Nhiều nghiên cứu trong nước về viêm phổi trẻ em có nhận xét : trẻ nam mắc bệnh viêm phổi nhiều hơn trẻ nữ ; trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều hơn trẻ lớn.
Nghiên cứu của Nguyễn Quang Tuấn tỷ lệ bệnh nhi nam chiếm 55,10%
và nữ là 44,90%, trẻ mắc viêm phổi giảm dần theo chiều tăng của lứa tuổi, hay gặp nhất là lứa tuổi 1-12 tháng (44,70%) giảm dần, ở lứa tuổi 36 đến 60 tháng tỷ lệ mắc thấp nhất (11,22%)[16]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hiền Lương tỷ lệ nam là 70,00% nữ là 30,00%, nam cao gấp 2,23 lần nữ, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê, trẻ mắc viêm phổi giảm dần theo chiều tăng của lứa tuổi, hay gặp nhất là lứa tuổi 2 – 12 tháng có tỷ lệ 56,0%[18]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có kết quả tương tự kết quả nghiên cứu trên, tỷ lệ trẻ nam (62,40%) mắc bệnh viêm phổi cao gấp 1,66 trẻ nữ (37,60%), trẻ mắc viêm phổi giảm dần theo chiều tăng của lứa tuổi, nhiều nhất ở lứa tuổi 1 – 12 tháng hay gặp nhất (chiếm tới 58,00%), và giảm dần ở lứa tuổi 36 đến 60 tháng tỷ lệ mắc thấp nhất chiếm tỷ lệ 7,00%.
Tỷ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn nữ chúng tôi chưa lý giải được lý do vì sao. Có thể do trẻ nam thường hiếu động hơn trẻ nữ, nên chế độ chăm sóc trẻ nam khó khăn hơn, trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều yếu tố gây bệnh hơn. Sự khác biệt này cũng có thể nguyên nhân là do sự mất cân bằng giới tính hiện này ở Việt Nam. Lứa tuổi mắc viêm phổi hay gặp nhất là 1-12 tháng, chứng tỏ có sự liên quan giữa tỷ lệ mắc bệnh với khả năng đề kháng của bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào lứa tuổi.
4.1.2. Liên quan giữa lứa tuổi và độ nặng của bệnh viêm phổi
Lứa tuổi và độ nặng của bệnh đã được đề cấp đến trong rất nhiều nghiên cứu ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tỷ lệ viêm phổi nặng và rất nặng ở trẻ nhỏ (dưới 1 tuổi) thường cao hơn ở lứa tuổi lớn hơn, viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng được xem là viêm phổi nặng.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, số bệnh nhân thuộc nhóm VP chiếm 70,40%, số bệnh nhân VPRN chỉ có 1,20%. Kết quả này phù hợp nghiên cứu của Nguyễn Quang Tuấn bệnh nhi thuộc nhóm VP chiếm 71,43%, VPRN chiếm 1,53% [16]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hiền Lương bệnh nhi thuộc nhóm VP chiếm 65,0%, VPRN chiếm 5%[18].
Tỷ lệ trẻ mắc viêm phổi cũng như mức độ nặng của bệnh giảm dần theo chiều tăng của lứa tuổi. Nguyên nhân có thể do trẻ càng nhỏ thì các cơ quan, tổ chức trong cơ thể càng chưa hoàn thiện, sức đề kháng của trẻ càng yếu, trong khi đó, trẻ phải tiếp xúc với môi trường sống có rất nhiều yếu tố gây bệnh, đôi khi không được sạch sẽ, dễ bị ô nhiễm. Theo đánh giá của chúng tôi về mức độ nặng của bệnh, đa số bệnh nhi viêm phổi vào viện ở mức độ nhẹ và vừa nên việc điều trị cũng ít gặp khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên cũng phải cảnh giác để ứng phó kịp thời với những ca bệnh nặng, nguy hiểm.