Gợi ý chính sách dành cho cấp quản lý vĩ mô

Một phần của tài liệu Phân tích các yếu tố tác động đến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết ở việt nam luận văn thạc sĩ 2015 (Trang 67 - 68)

Việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng rất cần có sự hỗ trợ của các cấp quản lý vĩ mô (như Chính phủ và NHNN). Dựa trên kết quả nghiên cứu, luận văn đề xuất một số kiến nghị đối với cấp quản lý vĩ mô như sau:

Một là, thiết lập cơ sở hạ tầng tài chính vững chắc. Việc thiết lập cơ sở hạ tầng tài chính vững chắc nhằm mục tiêu hỗ trợ cho hệ thống tài chính phát triển toàn diện, bảo đảm cho các thị trường tài chính vận hành trôi chảy, các định chế tài chính hoạt động an toàn và hiệu quả. Các thành phần của cơ sở hạ tầng tài chính bao gồm: hệ thống luật pháp, hệ thống giám sát, hệ thống thông tin, hệ thống thanh toán, hệ thống dịch vụ chứng khoán… Cơ sở hạ tầng tài chính là một trong bốn thành tố chính của hệ thống tài chính và là nền tảng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cá nhân thực hiện các giao dịch tài chính với các định chế tài chính trung gian và thị trường tài chính. Có thể nói, cơ sở hạ tầng tài chính vững chắc sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng lợi nhuận và giảm tỷ lệ nợ xấu.

Hai là, kiến nghị thay đổi quy định về tốc độ tăng trưởng tín dụng. Thay vì quy đinh một con số cố định thì chuyển sang đặt giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm dựa vào tốc độ tăng trưởng bình quân ngành với một trần biên độ dao động nhất định. Bởi lẽ, như kết quả nghiên cứu đã trình bày tăng trưởng tín dụng một cách quá nóng sẽ có tác động làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu nhưng ngược lại, tăng trưởng tín dụng một cách có kiểm soát sẽ làm giảm tỷ lệ nợ xấu.

Ba là, tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng để chắc chắn rằng các ngân hàng tuân thủ đúng các quy tắc về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là quy định về cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro và quy định về an toàn tín dụng.

56

Bốn là, thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng GDP như: khuyến khích tiêu dùng của hộ gia đình, tăng chi tiêu Chính phủ, tăng tỷ lệ đầu tư, cải thiện cán cân thương mại,… Khi tốc độ tăng trưởng GDP tăng thì tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm và ngược lại khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm thì tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. Do đó, việc xây dựng một nền kinh tế có GDP tăng trưởng ổn định sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động của các ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ lệ thu hồi nợ, đồng thời tăng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế và giảm tỷ lệ nợ xấu.

Một phần của tài liệu Phân tích các yếu tố tác động đến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết ở việt nam luận văn thạc sĩ 2015 (Trang 67 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)