Những yêu cầu chung của việc sử dụng ngữ liệu văn học dân gian

Một phần của tài liệu sử dụng ngữ liệu văn học dân gian vào dạy đạo đức cho học sinh lớp 4 (Trang 34 - 39)

7. Cấu trúc luận văn

1.5.3.Những yêu cầu chung của việc sử dụng ngữ liệu văn học dân gian

Từ VHDG đến NLVHDG, từ NLVHDG được sử dụng cho mọi đối tượng đến NLVHDG được sử dụng trong nhà trường, cho đối tượng học sinh là một quá trình không những bị chi phối bởi những quy luật của VHDG mà còn có quan hệ tực tiếp đến những nguyên tắc giáo dục, nguyên tắc dạy học. Chính vì vậy, việc sử dụng NLVHDG trong dạy học Đạo đức ở trường Tiểu học cũng cần phải chú ý tới những nguyên tắc sau:

30

1.5.3.1. Bám sát nội dung bài học

Đây là yêu cầu đầu tiên đảm bảo tính hiệu quả của việc sử dụng NLVHDG trong dạy học môn Đạo đức. Việc sử dụng NLVHDG sẽ góp phần phục vụ cho nội dung dạy học, mạng lại hiệu quả và tạo những điều kiện thuận lợi cho quá trình dạy học. Vì vậy, khi lựa chọn và sử dụng cần phải đặt câu hỏi:

+ Sử dụng ngữ liệu này để làm gì ?

+ Có tác dụng gì trong việc cung cấp tri thức, rèn luyện kĩ năng, phát triển tư duy, bồi dưỡng nhân cách ?

+ Ngữ liệu có phát huy được vai trò chủ động học tập, tiếp thu bài học, phát huy hứng thú nhận thức, tạo bầu không khí và những điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập của học sinh hay không ?…

Tất cả những câu hỏi trên nhằm làm cho việc lựa chọn và sử dụng NLVHDG bám sát được mục đích, yêu cầu, nội dung của bài học.

Không bám sát nội dung bài học trong từng bài, từng vấn đề, việc lựa chọn ngữ liệu sẽ tùy tiện, việc phân tích ngữ liệu có thể đúng nhưng không phù hợp với nội dung và không làm nổi bật ý nghĩa của bài học, làm cho nhận thức của học sinh bị lệch hướng. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng NLVHDG xa rời nội dung bài học hoặc khai thác, phân tích một cách gò ép, miễn cưỡng sẽ làm cho học sinh không có hứng thú học tập và không tiếp thu những ngữ liệu đó một cách hiệu quả.

Chính vì vậy, khi sử dụng NLVHDG là phải có định hướng, bám sát nội dung bài học, chọn những ngữ liệu “đắt”, phù hợp với đối tượng học sinh. GV cần phải có sự tìm hiểu, phân tích để nắm vững nội dung cũng như ý nghĩa hàm chứa trong từng ngữ liệu và nội dung đó phải đảm bảo tính giáo dục, tính giáo dưỡng, phát triển trong quá trình dạy học. Có như vậy, việc sử dụng NLVHDG mới phát huy được những tác dụng tiềm tàng của nó và mang lại hiệu quả cao.

1.5.3.2. Chú ý đến tính khả thi

NLVHDG chứa đựng một kho kinh nghiệm sống đầy quý báu, là một nguồn tri thức dân gian phong phú và bổ ích, giúp học sinh hình thành và phát triển nhân cách. Vì vậy, NLVHDG hàm chứa những nội dung dạy học Đạo đức, có khả năng tạo hứng thú trong quá trình dạy học nhưng không phải ngữ liệu nào cũng có khả

31

năng như nhau trong một tình huống, một bài học cụ thể. Việc sử dụng ngữ liệu đạt hiệu quả đến mức độ nào không chỉ phụ thuộc vào “sự hàm chứa nội dung dạy học Đạo đức” hay “khả năng tạo hứng thú” của ngữ liệu ấy, mà còn phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể của giáo viên, của học sinh và các yếu tố trong quá trình dạy học.

Trước hết, việc sử dụng phụ thuộc vào hình thức, quy mô, khối lượng của ngữ liệu. Trong thời lượng một tiết, việc dẫn ngữ liệu, phân tích và khái quát ngữ liệu không thể chiếm thời gian quá lớn trong tương quan với các ngữ liệu khác. Cho nên, cần phải có định hướng về thời gian, về yêu cầu của bài học để xác định số lượng ngữ liệu, lựa chọn những ngữ liệu đắt nhất để phát huy hiệu quả tối đa của việc sử dụng.

Mặt khác, việc lựa chọn và sử dụng ngữ liệu phải phù hợp với trình độ và tâm lý của học sinh. Chẳng hạn, truyện cổ tích có tác động mạnh mẽ trong việc bồi đắp tâm hồn trẻ thơ với lời văn giản dị, mộc mạc, giàu hình tượng, nội dung đơn giản, dễ hiểu phù hợp với tâm lý của học sinh; nhưng những chuyện vui mang ý nghĩa hàm ngôn thì lại không phù hợp với nhận thức của học sinh Tiểu học. Cho nên, cần phải lựa chọn ngữ liệu nào để vừa phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, đảm bảo tính phát triển trong dạy học, vừa hàm chứa được nội dung dạy học, vừa tránh “sự quá tải” trong việc sử dụng ngữ liệu.

Một vấn đề cũng cần lưu ý, đó là khả năng sử dụng ngữ liệu thực tế của giáo viên. Cùng một ngữ liệu, một bài học, có người sử dụng thành công, có người sử dụng kém hiệu quả, điều đó phụ thuộc vào mức độ am hiểu ngữ liệu, phụ thuộc vào phương pháp dạy học và năng lực sư phạm của giáo viên. Giáo viên cần phải hiểu rằng, có những ngữ liệu sử dụng hình thức kể thì hay, nhưng có những ngữ liệu phải đọc mới thấy được cái sâu sắc của nó; có những ngữ liệu kể đi kể lại vẫn có tác dụng, nhưng có những ngữ liệu khi sử dụng lại gây một phản ứng của học sinh “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Vì vậy, thành công của việc sử dụng ngữ liệu phụ thuộc rất lớn vào năng lực vận dụng thực tế của giáo viên.

32

1.5.3.3. Đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện

Dạy học Đạo đức trong nhà trường nhằm hướng tới thực hiện những mục đích giáo dục nói chung. Vì thế, ở mỗi bộ môn bao gồm môn Đạo đức không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tri thức lý thuyết và rèn luyện kĩ năng thực hành mà còn chú ý đến những nội dung giáo dục.

Điều này không chỉ xuất phát từ yêu cầu giáo dục của việc dạy học Đạo đức mà còn bắt nguồn từ tính chất, nội dung, khả năng của các NLVHDG. NLVHDG tổng hòa các tri thức, quan niệm, kinh nghiệm của nhân dân từ thế hệ này sang thế hệ khác, ở tất cả mọi lĩnh vực. Chúng ta có thể khai thác những tri thức có tính chất tích hợp, những tri thức về tự nhiên, xã hội, những tri thức về các hoạt động của con người. Chính vì vậy, những bài dạy Đạo đức sử dụng NLVHDG không chỉ đơn thuần cung cấp và rèn luyện cho học sinh những tri thức và kỹ năng về giao tiếp, ứng xử mà còn có tác dụng giáo dục tư tưởng, tình cảm, thẩm mĩ và những phẩm chất tốt đẹp khác của con người. Đó là tình cảm yêu quê hương, đất nước, tinh thần nhân đạo, tính lạc quan; đó còn là sự thể hiện của trí tuệ sâu sắc, tính hài hước dí dỏm…Khai thác, sử dụng những nội dung đó, chúng ta sẽ làm cho bài học Đạo đức bớt khô khan, mang lại sự thích thú tìm tòi, khám phá cho học sinh, đồng thời có thể lồng ghép thực hiện những nội dung giáo dục khác.

Tác dụng giáo dục, giáo dưỡng của việc sử dụng NLVHDG không chỉ được khẳng định, chứng minh qua cái hay, cái đẹp, cái tích cực của chúng mà còn được thực hiện qua việc phân tích, bác bỏ những mặt tiêu cực, hạn chế, lạc hậu trong tri thức dân gian. Đó là những hạn chế của lịch sử, của thời đại, tạo nên những quan niệm, tri thức không phù hợp với hoàn cảnh hiện nay hoặc với đối tượng học sinh. Chẳng hạn:

“Vô duyên chưa nói đã cười Có duyên gọi chín mười lời không thưa”

“Chim khôn chưa bắt đã bay Người khôn ít nói, ít hay trả lời”

33

Với những câu ca dao trên, thì những mẫu người như thế, cách nói năng như thế được xem là tiêu chuẩn của người xưa (công, dung, ngôn, hạnh) thì bây giờ không còn phù hợp.

Trong dạy học Đạo đức, nếu không lưu ý đến điều này, việc sử dụng NLVHDG sẽ gây hạn chế đến hiệu quả của giờ học. Vì vậy, khi sử dụng NLVHDG như mục đích giáo dục không có nghĩa là gán cho NLVHDG những nhiệm vụ, chức năng quá nặng nề, quá khả năng thực tế của nó và như thế việc sử dụng không đi đúng mục đích phục vụ dạy học Đạo đức.

1.5.3.4. Linh hoạt trong khai thác nội dung và lựa chọn hình thức qui trình sử dụng

Các tác phẩm VHDG thường không có tính cố định về mặt văn bản. Chính vì vậy, trong quá trình lưu truyền, tác giả dân gian có thể thêm bớt, thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng và mục đích thể hiện tác phẩm. Do những đặc điểm đó, khi sử dụng NLVHDG, tùy thuộc vào từng nội dung bài học cụ thể, GV có thể chọn lọc những ngữ liệu phù hợp với bài học. Cho nên, linh hoạt là một trong những yêu cầu của việc sử dụng NLVHDG. Sự linh hoạt đó có thể được thực hiện khi khai thác nội dung ngữ liệu hoặc lựa chọn cách thức sử dụng.

Về mặt nội dung, có thể nhấn mạnh một ý nghĩa nào đó trong các ý nghĩa tiềm tàng trong ngữ liệu. Về mặt hình thức sử dụng, cách khai thác cũng cần có sự đa dạng, sáng tạo trong việc dẫn ngữ liệu, phân tích ngữ liệu, khái quát ngữ liệu để việc sử dụng tránh được sự đơn điệu, nhàm chán, lãng phí thời gian. Căn cứ vào thời lượng của tiết học, vào trình độ nhận thức của học sinh, vào khả năng của ngữ liệu, GV có thể có sự lược bỏ quy mô ngữ liệu, giản lược các thao tác phân tích, …

Một vấn đề cũng cần phải được xử lý một cách hợp lý là mối quan hệ giữa NLVHDG với các loại ngữ liệu khác, tương quan giữa NLVHDG với những ngữ liệu đã có sẵn trong sách giáo khoa. Xác định mối quan hệ, tỷ lệ giữa các loại ngữ liệu nhằm làm cho bài học trở nên phong phú, sinh động. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tóm lại, khả năng và tác dụng của NLVHDG rất tiềm tàng và phong phú, nhưng khả năng và tác dụng đó có biến thành hiện thực hay không, còn phụ thuộc vào sự ứng biến nhanh nhạy, vào năng lực vận dụng của người GV, chủ thể quan trọng nhất của việc sử dụng ngữ liệu này trong dạy học Đạo đức.

34

Một phần của tài liệu sử dụng ngữ liệu văn học dân gian vào dạy đạo đức cho học sinh lớp 4 (Trang 34 - 39)