1.2.4.1. Văn hóa dân tộc
Sự phản chiếu của văn hoá dân tộc lên văn hoá tổ chức là một điều tất yếu. Bản thân văn hoá tổ chức là một nền tiểu văn hoá nằm trong văn hoá dân tộc. Có thể khẳng định văn hóa dân tộc tác động đến các thành viên trong tổ chức bao quát hơn cả văn hóa tổ chức. Văn hóa tổ chức không thể đi ngược lại những giá trị truyền thống của dân tộc, đất nước, con người bao quanh tổ chức. Vì vậy, đa số các tổ chức đều tập trung xây dựng những giá trị cốt lõi phù hợp với truyền thống tốt đẹp chung của xã hội và ngành nghề, rồi từ đó truyền bá và áp dụng trong tổ chức, hình thành nét văn hóa chung của những thành viên trong tổ chức.
1.2.4.2. Nhà lãnh đạo – Người tạo ra nét đặc thù cho văn hóa tổ chức
Nhà lãnh đạo không chỉ là người quyết định cơ cấu tổ chức, hoạt động mà còn là người sáng tạo ra các biểu tượng, các ý thức hệ, ngôn ngữ, niềm tin, nghi lễ và huyền thoaị… của tổ chức. Qua quá trình xây dựng và quản lý tổ chức, hệ tư tưởng và tính cách của nhà lãnh đạo sẽ được phản chiếu lên văn hoá tổ chức. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, thông qua nhiều hình thức khác nhau như: tăng cường tiếp xúc giữa nhà lãnh đạo và các thành viên khác, cũng có thể sử dụng các chuyện kể, huyền thoại, truyền thuyết… như một phuơng thức hiệu quả để truyền đạt và nuôi dưỡng những giá trị văn hoá chung.
1.2.4.3. Đặc điểm ngành nghề
Ngành nghề cũng ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa tổ chức. Với đặc thù của mỗi ngành nghề mà hình thành nên nét đặc trưng cho VHTC, những đặc trưng đó có thể trở thành biểu tượng của doanh nghiệp, thành đặc điểm khiến mọi người dễ nhận biết và nhớ đến nhất.
1.2.4.4. Những giá trị văn hóa học hỏi được
Có những giá trị VHTC không thuộc về văn hóa dân tộc, cũng không phải do nhà lãnh đạo sáng tạo ra mà do tập thể nhân viên trong doanh nghiệp tạo dựng nên, được gọi là những kinh nghiệm học hỏi được. Chúng hình thành hoặc vô thức hoặc có ý thức và ảnh hưởng của chúng đến hoạt động của doanh nghiệp có thể tích cực cũng có thể tiêu cực. Hình thức của những giá trị hoc hỏi được thường rất phong phú và phổ biến: những kinh nghiệm tập thể của doanh nghiệp, những giá trị học hỏi từ các doanh nghiệp khác, những giá trị văn hoá được tiếp nhận trong quá trình giao lưu với nền văn hoá khác, những giá trị do một hay nhiều thành viên mới mang đến, những xu hướng hoặc trào lưu xã hội…
1.2.4.5. Lịch sử hình thành tổ chức
Lịch sử hình thành tổ chức là quá trình lâu dài của sự nỗ lực xây dựng và vun đắp của tất cả thành viên. Đó sẽ là niềm tự hào cho các thành viên trong tổ chức và trở thành những giai thoại sống mãi cùng sự tồn tại và phát triển của tổ chức.