SÁCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN Ở TỈNH BẮC NINH. 1. Một số định hướng chủ yếu nhằm phát triển công nghiệp ở nông thôn.
Khuyến khích phát triển công nghiệp ở nông thôn là một vấn đề lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở nước ta. Do vậy cần nghiên cứu một cách cơ bản và cần một loạt các giải pháp về khung khổ pháp lý, khung khổ chính sách:
- Khuyến khích mọi lực lượng kinh tế đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn, đảm bảo cho các đơn vị kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau được tự do sản xuất kinh doanh hợp pháp, bình đẳng trước pháp luật.
- Phát triển thị trường ở nông thôn, kích thích cầu và mở rộng cung của nông nghiệp và nông dân thì các doanh nghiệp mới có cơ hội và địa bàn hoạt động ngày càng phát triển. Có thể tiến hành các giải pháp cụ thể sau:
+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển các vùng chuyên canh tập trung các loại cây, con theo yêu cầu của thị trường.
+ Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ, thương mại ở nông thôn và chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.
+ Nâng cao thu nhập cho nông dân bằng mọi biện pháp hợp pháp để tăng sức mua của nông dân là một giải pháp hữu hiệu để mở rộng thị trường cho các đơn vị sản xuất kinh doanh ở nông thôn có hiệu quả.
- Có chính sách hỗ trợ vốn cho phát triển công nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi các nguồn tín
dụng chính thức của ngân hàng và các quỹ hỗ trợ khác với lãi suất ưu đãi, thủ tục vay vốn đơn giản nhưng có sự dàng buộc chặt chẽ.
- Xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ ở nông thôn theo các cụm dân cư tập trung, nhà nước cấp đất, xây dựng kết cấu hạ tầng và cho các doanh nghiệp thuê với giá ưu đãi.
- Tăng cường đào tạo tay nghề về sản xuất, kinh doanh và quản lý, phát triển hoạt động tư vấn, đào tạo nhà kinh doanh và quản lý cho các doanh nghiệp ở nông thôn, đồng thời coi trọng cung cấp thông tin thị trường, thông tin khoa học, công nghệ và các thông tin khác cho các chủ doanh nghiệp và nhà quản lý.
Để thực hiện đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tỉnh Bắc Ninh phải tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn bằng cách nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đầu tư tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và giá trị của một đơn vị diện tích nông nghiệp, giảm bớt lao động nông nghiệp chuyển sang sản xuất công nghiệp và hoạt động dịch vụ, chủ yếu bằng phát triển các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ trong nông thôn.
2. Những quan điểm cơ bản trong các chính sách phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Bắc Ninh.
- Chính sách phát triển công nghiệp nông thôn nhằm giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh của họ trong cơ chế thị trường. Việc hỗ trợ và khuyến khích nhằm giúp họ về cách thức và phương pháp để họ tự phấn đấu vươn lên. Với quan điểm như vậy làm thay đổi cơ bản cách thức hỗ trợ, chẳng hạn hỗ trợ về vốn thì không nhất thiết cung cấp vốn cho họ một cách trực tiếp, mà hỗ trợ làm sao để họ tiếp cận với các nguồn vốn được dễ dàng hơn, hỗ trợ về thị trường không có nghĩa là tìm giúp thị trường cho các doanh nghiệp mà hướng dẫn họ cách thức tìm kiếm thị trường củng cố và phát triển thị trường.
- Hỗ trợ gián tiếp là chủ yếu, mang tính định hướng thông qua môi trường kinh doanh mà trước hết là thị trường, thông qua các chính sách và cơ chế là chủ yếu.
- Hỗ trợ chủ thể kinh doanh trong tổng thể nền kinh tế, vừa đảm bảo tính hiệu quả trong tổng thể, vừa đảm bảo công bằng, tránh tình trạng quá chú trọng vào một số đối tượng, một số doanh nghiệp.
- Các chính sách cần chú trọng đến tính hiệu quả của các biện pháp, trong đó kết hợp hiệu quả ngắn hạn, cục bộ với hiệu quả lâu dài, tổng thể kinh tế xã hội địa phương.
- Hình thành hệ thống các định chế có năng lực và công tâm để triển khai các chính sách này. Đây là vấn đề quan trọng vì các biện pháp, chính sách hỗ trợ phát triển có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào việc triển khai và tổ chức thực hiện nó như thế nào.