Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các kháng sinh được dùng với tần số cao tại khoa gồm: ampicilin + sulbactam, amoxicilin + a. clavulanic, cefamandol, cefuroxim, ceftriaxon, cefotaxim, gentamicin, amikacin. Đa số liều dùng của các thuốc này đều nằm trong khoảng liều khuyến cáo. Ngoại lệ,
có 2 thuốc liều dùng thấp hơn khoảng liều khuyến cáo là amoxicilin + a. clavulanic có 11 trường hợp (chiếm tỷ lệ 23,40%) amikacin có 3 trường hợp (chiếm tỷ lệ 7,31%). Và 1 thuốc liều cao hơn so với liều khuyến cáo là ceftriaxon có 19 trường hợp (chiếm tỷ lệ 22,89%).Sử dụng liều thấp hơn liều khuyến cáo làm cho thuốc không đạt đủ nồng độ trong huyết thanh để có tác dụng, dẫn đến hiệu quả điều trị kém hoặc không có, kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân, làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Sử dụng liều cao hơn liều khuyến cáo có thể dẫn đến tình trạng quá liều, có thể gây các biến cố bất lợi ở bệnh nhân, có thể gây kháng thuốc, và làm tăng chi phí điều trị. Cần lưu ý, trong các thuốc dùng liều thấp hơn so với khuyến cáo, có thuốc tiêm amikacin đây là thuốc có khoảng điều trị hẹp, độc tính cao. Kết quả chúng tôi cho thấy, lượng sử dụng của amikacin rất ít (1/3, 1/5, 1/7, 1/9 lọ …) trong một lần tiêm, dạng bào chế là amikacin 500mg, đây là dạng sử bào chế dùng cho người lớn, đối với trẻ có dạng tiêm amikacin 100mg sử dụng sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn. Liều thuốc amikacin thấp cũng có thể do khi ra y lệnh bác sĩ thường làm tròn trong tính liều theo lọ, đồng thời việc lấy được một lượng thuốc nhỏ như vậy cũng rất khó chính xác. Do vậy, khoa Nhi nên sử dụng dạng bào chế thích hợp cho trẻ em để giảm sự phức tạp và sai sót trong sử dụng.
Đánh giá về nhịp điệu đưa thuốc kháng sinh dùng tại Bệnh viện trong nghiên cứu của chúng tôi có một số KS thuộc nhóm β-lactam dùng ít hơn số lần qui định khuyến cáo 1 lần. Đây cũng là vấn đề mắc phải của nhiều viện
được đưa ra trong một số nghiên cứu : Theo nghiên cứu của Nguyễn Quang
Tuấn có 2 KS (ampicillin và benzylpenicillin) nhịp đưa thuốc 4 lần/ngày lần thì thực tế chỉ dùng 2 lần/ngày[16]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hiền Lương
nhịp đưa thuốc sai chỉ 2 lần/ ngày gồm các thuốc cefazolin, cefuroxim,
amoxicillin + a. clavulanic[18]. Như chúng ta biết, mỗi loại KS có có khuyến cáo về số lần dùng trong ngày cụ thể, tuy nhiên trong bệnh viện các kháng sinh chủ yếu được dùng 2 lần/ngày theo lịch tiêm thuốc của khoa Nhi, mà không quan tâm đến khuyến cáo sử dụng. Kháng sinh phụ thuộc thời gian đại
diện là nhóm Beta-lactam, Macrolid, phát huy tác dụng diệt khuẩn tối đa khi nồng độ thuốc duy trì ở mức lớn hơn MIC. Đối với nhóm KS này, nồng độ thuốc trong máu cao không làm tăng khả năng diệt khuẩn. Để tăng tác dụng của nhóm kháng sinh phụ thuộc thời gian, người ta tìm cách tăng T>MIC bằng việc dùng thuốc theo đường tĩnh mạch hoặc tiêm tĩnh mạch ngắt quãng nhiều lần trong ngày. Do đó với các thuốc thuộc nhóm này mà thời gian bán thải ngắn hơn 2h thì việc chia làm nhiều lần trong ngày là rất có ý nghĩa, các kháng sinh này sẽ ít có tác dụng nếu không tuân thủ số lần sử dụng trong ngày. Trong nghiên cứu của chúng tôi thì các thuốc cefixim, cefotaxim, ceftriaxon, azithromycin được sử dụng đúng với nhịp đưa thuốc được khuyến cáo, các kháng sinh ampicilin phối hợp sulbactam, amoxicilin phối hợp acid clavulanic, cefazolin, cefamandol, cefuroxim số lần đưa thuốc trong ngày thấp hơn 1 lần so với khuyến cáo. Với nhóm KS phụ thuộc nồng độ đại diện là Aminosid chế độ liều 1 lần/ngày là giải pháp tăng tối đa chỉ số Cmax/MIC và hiệu quả diệt khuẩn. Một số nghiên cứu phân tích, tổng hợp gần đây về các
thử nghiệm lâm sàng để đánh giá ích lợi của việc dùng aminosid liều 1
lần/ngày chứng minh được nó làm tăng tác dụng diệt khuẩn và giảm độc tính của thuốc cũng như giảm hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc[22]. Nghiên cứu của chúng tôi aminosid được sử dụng hợp lý với liều 1 lần/ngày.
Trên thực tế tại bệnh viện chúng tôi nhận thấy, khoảng cách đưa liều phụ thuộc nhiều vào thời gian đi tiêm của các y tá, do đó việc xác định thời điểm đưa thuốc, tính toán liều dùng cho mỗi lần dùng là yếu tố quan trọng để đảm bảo duy trì nồng độ đạt hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.