời gian tới.
2.2. Tình hình triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tấmgương đạo đức Hồ Chí Minh ở huyện Tân Kỳ