Lịch sử hình thành

Một phần của tài liệu phát triển du lịch mùa nước nổi ở tỉnh an giang (Trang 32 - 35)

2.1.1.1. Thời phong kiến

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, An Giang xưa kia là vùng đất Tầm

Phong Long của vương quốc Chân Lạp. Vào năm 1757, Quốc vương Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất này cho chúa Nguyễn Phúc Khoát để đền ơn chúa Nguyễn giúp mình lên làm vua và dẹp yên nội loạn. Sau đó, chúa Nguyễn đặt làm đạo Châu Đốc. Đầu triều Nguyễn, thấy đất đai hoang vắng, vua Gia Long mới mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc Tân Cương, lệ thuộc trấn Vĩnh Thanh.

Năm 1832, vua Minh Mạng lấy đất này gộp với huyện Vĩnh An của tỉnh Vĩnh Long lập thành tỉnh An Giang. Tỉnh An Giang vào năm 1836 gồm hai phủ chia thành bốn huyện là: huyện Tây Xuyên và Phong Phú thuộc phủ Tuy Biên; huyện Vĩnh An và Đông xuyên thuộc phủ Tân Thành. Trương Minh Giảng là vị tổng đốc đầu tiên trồng coi hai tỉnh An Giang và Hà Tiên. Tỉnh An Giang ngày nay tương đương với phần đất của phủ Tuy Biên thời bấy giờ.

Đến đời Tự Đức, sau nhiều lần tách, nhập, tỉnh An Giang có 3 phủ với 10 huyện. Cụ thể như sau: Phủ Tuy Biên gồm các huyện: Tây Xuyên, Phong Phú, Hà Dương, Hà Âm. Phủ Tân Thành gồm các huyện: Vĩnh An, An Xuyên, Đông Xuyên. Phủ Ba Xuyên gồm các huyện: Phong Nhiêu, Phong Thạnh, Vĩnh Định.

2.1.1.2. Thời Pháp thuộc

Thời kỳ 1867 – 1945

Ngày 05-10-1876, Thống đốc Dupré ký nghị định bãi bỏ hệ thống Nam Kỳ lục tỉnh, chia Nam Kỳ thành 4 khu vực là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac với tất cả 19 hạt. Tỉnh An Giang được chia thành 5 hạt: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần

Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc. Địa bàn An Giang ngày nay nằm trên hai hạt Châu Đốc và Long Xuyên. Năm 1899, Pháp lại bỏ hạt để lập tỉnh. Tỉnh An Giang lúc đầu được tách thành hai tỉnh là Châu Đốc và Long Xuyên. Tỉnh Châu Đốc gồm 4 quận: Châu Thành, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn. Tỉnh Long Xuyên gồm 3 quận: Châu Thành, Thốt Nốt, Chợ Mới. Năm 1930, tỉnh Châu Đốc nhận thêm quận Hồng Ngự, tỉnh Long Xuyên thì vẫn như cũ.

Thời kỳ 1945 - 1954

Thời kỳ này, tỉnh An Giang chịu sự phân chia hành chính theo hai phía: Pháp và Cách mạng.

Về phía Pháp, vẫn giữ hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên, nhưng có thêm bớt các quận. Tỉnh Châu Đốc lúc này bao gồm 5 quận: Tri Tôn, Tịnh Biên, Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Phú. Tỉnh Long Xuyên gồm ba quận là: Chợ Mới, Thốt Nốt và Châu Thành. Năm 1953, tỉnh Long Xuyên có thêm hai quận mới là Núi Sập và Lấp Vò. Trong khi đó, chính quyền Cách mạng muốn tiện việc chỉ đạo kháng chiến nên phân tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thành hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hậu. Tỉnh Long Châu Tiền gồm 5 quận: Tân Châu, Hồng Ngự, Chợ Mới, Châu Phú B và Lấp Vò. Tỉnh Long Châu Hậu gồm 6 quận: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thốt Nốt, Thoại Sơn, Châu Phú A và Châu Thành. Đến năm 1949, chính quyền Cách mạng cắt quận Thốt Nốt nhập vào tỉnh Cần Thơ, quận Lấp Vò nhập vào tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp).

Năm 1950, chính quyền Cách mạng nhập hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên thành tỉnh mới là Long Châu Hà, gồm 8 quận: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú A, Châu Thành, Thoại Sơn, Thốt Nốt, Châu Giang, Phú Quốc. Năm 1951, nhập tỉnh Sa Đéc và Long Châu Tiền thành tỉnh mới là Long Châu Sa, gồm 7 huyện là: Châu Thành (của Sa Đéc), Lai Vung, Cao Lãnh, Tân Hồng, Tân Châu, Phú Châu, Chợ Mới. Trong đó, hai huyện Tân Hồng, Tân Châu vốn là hai quận Hồng Ngự, Tân Châu của tỉnh Long Châu Tiền trước đó. Năm 1951, nhập huyện Lấp Vò vào tỉnh Long Châu Sa.

Riêng về phía Pháp thì vẫn giữ nguyên hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên như thời điểm 1953. Hai tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Sa của phía Cách mạng tồn tại đến năm 1954.

Thời Việt Nam Cộng hoà

Năm 1955, tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, Hồng Ngự với tất cả 70 xã. Tỉnh Long Xuyên có 5 quận: Châu Thành, Chợ Mới, Núi Sập, Thốt Nốt, Lấp Vò, với tổng cộng 47 xã. Ngày 22-10-1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN tuyên bố địa phận Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Theo đó tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên được sáp nhập thành tỉnh An Giang, tỉnh lỵ đặt tại Long Xuyên. Tỉnh An Giang lúc này gồm 8 quận là: Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Thốt Nốt, Tịnh Biên, Tri Tôn, Núi Sập, với 16 tổng và 96 xã. Ngày 06-08-1957, tách 13 xã của quận Châu Phú để thành lập quận mới An Phú. Ngày 08-09-1964, chính phủ mới của Việt Nam Cộng Hoà ký Sắc lệnh 246/NV, tách tỉnh An Giang thành hai tỉnh Châu Đốc và An Giang. Tỉnh An Giang mới tức phần đất của tỉnh Long Xuyên trước đó.

Về phía chính quyền Cách mạng, năm 1954, cũng lập lại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Tỉnh Long Xuyên gồm các quận: Châu Thành, Chợ Mới, Lấp Vò, Thốt Nốt, Phong Thạnh Thượng. Tỉnh Châu Đốc gồm các quận: Tân Châu, Hồng Ngự, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú. Năm 1957, hợp nhất hai tỉnh này thành tỉnh An Giang, gồm 9 quận: Chợ Mới, Thốt Nốt, Núi Sập, Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn. Trả Hồng Ngự về tỉnh Kiến Phong và Lấp Vò về tỉnh Sa Đéc. Năm 1963, giao Thốt Nốt về tỉnh Cần Thơ và nhận Hà Tiên từ tỉnh Kiên Giang. Tháng 8/1971, tỉnh An Giang lại chia thành hai tỉnh là An Giang và Châu Hà.

- Tỉnh An Giang gồm 5 huyện: Châu Phú, Châu Thành X, An Phú, Tân Châu, Phú Tân.

- Tỉnh Châu Hà gồm 6 huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Huệ Đức, Hà Tiên, Phú Quốc và Châu Thành A (vốn thuộc Kiên Giang)

Năm 1974, phía Cách mạng lại phân chia địa bàn các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong thành hai tỉnh mới là Long Châu Tiền và Long Châu Hà.

- Tỉnh Long Châu Tiền gồm 6 huyện: Tân Châu, An Phú, Phú Tân A, Phú Tân B, Hồng Ngự, Tam Nông (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp)

- Tỉnh Long Châu Hà gồm các huyện: Châu Thành X, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Huệ Đức, Châu Thành A, Phú Quốc, Long Xuyên, Châu Đốc.

Từ sau 1975 đến nay

Sau sự kiện 30-04-1975, Việt Nam thống nhất. Ngày 20-12-1975, Bộ Chính trị Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 19/NQ - TW thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thời Việt Nam Cộng Hoà, trừ huyện Thốt Nốt. Năm 1976, tỉnh An Giang chính thức có 8 huyện là: Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên cùng với hai thị xã là Long Xuyên và Châu Đốc.

Năm 1977, hai huyện Huệ Đức và Châu Thành hợp nhất thành huyện Châu Thành, đồng thời hợp nhất hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên thành huyện Bảy Núi. Năm 1979, huyện Bảy Núi tách thành huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, đồng thời tách một phần của huyện Châu Thành để thành lập huyện Thoại Sơn. Tỉnh An Giang lúc này có 8 huyện và 2 thị xã. Năm 1991, huyện Phú Châu tách thành hai huyện Tân Châu và An Phú.

Ngày 12-11-1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 669/TTg về việc xác định ranh giới giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Năm 1996, hoàn tất việc xác định ranh giới giữa An Giang và các tỉnh lân cận. Ngày 01-03-1999, thị xã Long Xuyên được nâng lên thành thành phố Long Xuyên. Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chánh trực thuộc, trong đó có 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện với tổng cộng 140 đơn vị cơ sở, trong đó có 11 phường, 11 thị trấn và 118 xã.

Một phần của tài liệu phát triển du lịch mùa nước nổi ở tỉnh an giang (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)