Liên minh Châu Âu (EU) lần đầu tiên trên thế giới chính thức thành lập thị trường buôn bán khí thải dựa trên Nghị định thư Kyoto ngày 1/5/2005. Trong các loại khí thải chủ yếu gây nên hiệu ứng nhà kính, có khí CO2. Đến nay, hệ thống buôn bán khí thải của EU trở thành hệ thống buôn bán khí CO2 lớn nhất thế giới. Việc buôn bán khí CO2 được thực hiện qua tín dụng carbon.
Hiện nay, cơ chế vận hành carbon chưa thống nhất, từ cơ chế phát triển sạch (CDM) – một trong ba cơ chế linh hoạt của Nghị định Kyoto cho đến REDD+ đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện. Tuy nhiên, thị trường này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam.
Ở Việt Nam, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Thủ tướng ban hành ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2011. Trong Nghị định này có đề cập đến loại dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững. Các đối tượng hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ này cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng [2].
Việc mua bán khí thải còn khá mới mẻ với Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước chưa tiếp cận được thị trường này. Tuy nhiên, với tài nguyên rừng phong phú, chưa thuộc nước bắt buộc cắt giảm khí thải, Việt Nam rất có tiềm năng sẽ nhận được chứng chỉ carbon.
Thị trường carbon sẽ hứa hẹn thu hút nguồn đầu tư cho các dự án giảm phát thải khí CO2 tại các nước đang phát triển, các công ty đầu tư tại các nước phát triển sẽ chuyển dịch theo hướng hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây là tín hiệu lạc
quan về việc làm và thu nhập cho cộng đồng người dân khó khăn vùng rừng núi, tạo bước đi khởi sắc cho dự án REDD+ và những đóng góp tích cực vào giảm những tác động đến biến đổi khí hậu toàn cầu.