- Phương pháp
Thuật ngữ “phương pháp” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là methodos, theo nghĩa thông thường dùng để chỉ những cách thức, thủ đoạn nhất định, được chủ thể hành động sử dụng để thực hiện mục đích đã vạch ra. Còn theo nghĩa chặt chẽ và khoa học,
phương pháp là hệ thống những nguyên tắc được rút ra từ tri thức về các quy luật khách quan để điều chỉnh hoạt động nhận thức và thực tiễn nhằm thực hiện mục đích nhất định.
Phương pháp là phạm trù gắn liền với hoạt động có ý thức của con người, phản ánh hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Do đó phương pháp là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại trong hoạt động nhận thức và cải tạo hiện thực. Trên cơ sở những điều kiện khách quan đã có, phương pháp càng đúng đắn thì kết quả đạt được càng cao, và ngược lại.
Tóm lại, chúng ta có thể hiểu phương pháp là con đường, là cách thức để đạt những mục đích nhất định.
- Phương pháp dạy học
Phương pháp dạy học liên hệ mật thiết với quá trình dạy học bởi nó là một thành tố quan trọng của quá trình này. Quá trình dạy học là một quá trình có tính hai mặt. Nói quá trình này có tính hai mặt, điều đó có nghĩa quá trình này bao gồm hai hoạt động: hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò, trong đó thầy giữ vai trò chủ đạo, còn trò là chủ thể của quá trình học tập – chủ thể này hoạt động tự giác.
Như vậy, phương pháp dạy học là những cách thức hoạt động và ứng xử của thầy để gây nên những hoạt động và giao lưu cần thiết của trò trong quá trình dạy học nhằm đạt được các mục đích dạy học. Hay ta có thể hiểu phương pháp dạy học là cách thức hoạt động của giáo viên trong việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động của người học nhằm giúp họ tự giác, chủ động đạt được các mục tiêu dạy học.
Nói cách khác, phương pháp dạy học là một hệ thống những hành động có chủ đích theo một trình tự nhất định của giáo viên nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và hoạt động thực hành của học sinh để đảm bảo cho họ lĩnh hội nội dung dạy học và nhờ đó mà đạt được mục đích dạy học.