Đối tượng nghiên cứu là Đước đôi hay còn gọi là Đước xanh, tên khoa học là
Rhizophora apiculata Blume, thuộc họ Rhizophoraceae (họ Đước).
- Phân bố:
Trên thế giới: Đước đôi phân bố trên nền bùn lầy ven bờ biển ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, thường ở vĩ độ 25oN - 25oS.
Ở Việt Nam: Đước đôi phân bố trên nền đất bùn lầy ven biển, trải dài từ Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh đến tận mũi Cà Mau. Đước đôi tập trung nhiều nhất ở Cà Mau, Bến Tre và thành phố Hồ Chí Minh.
- Đặc điểm hình thái:
Đước đôi thuộc dạng thân gỗ cao khoảng 20 m. Vỏ màu xám nhẵn, có vết nứt ngang đều đặn. Lá cứng, bóng, có phiến hình bầu dục, chót thon. Gân lá giữa lớn màu lục, gân bên không rõ. Quả hình lê, có trục hạ diệp thòng dài khoảng 30 cm hướng xuống đất, màu lục hoặc màu xám. Hệ rễ dạng chân nôm, đặc biệt phát triển cắm sâu vào đất.
- Đặc điểm sinh thái:
Cây thích nghi với môi trường bãi bồi ven biển, giàu mùn, chịu tác động thường xuyên của chế độ thủy triều, hay trên các bãi bồi đã ổn định, bùn đã lắng. Đước đôi có hệ thống rễ dạng chân nôm rũ xuống bãi lầy chống đỡ cho cây. Ngoài ra, trên rễ có nhiều lỗ vỏ giúp cây lấy oxy trong điều kiện đất nén chặt. Đước đôi mọc vùng ven biển, có tác dụng chắn sóng, chắn gió bão, bảo vệ bờ biển,…cần
được bảo vệ.
- Đặc điểm sinh học:
Đước đôi có hiện tượng sinh con, tức quả nảy mầm ngay khi còn trên cây mẹ, tạo ra cây con nối liền với quả gọi là trụ mầm. Trụ mầm khi già xuất hiện một vòng cổ giữa quả và trụ mầm. Khi trụ mầm chín, đứt ngang vòng cổ rơi xuống đâm thẳng vào đất và phát triển mạnh, một số cây con không cắm được vào đất bùn trôi dạt theo sóng biển nhưng vẫn giữ được sức sống vài tháng, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ ra rễ và phát triển thành cây lớn.
Hình 2.3. Đước đôi (Rhizophora apiculata Blume)