Nhiễu xuyên kênh gây ra do độ cách ly của linh kiện quang không tốt hoặc do ảnh hưởng của các hiệu ứng quang học phi tuyến, tín hiệu của kênh quang khác sẽ rò rỉ sang kênh truyền dẫn, hình thành tạp âm xuyên nhiễu, từ đó ảnh hưởng đến tính năng của hệ thống.
Nhiễu xuyên kênh trong hệ thống DWDM bao gồm nhiều loại khác nhau và có thể phân loại chúng dựa vào nhiều yếu tố:
Dựa vào các thiết bị của hệ thống:
- Xuyên nhiễu tuyến tính : Do các đặc tính không lý tưởng của các thiết bị tách kênh, mức xuyên nhiễu này chủ yếu phụ thuộc vào kiểu thiết bị tách kênh được sử dụng cũng như khoảng cách giữa các kênh. Chính vì vậy để hạn chế được nhiễu tuyến tính thì các thiết bị tách kênh trong hệ thống DWDM phải đạt độ chính xác càng cao càng tốt, khoảng cách giữa các kênh phải thỏa mãn các tiêu chuẩn của ITU-T.
- Xuyên nhiễu phi tuyến: Chủ yếu do các hiệu ứng phi tuyến của sợi quang hoặc điểm nút gây nên. Trong hệ thống ghép kênh quang theo bước sóng mật độ dày đặc tán xạ bị kích thích Raman và trộn tần bốn bước sóng là hiệu ứng phi tuyến chủ yếu, chúng không những gây ra tổn hao năng lượng mà sẽ dẫn đến sự dịch chuyển công suất từ kênh này sang kênh khác, gây nên xuyên nhiễu phi tuyến và ảnh hưởng không tốt tới tính năng của hệ thống.
Dựa vào sự giống và khác nhau giữa bước sóng xuyên nhiễu và bước sóng của tín hiệu:
- Xuyên nhiễu khác tần số: Bước sóng xuyên nhiễu và bước sóng của tín hiệu truyền dẫn không giống nhau. Đây là loại nhiễu không tích luỹ và có thể làm giảm được xuyên nhiễu này bằng các bộ lọc ở trước máy thu.
- Xuyên nhiễu cùng tần số: Bước sóng xuyên nhiễu và bước sóng tín hiệu truyền dẫn giống nhau. Xuyên nhiễu cùng tần số sinh ra do bản thân tín hiệu qua các tuyến khác nhau rồi phối ghép vào nhau nhưng có trễ truyền dẫn khác nhau, do tính năng của linh kiện không tốt gây ra.