2. Số phận nhân vật bác sĩ Zhivago
2.2. Bi kịch của con người trung lập
Một trong những bi kịch xuất sắc nhất của thời đại chúng ta mang tên
“Hamlet”, bi kịch theo Pasternak: “Không phải là tấn bi kịch của thiếu cá tính
mà đó là tấn bi kịch của tinh thần trách nhiệm và sự hi sinh mà Hamlet đã được ý chí ngẫu nhiên lựa chọn làm người thẩm phán thời đại và là người đầy tớ của thời đại xa xôi hơn. Hamlet, đó là tấn bi kịch của một số phận cao cả, một chiến công được giao phó và một sứ mệnh được uỷ thác” [6,72]. Không
phải ngẫu nhiên mà có một số ý kiến cho rằng Hamlet là nguyên mẫu của nhân vật Zhivago. Hai hình tượng này gặp nhau ở sự “thiếu cá tính” và đều là người được ý chí ngẫu nhiên lựa chọn làm người phán xét thời đại. Nhưng với Zhivago, “sứ mệnh được uỷ thác” ấy không được thực hiện trọn vẹn. Chàng là người trung lập.
Zhivago là một người dường như được tạo ra để chấp nhận thời đại mà không can thiệp chút gì vào nó. Các sự kiện lịch sử, những biến cố của thời đại và cách mạng phát triển bởi bản chất tự nhiên của chúng, Zhivago không hề cố gắng tác động đến cách mạng, không hề cố gắng can thiệp vào diễn biến của các sự kiện nhưng chàng vẫn phải tham gia, phải phục vụ những người mà chàng ở trong tay họ. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, điều chàng phục vụ đó là tổ quốc Nga, là tinh thần yêu nước thiêng liêng. Tất nhiên sau đó, chàng phát hiện ra sự giả dối, phi nghĩa của cuộc chiến này. Chiến tranh đối với
chàng cũng như đối với bao con người khác, chính là “thủ phạm gây ra mọi
chuyện, mọi nỗi bất hạnh cho thế hệ chúng ta” [12,860]. Zhivago là kẻ thù
của sự đổ máu: “Nghĩ đến máu chảy, Zhivago thấy cơn buồn nôn dâng lên cổ,
máu bốc lên đầu, mắt mờ đi” [12,811]. Chàng kiên quyết chống lại sự đổ máu,
chống lại chiến tranh - coi nó như sự huỷ hoại cuộc sống con người. Chàng đề cao cái thiện . Tư tưởng này của Zhivago xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, đặc biệt là những trang miêu tả sự khủng khiếp của cái chết, của chiến tranh. ở
“Vườn Ghetsemani”, một lần nữa, điều thiện lại được nhắc đến như một thứ kim chỉ nam cho mọi hoạt động của con người:
“Phêrô rút gươm chống bọn côn đồ Chém đứt vành tai một đứa.
Nhưng nghe có tiếng nói: “Không nên dùng sắt
Giải quyết tranh chấp. Hãy tra gươm vào vỏ, hỡi con người…” [12,1091]. Căm ghét chiến tranh, nhìn thấy ở nó điều bất hạnh nhưng Zhivago không thể chống lại việc phải tham gia chiến tranh, tham gia vào cuộc chém giết. Zhivago chứng kiến các sự kiện, phải nghe, phải thấy và với trí óc thông minh của mình chàng đã đánh giá, xét xử, buộc tội và ca ngợi. Cuộc Cách
mạng tháng Mười, với Zhivago, như một sự ngẫu nhiên, “một tiếng thở dài...”,
nhưng Zhivago không hề phủ nhận tính tất yếu của nó, ngược lại chàng đề cao tính tất yếu ấy như một sự kiện không thể đảo ngược; đề cao tính chất đồ sộ, lớn lao của quá trình và từ đó thể hiện rõ sự thán phục với cách mạng. Cách
mạng với Zhivago, đó là: “Một cuộc phẫu thuật tuyệt vời! Cầm dao lên và chỉ
bằng một nhát cắt khéo léo đã xẻo biến đi cái ung nhọt thối tha lâu ngày. Một bản án giản dị không chút úp mở, khai tử luôn cái sự bất công bao thế kỷ nay vẫn quen được người ta qụy lụy vâng dạ.”
Cách mạng giống như mọi sự hiện hữu, không chấp nhận lối đánh giá thông thường, lối đánh giá theo quan điểm lợi ích tạm thời, trong giây lát của con người. Cách mạng là không tránh khỏi. Zhivago hiểu rằng không thể can thiệp vào các sự kiện của nó theo hướng đảo ngược nó lại. Tính tất yếu, tính không thể đảo ngược của các sự kiện làm cho con người bị cuốn vào cơn lốc xoáy của chúng. Zhivago thấy, chàng tiếp nhận, thậm chí tham gia vào các sự kiện của cách mạng nhưng tham gia chỉ như một hạt cát bị bão tuyết giông tố cuốn đi. Mặc dù đứng trung lập chàng vẫn bị cuốn hút vào cuộc chiến đấu ở phe Đỏ. Một lần trong lúc chiến đấu với bọn Bạch vệ, Zhivago thậm chí còn
cầm lấy súng và chiến đấu bởi: “…nằm một chỗ quan sát thụ động trận đánh
một mất một còn đang diễn ra quanh mình thì quả là vô nghĩa và vượt quá sức người” và “vấn đề không phải ở lòng trung thành với cái bên đang cần chân chàng, không phải ở sự tự bảo vệ mình, mà là ở chỗ phải tuân theo diễn biến trước mắt, phải phục tùng những quy luật của tấm thảm kịch đang diễn ra xung quanh chàng. Không tham gia vào đó tức là chống lại quy luật.”
[12,7523]. Trong lúc cầm súng chiến đấu, mâu thuẫn giữa một bên là lòng thương hại, sự cảm phục trước lòng quả cảm của những thanh niên bên phe
Bạch vệ và một bên là quy luật chiến tranh khiến chàng : “…chọn những lúc
không có ai giữa tầm súng của chàng và mục tiêu, để nhắm bắn vào cái cây khô cháy” [12,72]. Và trái với ý muốn của mình, chàng đã “bắn bị thương hai tên, tên thứ ba gục chết gần gốc cây”.
Bi kịch của con người đứng trung lập thể hiện ở sự cô đơn giữa đồng
loại. Với những người bạn cũ, Zhivago thấy họ “mờ nhạt và buồn tẻ một cách
lạ lùng” còn với những người lính phe Đỏ mà chàng sống một thời gian chàng
thấy họ “thô lỗ, độc ác” những “con quỷ không có cảm xúc”. Zhivago từng là
con người tràn đầy tinh thần trách nhiệm. Trước cuộc đời chàng sẵn sàng
“hiến thân làm vật hi sinh để mọi sự trở nên tốt đẹp hơn”. Đối với Tổ quốc, chàng quan niệm: “Một người đàn ông đã trưởng thành phải cắn răng chia sẻ
vận mệnh với đất nước” [12,612]. Chàng yêu cầu rất nghiêm khắc với bản
thân, Zhivago “vô cùng tha thiết muốn sống mà sống, theo chàng là phải luôn
luôn tiến lên phía trước, muốn sống có ích và dâng hiến cho đời.” [12,443].
Nhưng những lý tưởng sống ấy dần dần tan vỡ, chàng rơi vào các cơn khủng
hoảng, chàng buông xuôi và sống bạc nhược: “Có một cái gì bất thường xảy
ra với Zhivago. Chàng mất trí dần dần, chậm rãi. Chưa bao giờ chàng sống theo cái lối kỳ cục như thế này. Chàng bỏ bê nhà cửa, ngừng quan tâm đến bản thân, biến đêm thành ngày và mất ý niệm về thời gian...” [12,938]. Tại sao
một con người có cảm tình với cách mạng, coi cách mạng là tất yếu lại rơi vào
bi kịch, thứ bi kịch trung lập không hợp với thời đại “những cơn đau trở dạ”?
Trước hết, Pasternak xây dựng Zhivago là người trung lập trên phương diện pháp lý, chàng là một bác sĩ quân y - nghĩa là người trung lập trên phương diện chính thức theo như tinh thần của công ước quốc tế. Nhưng nguyên nhân chính cho những bi kịch của con người thông minh, dồi dào năng lực suy
tưởng này là sự thiếu “năng lực hoạt động thực tiễn”, thiếu vắng ý chí và “năng lực quyết đoán hành động”. Theo tâm lý học cá nhân, ý chí là “sự nỗ
lực bên trong thúc đẩy con người hành động” và hành động ý chí là “hành động mang tính chất lý trí, biểu lộ mặt hoạt động thực tiễn của con người”
[6,102]. Thiếu vắng ý chí nhưng chàng lại có một nhân cách cá nhân độc lập, một tâm hồn tự do lớn lao, một tinh thần không thoả hiệp với những điều còn nghi ngờ. Rơi vào bi kịch, nhưng chàng không xa lánh hay quay lưng lại với cuộc đời. Chàng thành thực quan tâm, trăn trở với mọi vấn đề thời cuộc, với những câu hỏi về bản chất cách mạng, ý nghĩa của nó với đất nước, với giới của mình. Chàng sở hữu một cường độ làm việc, hoạt động tinh thần căng thẳng, mạnh mẽ lớn lao. Rơi vào bi kịch nhưng chàng không hành động như
những kẻ xu thời, chàng căm ghét mọi sự giả dối. “…sống giả dối, biểu lộ thái
độ trái hẳn với cảm nghĩ, chịu đựng trước cái mình không ưa…” đối với chàng
là một cực hình, một sự cưỡng bức tự do tâm hồn, làm tổn hại nhân cách người nghệ sĩ.
Nếu thiếu năng lực hành động quyết đoán theo lý trí thì Zhivago lại có “linh cảm trực giác” nhạy bén lạ thường. Chàng đã suy nghĩ, hành động theo sự dẫn dắt của trực giác đó. Chàng đã phản đối cuộc hành trình đi Uran của
Tonia nhưng vẫn “liều nhắm mắt đưa chân đến nơi xa lạ”. Chàng phản đối dự định ở Varưkino của Lara nhưng “vẫn cứ đi vì không còn lựa chọn nào khác”.
Lý trí của chàng biết yêu Lara là phản bội Tonia, lý trí bắt buộc chàng trở về với vợ nhưng chàng vẫn cứ đi tìm Lara vì tình yêu, vì trực giác của chàng.
Trong tình huống tình cờ lọt vào trận đụng độ giữa hai phe Đỏ và Trắng, lý trí của chàng không cho phép chàng bắn vào những chàng thanh niên dũng cảm, mà chàng cảm phục nhưng chàng vẫn cầm súng lên và giết người. Chàng là người sáng suốt về mặt lý trí nhưng lại không hành động theo sự mách bảo của lý trí. Đề cao trực giác, B. Pasternak đã biến Zhivago thành một phương tiện, thành sứ mệnh của ý chí ngẫu nhiên.
Tiểu kết: Trong chùm thơ 25 bài thơ mà Zhivago dành tặng Lara, bài
“Hamlet” dường như viết ra để nói về chính Zhivago vậy. … Tôi yêu ý định ngang ngược của Người
Và bằng lòng sắm vai này Nhưng bây giờ đang là vở khác Nên hãy cho tôi nghỉ lần này
Nhưng việc dàn cảnh đã được tính kỹ Và không sao đảo ngược cuối chặng đường Tôi một mình, tất cả chìm trong thói đạo đức giả Sống trọn cuộc đời đâu phải là chuyện chơi
Sự do dự , dao động, thái độ “chẳng ở phe này mà cũng không ở phe
kia, đã rời bên này song chưa cập bến bên kia, cứ lo lửng giữa dòng” [12,512]
chính là bi kịch của Zhivago. Nhưng với Pasternak, ông trình bày sự thiếu vắng ý chí, dao động trong tư tưởng của nhân vật mà không cắt nghĩa, giải thích nguyên nhân chỉ coi như đó là bản tính trời sinh với cả cái bất lợi lẫn cái có lợi - không phải để nhấn mạnh sự mạnh yếu của lập trường chính trị hay bản chất giai cấp từng là thước đo phẩm cách của xã hội đương thời. Ông xây dựng nhân vật như nó vốn có, đã có và sẽ có trong lịch sử và trong tương lai.