4. Nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật Zhivago
4.1. Chiều sâu tâm lý biểu hiện qua độc thoại nội tâm
Trong hàng loạt những nhận định về nhân vật Zhivago có rất nhiều ý kiến đáng chú ý. Tuy nhiên tác giả đề tài khoá luận xác định tìm hiểu nghệ
thuật xây dựng nhân vật theo hướng của D.Likhachov: “Iuri Zhivago chính là
nhân vật trữ tình của Pasternak, một nhân vật mà dù trong văn xuôi vẫn cứ là nhân vật trữ tình”. [12,133]
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, nhân vật trữ tình là: “hình tượng nhà
thơ trong bài thơ trữ tình, phương thức bộc lộ ý thức của tác giả. Nhân vật trữ tình là con người “đồng dạng” của tác giả - nhà thơ hiện ra từ văn bản của
kết cấu trữ tình (một chùm thơ, toàn bộ trường ca hay toàn bộ sáng tác thơ) như một con người có đường nét hay một vai sống động có số phận cá nhân xác định hay có thế giới nội tâm cụ thể, đôi khi có cả những nét vẽ chân dung”. [5,234]
B.Pasternak, trong tiểu thuyết đã “viết về chính mình mà như viết về một
người khác, ông nghĩ ra cho mình một số phận trong đó khả dĩ mở ra trước bạn đọc cuộc sống nội tâm của mình”. [12,32]. Với Pasternak, năng lực hoá
thân, năng lực thể hiện các tư tưởng, tình cảm và thái độ của mình đối với xung quanh đã ở mức độ sâu sắc. Bằng độc thoại nội tâm và với độc thoại nội
tâm “Zhivago trở thành người biểu đạt Pasternak thầm kín”. “Bác sĩ
Zhivago” thuật lại những gì đang diễn ra trong bản thân tác giả: những cảm
xúc, suy ngẫm, hoài niệm, những ấn tượng và tiên đoán… Vậy độc thoại nội
tâm là gì và nó biểu hiện cụ thể ra sao trong tác phẩm “Bác sĩ Zhivago”?
4.1.1. Khái niệm độc thoại nội tâm
Đời sống nội tâm của con người được coi là một thế giới vô cùng phong phú, bí ẩn mà khó có thể khám phá và nắm bắt hết được. Đây là một trong những vấn đề mà các nhà văn từ xưa tới nay rất chú ý, quan tâm, nhất là khi xây dựng hình tượng nhân vật. Độc thoại nội tâm đóng vai trò quan trọng, một thủ pháp độc đáo để thể hiện chiều sâu tâm lý nhân vật, thể hiện cái nhìn bên trong của mỗi nhà văn. Đối với hình tượng Zhivago, độc thoại nội tâm dường như là yếu tố nghệ thuật chủ yếu để biểu lộ con người, tính cách và thế giới bên trong cực kỳ phức tạp, khó nắm bắt của chàng.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Độc thoại nội tâm là lời phát ngôn
của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó.” [5,122].
Hiện tượng độc thoại nội tâm đã xuất hiện trong kịch cổ đại, trở thành nghệ thuật đích thực trong các vở kịch của Shakespeare. Nhưng chỉ đến
L.Tonxtôi, độc thoại nội tâm mới thực sự là một phương tiện truyền đạt hoạt động của nội tâm, mới trở thành dòng chảy gần như không có sự can thiệp của tác giả.
Trong cuốn “Thi pháp tiểu thuyết L.Tonxtôi”, GS. Nguyễn Hải Hà đã phân loại độc thoại nội tâm thành ba dạng:
1. Dạng thuần tuý (trực tiếp): ở dạng độc thoại nội tâm thuần tuý, nhân vật “nghĩ”, “tự nhủ” hoặc nói to những suy nghĩ của mình. Dấu hiệu hình thức là những ý nghĩ của nhân vật thường để trong ngoặc kép .
2. Dạng lời nói nửa trực tiếp: ở dạng này vẫn tồn tại hình bóng của tác giả. Tác giả trực tiếp phơi bày, phân tích tâm lý nhân vật nhưng tới một lúc nào đó hình bóng của tác giả sẽ hoà quyện với nhiều dòng suy nghĩ của nhân vật tới mức khó có thể phân biệt rạch ròi được.
3. Dạng tổng hợp: Nhà văn sử dụng xen kẽ cả hai dạng trên.
Tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” có mặt cả ba dạng độc thoại nội tâm
trong đó dạng thứ 1 được sử dụng nhiều nhất trong toàn bộ tác phẩm.
4.1.2. Chiều sâu tâm lý biểu hiện qua độc thoại nội tâm
Zhivago là con người sống thiên về nội tâm, một người thông minh có
“năng khiếu tinh thần sống động”. Nhân vật Zhivago là một bác sĩ nhưng tác
giả viết rất ít về hoạt động y học mà dành nhiều trang viết về con người nhà thơ của nhân vật. Tiểu thuyết dành 4 đoạn miêu tả về trạng thái làm thơ và nhiều trang ghi chép về quan niệm nghệ thuật, ở cuối tiểu thuyết còn ghi lại 25 bài thơ mà nhân vật Zhivago viết tặng Lara. Nhiều trang viết về sáng tác thơ mang tính tự sự nghiêm ngặt, đặc biệt, đó là dòng độc thoại nội tâm của nhân vật, biểu lộ thế giới tinh thần sâu sắc và giàu suy tư của Zhivago hay
cũng chính là của B.Pasternak: “…Ngôn ngữ - quê hương là kho chứa cái đẹp
ý nghĩa, tự nó bắt đầu suy nghĩ và nói thay con người, hoàn toàn biến thành âm nhạc, không phải về mặt âm hưởng thính giác bên ngoài, mà về mặt tốc độ cuồn cuộn và mãnh liệt của mạch nguồn bên trong… Zhivago cảm thấy phần
chính yếu của công việc được thực hiện không phải bởi chàng, mà bởi một sức mạnh cao hơn chàng, ở trên chàng và điều khiển chàng, cụ thể là tình trạng tư tưởng và thi ca trên thế giới và cái mà thi ca được hưởng trong tương lai, cái bước tiếp sau mà nó sẽ phải thực hiện trong sự phát triển lịch sử của nó… chàng cảm thấy mình chỉ là một nguyên cớ và một điểm tựa để thi ca bước vào sự vận động của nó” [12,913].
Tiếp đó, độc thoại của nhân vật cho rằng thế giới hoà nhập như thế nào
“vào một làn sóng đồng nhất trào qua trái tim” bác sĩ Zhivago khiến “chàng
hoan hỉ và phát khóc vì cảm thức về sự thanh khiết đang thắng thế của sự tồn tại”. Dòng độc thoại nội tâm cho người đọc chiêm ngưỡng thế giới tinh thần
cao cả, sự lao động tinh thần không mệt mỏi của một nhà thơ chân chính Pasternak qua hình tượng Zhivago, Pasternak đã phát triển chính bản thân mình, từ Iuri Zhivago ông tạo ra người đại diện cho tri thức Nga với đầy đủ đặc tính cố hữu của họ.
Độc thoại nội tâm của nhân vật Zhivago chủ yếu ở dạng 1, tức là suy nghĩ, tự nhủ, trong đó nhân vật diễn đạt suy nghĩ bằng cách nói to lên rất nhiều lần cụ thể:
Zhivago bày tỏ sự thán phục và những nhận xét chính xác về cuộc Cách
mạng tháng Mười bằng cách tự nói to với chính mình: “Một cuộc phẫu thuật
tuyệt vời!... Chỉ cái gì vĩ đại nhất mới không hợp thời hợp chỗ như vậy”.
Zhivago bộc lộ sự mâu thuẫn, giằng xé trong tâm trí giữa việc tiếp tục gặp gỡ, tiếp tục yêu Lara và ý nghĩ phản bội Tonia – người vợ mà chàng yêu tới độ
sùng bái. “Trong đời chàng chưa hề hái “các bông hoa khoái lạc”, không xếp
mình vào các loại siêu nhân hay thần thánh, không đòi cho mình các đặc ân. Chàng đang khổ sở và bị lương tâm cắn rứt” và dòng suy nghĩ của chàng, dưới
sự tác động của thiên nhiên và của trực giác, đã chuyển hướng: “Làm gì phải
thú tội. Nhưng không ai nhất thiết phải ngay hôm nay?... Để dịp khác cũng chưa muộn…” [12,705].
Đoạn độc thoại bộc lộ suy nghĩ của Zhivago về cuộc nội chiến khi tình cờ lọt vào giữa hai làn hoả lực của phe Đỏ và Trắng thể hiện mâu thuẫn trong
lập trường quan điểm của người trí thức. Một mặt chàng thấy “gần gũi” khâm phục “cái bọn trẻ đang chết một cách anh dũng kia”, thậm chí chàng còn cầu
mong chúng thắng và đã thoáng có ý định chạy ra đầu hàng quân Bạch vệ. Một mặt chàng buộc phải cầm súng tự bảo vệ bản thân theo quy luật của chiến tranh. Giữa những xác chết và việc tìm ra cùng một bản Thánh ca số 90 càng làm cho thái độ căm ghét chiến tranh của chàng thêm sâu sắc.