Máu và các sản phẩm của máu rất cần thiết để bồi phụ tuần hoàn và cho cuộc phẫu thuật thành công nhưng số lượng máu cần truyền trong phẫu thuật là bao nhiêu thì do bác sỹ gây mê quyết định dựa trên số lượng máu hút ra ở bình, tình trạng lâm sàng và huyết động của bệnh nhân. Chính vì thế lượng máu mất chỉ xác định một cách tương đối. Do đó có sự khác biệt rất lớn về số lượng máu truyền giữa kết quả nghiên cứu của chúng tôi với một số tác giả khác. Nghiên cứu của chúng tôi có 65% bệnh nhân không phải truyền máu, cao hơn kết quả nghiên cứu của tác giả Dương Đại Hà là 16,9% bệnh nhân mổ không cần truyền máu , tỷ lệ này tương đương với nghiên cứu của tác giả Trần Văn Việt là 60% bệnh nhân .
UMN là u tân sinh với nhiều nguồn mạch máu nuôi dưỡng phong phú. Nguồn nuôi chính là từ động mạch màng não giữa, là nhánh lớn nhất của
động mạch hàm, xuất phát từ động mạch cảnh ngoài. Ngoài ra còn nguồn nuôi từ sàn sọ và động mạch cảnh trong qua động mạch não giữa. Theo bảng 3.13, có 26 trường hợp (65%) không có truyền máu trong mổ, có 12 trường hợp (30%) truyền 1 - 2 đơn vị máu trong mổ và chỉ có 2 trường hợp (5%) UMN 1/3 trong cánh xương bướm có tổn thương động mạch não giữa phải truyền 4 đơn vị máu.
Bảng 3.14 cho thấy mối liên quan giữa lượng máu truyền trong mổ và vị trí u, trong đó số đơn vị máu truyền với phẫu thuật lấy u vị trí 1/3 trong cánh xương bướm chiếm 50% cao hơn số đơn vị máu truyền với phẫu thuật lấy u các vị trí 1/3 giữa (21,8%) và 1/3 ngoài (28,6%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Tuy nhiên, kết quả bảng 3.15 cho thấy không có mối liên quan giữa lượng máu truyền trong mổ với kích thước u với p>0,05 (p = 0,79). Ngày nay với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh học, kỹ thuật mổ, trình độ phẫu thuật viên, gây mê hồi sức, do vậy việc kiểm soát chảy máu trong quá trình phẫu thuật UMN vùng cánh xương bướm cũng tốt hơn, các yếu tố kích thước u không còn ảnh hưởng đến lượng máu mất trong quá trình phẫu thuật.