Các giải pháp để phát triển giáo dục tri thức.

Một phần của tài liệu Vai trò của tri thức trong việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay (Trang 63 - 70)

Cùng với sự nghiệp đổi mới hơn 18 năm qua, lĩnh vực giáo dục đào tạo đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, bước đầu đã nâng cao tri thức nguồn nhân lực cho các ngành và các lĩnh vực kinh tế, góp phần vào công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội và bước vào giai đoạn đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tuy nhiên, cho đến nay, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp

hoá, hiện đại hoá, trình độ tri thức cũng như chuyên môn kỹ thuật người lao động nước ta còn nhiều bất cập, trước đòi hỏi và yêu cầu hiện tại của đất nước. Điều đó nói lên rằng sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta còn nhiều yếu kém, hạn chế, thể hiện ở chỗ chất lượng và hiệu quả giáo dục còn thấp, quy mô giáo dục

và đào tạo chuyên nghiệp còn nhỏ bé manh mún, chưa đáp ứng được đầy đủ đòi hỏi ngày càng cao tri thức nguồn nhân lực trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đúng như Văn kiện hội nghị lần thứ hai ban chấp hành Trung ương khoá VIII đã nhận định : “hiện nay sự nghiệp giáo dục đào tạo đang đứng trước những mâu thuẫn lớn giữa yêu cầu vừa phải phát triển nhanh quy mô giáo dục đào tạo, vừa phải gấp rút nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong khi khả năng và điều kiện đáp ứng còn nhiều hạn chế” [23, tr28].

Từ đánh giá, nhận định những mặt yếu kém của chất lượng giáo dục đào tạo trong việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực có thể rút ra mấy nguyên nhân chủ yếu như sau. Thứ nhất, là quy mô giáo dục đào tạo mở rộng, nhưng lại thiếu một quy hoạch về ngành nghề, cơ cấu đào tạo cho các trường, không gắn việc đào tạo với việc sử dụng tri thức nguồn nhân lực. Thiếu sự chỉ đạo đồng bộ về nội dung, chương trình, nhiều thành tựu mới và lớn của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, của công nghệ, những vấn đề mang tính cấp bách toàn cầu chưa được giới thiệu hoặc phản ánh một cách thích hợp vào môn học. Nội dung giáo dục còn thiên về lý thuyết, ít các kiến thức ứng dụng và hoạt động thực tiễn. Thứ hai, nội dung phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới còn mang tính áp đặt, thụ động, chưa phát huy tính chủ động sáng tạo của người học. Thứ ba, đầu tư cho giáo dục, nhất là đầu tư cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục đào tạo hiện nay. Cơ sở vật chất còn thiếu đồng bộ, trang thiết bị và đồ dùng dạy học lạc hậu, chậm được cải tiến. Chưa có chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với giáo viên và nhân tài. Thứ tư, công tác quản lý giáo dục còn kém hiệu quả, một số hiện tượng tiêu cực, thiếu kỷ cương trong giáo dục còn chưa được ngăn chặn. Trình độ quản lý giáo dục chưa theo kịp với thực tiễn và nhu cầu phát triển. Khi nền kinh tế đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới các văn bản pháp quy về giáo dục chưa được ban hành kịp thời, thanh tra giáo dục còn yếu.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, giáo dục đào nước ta trong những năm qua còn chịu ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường và khó khăn do bản thân yếu kém của nền kinh nước ta tạo nên. Những nguyên nhân yếu kém về mặt chủ quan và khách quan của nền giáo dục đào tạo nước ta đã hạn chế việc phát triển chất lượng tri thức nguồn nhân lực, làm ảnh hưởng đến tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Do vậy, Đảng và Nhà nước, cần phải quan tâm và đầu tư thoả đáng cho giáo dục đào tạo; bởi vì đầu tư cho giáo dục và đào tạo là yêu cầu khách quan của công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Và xét đến cùng thì đầu tư cho con người là đầu tư có lãi nhất, khôn ngoan nhất và cũng không có nguồn đầu tư nào mang lại nguồn lợi lớn như đầu tư vào giáo dục đào tạo, để nhanh chóng có được nguồn nhân lực có tri thức cao phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Từ sự bất cập của giáo dục đào tạo như đã phân tích, để đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà, làm cho giáo dục đào tạo thật sự trở thành “quốc sách hàng đầu”, thực hiện ba mục tiêu lớn của giáo dục đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cần phải có một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục.Về mục tiêu giáo dục phải tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, sát hợp với thực tiễn, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của từng vùng, của từng địa phương, hướng tới một xã hội học tập. Phấn đấu đưa nền giáo dục nước ta tránh khỏi tình trạng tụt hậu trên một số lĩnh vực so với các nước phát triển trong khu vực. Trong đó đặc biệt ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đặc biệt chú trọng nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, cán bộ quản lý giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề góp phần nâng cao một bước chất lượng tri thức nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp kịp thời cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nội dung chương trình các cấp học, ngành học, bậc học phải được đổi mới một cách căn bản, toàn diện theo hướng cập nhật hoá, hiện đại hoá, khắc phục hạn chế còn tồn tại của chương trình sách giáo khoa hiện hành. Nói tới đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục đào tạo là phải tiến hành đồng bộ bao gồm đổi mới giáo dục phổ thông, đổi mới giáo dục nghề nghiệp và đổi mới giáo dục đại học cao đẳng và sau đại học.

Thứ hai, phát triển đồng bộ đội ngũ nhà giáo cả về cơ cấu, chất lượng, số lượng, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục đào tạo. Muốn phát triển chất lượng nguồn nhân lực, thì giáo viên là nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục đào tạo. Do vậy phải khắc phục những bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo các môn học, giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Số lượng giáo viên phải đủ theo quy định giáo viên / lớp, mặt khác phải chú trọng tới chất lượng đội ngũ giáo viên. Muốn vậy cần phải củng cố và nâng cấp các trường sư phạm. Đầu tư xây dựng một số trương sư phạm trọng điểm để vừa đào tạo giáo viên có chất lượng cao, vừa nghiên cứu khoa học giáo dục đạt trình độ tiên tiến. Thực hiện chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm, có chính sách trọng dụng người tài. Cùng với việc phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên, phương pháp giáo dục cũng cần được đổi mới mạnh mẽ; phương pháp giáo dục phải thích nghi với nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay. Trên tinh thần phát huy nội lực của ngành giáo dục đào tạo một hướng có hiệu quả là khuyến khích đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo, bao gồm phương pháp lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy cao độ tính tích cực của người học. Bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, năng lực tư duy sáng tạo, năng lực đặt và giải quyết vấn đề theo quan điểm người học là trung tâm của quá trình giáo dục đào tạo. Ưu tiên đầu tư phát triển khoa học giáo dục, đào tạo chuyên gia giáo dục có trình độ cao. Tăng cường

bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn, xây dựng chuẩn giáo viên theo những quan điểm mới về chất lượng giáo dục đào tạo.

Thứ ba, cần tiến hành công tác đổi mới quản lý giáo dục.Trong khi phân tích làm rõ những ưu điểm của sự nghiệp giáo dục đào tạo những năm đổi mới, chúng ta thừa nhận giáo dục đào tạo nước ta còn nhiều bất cập và hạn chế. Mà một trong những nguyên nhân dẫn dến bất cập, đó là công tác quản lý giáo dục còn kém hiệu quả. Những hiện tượng tiêu cực, “thương mại hoá” trong giáo dục đào tạo, chồng chéo trong chức năng quản lý giáo dục là nguyên nhân làm giảm sút chất lượng giáo dục. Do vậy đứng trước yêu cầu sự nghiệp phát triển giáo dục đất nước ta hiện nay là cần phải đổi mới quản lý giáo dục, theo hướng nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trên cơ sở các quy phạm pháp luật được quy định trong luật giáo dục và nội dung điều lệ trường phổ thông do Bộ giáo dục và đào tạo quy định. Đó chính là hành lang pháp lý và là công cụ để quản lý ngành giáo dục đào tạo, phát triển theo quan điểm giáo dục của Đảng. Trong đổi mới quản lý giáo dục cần phân cấp hợp lý, nhằm phát huy tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các địa phương các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở phân định ranh giới về chức năng quản lý Nhà nước giữa Bộ giáo dục đào tạo và các Bộ liên quan, sao cho quản lý phải hợp lý, có hiệu quả, tăng cường thanh tra kiểm tra xử lý nghiêm minh đối với các hành vi

tham nhũng, sử dụng kinh phí giáo dục sai mục đích làm thất thoát kinh phí đào tạo, lợi dụng hoạt động giáo dục để vụ lợi.

Thứ tư, tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và phát triển mạng lưới trường lớp cơ sở giáo dục. Để có một cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển tri thức nguồn nhân lực cho đất nước, cần phải hoàn thiện hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân, theo hướng đa dạng hoá, chuẩn hoá, liên thông từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến cao đẳng, đại học và sau đại học. Tổ chức thực hiện việc phân luồng sau trung học, giảm áp lực thi vào đại học như hiện nay. Phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục

theo hướng khắc phục bất hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề và cơ cấu vùng, miền, gắn nhà trường với xã hội, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng. Ưu tiên phát triển các trường cao đẳng kỹ thuật, công nghệ, ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục ở các vùng dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa.

Thứ năm, tăng cường nguồn tài chính, cơ sở vật chất cho giáo dục đào tạo. Mặc dù là một nước nghèo còn khó khăn về kinh tế, nhưng nhận thức được vai trò của giáo dục đào tạo trong việc phát triển tri thức nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá và coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, nên hàng năm Nhà nước đều tăng chi ngân sách cho giáo dục đào tạo, năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục đào tạo khoảng 16,3% tổng chi ngân sách Nhà nước. Với nguồn ngân sách đó cần phải phân bổ hợp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho giáo dục đào tạo, sử dụng có hiệu quả ngân sách và các nguồn lực khác ở địa phương. Thực hiện chủ trương của Nhà nước về tăng cường trang bị cơ sở vật chất cho trường học, thực hiện kiên cố hoá trường học, xoá bỏ nhà học, tranh tre, nhà tạm, xoá lớp học ba ca. Đây là chủ trương đúng và được toàn xã hội ủng hộ nhằm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho trường học. Thực hiện việc tăng cường và hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ đổi mới chương trình, nội

dung và phương pháp, xây dựng thư viện, phòng thí nghiệm dần theo hướng chuẩn hoá hiện đại hoá.

Thứ sáu, thực hiện xã hội hoá giáo dục. Việc đầu tư cho giáo dục giờ đây không chỉ là công việc của Nhà nước, mà là công việc chung của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn xã hội. Bởi vậy giáo dục đào tạo được coi là sự nghiệp của toàn xã hội. Xã hội hoá giáo dục và đào tạo phải là quan điểm chỉ đạo quan trọng, góp phần phát triển giáo dục đào tạo. Khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục, tạo điều kiện cho mọi người, ở mọi lứa

tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học suốt đời, tiến tới một xã hội học tập.

Thực hiện công bằng trong giáo dục, người nghèo được cộng đồng giúp đỡ, bảo đảm cho những người giỏi phát triển tài năng. Mở rộng hệ thống giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học, các trường dân lập, trường bán công …tạo mọi điều kiện để cho mọi người, được lựa chọn cách học phù hợp với các hình thức đào tạo, mở rộng các quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ giáo dục. Cần phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục. Phấn đấu xây dựng nhà trường thực sự trở thành trung tâm văn hoá.

Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục. Sự giao lưu và hợp tác giữa các nước, các quốc gia trong quá trình phát triển khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, đã làm cho biên giới giữa các quốc gia dần dần “bị xoá”, khoảng tương đối về không gian cũng bị thu hẹp. Bởi xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, cho nên đổi mới giáo dục cũng đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Từ bối cảch trên đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong giáo dục, từ quan niệm về chất lượng giáo dục, xây dựng nhân cách người học đến tổ chức quá trình và hệ thống giáo dục. Vì vậy tất cả các quốc gia, đều nhận thức được vai trò, vị trí hàng đầu của giáo dục, đều phải đổi mới giáo dục để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của sự phát triển đất nước. Với điều kiện cụ thể nước ta, quá trình phát triển giáo dục đào tạo, nảy sinh bất cập giữa yêu cầu phát triển của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nâng cao chất lượng nguồn lực con người với điều kiện kinh tế kém phát triển ảnh hưởng đầu tư cho giáo dục. Bởi vậy, để tránh tụt hậu so với nền giáo dục hiện nay của khu vực và quốc tế, chúng ta cần phải huy động nguồn lực từ hợp tác quốc tế. Tăng cường số dự án viện trợ, vay vốn để đầu tư cho phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học, đồng thời tăng cường khuyến khích đầu tư nước ngoài vào giáo dục. Mặt khác cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi và quản lý tốt du học.

Trên đây là những giải pháp đề xuất nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo ở nước ta hiện nay. Theo chúng tôi việc thực hiện các giải pháp đó là

cả một quá trình, đòi hỏi sự cố gắng và quan tâm của cả xã hội, cùng với những biện pháp thật cụ thể và sát xao.

3.2.Tạo lập những điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi cho việc phát huy vai trò của tri thức đối với phát triển chất lượng nguồn nhân lực.

Một phần của tài liệu Vai trò của tri thức trong việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay (Trang 63 - 70)