1 Tình hình nuôi cá sấu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá một số tính chất cơ lý cơ bản của da cá sấu việt nam (Trang 35 - 40)

Nghề nuôi cá sấu ở nước ta có điều kiện phát triển tốt vì khí hậu ấm áp phù hợp cho cá sấu sinh trưởng, phát triển, có sẵn nguồn giống, nguồn thức ăn, nhân lực lao động dồi dào, kĩ thuật chăm sóc không ngừng được nâng cao. Đặc biệt được sự quan tâm của nhà nước, ngày 17/4/1992 HĐBT đã có Nghị định 18 về việc cấm săn bắt thú rừng và động vật quý hiếm trong đó có cá sấu. Tháng 1 năm 1994 Việt Nam là thành viên chính thức của công ước quốc tế về thương mại các loại động vật quý hiếm (CITES). Hiện nay chúng ta đã được phép xuất khẩu cá sấu. Được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Kiểm lâm đã thành lập Hiệp hội Nuôi cá sấu vào tháng 9/2010.

Nếu như năm 1975 nước ta chỉ còn lại dưới 100 cá thể cá sấu trong tự nhiên, hiện nay số lượng cá sấu được nuôi đã tăng gấp nhiều lần. Có các công ty chuyên nuôi và kinh doanh sản phẩm từ cá sấu, có những hộ chuyên nuôi cá sấu với số lượng khá lớn và được mệnh danh là Vua cá sấu các vùng miền.

Năm 2015, theo thống kê của Cơ quan quản lý CITES các tỉnh phía Nam thuộc Tổng cục Kiểm lâm nghiệp cho biết: riêng các tỉnh phía Nam đã có 22 tỉnh nuôi, với 1076 cơ sở, số đầu con lên tới 559.795 con. Có thể kể tên một số trang trại cá sấu lớn như sau:

Trang trại của anh Trần Ngọc Hiếu tại Tp. Hồ Chí Minh mỗi năm cung cấp cho thị trường xấp xỉ 50.000 con cá sấu thương phẩm với khối lượng 20- 40 kg/con, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng.

Trang trại của ông Trương Thanh Mai ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu có 28.000 con cá sấu đủ kích cỡ với quy trình nuôi khép kín trên diện tích 3ha. Mỗi năm khoảng 60.000 con cá sấu giống mang thương hiệu “Phương Tín” cung cấp khắp “lục tỉnh” – số lượng được cho là cao nhất Bạc Liêu và cũng hiếm có ở đâu đồng bằng có được [10].

Phía Bắc cũng nhiều cơ sở nuôi ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Sơn Tây, và Hà Nam v.v. Số lượng đầu con lên trên 10.000 cá thể. Tuy nhiên quy mô nuôi nhỏ hơn đáng kể so với miền Nam. Các cơ sở nuôi từ hàng chục đến hàng trăm con cá sấu như:

Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương – Viện Chăn nuôi (Chèm, Từ Liêm, Hà Nội), với số lượng luôn luôn duy trì từ 1200 - 1500 con/năm. Tại đây nuôi cá sấu kết hợp lấy thịt phục vụ nhà hàng, da sản xuất đồ dùng, ngoài ra còn cung cấp con giống cho nhiều cơ sở trong địa phương và các tỉnh bạn.

Hộ ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX dịch vụ cổ đông Sơn Tây, Hà Nội nuôi 1200 con. Hộ ông Chiến, Khu Mai Dịch, Từ Liêm, Hà Nội, nuôi 500 con. Ông Tính HTX cổ đông Sơn Tây, Hà Nội nuôi 400 con.

Trại chăn nuôi thuỷ đặc sản của Ông Vũ Cao Thăng ở xã An Hoà huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nuôi cá sấu từ năm 1995 tới nay, số lượng đạt 300 con. Tại đây hàng năm vẫn sản xuất cá sấu con bán cho các cơ sở nuôi cá sấu trong tỉnh Ninh Bình.

Công ty cổ phần du lịch khách sạn Công đoàn Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên nuôi 80 con trong vườn thú từ năm 2002 tới nay để phục vụ khách du lịch tham quan. Công ty du lịch Khoang Xanh, Suối Tiên nuôi 12 con từ năm 2004 tới nay để phục vụ khách du lịch tham quan. Công ty Âu Lạc, Tuần Châu, Quảng Ninh nuôi 20 con từ năm 2004, tại đây có một số con đã được huấn luyện để biểu diễn phục vụ khách [10].

1.4.2. Tình hình sản xuất và sử dụng da cá sấu tại Việt Nam

Việt Nam là một trong các nước có ngành chăn nuôi cá sấu phát triển rất mạnh do có lợi thế về khí hậu và nguồn thức ăn rẻ tiền. Tuy nhiên nhìn chung việc chăn nuôi mang tính tự phát, thiếu các kiến thức khoa học về chuồng trại, giết mổ, bảo quản da nguyên liệu. Người chăn nuôi cá sấu chỉ quan tâm đến việc bán cá sấu nguyên con thương phẩm, da cá sấu chỉ là phụ phẩm bất đắc dĩ phải bảo quản khi bắt buộc phải giết mổ. Do những hạn chế này, chất lượng da cá sấu không cao, nhiều khiếm khuyết. Công nghệ thuộc da cá sấu và chế biến các sản phẩm từ da cá sấu trong nước còn chưa phát triển. Vì vậy phần lớn cá sấu được xuất khẩu dưới dạng nguyên con hoặc xuất ở dạng da cá sấu nguyên liệu với giá trị rất thấp, trong khi lẽ ra, da cá sấu phải mang lại giá trị cao nhất. Do thực trạng đó, định hướng coi cá sấu là vật nuôi nhằm xoá đói, giảm nghèo cho nông dân ở các vùng sâu, vùng xa chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

- Trong thực tế công việc tiêu thụ sản phẩm của chúng ta chủ yếu mới bán cho các nhà hàng nội địa làm thực phẩm và bán ra nước ngoài một số theo đường tiểu ngạch. Tuy đã có giấy phép xuất khẩu nhưng công việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Số cơ sở thuộc da cá sấu trong nước còn ít và chất lượng da thuộc chưa cao vì thế chưa khai thác được thế mạnh xuất khẩu trên thị trường thế giới [7]. Cụ thể:

- Chất lượng da nguyên liệu chưa đảm bảo (da bị rách trong khi lột mổ, thối rữa trong bảo quản lâu ngày); việc phân loại chưa hợp lý nên còn có rắc rối, bất đồng trong giao dịch giữa người bán và người mua da nguyên liệu.

- Da thành phẩm còn bị cứng (nhất là đối với loại da to và phần da ở lưng) do công nghệ chuẩn bị thuộc, thuộc và hoàn thành chưa tốt.

- Mặt da và vẩy sừng da thành phẩm bị vỡ nhiều do các thiết bị thuộc chưa phù hợp cho thuộc da nốt sần.

- Trau chuốt da thành phẩm chưa đẹp, da trông chưa được tự nhiên.

- Chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh theo yêu cầu của châu Âu và Hoa Kỳ, nên dễ bị ảnh hưởng do rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu sản phẩm.

- Chưa xây dựng được mô hình quản lý và xử lý chất thải trong công nghệ thuộc da cá sấu nên chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và sản xuất bền vững.

- Chưa xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh cho sản phẩm da cá sấu xuất khẩu nên việc đánh giá sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Cho đến nay đã có một số công ty trong nước chuyên sản xuất (thuộc và hoàn tất da cá sấu) và sử dụng da cá sấu để sản xuất giầy và sản phẩm da, cụ thể như sau:

Công ty Kinh doanh Cá Sấu Khatoco là đơn vị thuộc Tổng công ty Khánh Việt [9]. KHATOCO là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi và phát triển Cá sấu tại Việt Nam. Khatoco đã và đang xây dựng hoàn thiện ngành kinh doanh cá sấu trên quy mô lớn, từ khâu nhân giống, chăn nuôi đến chế biến, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó bao gồm hệ thống các trang trại chăn nuôi cá sấu; Nhà máy chế biến thức ăn; vùng nuôi thương phẩm; Nhà máy chế biến thịt; Nhà máy thuộc da cao cấp; Xí nghiệp may da… Hàng năm, KHATOCO cung cấp cho thị trường hơn 10.000 cá sấu thương phẩm. Sản phẩm da cá sấu của KHATOCO đã có mặt hầu hết tại các thành phố lớn trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường Nga, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà đã liên kết cùng Hợp tác xã Xuân Lộc xây dựng một quần thể liên hoàn gồm nhà hàng, cửa hàng da, phòng mổ thịt sấu, nhà triển lãm, công viên mini…

Công ty TNHH TM & DV Bách Thành Vinh với thương hiệu Cá Sấu Thành Vinh (Tp.Hồ Chí Minh) [10] là công ty có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất đồ da. Quy trình sản xuất tại xưởng làm sản phẩm được chú ý đặt biệt với nhiều thợ thủ công tay nghề cao, có trách nhiệm trong công việc. Sản phẩm hoàn toàn được sản xuất thủ công, đảm bảo độ bền và sự tinh tế. Các sản phẩm thời trang được làm từ da da cá sấu với nhiều màu sắc và mẫu mã đa dạng, hoa văn lạ mắt sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của quý khách hàng.

Các dòng sản phẩm chủ đạo của công ty : - Bóp da, ví da cá sấu

- Dây nịt da cá sấu - Túi xách da - Cặp táp - Giầy nam - Bao điện thoại - Cá sấu nhồi bông

- Nón da, móc khóa, dây đồng hồ ...

Công ty Vip Shoes (Tp. Hồ Chí Minh) là công ty chuyên sản xuất giầy từ da cá sấu [10]. Theo quảng bá trên trang Web của công ty, đến nay đã có hơn 100 doanh nhân đã và đang sử dụng giầy da cá sấu của Vip Shoes v.v.

Hình 1.27. Sản phẩm của Công ty Vip Shoes

Ngoài các công ty lớn kể trên, còn có một số công ty nhỏ tham gia sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ da cá sấu như: công ty Việt Phong, Công ty Da giày Việt Nam, Công ty Cá sấu Việt Nam v.v.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá một số tính chất cơ lý cơ bản của da cá sấu việt nam (Trang 35 - 40)