Quan niệm mang tính cổ điển về tình yêu, tình bạn, hạnh phúc lứa đô

Một phần của tài liệu Phong vị cổ điển trong thơ mới lãng mạn 1932 1945 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 41 - 48)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.3. Quan niệm mang tính cổ điển về tình yêu, tình bạn, hạnh phúc lứa đô

lứa đôi

Tình yêu, tình bạn, hạnh phúc lứa đôi đi vào thơ ca thời nào cũng có. Những nhà thơ trong quá khứ cũng có những tình cảm đẹp đẽ về tình bạn, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi và tìm đến tiếng nói của thơ ca. Dễ thấy những tình cảm đắm say trên trang viết nhưng lại được biểu hiện trong thi pháp cổ với nhiều tượng trưng, ước lệ, khuôn sáo. Đến Thơ mới đề tài tình bạn, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi được xem là quan trọng vào bậc nhất và góp phần tạo

cho Thơ mới một diện mạo riêng độc đáo. Dường như nhà thơ nào cũng có thể viết về tình yêu, tình bạn, hạnh phúc lứa đôi và mạch cảm xúc cũng xao xuyến trong tình cảm đắm say, đằm thắm này. Tiêu biểu là Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Huy Cận, Tế Hanh, Xuân Diệu… Mỗi người một vẻ, sự biểu lộ tình cảm, trái tim yêu đương trong thơ thúc đập theo nhiều nhịp sôi nổi, dịu dàng khác nhau. Điều quan trọng là thơ tình trong giai đoạn này mang dấu ấn của thời đại mới, thơ tình trong quỹ đạo của thời kỳ hiện đại, mặc dù kế thừa cái đã có trước. Nếu các nhà thơ mới chú ý đến tính cá thể của từng đối tượng riêng biệt và đặc trưng của từng mối tình cụ thể thì với Trần Tuấn Khải, Tản Đà… lại là những cảm xúc chung chung của tình yêu lứa đôi. Tản Đà với những bài thơ Thư gửi người tình nhân không quen biết đã tỏ ra rất tài hoa khi viết những dòng thơ không có đối tượng như cánh chim chao liệng và không rõ hướng bay. Thực ra đó cũng chỉ là một thú vui tinh thần tao nhã, mình tự đem đến cho mình. Trong thơ mới, tình bạn, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi được biểu hiện qua nhiều trạng thái khác nhau, có nhiều niềm vui trần thế hơn. Mặc dù vậy, đề tài này vẫn mang đậm tính cổ điển trong quan niệm của các nhà thơ.

Quan niệm mang tính cổ điển về tình bạn, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi được thể hiện qua hình ảnh mùa xuân, ánh trăng, mùa thu… Trong thơ ca từ trước đó cho đến Thơ mới, chưa bao giờ người ta tìm về mùa xuân nhiều như các nhà thơ mới. Phải chăng, họ tìm thấy ở mùa xuân một sức sống phơi phới của tuổi trẻ, tình yêu, làm cho họ yêu đời, yêu cuộc sống và hạnh phúc. Các nhà thơ như Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận… có nhiều bài thơ viết về mùa xuân đề cập đến mối giao hoà giữa tình bạn, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi với mùa xuân.

Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân. Ông thả mình bơi trong nắng, rung động với bầu trời đầy sắc xuân. Với Xuân Diệu, xuân là không mùa: Xuân đã sẵn trong lòng ta lai láng và xuân ơi xuân, vĩnh

viễn giữa lòng ta (Xuân không mùa). Bởi thế, thơ ông là cả một bầu xuân, thơ ông là bình chứa muôn hương của tuổi trẻ tình yêu, niềm hạnh phúc đôi lứa.

Trong tôi xuân đến đã lâu rồi Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.

(Nguyên đán)

Trong nguồn thi hứng nồng và trẻ của Xuân Diệu, có hẳn một loạt bài thơ viết về mùa xuân và tình yêu, hạnh phúc lứa đôi: Nụ cười, Nguyên đán,

Vội vàng, Xuân đầu, Xuân không mùa. Đúng như GS. Hà Minh Đức đã nhận xét về Thơ thơ và Gửi hương cho gió của Xuân Diệu: “Xuân Diệu ca ngợi sự sống dồn tụ ở mùa xuân, chồi búp non tơ, bông hoa hé nở… những dấu hiệu đích thực của cuộc sống đang lên” [70, 162].

Người ta thường cho rằng, thơ Huy Cận trước cách mạng buồn, nỗi buồn bàng bạc trong các trang thơ. Vậy mà nhà thơ cũng giành khá nhiều vần thơ cho mùa xuân và tình yêu. Đó là các bài Xuân, Xuân ý, Chiều xuân, Hồn xuân… Trong những bài thơ này xuất hiện nhiều từ ngữ biểu thị sự tươi trẻ, tràn đầy sức sống và hạnh phúc: “xuân”, “trẻ”, “xuân ý”, “tỏ”, “tràn”, “nồng”, “nụ”, “búp xuân” và bắt gặp tình yêu, phơi phới sức xuân:

Bắt gặp màu tươi lên run rẩy Trong cành hoa trẻ, cổ chim non - Có ai gởi ý trong xuân cũ

Đất nở muôn xuân vẫn chẳng mòn.

(Xuân)

Thơ mới ra đời giải phóng cái tôi khỏi mọi quan hệ xã hội, mà trước hết là tình yêu đôi lứa. Trong xã hội cũ tình yêu bị ràng buộc, cấm đoán bởi lễ giáo phong kiến. Do đó, khát vọng yêu đương của tuổi trẻ không được đáp ứng, thoả mãn. Đến thơ mới cái tôi cá nhân trỗi dậy đòi quyền sống, quyền tự do yêu đương cho con người. Hơn nữa, các nhà Thơ mới tuổi đời còn rất trẻ,

tình yêu trở thành một nhu cầu tình cảm không thể thiếu được ở họ. Ở điểm này GS. Hà Minh Đức đã viết: Nếu nói đến sự giải phóng cái tôi, giải phóng bản ngã để mở ra hướng giải thoát cho sức sống của một thế hệ thì khởi điểm, hay đúng hơn là điểm dễ bùng nổ nhất ở cái tôi, là tình yêu đôi lứa. Bởi vậy, hầu hết các nhà Thơ mới đều có thơ về tình yêu. Với một số thi sĩ tình bạn, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi là nguồn cảm hứng duy nhất. Tình yêu trong Thơ mới đủ cung bậc, màu vẻ: Có người đứng từ xa mà ngắm người yêu (Thế Lữ, Huy Thông), có người đắm say, hối hả, yêu hết mình trong thế lấn lướt (Xuân Diệu), có tình yêu nhẹ nhàng, trong sáng (Nguyễn Nhược Pháp) và có cả tình yêu đắng cay, chua chát (Vũ Hoàng Chương)…

Trong phong trào Thơ mới, các nhà thơ nghĩ đến một tình yêu mà mỗi phút giây là khoảnh khắc căng tràn sức sống, là sự bộc lộ trọn vẹn tình cảm và khát vọng:

Em phải nói, phải nói và phải nói Bằng lời riêng nơi cuối mắt đầu mày Bằng nét vui, bằng vẻ thẹn, chiều say Bằng đầu ngả, bằng miệng cười, tay viết!

(Phải nói - Xuân Diệu)

Xuân Diệu là nhà thơ viết nhiều về tình yêu. Lòng say mê ân ái, say tình, khát vọng sống dào dạt đã tạo ra thế giới nghệ thuật riêng của Xuân Diệu. Thơ tình Xuân Diệu là tiếng nói sôi nổi của tình yêu, một tình yêu mạnh mẽ và cuồng nhiệt:

Như kẻ hành quân quáng nắng chiều Ta cần uống ở suối thương yêu Hãy tuôn âu yếu, kia mơn trớn

Sóng mắt, lời môi, nhiều thật nhiều… Trời cao treo nhử chén xanh êm Biển đắng khôn nguôi nỗi khát thèm

Nên lúc môi ta kề miệng thắm Trời ơi ta muốn uống hồn em.

(Vô biên)

Những bài thơ như Vội vàng, Giục giã, Thơ duyên… là tiếng nói của một tấm lòng trẻ trung, nhiệt thành trong tình yêu. Chàng thanh niên ấy thèm muốn “vô biên” và “tuyệt đỉnh” trong tình yêu, mặc dù cảm nhận rõ: yêu là chết trong lòng một ít.

Tình yêu đôi lứa trong thơ Xuân Diệu cũng chính là biểu hiện của tình yêu sự sống. Ghét sự khắc kỷ, gò bó với những đạo lý khô khan tẻ lạnh, Xuân Diệu tìm về với sự sống là mạch đời tươi thắm và sinh động nhất trong thơ tác giả:

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn Ta muốn say cánh bướm với tình yêu Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng Cho no nê thanh sắc của thời tươi

- Hỡi Xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!

Xuân Diệu đã tạo nên một không khí yêu thương trong đời trong thiên nhiên tạo vật. Vạn vật như có duyên, có tình gắn bó thắm thiết với nhau. Một chiều thu ngơ ngẩn (Trông thấy chiều thu ngơ ngẩn vậy/ Lòng anh thôi đã cưới lòng em), một vầng trăng tự ngẩn ngơ (Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ) và con người cũng yêu ngẩn ngơ.

Qua gần tổ ấm đôi chim bạn

Bỗng thấy lòng cuồng yêu ngẩn ngơ

(Muộn màng)

Đó còn là tình yêu ban đầu đẹp đẽ, trắng trong, pha chút “thần tiên” trong thơ Huy Cận. Với nhà thơ, tình yêu là niềm vui, là làn gió biếc, là hương thơm làm ngây ngất tâm hồn anh:

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong Hôm xưa em đến mắt như lòng Nở bừng ánh sáng. Em đi đến Gót ngọc dồn hương bước toả hồng.

(Áo trắng)

Tuổi trẻ - tình yêu luôn hành trình với nhau với tất cả các dạng thức, cung bậc của nó, không chút rụt rè, e dè, càng không chút ngượng ngùng xấu hổ [3, 290].

Nhưng rồi tình yêu lãng mạn trong Thơ mới tuy có vẻ đẹp của nhớ nhung mộng tưởng, đắm say, nhưng không có cơ sở bền vững. Sự đối lập những mơ mộng đẹp và cuộc đời thực, đắng cay, giữa cái riêng cô đơn và cái chung cách biệt, hạnh phúc đôi lứa sẽ chia đôi “ân ái mong manh như nắng lụa” (Hồ Dzếch) hay nói như Lưu Trọng Lư:

Thơ ta cũng như tình nàng vậy Mộng, mộng mà thôi mộng hững hờ.

Ái tình là nguồn mật ngọt kết tụ nhưng cũng hứa hẹn một điều gì mới mẻ.

Đời nghèo thế không đành tôi chút lạ Đến ái ân cũng hết cả đợi chờ.

(Quanh quẩn - Huy Cận)

Những vui buồn trong tình yêu do những nguyên nhân khách quan, và chủ quan chi phối và sự hoà hợp, gắn bó của lứa đôi là nhân tố quyết định nhân vật trữ tình thường mang nhiều ảo tưởng, ảo mộng họ nghĩ về đời đẹp hơn cuộc đời vốn có và cũng tự xem mình như một trung tâm, một thế giới riêng khép kín. Đó cũng là nguyên nhân tạo nên những trở ngại, ngăn cách.

Dầu tin tưởng chung một đời, một mộng Em là em, anh vẫn cứ là anh

Có thể nào qua vạn lý trường thành Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.

(Xa cách - Xuân Diệu)

Tình yêu lãng mạn cũng tạo nên nhiều ý tưởng riêng, dường như không theo quy luật chung quen thuộc.

Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở Thư viết đừng xong, thuyên trôi chớ đỗ Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa.

(Ngập ngừng - Hồ Dzếch)

Tuy nhiên, do thoát ly khỏi những biến cố lớn của thời đại, sự sôi nổi, mãnh liệt chỉ thể hiện trên một số phương diện nhất định, khả năng lôi cuốn độc giả không lớn. Cùng ra đời trong một hoàn cảnh, nhưng họ không có được tinh thần của những con người thanh niên cách mạng như trong thơ Tố Hữu: “Đi bạn ơi, đi sống đủ đầy/ Sống trào sinh lực bốc men say”. Họ tìm về quá khứ, tìm về những ý tình xa xưa theo Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ.

Như vậy, thời đại mới, đề tài tình bạn, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi bộc lộ những niềm khao khát, những điều thành thực của mình một cách mạnh mẽ nhưng không kém phần cổ điển. Các nhà Thơ mới bộc lộ tình cảm, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi thông qua các hình ảnh mùa xuân, ánh trăng, mùa thu… như các nhà thơ xưa giãi bày. Đó là những hình ảnh thiên nhiên đẹp gợi hình, gợi cảm dễ đi vào lòng người. Quan niệm mang tính cổ điển về tình bạn, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi thực sự góp phần làm cho Thơ mới có thêm màu sắc tươi trẻ, trong sáng, mãnh liệt, vừa mang màu sắc cổ điển, diện mạo Thơ mới thêm bề thế, sinh động.

Chương 2

PHONG VỊ CỔ ĐIỂN TRONG THƠ MỚI LÃNG MẠN 1932 - 1945 THỂ HIỆN TRÊN PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC

Một phần của tài liệu Phong vị cổ điển trong thơ mới lãng mạn 1932 1945 luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 41 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w