Số lượng cơ sở sản xuất nông nghiệp thời gian qua

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đăk lăk (Trang 57 - 62)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

2.2.1.Số lượng cơ sở sản xuất nông nghiệp thời gian qua

Qui mô số lượng cơ sở sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm, hỗ trợ đầu tư và tăng đáng kể về số lượng, chất lượng qua các năm.

a. Kinh tế nông hộ

Sau nhiều năm trồng, chế biến, xuất khẩu, Đắk Lắk đã có một mặt hàng thế mạnh nhờ lợi thế của vùng đất ba-dan. Cây cà-phê đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Đắk Lắk, hàng vạn gia đình giàu lên nhờ trồng cây thế mạnh đó. Chính vì vậy, kinh tế nông hộ cũng phát triển mạnh mẽ.

Đắk Lắk có hơn 20 nghìn hộ kinh doanh cá thể (bảng 2.5) với số đăng ký hoạt động là 550 tỷ đồng; lực lượng này cũng đóng góp một phần đáng kể trong các hoạt động thị trường xuất khẩu.

Bảng 2.8 Tình hình các cơ sở SXNN Tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2009-2013 (Đơn vị tính: cơ sở) Stt Cơ sở sản xuất Năm 2009 2010 2011 2012 2013 1 Nông hộ 11.736 14.968 16.547 20.012 20.165 2 Trang trại 1.529 1.580 1.628 1.731 1.805 3 Hợp tác xã 154 198 247 287 321 4 Doanh nghiệp 4.125 5.176 5.847 6.437 7.392

Nguồn: niên giám thống tỉnh Đắk Lắk qua các năm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có trên 41.000 nông dân tham gia sản xuất các loại hình cà phê có chứng nhận như 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng càphê), RFA (Rừng nhiệt đới), Fairtrade (Thương mại công bằng), UTZ Certifed... với tổng diện tích gần 61.460ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 271.150 tấn càphê nhân.

Tỉnh Đắk Lắk còn thành lập 5 liên minh sản xuất cà phê bền vững, với trên 1.087 hộ tham gia.

Liên minh sản xuất theo hướng chuỗi giá trị tạo sự liên kết bền vững giữa nông hộ với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh cũng như các dịch vụ liên quan đến chế biến, xuất khẩu.

b. Kinh tế trang trại

Năm 2013, tỉnh Đắk Lắk có 1.805 trang trại (bảng 2.8), bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố có 115 trang trại; với các loại hình như cây hàng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, thuỷ sản, trang trại tổng hợp. Các trang trại quản lý, sử dụng 10.329 ha, tạo việc làm cho 7.063 lao động, thu nhập của mỗi trang trại trên 225,4 triệu đồng.

Năm 2013, các trang trại đã đầu tư trên 1.325.713 triệu đồng, bình quân giá trị sản lượng hàng hóa của mỗi trang trại trên địa bàn tỉnh đạt 496,4 triệu đồng... Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, kinh tế trang trại ở Đắk Lắk vẫn còn ở dạng phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, quy mô nhỏ lẻ, khả năng về vốn còn hạn chế, trình độ quản lý của các chủ trang trại, tay nghề của người lao động còn thấp, phương thức sản xuất chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao, chủ yếu dưới dạng thô, hiệu quả kinh tế thấp.

Nhằm tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển bền vững, qua đó đa dạng hóa các sản phẩm nông sản hàng hóa với số lượng lớn, giá thành hạ, chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, vừa qua tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chính sách đào tạo, sử dụng lao động, khoa học công nghệ, hỗ trợ đầu tư...

Đặc biệt, tỉnh đã cụ thể hóa về chính sách đất đai đối với các trang trại như: Tiến hành rà soát quỹ đất của từng trang trại, xác minh nguồn gốc đất tiến đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Trang trại mới thành lập được miễn tiền thuế đất 11 năm kể từ ngày đưa vào hoạt động, các trang trại có thu nhập từ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng chưa nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các trang trại, phạm vi vay tối đa từ 500 triệu đồng trở xuống (mỗi trang trại chỉ được hỗ trợ lãi suất một lần), thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 36 tháng, với mức hỗ trợ 30% lãi suất tiền vay....

Nhìn chung kinh doanh trang trại trên địa bàn tỉnh còn ở dạng sản xuất nhỏ, tỷ lệ đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật, hiệu quả và tính cạnh tranh chưa cao. Kinh tế trang trại chưa phát triển tương xứng đúng với tiềm năng của từng vùng trong tỉnh.

c. Hợp tác xã

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên có ba Liên hiệp hợp tác xã, 949 hợp tác xã và trên 10.513 tổ hợp tác, thu hút hàng trăm ngàn thành viên tham gia. Tỉnh Đắk Lắk có 6.321 tổ hợp tác và hợp tác xã, thu hút 124.704 thành viên tham gia, trong đó có 321 hợp tác xã, 6.000 tổ hợp tác (bảng 2.8).

Trong vài năm trở lại đây, các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) ở các tỉnh Đắk Lắk đã có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, quy mô ngày càng được mở rộng, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng lên. Các HTX hoạt động trong nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, thương mại, dịch vụ, xây dựng, quỹ tín dụng… Các tổ hợp tác chủ yếu phát triển ở khu vực nông thôn và đã được chính quyền địa phương chứng thực hợp đồng hợp tác. Thành viên ở các tổ hợp tác hầu hết là các cá nhân, hộ gia đình đồng bào các dân tộc tự nguyện góp vốn bằng tiền hoặc tài sản để cùng nhau quản lý, sản xuất, tăng thu nhập.

Đến nay đã triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể nên không những tăng nhanh về số lượng mà chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác cũng mang lại nhiều hiệu quả hơn. Hiện nay, vốn điều lệ mỗi HTX đã tăng lên trên 708 triệu đồng, tăng 56,6% so với năm 2008, lợi nhuận bình quân mỗi HTX hiện nay là gần 93.000.000 đồng, tăng 82,69%, thu nhập bình quân mỗi lao động gần 12.000.000 đồng/năm, tăng 38,8% so với năm 2008.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, HTX đã tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thay đổi tập quán canh tác đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

d. Các doanh nghiệp nông nghiệp

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích 182.343ha và sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Tỉnh cũng là nơi trồng bông, ca cao, cao su, điều lớn của Việt Nam. Đồng thời, là nơi phát triển các loại cây ăn trái khác, như cây bơ, sầu riêng, chôm chôm, xoài...

Đắk Lắk hình thành nhiều vùng chuyên canh cây cà-phê, có đơn vị phấn đấu chỉ tiêu trong một mùa mưa trồng một nghìn ha như Công ty cà-phê Phước An, Thắng Lợi, Ea Tiêu, Xí nghiệp liên hiệp cà-phê Việt-Đức.

Điều đáng chú ý là, Đắk Lắk đã góp phần giải quyết việc làm cho 200 nghìn lao động tham gia trực tiếp và khoảng 500 nghìn nhân khẩu khác liên quan sản xuất cà-phê. Sau khi tách tỉnh (đầu năm 2004), một phần diện tích thuộc về tỉnh Đắk Nông, nay Đắk Lắk còn 166 nghìn ha cà-phê với sản lượng hàng năm khoảng 300 nghìn tấn và vẫn là tỉnh có diện tích và sản lượng cà- phê nhiều nhất. Với 16 doanh nghiệp của Trung ương và địa phương tham gia xuất khẩu, hiện mặt hàng cà-phê của Đắk Lắk có mặt trên thị trường 52 nước và vùng lãnh thổ, thậm chí đã có mặt và được ưa chuộng ở những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…

Chỉ tính trong vài năm trở lại đây, tổng số vốn đầu tư vào xã hội đạt khoảng 12.085 tỷ đồng, chiếm 42% GDP, trong đó, số vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm hơn 54%, tạo ra sản phẩm giá trị đạt 28.500 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 1.420 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 62 nghìn lao động.

Trong quá trình đổi mới, các doanh nghiệp cũng tự đổi mới trang thiết bị, hình thức quản lý cho phù hợp, nhằm tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, như mặt hàng cà-phê, cao-su, điều, gỗ, mật ong, tinh bột sắn. Nhiều sản phẩm “nổi tiếng” như các sản phẩm của cà-phê Trung Nguyên, cà-

phê An Thái, sản phẩm gỗ của Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành, mủ cao- su của Công ty cao-su Đắk Lắk đã được xuất khẩu và thâm nhập ra thị trường nước ngoài. Trong năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.164 triệu USD, bình quân mỗi năm tăng 5%, trong đó mặt hàng cà-phê luôn chiếm tỷ lệ cao.

Tới nay, tỉnh Đắk Lắk đang có chiến lược phát triển cây cà-phê bằng đầu tư chiều sâu để không ngừng khẳng định và phát triển cao hơn nữa thương hiệu đã có để cây cà-phê thật sự làm giàu cho nông dân.

Đắk Lắk đã và đang chủ động mở rộng thị trường ra ngoài nước, từng bước khẳng định vai trò của mình trong khu vực và quốc tế. Đến nay, Đắk Lắk đã có trên 80 doanh nghiệp nhà nước, 266 HTX với số vốn đăng ký hoạt động hơn 55 tỷ đồng, 1.253 doanh nghiệp dân doanh với số vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng và hơn 20 nghìn hộ kinh doanh cá thể với số đăng ký là 550 tỷ đồng; lực lượng này đóng góp một phần đáng kể trong các hoạt động thị trường xuất khẩu.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đăk lăk (Trang 57 - 62)