III. Phân tích tiên nghiệm
5. Phân tích kịch bản
Pha 1 và 2 của buổi làm việc thứ nhất được thực hiện với mục đích giới thiệu bài toán và giả lập tình huống chọn mẫu, một cách làm vừa tiết kiệm thời gian vừa không làm phá hỏng đối tượng điều tra.
Nhưng trọng tâm của buổi này là kiểm chứng giả thuyết nên chúng tôi đã cho học sinh làm việc trên mẫu 100 gia đình để các giá trị tần suất tính được chịu tác động mạnh của sự ngẫu nhiên đồng thời nêu ra câu hỏi 3 của hoạt động 1 trong pha 3:
Theo các em, nếu người ta gặp tùy ý một gia đình hai con thì khả năng gặp gia đình kiểu GG, kiểu TT, kiểu GT lần lượt là bao nhiêu? Các em dựa vào đâu để trả lời câu hỏi này?
Câu hỏi này được nêu ra ngay sau việc tính tần suất và vẽ biểu đồ nhằm mục đích tạo điều kiện cho học sinh trả lời sau khi làm việc trên mẫu, từ đó, chúng tôi có thể xác định được mức độ ý thức của họ. Tuy thế, đây cũng là câu hỏi mở và có thể có nhiều lời giải khác nhau. Và nếu có nhiều học sinh cho câu trả lời tần suất gặp mỗi kiểu gia đình bao nhiêu thì khả năng gặp tương ứng là bấy nhiêu thì sự tồn tại của giả thuyết là hoàn toàn có thể khẳng định được.
Hơn nữa, chúng tôi yêu cầu học sinh làm việc cá nhân trong pha 3 nhằm tạo cơ hội cho mỗi học sinh tự nghiên cứu mẫu để thấy rõ sự không ý thức của từng cá nhân về những kết luận được rút ra từ mẫu.
Đối với buổi thứ hai, mục tiêu đầu tiên là cho học sinh thấy được nguy cơ sai lầm của kết luận do sự có mặt của ngẫu nhiên (việc gặp một gia đình hai con và hiện tượng sinh con trai, con gái) nên chúng tôi phải lập bảng tổng kết các giá trị của tần suất kèm theo đường gấp khúc tần suất (khoảng 20 cá nhân) với mẫu 100 gia đình cùng với lời giải đặc trưng (đúng như dự kiến) để học sinh quan sát. Cũng chính vì lý do này mà chúng tôi buộc phải tiến hành sau buổi thứ nhất vài ngày. Một số câu hỏi về nhận xét các kết quả, giải thích nguyên nhân của sự chênh lệch, thử đoán câu trả lời xuất hiện nhiều nhất của câu hỏi 3 và mức độ chính xác của nó được bổ sung vào trong pha 1 cũng đã cho phép chúng tôi quan sát được ít hay nhiều việc nhận ra nguy cơ này của học sinh.
Ngoài ra, ở pha 2, chúng tôi vừa cho học sinh cơ hội làm việc nhóm để có thể trao đổi, thảo luận, điều chỉnh nhận thức; vừa tạo được mẫu số liệu có kích
thước lớn hơn với mục đích giúp dự đoán được những con số xác định đại diện cho khả năng gặp gia đình kiểu GG, TT, GT.
Việc thu thập kết quả làm việc của các nhóm vào một bảng cùng với đường gấp khúc tần suất để học sinh quan sát sẽ giúp họ thấy được sự chênh lệch các giá trị tần suất đã giảm so với mẫu 100 gia đình, tức là sự can thiệp của ngẫu nhiên đã được hạn chế.
Cùng với bảng trên, việc trình bày bảng tần suất và biểu đồ minh họa trực quan cho mẫu kích thước khoảng 4500 gia đình tạo thuận lợi hơn cho học sinh xác định về các con số này. Từ đó, chúng tôi đưa học sinh trở về với vấn đề sinh con trai, con gái thực tế đã được biết trong môn sinh học với câu hỏi: Nếu người ta thực hiện thống kê dân số (làm việc trên tổng thể) thì giá trị tần suất thu được của GG, TT, GT có phải lần lượt là 25%, 25%, 50% hay không? Vì sao?
Ngoài mục đích tìm hiểu nhận thức của học sinh về tỉ lệ sinh con trai và con gái, câu hỏi nêu trên còn nhấn mạnh hiện tượng sinh con chịu chi phối của quy luật sinh học.