Kết thúc mơ hồ

Một phần của tài liệu thi pháp chân không trong tiểu thuyết kawabata yasunari (Trang 106 - 109)

Kết thúc mơ hồ là một dạng của kết cấu cốt truyện kết thúc bỏ lửng. Cái kết không rõ ràng, kết mà không phải kết, mở ra chân trời mới với nhiều

điều khó xác định. Tác giả dành toàn quyền cho độc giả “đồng sáng tạo”. Trong sáu tiểu thuyết chúng tôi khảo sát thì có đến bốn tác phẩm mang cái kết mơ hồ.

Ở tác phẩm Xứ tuyết, Kawabata đã tạo ra cái kết hết sức bất ngờ và man mác buồn. Yoko chết trong đám cháy, Komako hoảng loạn, nàng ẵm Yoko trên tay như mang gánh thập tự trên vai vì tội yêu. Shimamura chẳng rõ đang ở trong trạng thái đau đớn tột cùng hay thăng hoa mà anh cảm thấy “dải Ngân Hà tuôn chảy lên anh trong cái thứ tiếng thét gầm dữ dội” [71; 339]. Đối với

Ngàn cánh hạc, cuối cùng những người đàn bà mà Kikuji cảm mến đều ra đi. Bà Ota qua đời, cô gái mang chiếc khăn ngàn cánh hạc, theo lời của Chikako, đã lấy chồng, Fumiko cũng bỏ nhà ra đi. Rút cục chỉ còn Chikako, người mà chàng căm ghét, xem như kẻ thù. Ở Tiếng rền của núi, tất cả vẫn dở dang, cuộc sống của mỗi cá nhân trong gia đình vẫn diễn ra tuần tự chẳng có gì thay đổi. Hình ảnh cuối cùng của tác phẩm, Kikuco đang rửa chén đĩa. Trong tác phẩm Cố Đô, khi hai chị em Chieko và Naeko nhận ra nhau, người đọc cảm tưởng như họ sẽ được sống trong hạnh phúc. Nhưng cuối cùng lại mang một cái kết buồn. Hai chị em chia tay nhau trong sáng tinh sương đầy tuyết trắng: “Chieko cứ mãi trông theo dáng hình cô gái đang xa dần. Naeko không ngoảnh lại. Những bông tuyết rơi xuống tóc Chieko và tức khắc tan ra. Thành phố vẫn còn ngủ” [71; 737].

Kiểu kết thúc dở dang, không trọn vẹn này mở ra những biên độ gợi nhiều tầng ý nghĩa. Người đọc luôn phải suy nghĩ, trăn trở và tự tìm câu trả lời. Sau cái chết của Yoko liệu người lữ khách Shimamura có quay lại xứ tuyết, mối tình giữa anh và Komako rồi sẽ đi về đâu, hay nàng lại tiếp tục đi “gieo hạt giống vui vẻ ?” Mối quan hệ giữa Kikuji và Chikako sẽ ra sao khi bên chàng chỉ còn người phụ nữ xấu xí đó, Cô gái nhà Inamura có thật sự đã lấy chồng hay chỉ là chiêu bài của Chikako, Fumiko còn sống hay nàng đã tìm

đến cái chết trong tuyệt vọng nhằm cắt đứt sợi chỉ mong manh với cuộc đời? Cuộc sống gia đình ông Singo có gì thay đổi, Suychi có thể từ bỏ người tình để xây dựng lại hạnh phúc với Kikuco hay không khi mà tâm hồn anh đã trở nên méo mó và tư tưởng lệch lạc, cuộc sống của Fuxaco (cô con gái bỏ chồng về sống với cha mẹ) rồi sẽ ra sao? Tất cả chỉ là những câu hỏi xoáy sâu trong tâm trí người đọc. Sau lần chia tay cuối cùng, hai chị em Chieko và Naeko có bao giờ gặp lại nhau, Chieko sẽ lấy ai trong những chàng trai theo đuổi nàng,

Naeko có chấp nhận lấy Hideo hay không khi mà nàng cảm nhận được rằng

mình chỉ là chiếc bóng của Chieko? Dù thấu hiểu và cảm thông với nhân vật của mình nhưng Kawabata không bao giờ quyết định số phận và cuộc đời của họ. Tất cả do nhân vật quyết định hoặc ở tính bất thường của thế gian đưa đẩy cuộc đời họ. Ông tuyệt đối không áp đặt người đọc vào một cái kết khép kín. Điều này không chỉ riêng ở tiểu thuyết mà ngày cả một số truyện trong lòng bàn tay và truyện ngắn Tuyết, Vũ nữ Izu, Chim và thú… cũng mang cái kết mơ hồ. Tác giả bỏ ngỏ cái kết nhằm tạo sự đối thoại với người đọc, cùng họ đồng hành sáng tạo tác phẩm. Độc giả sẽ tự lấp đầy chỗ trống, tìm một cái kết mà họ mong muốn, “người hiền lành sẽ đưa ra một kết thúc có hậu, kẻ thực dụng sẽ bắt nhân vật đấu tranh giành lấy hạnh phúc của mình…”[24; 33].

Trong thực tế sáng tác của các nhà văn từ trước đến nay, cái kết đóng vai trò quan trọng trong việc thành bại của một tác phẩm. Những nhà văn nổi tiếng của thế kỷ XIX như O.Henry và Anton Chekhov…đều có cái kết vô cùng độc đáo. O.Henry ngoài biệt tài tạo những tình tiết ngẫu nhiên, có lúc dở khóc dở cười, có lúc khắc nghiệt, oái ăm …thì còn làm cho người đọc thích thú với cái kết bất ngờ. Còn Chekhov - một tên tuổi có nhiều ảnh hưởng đến nhà văn hậu thế - lại xây dựng cái kết trong tác phẩm của mình theo hướng mở. Cuối tác phẩm, nhà văn thường gửi tới độc giả bức thông điệp về cuộc sống. Hemingway, nhà văn hiện đại, có nhiều nét tương đồng với Kawabata

trong phong cách sáng tác cũng chọn cho tác phẩm của mình lối kết thúc lửng. Giã từ vũ khí mang cái kết mơ hồ. Catherine Barkley và đứa con chưa chào đời chết trong bệnh viện. Sau khi giã từ người vợ yêu thương đã chết, Frederic Henry bước ra màn mưa quay về khách sạn. Cái kết này, tác giả cho biết đã sửa đi sửa lại 17 lần. Cuộc đời Henry rồi sẽ ra sao? Đó còn là một dẫu chấm hỏi, khi mà lý tưởng của anh bị dập tắt; nỗi đau đớn, mất mát dâng lên vô bờ. Anh lại chỉ một mình bơ vơ, lãnh nạn trên đất Thụy Sĩ. Ở tác phẩm

Ông già và biển cả, cuối cùng ông lão Santiago cũng kéo được con cá kiếm vào bờ, nhưng nó chỉ còn bộ xương. Ông được thằng bé chăm sóc và hứa sẽ đi cùng ông những chuyến tiếp theo. Thiếp đi trong giấc ngủ, Santiago lại mơ về những con sư tử. Tuy sức kiệt nhưng ông lão vẫn ước mơ tiếp tục chinh phục. Như vậy, cốt truyện vẫn chưa thể kết thúc mà nó mở ra một hành trình mới.

Cũng như các nhà văn tiêu biểu trên, Kawabata tạo cho mình một cái kết đặc trưng - mơ hồ. Điều đó, thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong việc xử lý phần kết truyện và mối quan tâm của nhà văn đối với “tầm đón đợi” của độc giả.

Một phần của tài liệu thi pháp chân không trong tiểu thuyết kawabata yasunari (Trang 106 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)