Kế thừa mỹ học Thiền

Một phần của tài liệu thi pháp chân không trong tiểu thuyết kawabata yasunari (Trang 30 - 32)

Văn hóa Nhật Bản là nền văn hóa Thiền (Zen). Tinh thần Thiền tông ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người xứ Phù Tang. Đến thời đại của Kawabata, Thiền đã có bề dày lịch sử khoảng tám thế kỷ và ngày càng có ý nghĩa đối với đời sống - văn hóa - nghệ thuật. Thiền ảnh hưởng trực tiếp đối với sáng tác của Kawabata.

Thiền chủ trương lối nhận thức hướng nội, đi ngay vào chính đối tượng; đả phá cách tư duy nhị nguyên, tư biện. Điều đó có nghĩa là Thiền thường dựa vào sức mạnh ý chí bên trong đến độ trở thành vô ngã, vô niệm. Theo nhà nghiên cứu người Nga N.T.Phedorenko: “Mĩ học Thiền dựa trên nguyên tắc sử dụng ít lời, ít phương tiện biểu cảm nhất trong sáng tác nghệ thuật, chỉ vừa đủ để giữ mối liên hệ giữa cá nhân và khách thể ” [71; 1052]. Kawabata đã tiếp thu đặc điểm trên của Thiền với tinh thần kế thừa, sáng tạo. Tiểu thuyết của ông chỉ sử dụng một vài phương tiện ít ỏi như những biểu tượng, ẩn dụ kỳ diệu, những khoảnh khắc bừng sáng, đặc tả chi tiết, chấm phá bỏ lửng...nhưng lại có khả năng gợi rất lớn.

Một đặc điểm khác của Thiền là sự hòa nhập với thiên nhiên, vũ trụ. Thiền luôn hàm ẩn tình yêu thiên nhiên. Thiền yêu cầu con người kính trọng thiên nhiên. Con người sống hài hòa và kính trọng thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ khơi dậy nơi con người những điều bí ẩn, giúp con người tự tri. Đối với người Nhật, tình yêu thiên nhiên sẽ đậm đà Thiền vị khi con người biết thưởng ngoạn thiên nhiên, sống với thiên nhiên. Thực ra, từ ngàn xưa, người Nhật đã biết sống hài hòa, thích nghi với những biến đổi bất thường của thiên nhiên. Khi Thiền tông Phật giáo du nhập vào, họ lại được củng cố thêm tình yêu thiên nhiên. Trong cuốn Thiên nhiên Nhật, P.Iu.Smit nhận xét: “Bất kỳ một người Nhật bình thường nào cũng là một nhà mỹ học, một nghệ sĩ biết

cảm thụ cái đẹp trong thiên nhiên...Nghệ thuật Nhật Bản nảy sinh chính từ lòng tôn thờ vẻ đẹp toát ra từ tổng thể hòa điệu của thế giới xung quanh” [69; 46]. Từ nghệ thuật uống trà, vườn cảnh, cắm hoa... đều thể hiện sự hòa điệu với thiên nhiên. Chúng ta cũng có thể tìm thấy hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp ở bất kỳ tác phẩm nào của Kawabata. Đó là hình ảnh tuyết dát bạc, ánh trăng huyền diệu, rừng bá hương hùng vĩ, hoa anh đào rực rỡ, mảnh vườn tươi tốt...Ngay cả tiêu đề mỗi chương trong một số tác phẩm cũng mang hình ảnh thiên nhiên. Ở Cố đô là hoa mùa xuân, ni viện và hàng rào gỗ, loại thông liễu

trên Bắc Sơn, những cành thông xanh, thu muộn, hoa mùa đông. Ở Đẹp và

Buồn là chuông chùa cuối năm, mùa xuân sớm, hội trăng rằm, ngày mưa, vườn đá, bông sen trong lửa, những hư hao mùa hè, cái hồ…Nhân vật trong tác phẩm đều là những con người yêu thiên nhiên, sống hài hòa, gắn bó với thiên nhiên. Khi hòa mình vào thiên nhiên huyền diệu, họ như được quay về với “bản nhiên thanh tịnh và rỗng rang trong suốt”, nhận ra vẻ đẹp của sự vật và thế giới trong tâm hồn mình. Vẻ đẹp của thiên nhiên trở thành một trong những tiêu chuẩn thẩm mỹ trong tác phẩm Kawabata.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, lối nhận thức của Thiền đi thẳng vào đối tượng, loại trừ phân tích, mổ xẻ. Thiền cảm nhận sự vật bằng con đường chủ quan hoặc chủ cảm. Vì vậy, cảm thụ cái đẹp cũng phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của chủ thể thẩm mỹ. Điều này, ảnh hưởng đến nghệ thuật xây dựng thẩm mỹ gương soi trong tác phẩm của Kawabata. Thể hiện cách nhìn thế giới xung quanh và cách biểu hiện cái đẹp của nhà văn.

Mỹ học Thiền ảnh hưởng sâu đậm đối với sáng tác của Kawabata. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đó không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp qua văn học truyền thống và các ngành nghệ thuật khác.

Một phần của tài liệu thi pháp chân không trong tiểu thuyết kawabata yasunari (Trang 30 - 32)