Khoảnh khắc bừng sáng vẻ đẹp điển hình

Một phần của tài liệu thi pháp chân không trong tiểu thuyết kawabata yasunari (Trang 66 - 69)

Theo Donald Keene, Kawabata “từ đầu đến cuối sự nghiệp của mình

luôn bị hấp dẫn đặc biệt bởi những phụ nữ trẻ, trinh trắng… cho dù họ không nhất thiết là những bức chân dung đã hoàn toàn thành công của ông” [24; 161]. Họ là biểu tượng của cái đẹp, của tính nữ vĩnh cửu. Mỗi người trong số họ đều được nhà văn nắm bắt và tái họa trong những khoảnh khắc bừng sáng vẻ đẹp điển hình.

Ở giai phẩm Xứ tuyết, vẻ đẹp hư ảo, huyền bí của Yoko hiện lên qua khoảnh khắc gương soi. Trên tấm kính toa tàu đẫm hơi sương, Shimamura bất ngờ bắt gặp ánh mắt kỳ lạ cùng khuôn mặt đẹp của người đàn bà trẻ hòa vào phong cảnh núi đồi và lênh đênh giữa đại dương đêm tối mịt mờ. Vẻ đẹp rực sáng nhưng mong manh, hư ảo của nàng làm cho anh vô cùng bàng hoàng, sửng sốt. Khoảnh khắc bừng sáng vẻ đẹp ấy, Shimamura như chìm trong cảm giác thăng hoa, hoàn toàn rời bỏ thế giới thực tại. Vẻ đẹp của nàng ám ảnh mãnh liệt trong sâu thẳm tâm hồn anh, như một mãnh lực cuốn hút lấy anh. Đó là cái đẹp để cảm nhận chứ không thể giải thích; thanh cao, trong sáng

nhưng cũng vô cùng huyền bí. Nàng như hiện thân của một nhân vật nào đó trong huyền thoại cổ xưa. Shimamura luôn khao khát nắm bắt vẻ đẹp tràn đầy nữ tính ấy dẫu biết rằng quá xa xôi. Vì thế, dù say đắm Komako nhưng trong anh vẫn hiện diện thứ ánh sáng huyền ảo từ Yoko.

Bên cạnh Yoko huyền bí, sự sống động, rực rỡ của Komako cũng khiến

cho Shimamura không ít phen chao đảo. Dù thân thiết và gần gũi với nàng trong những ngày ở xứ tuyết, nhưng Shimamura chỉ thực sự hốt nhiên trước vẻ đẹp vừa tràn trề nhục cảm lại vừa vô cùng tinh khiết trong khoảnh khắc ngắm nàng qua chiếc gương soi. Trong sự tương phản giữa màu trắng của tuyết và vẻ đẹp đôi má hồng, Komako hiện lên sắc nhọn, trong sạch và sống động. Đó là cảm nhận tinh tế trong thoáng chốc bất chợt nhưng mang tính vĩnh cửu trong tâm hồn người lữ khách Shimamura. Ấn tượng này không bao giờ phai mỗi lần anh nghĩ đến nàng. Và một lần khác, khi nghe tiếng đàn samisen của Komako vang lên, Shimamura đã vô cùng ngạc nhiên: “Lập tức Shimamura cảm thấy như bị nhiễm điện, anh rùng mình và nổi da gà lên tận má. Anh tưởng chừng như những nốt nhạc đầu tiên đã khoét một cái hốc trong ruột gan anh, tạo ở đó một khoảng trống cho tiếng đàn tinh khiết và trong sáng âm vang” [71; 286]. Thời khắc tiếng đàn rung lên đã tạo ra trong tâm hồn Shimamura một hốc không gian, một khoảng không trống vắng. Mà ở đó diễn ra đủ cung bậc cảm xúc, từ sùng kính, luyến tiếc, cảm động, đến hụt hẫng… Phải chăng trong anh đã “ngộ” ra một điều gì sâu sắc nhưng không thể diễn tả thành lời. Anh cảm động trước tình yêu say đắm, sự hi sinh tận hiến của nàng? Anh khâm phục trước sự kiên trì, chịu khó và tài năng của một geisha miền núi? Hay luyến tiếc và hụt hẫng vì đã không dành riêng cho nàng một trái tim chân tình? Tất cả chỉ để cảm nhận, suy ngẫm. Qua khoảnh khắc “ngộ” của Shimamura, đem đến cho người đọc tâm trạng xao xuyến. Trong lòng mỗi độc giả sẽ có một nàng Komako của riêng mình.

Cô gái nhà Inamura trong Ngàn cánh hạc là nhân vật ít được Kawabata miêu tả nhất. Nàng chỉ là nhân vật phụ, xuất hiện trong hai cảnh nhỏ của tác phẩm. Nhưng qua khoảnh khắc chớp sáng vẻ đẹp, nàng trở thành “điểm sáng lung linh duy nhất trên bức tranh u buồn của trà đạo suy tàn” [85], đem đến chút hi vọng giữa không khí ảm đạm của cả thiên tiểu thuyết. Lần đầu tiên xuất hiện trong buổi trà đạo, giữa sự toan tính của Chikako, sự vồ vập, hơi “lố bịch” của bà Ota, Inamura Yukiko lại vô cùng bình thản, hồn nhiên và không chút do dự trong suốt buổi trà đạo. Hình như nàng không để ý, cũng chẳng hề quan tâm những điều nhỏ nhặt xung quanh. Trước mặt Kikuji, “nàng bỗng nổi bật lên trên những mẩu chuyện nhỏ nhen của những người đàn bà đứng tuổi đang vây quanh chàng kia” [71; 350]. Từ khoảnh khắc đó, hình ảnh nàng luôn nhói lên trong tâm trí Kikuji. Mỗi lần nghĩ đến nàng, chàng có cảm giác như được cứu vớt khỏi tội lỗi và thanh lọc tâm hồn. Để thoát khỏi những “độc dược” của Chikako bám riết lấy cuộc đời mình, Kikuji thường liên tưởng đến cô gái mang chiếc khăn ngàn cánh hạc: “Chàng nuôi ảo tưởng là cô gái nhà Inamura đang đi dạo đâu đây, dưới bóng cây bên đường, với chiếc khăn màu hồng có vẽ bầy hạc trắng trong tay. Chàng có thể nhìn một cách rõ ràng bầy hạc trắng và chiếc khăn đó” [71; 368]. Muốn làm vơi đi những dằn vặt về cái chết của bà Ota, chàng cũng mơ tưởng đến hình ảnh của nàng: “Bầy hạc trắng trên chiếc khăn choàng của cô gái nhà Inamura bay ngang qua vầng mặt trời chiều và chúng vẫn ngự trị trong mắt chàng” [71; 383]. Ở nàng có vẻ đẹp hòa quyện giữa tâm hồn giản dị, trong sáng và sự dịu dàng, quyến rũ. Do đó, dù say đắm bà Ota và yêu Fumiko tha thiết nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Kikuji vẫn luôn lóe lên hình ảnh nàng cùng chiếc khăn ngàn cánh hạc. Vẻ đẹp của nàng cũng để lại dư âm ấp áp, một tia sáng len lỏi trong trái tim độc giả.

Bên cạnh Inamura Yukiko, vẻ đẹp Fumiko cũng được tác giả nắm bắt qua khoảnh khắc bừng sáng. Nàng là hiện thân vẻ đẹp quyến rũ của người mẹ.

Trong cảm nhận của Kikuji, nàng có nhiều nét giống mẹ đến lạ lùng. Chàng nhìn thấy hình bóng của người mẹ qua cô con gái. Vì thế, sau khi bà Ota qua đời, Kikuji có cảm tình với Fumiko nhưng vẫn luôn ý thức sự hiện diện của người mẹ. Tuy nhiên, chàng đã hoàn toàn thay đổi quan điểm sau khoảnh khắc Fumiko đập vỡ chén trà Shino. Đối với chàng, giờ đây không thể nghĩ ra một người nào có thể so sánh được với nàng. “Nàng trở thành tuyệt đối, vượt lên mọi sự so sánh. Nàng trở thành sự quyết định và sinh mệnh. Trước kia, nàng luôn luôn chỉ là con gái bà Ota. Bây giờ chàng đã quên hẳn - cái ý tưởng thân thể người mẹ đã được truyền lại cho người con một cách tế nhị, cái ý tưởng đó đã rời khỏi chàng, để lôi cuốn chàng vào một thế giới xa lạ” [71; 436]. Kikuji đã nhận ra ở nàng một vẻ đẹp riêng tuyệt đối, vẻ đẹp của sự tuyệt vọng, của ánh hoàng hôn sắp tàn. Vẻ đẹp của sức mạnh nội tâm bên trong, của sự thâm trầm và sâu sắc.

Ở một số tiểu thuyết khác, tác giả cũng đã hóa thân vào nhân vật nam, chụp lại những khoảnh khắc bừng sáng vẻ đẹp. Qua đó, làm nổi bật nét đẹp tế vi, tiềm ẩn riêng của mỗi người. Kikuko hiền ngoan, trong sáng; Otoko đam mê, quyến rũ; những cô gái trong ngôi nhà bí mật trinh trắng, gợi cảm…Sau những khoảnh khắc chớp sáng vẻ đẹp điển hình là cả một khoảng lặng trong tâm hồn người lữ khách

Một phần của tài liệu thi pháp chân không trong tiểu thuyết kawabata yasunari (Trang 66 - 69)