7. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Ước lệ tượng trưng
Trong thơ ca cổ - trung đại Việt Nam nói riêng và phương đông nói chung, ước lệ - tượng trưng là một thủ pháp nghệ thuật được các nhà thơ sử dụng khá đắc lực và rất thành công. Bởi nó làm tăng tính hình tượng của ngôn ngữ, làm cho câu thơ thêm lung linh sinh động. Chúng ta có thể tìm thấy trong thế giới nghệ thuật thơ ca truyền thống những cách nói, những cách miêu tả, những cách tỏ tình, tỏ chí theo lối này. Trong thơ cổ điển, mọi sự vật, hiện tượng, ý nghĩ, tình cảm đều được thể hiện thông qua những hình ảnh giàu tính biểu tượng và đã được quy phạm hóa. Nói người quân tử thì là “tùng, cúc, trúc, mai”; nói cốt cách thanh cao thì “mây ngàn”, “hạc nội”, miêu tả tráng sĩ thì “đầu báo”, “tay vượn”, “lưng gấu”, “mình hổ”, “mắt phượng”, “mày tằm”, “râu hùm”, “hàm én”, nói người phụ nữ thì là “phận liễu đào”, “thân bồ liễu”, nói đến mùa thu là gắn với nỗi buồn, sự biệt li, mùa xuân bao giờ cũng mang đến những sắc màu tươi sáng, hứa hẹn, nói đến người trai chí lớn là khách chinh phu, li khách, nói sự chia li thì có cặp đôi chinh phu - cô
phụ… Chính nhờ những điều này mà thơ ca cổ điển phương đông có một hệ thống thi pháp thời đại, thi pháp loại hình khá rõ nét, nó có tính hàm súc cao, ý tại ngôn ngoại và đó là một thứ đặc sản của thơ ca nhân loại. Tất cả những yếu tố đó, dù đậm nhạt khác nhau, nhưng về cơ bản đều được Thơ mới kế thừa và phát huy đúng lúc những giá trị cần thiết.
Xuân Diệu khi nhắc đến cây liễu, mặc dù không đưa ra như một đối tượng so sánh hay ám chỉ, nhưng rõ ràng là đã gắn nó với biểu tượng thân phận người thiếu nữ:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.
(Đây mùa thu tới)
Và trong khi miêu tả vẻ đẹp buồn ấy của thiếu nữ, thi sĩ cũng nhắc đến mùa thu như một thứ định mệnh của thi ca:
Đây mùa thu tới! mùa thu tới Với áo mơ phai dệt lá vàng.
(Đây mùa thu tới)
Khi nói đến vẻ đẹp siêu thoát, thần tiên, Thế Lữ cũng nói đến Thiên Thai:
Thiên thai thoảng gió mơ mòng
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay.
(Tiếng sáo thiên thai)
Khi nói nỗi buồn biệt lí, Lưu Trọng Lư cũng nói mùa thu và hình ảnh cặp đôi chinh phu - cô phụ:
Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức? Em không nghe rạo rực Hình ảnh kẻ chinh phu Trong lòng người cô phụ.
Nói nỗi buồn tha hương, li loạn, Quách Tấn nói đến bến Phong Kiều, đến sông Xích Bích:
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
(Đêm thu nghe quạ kêu)
Nói đến cái đẹp và giai nhân, Xuân Diệu cũng nhắc đến tiếng đàn, và những câu thơ của ông vang vọng âm hưởng của Tì bà hành, của Long thành cầm giả ca:
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân …
Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi Long lanh tiếng sỏi vang vang hận Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ nười.
(Nguyệt cầm)
Dường như tất cả những hình ảnh xuất hiện trong bài thơ đều mang tính tượng trưng cao độ. Người phụ nữ và tiếng nhạc tượng trưng cho vẻ đẹp, cái tài và tượng trưng cho cả sự bạc mệnh. Hình ảnh vầng trăng, giọt lệ cũng là những hình ảnh tượng trưng gia thêm nỗi đau và chất thi vị xa xót cho tứ thơ, tình thơ. Tất cả những điều đó là cái cốt lõi làm nên phong vị cổ điển trong
Nguyệt cầm - một trong số những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu. Ở đây chúng tôi cũng xin nói thêm rằng, mặc dù được mệnh danh là “hoàng tử thi ca”, là “nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ mới”, nhưng dường như những bài thành công nhất của Xuân Diệu lại là những bài có ít nhiều mang âm hưởng cổ điển như Nguyệt cầm, Thơ duyên…