Sử dụng điển tích, điển cố

Một phần của tài liệu Phong vị cổ điển trong thơ mới lãng mạn 1932 1945 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 60 - 63)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Sử dụng điển tích, điển cố

Trong văn học Việt Nam, nhất là thời cổ trung đại điển tích, điển cố được các nhà thơ sử dụng rất nhiều. Điều này được quy định bởi sùng cổ vừa như là một đặc điểm quan trọng của đời sống tinh thần con người thời trung đại, vừa như là một nét tiêu biểu trong thi pháp thời đại. Điều này chúng ta cũng bắt gặp trong Thơ mới. Ngoài Tản Đà, người được coi là chiếc cầu thơ nối hai thời đại, sử dụng tích truyện Thiên Thai để viết nên một trong những kiệt tác của đời mình là Tống biệt, chúng ta còn có thể gặp nhiều tác giả khác sử dụng trong tác phẩm của mình các điển tích, điển cố: Huy Thông với Mục Tử, và câu chuyện nhập Đào Nguyên trong kịch thơ Lòng son sắt, Hạng Vũ - Ngu Cơ và dòng li biệt trong Tiếng địch sông Ô, Tây Thi và tiếng tiêu da diết trong Khúc tiêu thiều, nỗi niềm của người chinh phụ trong Vọng Phu; Thế Lữ với Li Tao trong Lựa tiếng đàn, với Thiên Thai trong Tiếng sáo Thiên Thai; Lưu Trọng Lư, bên cạnh hình ảnh chinh phu - cô phụ xuất hiện trở đi trở lại trong Tiếng thu, Lòng cô phụ

như một dấu hiệu thường xuyên của niềm nuối tiếc cổ điển là hình ảnh Ngân Hà, cầu Ô Thước trong Một mùa đông; Nguyễn Nhược Pháp với Sơn Tinh Thủy Tinh, nàng Mị Ê, Mị Châu trong các tác phẩm cùng tên, Trọng Thủy trong

Giếng Trọng Thủy; Bích Khê với Đào Nguyên trong Tì bà, Ngọc Kiều trong

Mộng cầm ca, Tranh lõa thể, Bao Tự, cung Diêu trì trong Giọt lệ trích tiên, Lưu lang trong Hai tiên nữ nhớ Lưu Nguyễn, Ngọc Nữ, Kim Đồng trong Mĩ tửu ca, non Yên trong Hoàng hoa, Hằng Nga, Xuân Hương và khúc Nghê Thường trong Nghê Thường, Hoàng Hạc lâu trong bài cùng tên, Bao Tự trong Nam hành… rồi Vũ Đình Liên, Quách Tấn… đều làm nên một nét độc đáo, một gam màu lạ nhưng khá bắt mắt trong cái ồn ào, sôi nổi, khẩn trương của Thơ mới.

Việc sử dụng điển tích, điển cố trong Thơ mới thực chất là một sự hoài niệm thể loại, một hoài niệm văn hóa. Tuy nhiên, đấy không chỉ là những hoài niệm thông thường, phía sau mỗi điển cố, điển tích là một tâm trạng, một nỗi

niềm. Và vì vậy, việc sử dụng các điển cố, điển tích ấy chắc chắn không phải không có mục đích. Quách Tấn chia sẻ: “Thường thường, người làm thơ dùng điển để trang điểm cho câu thơ về mặt hình thức và mượn nghĩa của điển để diễn tả ý của mình. Kẻ dùng điển thường thiên về lý trí. Tôi dùng điển chỉ để gợi ý, nhất là để mượn rót nguồn cảm hứng, nghĩa là mượn những trường hợp riêng biệt của mỗi điển tích, điển cố để truyền cho độc giả những cảm giác của mình và thi vị của cảnh mình thưởng thức. Cái cảm giác ấy, cái thi vị ấy phải nhờ không khí điển tích, điển cố gây trở ngại mới mong thoả mãn được ít nhiều. Dùng điển là sự cực chẳng đã. Có nhiều điều không thể nói thẳng, không tiện nói trắng, nên phải dùng điển cho được uyển chuyển, cho được kín đáo, thanh tao. Có nhiều ý phải nói hàng trang giấy mới đủ, phải dùng điển làm đại diện cho được gọn gàng” [28, 648]. Ông còn khẳng định thêm rằng: “Có điển mà không dùng cũng như kẻ nhà giàu không ỷ của, kẻ quyền cao không cậy quyền. Như thế mới hợp đạo làm thơ. Nhưng người có của lắm khi phải nhờ đến của, người có quyền lắm khi phải nhờ đến quyền mới làm xong việc muốn làm. Cho nên mới nói dùng điển là sự cực chẳng đã…” [28, 648].

Song có một điều khác biệt và thú vị nơi Quách Tấn đó là đôi lúc không có ý làm thơ mà nên thơ, không có tâm dụng điển mà có điển, điển chẳng những hợp với tình mà còn hợp với cảnh, thơ chẳng những chứa vị thơ mà còn ngấm vị đạo. Bài thơ Nhớ em:

Thiêm thiếp lòng mong đợi Vùng nghe chim tích linh Vội vàng xô gối dậy Đầy thêm hoa tử kinh.

Bài thơ thể hiện tình cảm xuất phát từ hoàn cảnh có thật: lòng nhớ thương mong đợi chất chứa khi trong điều kiện tản cư lâu ngày không gặp được người thân.. Điều này được nhà thơ ghi trong hồi kí: Một hôm trời vừa

tảng sáng đương nằm nghỉ, chợt nghe chim khách reo rồi lại reo… Lòng mừng khấp khởi, tôi vụt đứng dậy chạy ra thềm… Nhưng đợi suốt ngày không thấy, không thấy người, không thấy tin… Nhìn hoa tử kinh nở đầy thềm, tôi ghi lại chút lòng chờ mong thương nhớ.

Ngay trong tính chất tức sự của bài thơ người ta đã nhận ra vẻ đẹp cổ điển của nó. Đây là một bài thơ tức sự, một bài thơ theo dạng “ngẫu nhiên thành”. Điểm đặc biệt là chỉ mới bốn câu mà thi nhân đã dùng tới hai điển tích, điển cố, đó là tử kinh và tích linh (Tích linh: cổ thi có câu “Tích linh tại nguyên, huynh đệ cấp mạn”, ý nói anh em thương yêu giúp đỡ nhau như chim tích linh cùng bay kêu nơi gò đồng. Tử kinh: Điền kinh có ba anh em sống chung với nhau vui vẻ. Bỗng đổi lòng, bèn chia của để ra ở riêng. Của chia xong, còn một cây tử kinh ở trước sân, anh em toan đốn xuống chia ba. Chưa kịp ra tay thì cây chợt héo. Chân trông thấy than cùng hai em: - Cây vốn cùng một gốc, nghe nói phân chước mà tiều tuỵ! Người thật không bằng cây! Nói rồi sụt sùi. Hai em cảm động, bỏ việc đi ở riêng. Tử kinh liền xanh tươi trở lại. Người xưa thường dùng hai điển này để nói về tình anh em (sách Từ Nguyên).

Giải thích ý đồ sử dụng điển cố này, tác giả bày tỏ: Tích linh là tên chữ của chim khách; Tử kinh là giống cây có hoa từng chùm màu hồng, người mình thường trồng trước sân, bên thềm ở thôn quê bình định không nơi nào có. Những cảnh vật đem vào thơ là những cảnh vật trước mắt. Khi làm thơ tôi không hề nghĩ đến điển, mà lâu nay cũng không bao giờ nghĩ đến điển. Thế mới biết sự diệu kỳ của thơ ca.

Trong bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, nỗi nhớ nhà, nhớ nước da diết của tác giả được miêu tả qua hình ảnh tiếng kêu của con chim quốc, chim đa đa:

… Nhớ nước đau lòng con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Ở đây, nhà thơ có biệt tài sử dụng lối chơi chữ quốc quốc là con chim quốc, còn là nước (đất nước), gia gia là con chim đa đa, còn là nhà (quê hương). Nhưng điều đáng nói ở đây là tác giả sử dụng điển tích, điển cố qua hình ảnh con quốc. Có nghĩa là xưa kia có một ông vua bị mất nước, ngày đêm nhớ nước, đau lòng rồi sinh bệnh mà chết. Sau khi chết hoá thành con quốc kêu hoài. Nỗi niềm nhớ nước, thương nhà của tác giả, ký thác vào hình ảnh con vật. Mỗi nhà thơ đứng trước cảnh vật nào đó với xúc cảm, nỗi niềm mà họ thốt lên. Có lẽ họ không để ý đến mình dùng điển tích, điển cố mà chỉ có độc giả mới nhận ra điều này.

Có thể khẳng định rằng, chính sự chủ động trong sử dụng ngôn từ, việc tổ chức một cách hài hoà giữa các lớp từ cổ điển và hiện đại, thanh tao, uyên bác và thuần hậu dân giã, đã góp phần tạo nên điểm khác biệt trong cách biểu đạt và để lại dư âm trong lòng bao thế hệ. Điều đó giúp chúng ta nhận ra tài năng trong sử dụng và tổ chức ngôn từ ở các thi sĩ Thơ mới. Nhờ họ mà Thơ mới vừa mang cảm hứng hoài cổ vừa hiện đại.

Một phần của tài liệu Phong vị cổ điển trong thơ mới lãng mạn 1932 1945 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w