Trong văn học truyền thống, kết cấu cốt truyện gồm có năm phần theo trình tự: trình bày, thắt nút, phát triển, đỉnh điểm, kết thúc (mở nút). Nhưng bước sang văn học hiện đại, cốt truyện không nhất thiết phải có đầy đủ năm
phần và có thể đảo trật tự các phần trong tác phẩm.
Là nhà văn hiện đại, có nhiều ảnh hưởng của Phương Tây, truyện của Kawabata được xem là không có mở đầu và kết thúc. Mở đầu tác phẩm của ông, đặc biệt là tiểu thuyết, thường là câu chuyện đang phát triển, dang dở.
Tác phẩm Xứ tuyết mở đầu bằng hình ảnh con tàu đưa Shimamura lên miền
tuyết trắng lần thứ hai vào mùa đông. Trên chuyến tàu này, anh gặp Yoko - một thiếu nữ trẻ trung, đang tận tình chăm sóc người ốm. Vẻ đẹp thanh cao, huyền bí của nàng cuốn hút anh. Sau khi xuống tàu cùng ga với Yoko, Shimamura gặp lại Komako - cô gái mà anh đã quen vào lần đầu lên xứ tuyết (mùa xuân). Và từ đây, tác giả quay lại từ đầu, kể về Shimamura là một tài tử thích lên xứ tuyết để ngắm cảnh và tìm lại chính mình. Ở tác phẩm Ngàn cánh hạc, mở đầu câu chuyện là sự băn khoăn của nhân vật Kikuji về việc đến dự buổi trà đạo do Kirimoto Chikako tổ chức. Bởi từ sau khi cha chàng mất, mỗi lần tổ chức trà đạo Kikuji đều nhận được lời mời của Chikako nhưng chẳng bao giờ chàng đi. Lần này, trong giấy mời còn có đoạn tái bút: “Người nữ chủ nhân muốn chàng xem mặt một một thiếu nữ vốn là học trò về môn trà đạo của mình” [71; 340]. Sau khi đọc những dòng tái bút đó, Kikuji nhớ tới cái bớt trên ngực người đàn bà ấy và quá khứ hiện về trong anh. Câu chuyện tiếp tục bằng các sự việc ở hiện tại. Tương tự, các tiểu thuyết còn lại đều không có sự mở đầu như trong văn học truyền thống.
Mở đầu khi cốt truyện đang trên đà phát triển là một sáng tạo của Kawabata, tạo sự đảo lộn, nhảy cóc trong dòng tự sự. Nhưng có lẽ điều độc đáo nhất mà chúng ta nhận đều thấy trong tiểu thuyết của ông chính là cái kết bỏ lửng.