Tương phản bên trong

Một phần của tài liệu thi pháp chân không trong tiểu thuyết kawabata yasunari (Trang 117 - 120)

Nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Kawabata không chỉ tương phản nhau về vẻ đẹp hình thể bên ngoài, mà còn trái ngược nhau cả tính cách bên trong.

Xây dựng tính cách nhân vật trong mỗi quan hệ tương phản, nhà văn nhằm mục đích làm nổi bật cá tính cũng như tâm hồn của họ. Từ đó, gợi cho người đọc trăn trở, suy ngẫm về những ẩn ý sâu xa. Trong Xứ tuyết, hai thiếu nữ Yoko và Komako không chỉ có vẻ đẹp bên ngoài khác biệt mà tính cách cũng hoàn toàn tương phản nhau. Ở Yoko toát lên vẻ đẹp dịu dàng, tận tụy. Khó biết được mối quan hệ giữa nàng và người đàn ông Yokio nhưng những cử chỉ chăm sóc người ốm của nàng thật cảm động: “Tấm khăn quàng có lúc xổ lên mũi anh ta hoặc tuột xuống dưới, nhưng trước khi anh ta kịp làm gì, người đàn bà trẻ đã ân cần cúi xuống chu đáo sửa lại...Hoặc lúc vạt chiếc áo choàng bọc chân người ốm bị tuột ra lại được cô gái quấn lại ngay cũng vậy” [71; 224]. Nàng sống khép kín, tránh sự ồn ào, đúng khuôn phép của một người phụ nữ truyền thống. Sự nghiêm túc, kín đào và biết điều của nàng khiến cho Shimamura vô cùng sửng sốt: “tại sao bao giờ nàng cũng biết điều đến thế, nghiêm túc đến thế” [71; 277]. Ngược lại, Komako lại là một cô gái hiện đại với cách sống phóng khoáng. Nàng có thể rời vòng tay người đàn ông này và lao vào vòng tay của người đàn ông khác. Sau những lần tiếp khách du lịch, nàng thường rơi vào tình trạng nửa say nửa tỉnh. Trong mối quan hệ với Shimamura, Komako luôn tỏ ra là một người đàn bà tràn đầy nhục cảm và dành cho anh một tình yêu tận hiến đến tuyệt đối. Khác với sự kín đáo, lạnh lùng của Yoko, nàng luôn gần gũi và nồng nàn. Các cung bậc tình cảm yêu thương, giận hờn, quyến luyến...được biểu hiện rõ nét. Komako

được các nhà nghiên cứu đánh giá là nhân vật được xây dựng thành công nhất của Kawabata. Donald Keene cho rằng: “nếu không viết thêm một tác phẩm nào khác, thì hình ảnh Kamoako vẫn mang lại cho ông danh tiếng của một chuyên gian tâm lý học về phụ nữ ” [24; 295]. Đặt hai nhân vật trong sự tương phản, một truyền thống, cổ điển và một sống động hiện đại, phải chăng nhà văn đang ngầm ẩn về một đất nước Nhật Bản trong buổi giao thời, nhập nhằng giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại.

Ở tác phẩm Ngàn cánh hạc, nhân vật Chikako và Ota tương phản nhau hoàn toàn. Chikako là một người đàn bà mang tính cách của “giống đực”. Cái bớt đen xấu xí che nửa vú trên ngực mụ ta không chỉ biểu hiện của sự bất hạnh, kém sắc mà còn lộ rõ bản chất đen tối trong tâm hồn. Nó biểu tượng cho những toan tính, thói “thọc mạch lỗ mãng” và sự ích kỷ, xấu xa. Người đàn bà ấy đã can thiệp một cách quá đáng vào cuộc đời Kikuji, đố kị với mẹ con bà Ota và kiếm lợi trơ trẽn qua những món đồ cổ. Khác biệt với Chikako, thiếu phụ Ota lại vô cùng dịu dàng, nữ tính. Tính cách đam mê và ngẫu hứng, yêu và sống hoàn toàn tuân theo sự mách bảo của con tim. Vẻ ngoài nồng nàn, quyến rũ và sự yếu đuối đam mê của một con người sống theo tình cảm, bản năng nhiều hơn lý trí của bà, đã khiến cho chàng trai trẻ Kikuji bị cuốn vào cơn lốc tình ái đầy tội lỗi.

Hai nhân vật tương phản nhau, cùng lướt qua không gian trà đạo là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Với bản chất trà đạo là luyện tâm, con người sống với tâm hồn chân thật và “trái tim sơ khôi”, không thể chấp nhận một trà sư lỗ mãng, mang bản tính ích kỷ, vụ lợi; cũng không thể dung nạp một con người đam mê thái quá, sống bản năng không phân biệt nổi đâu là cha và đâu là con như bà Ota. Hai con người này xuất hiện trên nền trà đạo làm hoen ố cả đời trà và cảnh báo về sự suy vi của một truyền thống thanh cao.

Otoko và Keiko trong Đẹp và buồn đều là họa sĩ, yêu cái đẹp và nắm bắt chúng một cách tinh tế. Họ say mê cảnh mưa xuân trên núi, trăng rằm phản chiếu trong bát rượu...tìm cảm hứng nơi nương chè, vườn cảnh. Tuy nhiên, tính cách hai người phụ nữ này lại hoàn toàn tương phản, đối lập nhau. Otoko chân thành, thùy mị và cung cách. Ngược lại, Keiko lại vô cùng ngang bướng, có thói ghen tuông cực độ và thích độc chiếm. Otoko càng khuyên răn, ngăn cản thì Keiko càng liều lĩnh và quyết tâm trả thù. Vì tình yêu, Keiko ngày càng dẫn sâu vào tội ác và cuối cùng gây tai họa cho tất cả mọi người trong thế giới đẹp và buồn của Kawabata. Tình yêu không chân chính và sự ích kỷ chính là mầm mống của bi kịch đáng tiếc. Hai thập kỷ trước Otoko bồng bột yêu người đàn ông đã có vợ và sau này Keiko lại đam mê cô giáo đến vô kỷ luật.

Các nhà văn truyền thống khi xây dựng tính cách nhân vật trong mối tương phản thường nhằm mục đích phê phán cái xấu, suy tôn cái tốt và hướng đến kết quả số phận của mỗi nhân vật khác nhau. Ngược lại, Kawabata không bao giờ phân biệt tốt - xấu mà để người đọc tự cảm nhận bởi cuộc sống luôn tồn tại xấu - tốt và khó phân biệt rõ ràng với nhau. Vì thế, dù tính cách hai nhân vật tương phản nhau nhưng họ phải chịu bi kịch chung như Otoko và Keiko, cùng phản ánh buổi giao thời của nước Nhật như Komako và Yoko, cùng cảnh báo sự suy vi truyền thống của dân tộc như Ota và Chikako.

Như đã trình bày ở trên, xây dựng nhân vật trong mối quan hệ tương phản không phải là sáng tạo riêng của Kawabata nhưng có thể khẳng định rằng, ông đã áp dụng một cách thành công, tạo sự độc đáo cho tác phẩm của mình. Ngoài việc làm nổi bật vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ, phẩm chất bên trong của họ còn đặt ra nhiều vấn đề mà độc giả trăn trở, suy ngẫm.

Một phần của tài liệu thi pháp chân không trong tiểu thuyết kawabata yasunari (Trang 117 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)