Với mẫu nghiên cứu 1161 HS tham gia, các thang đo SKTT đều phù hợp với các nghiên cứu trước trong thanh thiếu niên Việt Nam tại miền Nam như nghiên
cứu của tác giả Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh, Nguyễn Tấn Đạt và Thái Thanh Trúc với 15,65 10,52 cho thang đo trầm cảm, 22,56 4,09 cho thang đo lo lắng [9], [31], [35]. Tác giả Trần Bích Phương nghiên cứu trong thanh thiếu niên miền Bắc đưa ra điểm trung bình cho thang đo trầm cảm là 14,8 9,9, thang đo lo lắng là 20 4,6 [25]. Điều này chứng tỏ thanh thiếu niên miền Nam trầm cảm và lo lắng nhiều hơn so với thanh thiếu niên miền Bắc. Hơn thế nữa, tác giả Choo Wan Yuen nghiên cứu trong thanh thiếu niên Malaysia đưa ra thang điểm trung bình của các thang đo trầm cảm, lo lắng lần lượt là 22,9 9,68, 9,01 4,23 kết quả này phản ánh thanh thiếu niên Việt Nam ít trầm cảm nhưng lo lắng nhiều hơn so với thanh thiếu niên Malaysia [8].
So sánh về tỷ lệ mắc các vấn đề SKTT, có 41,1% HS trầm cảm cao hơn nhiều so với các nghiên cứu khác trước đây như Thái Thanh Trúc (26,3%), Yaacob S.N. và cộng sự (24,2%) [31], [41] do nghiên cứu này sử dụng điểm cắt về nguy cơ trầm cảm là 16 điểm trong khi đó theo hướng dẫn gợi ý từ các nghiên cứu khác là 21 điểm. Tuy cùng sử dụng một thang đo nhưng nghiên cứu này đã bộc lộ rõ ràng hơn về một thực trạng xã hội đang dần trở nên to lớn, một vấn đề xã hội cần được quan tâm.
Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng điểm cắt 26 xem như có lo lắng tương tự như nghiên cứu của Thái Thanh Trúc [31], tỷ lệ HS lo lắng 22,8% cũng cao hơn so với nghiên cứu của Thái Thanh Trúc là 18,2% phản ánh HS Cần Thơ lo lắng nhiều hơn HS ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên các nghiên cứu về SKTT ở HS trung học Việt Nam còn chưa được nghiên cứu nhiều, cho nên cần có nhiều nghiên cứu với các thang đo khác nhau nhằm tìm hiểu thực trạng SKTT của HS và đưa ra các giải pháp nâng cao SKTT phù hợp.
4.2.2. Đặc điểm sức khỏe tâm thần của học sinh theo giới
Kết quả cho thấy HS nữ trầm cảm nhiều hơn HS nam trong khi đó HS nam lo lắng nhiều hơn so với HS nữ, cụ thể là 44,1% nữ sinh trầm cảm cao hơn nam sinh trầm cảm 35,9% mặc dù đặc điểm về giới tính trong nghiên cứu này nữ giới chiếm gần gấp đôi nam nhưng kết quả chúng tôi tìm thấy phù hợp với nghiên cứu của Thái
Thanh Trúc HS nữ trầm cảm chiếm 31,6% cao hơn HS nam 19,9% [13], [31]. Các chuyên gia cho rằng trước tuổi vị thành niên, tỷ lệ trầm cảm giống nhau ở nam và nữ. Tuy nhiên, ở tuổi dậy thì, nguy cơ trầm cảm ở nữ tăng gấp đôi nam giới. Tỷ lệ trầm cảm ở nữ tăng có liên quan đến sự thay đổi nồng độ hormone xảy ra trong suốt cuộc đời của người phụ nữ. Những thay đổi này là hiển nhiên trong tuổi dậy thì, mang thai và mãn kinh cũng như sau khi sinh hoặc trải qua sẩy thai. Ngoài ra, sự dao động nội tiết tố xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng có thể góp phần vào hội chứng tiền kinh nguyệt - một hội chứng nghiêm trọng được đánh dấu bởi lo âu, trầm cảm và tính khí thất thường xảy ra trước khi có kinh một tuần gây cản trở hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày [6].
Tỷ lệ HS nam lo lắng 43,6% cao hơn so với HS nữ 29% khác với nghiên cứu của tác giả Trần Bích Phương trong HS miền Bắc và Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh trong sinh viên cho thấy nữ lo lắng nhiều hơn nam. Đồng thời, nghiên cứu của Thái Thanh Trúc ở thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2010 cũng cho rằng nữ giới có khuynh hướng lo lắng nhiều hơn nam giới với tỷ lệ HS nữ lo lắng là 23,4% cao hơn nam rất nhiều chỉ khoảng 7,6% [31], [35]. Sự khác biệt này do nghiên cứu của chúng tôi trên đối tượng HS THPT trong khi nghiên cứu của tác giả khác như Trần Bích Phương, Thái Thanh Trúc có sự tham gia của HS THCS và Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh trên đối tượng sinh viên đại học. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận thấy rằng HS sống trong những vùng địa lý khác nhau sẽ có những vấn đề SKTT khác nhau. Cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa trong những khoảng thời gian khác nhau, những đối tượng nghiên cứu khác nhau và các vùng khác nhau để đối chiếu và so sánh kết quả nhằm tìm ra sự khác nhau về các vấn đề SKTT giữa hai giới.
4.2.3. Đặc điểm sức khỏe tâm thần của học sinh theo trường
HS trường Trần Đại Nghĩa và Lý Tự Trọng có tỷ lệ HS trầm cảm gần bằng nhau (43,3% và 42,4%) và cao hơn HS trường Châu Văn Liêm chỉ khoảng 38,0%. Điều này cũng phù hợp với điều kiện thực tế của các trường tại Cần Thơ, Lý Tự Trọng là một trường chuyên, các HS được tuyển chọn phải có thành tích học tốt, đạt điểm cao trong kì thi đầu vào và môi trường học tập cạnh tranh cao khó tránh khỏi
các vấn đề SKTT. Ngược lại, trong ba trường Trần Đại Nghĩa là trường mới thành lập trong những năm gần đây, HS đa số là con của các hộ nông dân vùng Cái Răng xưa, đồng thời điểm đầu vào các em thấp hơn hai trường bạn. Điều này cho thấy giữa các trường THPT khác nhau, điều kiện khác nhau, tiêu chuẩn chọn HS khác nhau thì sẽ có các vấn đề SKTT nảy sinh khác nhau.
Bên cạnh đó, HS trường Lý Tự Trọng lo lắng cao hơn trường còn lại là Châu Văn Liêm và Trần Đại Nghĩa với tỷ lệ lần lượt là 26,2%, 21,9% và 23,1%. Trường Lý Tự Trọng với bề dày thành tích của HS cũng nổi bật với các vấn đề SKTT.
Nghiên cứu SKTT giữa các trường THPT còn rất hạn hẹp ở Việt Nam, chúng tôi chưa có nhiều kết quả để so sánh nên cần có thêm các nghiên cứu tương tự giữa các trường THPT khác nhau để kết luận của chúng tôi có độ tin cậy cao hơn.
4.2.4. Đặc điểm sức khỏe tâm thần của học sinh theo khối lớp
Tỷ lệ trầm cảm của HS ba khối lớp 10, 11, 12 gần bằng nhau, lần lượt là 41,1%, 40,6%, 41,6% cho thấy dù ở bất cứ khối lớp nào thì cũng có nguy cơ trầm cảm như nhau.
Về lo lắng, HS khối lớp 10 (25,1%) lo lắng nhiều hơn HS khối lớp 11 (22,6%) và 12 (20,6%), điều này cũng phù hợp với thực tế vì HS lớp 10 mới bước vào môi trường cấp ba tất cả đều mới mẻ từ cách thức học tập, thầy cô, bạn bè. Đồng thời, các HS khối lớp 10 phải thay đổi để thích nghi, chính sự thay đổi này làm các em khó tránh khỏi sự lo lắng. Chúng tôi không có nhiều nghiên cứu để so sánh kết quả này nhưng khi hồi cứu các tài liệu khác chúng tôi ghi nhận như sau: nghiên cứu của Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh trong sinh viên điều dưỡng và y tế công cộng Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh chưa tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê các vấn đề SKTT giữa các lớp điều dưỡng và y tế công cộng, tác giả Trần Bích Phương cũng chưa tìm thấy mối liên quan giữa các vấn đề SKTT giữa các khối lớp 6, 7, 8 trong nghiên cứu năm 2007 [25], [35].
4.3. LIÊN QUAN GIỮA SỨC KHỎE TÂM THẦN VỚI CÁC ĐẶC ĐIỂM NHÂN CHỦNG HỌC, MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH VÀ MÔI TRƯỜNG TRƯỜNG HỌC CỦA HỌC SINH