- Quản lý nhà trường
Nhà trường là cơ quan giáo dục chuyên biệt thực hiện chức năng giáo dục của nhà nước, của cộng đồng và của xã hội. Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ trở thành những con người phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, những người có ích cho xã hội. Vì lẽ đó, nhà trường là một tổ chức có tính nhân văn cao. Toàn bộ hoạt động của nhà trường đều hướng đến thực hiện mục tiêu đào tạo, mà mục tiêu này thấm đượm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa.
Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để đạt tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh.
Quản lý nhà trường thực chất là quản lý giáo dục trên tất cả các mặt, các khía cạnh khác nhau có liên quan đến hoạt động giáo dục trong phạm vi nhà trường. Đó là một hệ thống những hoạt động có mục đích có kế hoạch, hợp quy luật khách quan của chủ thể quản lý giáo dục nhằm làm cho nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục nhờ đó mà đạt đến mục tiêu giáo dục đặt ra cho ngành giáo dục trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Tiêu điểm của giáo dục trong phạm vi nhà trường là hoạt động dạy học và giáo dục.
Quản lý nhà trường bao gồm:
+ Quản lý chương trình dạy học và giáo dục của nhà trường. + Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh.
+ Quản lý giáo viên và phát triển nghề nghiệp của người dạy học.
+ Quản lý thiết bị, cơ sở vật chất và những điều kiện khác đảm bảo cho các hoạt động của nhà trường đạt được mục tiêu đã đặt ra.
- Quản lý quá trình dạy học
Hoạt động trung tâm của nhà trường là hoạt động sư phạm của thầy và hoạt động học tập rèn luyện của trò. Những hoạt động này chủ yếu diễn ra trong quá trình dạy học. Vì lẽ đó, quản lý quá trình dạy học là một trong những nội dung quản lý cơ bản của quản lý nhà trường. Đây là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi người hiệu trưởng phải am hiểu nghề quản lý, am hiểu nhà trường do mình quản lý, từ đó mới có thể đưa ra những hướng đi đúng đắn giúp đội ngũ giáo viên và học sinh thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu của mình.
Quản lý quá trình dạy học còn là quản lý quá trình chấp hành những quy định, quy chế về giảng dạy của giáo viên và hoạt động học tập của học sinh. Quản lý tốt nội dung này sẽ giúp cho hoạt động của cả thầy và trò được thực hiên một cách nghiêm túc nhờ đó mà đạt được chất lượng, hiệu quả.
Vậy, quản lý quá trình dạy học được thực hiện qua các chức năng quản lý. Có nhiều quan niệm khác nhau về chức năng quản lý, đặc biệt là việc phân loại các chức năng quản lý
+ Henri Fayol (1841 – 1925) xuất phát từ các loại hình hoạt động quản lý đã phân loại các chức năng quản lý thành 5 loại. Năm loại chức năng quản lý cơ bản là: Kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ huy, phối hợp và kiểm tra.
+ Viện sĩ V.G. Afanaxiep – một nhà lý luận quản lý xã hội có uy tín của Liên Xô cũ đã nêu 5 chức năng quản lý cơ bản là: Xử lý và thông qua quyết định, tổ chức, điều chỉnh, sửa chữa, kiểm kê và kiểm tra.
+ Theo PGS.TS Trần Hữu Cát và TS Đoàn Minh Duệ thì “Chức năng quản lý là loại hình đặc biệt của hoạt động điều hành, là sản phẩm của tiến trình phân công lao động và chuyên môn hóa quá trình quản lý”.
Nói cách khác: Đó là những nội dung và phương thức hoạt động cơ bản. Nhờ đó, chủ thể quản lý tác động đến đối tượng quản lý trong quá trình quản lý, nhằm thực hiện mục tiêu quản lý.
Quan niệm phổ biến hiện nay cho rằng quản lý giáo dục gồm 4 chức năng sau: Kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra.
+ Lập kế hoạch: Chủ thể quản lý xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, dự kiến phân công giảng dạy, đề xuất những cách thức để đạt tới mục đích dạy học. Giáo viên các lớp phải dạy theo đúng kế hoạch chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Chủ thể quản lý chỉ làm nhiệm vụ: phân công giáo viên có đủ năng lực để đứng lớp, lập thời khóa biểu, duyệt kế hoạch giảng dạy của cá nhân…
+ Tổ chức: Thiết lập cơ cấu và cơ chế hoạt động, với các nội dung sau: phân công phó hiệu trưởng tập trung nhiệm vụ chỉ đạo chuyên môn, đây là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường nhẳm thực hiện “dạy tốt, học tốt”, chỉ định các tổ khối trưởng chuyên môn, xây dựng các màng lưới cốt cán chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể tạo ra cơ chế đồng bộ, hoạt động nhịp nhàng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, hoàn thiện các tổ chức hội cha mẹ học sinh.
+ Chỉ đạo: Theo tự điển Tiếng Việt – NXB Đà Nẵng (1997): Chỉ đạo là hướng dẫn cụ thể, theo một đường lối, chủ trương nhất định.
Do đó, chỉ đạo vừa có nghĩa là ra chỉ thị để điều hành, vừa là tác động ảnh hưởng tới hành vi, thái độ (ảnh hưởng tới qui trình hình thành động cơ làm việc) của mọi thành viên trong toàn bộ hệ thống, trên cơ sở sử dụng đúng đắn các quyền lực của người quản lý. Như vậy, chỉ đạo cần thực hiện quyền chỉ huy (giao việc) và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ cũng như tác động ảnh hưởng tới khả năng và trình độ của từng thành viên trong tổ chức hay trong nhà trường. Là hướng dẫn công việc, biết liên kết, liên hệ, động viên các bộ phận và cá nhân trong nhà trường thực hiện mục tiêu. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các văn bản pháp quy, quy chế của nhà nước và của ngành giáo dục về nề nếp dạy học: chỉ đạo xây dựng và thực hiện các nội quy của nhà trường về nề nếp dạy học, chỉ đạo thực hiện các kế hoạch về dạy học đã được xây dựng, thực hiện chương trình kế hoạch các môn học, thời khóa biểu lên lớp, nề nếp ra vào lớp của thầy và trò, chỉ đạo thực hiện các loại
hồ sơ, sổ sách chuyên môn, tổ chức chỉ đạo sinh hoạt chuyên môn có chất lượng.
+ Kiểm tra: Là công việc đo lường và điều chỉnh các hoạt động của cá nhân và các bộ phận thuộc quyền quản lý để xác định công việc và các hoạt động tiến hành có phù hợp với kế hoạch và mục tiêu dạy học hay không. Chỉ ra những lệch lạc và đưa ra những tác động điều chỉnh, uốn nắn, đảm bảo hoàn thành kế hoạch.
Ngoài chức năng chính là quản lý quá trình dạy học, luật giáo dục đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của quản lý nhà trường như sau:
+ Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục.
+ Quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên. + Tuyển sinh và quản lý người học.
+ Quản lý, sử dụng đất đai, trường sở trang thiết bị và tài chính theo quy định của pháp luật.
+ Phối hợp với gia đình người học, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục.
+ Tổ chức cho nhà giáo, cán bộ nhân viên và người học tham gia các hoạt động xã hội.
+ Các nhiêm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.