Tổ chức điều phối hoạt động dọc chuỗi ngành hàng cà phê chặt chẽ hơn

Một phần của tài liệu chiến lược cạnh tranh của mặt hàng cà phê xuất khẩu sang EU (Trang 70 - 73)

Ta có thể thấy rằng, không thể nào phát triển được một ngành cà phê chuyên nghiệp, phù hợp với các tiêu chuẩn của thế giới và EU, nâng cao NLCT mà lại bằng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, mỗi người một kiểu và việc ai nấy làm. Vì vậy, việc tổ chức ngành hàng cà phê, đi từ các nhóm nông dân đến HTX, thành lập các hiệp hội gắn bó nông dân với người sản xuất, doanh nghiệp, Nhà nước là rất quan trọng.

Về phía Nhà nước

Giải pháp đề xuất là xây dựng một Ban điều phối ngành hàng cà phê. Ban này sẽ có sự tham gia của các Bộ, các viện nghiên cứu và các hiệp hội. Ban có nhiệm vụ đề xuất và giám sát việc thực hiện các chính sách, chiến lược liên quan đến ngành hàng cà phê; tổ chức nghiên cứu, đào tạo và phối hợp kiểm soát chất lượng; thu thập, phân tích, dự báo thông tin thị trường trong và ngoài nước; thực hiện các hoạt động phát triển thị trường như các buổi hội chợ, quảng cáo; cải cách tổ chức ngành cà phê; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế… Ngoài ra, Ban sẽ đảm nhiệm luôn Quỹ cà phê nếu nó ra đời.

Hình 3.1: Mô hình đề xuất Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam

Ban sẽ do 1 lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo, với 50% thành viên là thuộc Nhà nước và 50% thuộc các thành phần kinh tế khác. Kế hoạch chi tiêu sẽ do Ban điều phối giám sát và thực hiện.

+ Đại diện của các Bộ sẽ có Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại diện này tạo ra sự điều phối thống nhất để phát triển toàn ngành, nhiệm vụ chỉ đạo.

+ Các viện có Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các Viện KHKT. Chia làm 2 chức năng, một là nghiên cứu kĩ thuật, một là nghiên cứu chính sách, tạo sự điều phối tập trung và thống nhất hơn, nhiệm vụ đề xuất các chính sách, chiến lược về ngành hàng cà phê.

Ban điều phối ngành hàng cà phê Hiệp hội người tiêu dùng Hiệp hội các nhà xuất khẩu Hiệp hội các nhà kinh doanh, chế biến Hiệp hội các nhà sản xuất Các viện nghiên cứu Đại diện các Bộ Các hợp tác xã Các hội nông dân

+ Xây dựng, liên kết những hiệp hội. Hiện chúng ta mới chỉ có mô hình hiệp hội kinh doanh cà phê, còn lại những nhân tố khác vẫn rời rạc và ở quy mô nhỏ. Do vậy, cần tạo ra các hiệp hội mới như:

• Hiệp hội nhà sản xuất: với mục đích kết nối quyền lợi của nông dân trồng cà phê và gia đình nhằm bảo đảm ổn định thu nhập cho họ. Trong hiệp hội này sẽ bao gồm luôn các HTX và các hội nông dân. Hiệp hội cần tổ chức, khuyến khích các hộ nông dân tập hợp lại theo mô hình HTX, nhóm hộ nông dân, hộ trang trại để giải quyết vấn đề quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cũng như tổng hợp lượng cà phê, tìm đầu ra cho sản phẩm, có như vậy thì mới dễ dàng mở rộng sản xuất, đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ đồng bộ, Nhà nước, các doanh nghiệp hỗ trợ vốn, kĩ thuật, máy móc cũng dễ hơn, đảm bảo việc tuyên truyền, quản lý khi có những chính sách mới.

• Hiệp hội các nhà xuất khẩu: xúc tiến, đàm phán, thoả thuận với các đối tác nhập khẩu, tìm hiểu thị hiếu cà phê của người tiêu dùng trên các thị trường nói chung và EU nói riêng. Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng giải quyết luôn vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ cạnh tranh lẫn nhau, tranh mua tranh bán. Hiện tại Việt Nam có VICOFA là tổ chức đại diện cho các nhà xuất khẩu cà phê.

• Hiệp hội người tiêu dùng: góp phần tạo ra kênh phân phối hợp lý, tiếp cận và phản hồi thông tin, phản ứng của thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.

Bên cạnh đó, xây dựng Quỹ cà phê để hỗ trợ ngành hàng, cụ thể là hỗ trợ chi phí sản xuất, thu hoạch, hỗ trợ tạm trữ, tài trợ chi phí quảng cáo, nghiên cứu phát triển, xúc tiến thương mại, xuất khẩu. Nguồn vốn chính của Quỹ là từ đóng góp của các doanh nghiệp. Mặc dù hơn 90% lượng cà phê xuất khẩu hiện nay thuộc các hội viên của VICOFA nhưng nếu chỉ thu phí của các hội viên này sẽ dẫn đến sự tỵ nạnh, vì vậy, tất cả doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đều phải đóng phí vào Quỹ.

Bộ NN&PTNT đóng vai trò đại diện trong việc hoạch định và triển khai thành lập Ban. Nguồn kinh phí trong thời gian đầu sẽ huy động từ ngân sách Nhà nước và kim ngạch xuất khẩu. Các năm sau, kinh phí từ ngân sách sẽ giảm dần và tăng phần đóng góp từ kim ngạch xuất khẩu.

Về phía doanh nghiệp

Các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân, HTX, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và bảo hiểm để đảm bảo được nguồn hàng ngay từ đầu, ký hợp đồng thu mua với các

đối tượng này, như vậy sẽ không phải lo tranh mua nguyên liệu như hiện nay, cũng như lúc cần gom hàng sẽ dễ dàng hơn. Cùng với nông dân hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp trên cơ sở người dân đóng góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị vườn cà phê để tổ chức sản xuất lớn theo hướng bền vững, bảo vệ tài sản, cùng hưởng lợi thông qua sản xuất, chế biến, dịch vụ. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn giúp điều tiết giá mua, giá bán hợp lý, chia sẻ thông tin thị trường, đảm bảo hiệu quả ổn định cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức giữa các doanh nghiệp cà phê có tác động quan trọng đến phát triển ngành. Các doanh nghiệp sẽ thành lập hệ thống marketing chuyên nghiên cứu về thị trường, giá cả và kế hoạch quảng cáo khuyến mãi phù hợp. Doanh nghiệp lớn hỗ trợ vốn, giải pháp cải tiến chất lượng, trang thiết bị cho người sản xuất và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; sử dụng uy tín của mình để tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị đó trên cơ sở kiểm soát công nghệ, chất lượng sản phẩm, đào tạo và hướng dẫn họ sản xuất tạo ra nguồn hàng hóa đồng nhất, ổn định. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nhiệm vụ chuyên tổ chức thu mua, cung ứng hàng xuất khẩu, đảm bảo việc cung ứng được nhanh chóng, đúng chất lượng, địa điểm. Như vậy hoạt động trong ngành có tổ chức hơn, hạn chế việc cạnh tranh lẫn nhau.

Về phía người trồng cà phê

Các hộ nông dân nhỏ lẻ cần chủ động tích tụ đất, liên kết lại với nhau qua mô hình HTX, hộ trang trại sản xuất lớn. Một mặt, nhận hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp, nắm bắt các hoạt động tuyên truyền, chính sách dễ dàng hơn; mặt khác, có thể thu thập được thông tin diễn biến về tình hình thị trường cà phê kịp thời, từ đó có tổ chức dự trữ cũng như xuất bán phù hợp. Bên cạnh đó, tập hợp thành quy mô lớn sẽ có thể chủ động hơn trong việc cung ứng nguồn hàng khi các doanh nghiệp đặt các đơn hàng lớn, đồng thời giảm tình trạng bị ép giá do số lượng ít.

Một phần của tài liệu chiến lược cạnh tranh của mặt hàng cà phê xuất khẩu sang EU (Trang 70 - 73)