Ngôn ngữ nghệ thuật trong Vũ Như Tô

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong vũ như tô của nguyễn huy tưởng (Trang 57 - 71)

7. Bố cục khóa luận

3.2.2. Ngôn ngữ nghệ thuật trong Vũ Như Tô

Nếu ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn học, thì ngôn ngữ trong kịch giữ vai trò quyết định: “Ngôn ngữ chính là thịt, là da, là máu của một vở kịch”. Nhân vật trong văn xuôi được tác giả “nói hộ”, nhân vật trong kịch phải tự thể hiện bằng hành động, lời nói đối thoại và độc thoại.

Trong kịch có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đời thường. Kịch là đưa đời sống lên sân khấu, yêu cầu ngôn ngữ phải giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhưng không nên coi nhẹ tính nghệ thuật. Cách diễn đạt giàu hình tượng, chứa nhiều ẩn ý, biện pháp tu từ làm cho ngôn ngữ đời sống chắt lọc và tinh tế hơn, lời thoại của nhân vật kịch sẽ đẹp hơn.

3.2.2.1. Lời tựa ngoài kịch bản

Lời tựa (đề tựa) thường nằm ngoài phần chính yếu của tác phẩm, được viết ở đầu sách hoặc sau tiêu đề, nhằm hướng người đọc vào tư tưởng của tác phẩm. Dùng lời tựa là việc làm phổ biến cuả các nhà văn khi sáng tác. Nhưng

phần “lời đề tựa” trong Vũ Như Tô lại mang nội dung đặc biệt, chính từ lời đề

tựa này mà có thể mở ra nhiều hướng để tìm hiểu tác phẩm.

Lời đề tựa kịch Vũ Như Tô là một trong những lời đề tựa hay nhất,

thâm trầm và sâu sắc nhất trong lịch sử văn học dân tộc: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải. Đài Cửu Trùng không thành nên mừng hay nên tiếc (…). Than ôi! Như Tô phải hay kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm.”

Dùng “khoảng trống, chỗ vắng” trong kịch bản, nêu ra vấn đề nhiều ý nghĩa: bày tỏ nỗi băn khoăn về bi kịch của người nghệ sĩ “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải”, câu hỏi được nhắc lại hai lần trong

lời đề tựa như một sự dồn nén những da diết khổ đau bởi bi kịch nghệ sĩ và vận mệnh nghệ thuật. Từ câu hỏi có tính mở ngỏ này, có nhiều ý kiến khác nhau, từ đây vấn đề số phận nghệ sĩ và nghệ thuật có nhiều hướng mở. Đứng trên quan điểm giai cấp, tác giả Phan Cự Đệ cho rằng đây là câu hỏi thể hiện ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng còn ngập ngừng không dứt khoát khi chưa phê phán thật nhiêm khắc hành động đi ngược lại quyền lợi nhân dân của Vũ Như Tô, vì còn luyến tiếc tư tưởng nghệ thuật thuần túy. Còn Đỗ Đức Hiểu cho rằng Nguyễn Huy Tưởng đã rất thành công khi xây dựng được một Vũ Như Tô cao đẹp lộng lẫy với một giấc mơ đẹp và linh thiêng về nghệ thuật.

Thực ra tôn vinh nghệ thuật thuần túy không phải là điều tội lỗi. Các nhà nghiên cứu đã bày tỏ rằng cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” (1936-1939) chỉ là cuộc tranh luận về quan điểm sáng tác, đừng lấy nó để quy chụp cho tư tưởng nhà văn. Tuy nhà văn nói “ ta

chẳng biết” nhưng nổi bật hơn hết trong bi kịch Vũ Như Tô vẫn là hình tượng

kẻ sĩ với khát vọng muôn đời về cái Đẹp, là lý tưởng cao cả trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu người nghệ sĩ không có khát vọng ấy, thì tự thân nghệ thuật cũng không tồn tại. Sáng tạo nghệ thuật là một hành trình gian khó, đòi hỏi người nghệ luôn phải biết vượt lên chính mình, chỉ cần dừng lại trên con đường sáng tạo thì nghệ thuật sẽ tự chết, và cuộc sống của nghệ sĩ cũng không có ý nghĩa.

Với bi kịch Vũ Như Tô, nhà văn rất thấu hiểu điều đó và băn khoăn day

dứt khi mà khát vọng nghệ thuật không chết, nhưng sự “mù quáng mà nông nổi” đã giết chết nghệ sĩ và vùi lấp cái Đẹp nghệ thuật dưới tro tàn, vì thế bi kịch của nghệ sĩ mới đau xót đến muôn đời. Phải chăng mấu chốt vấn đề là ở chỗ người nghệ sĩ và nghệ thuật cần phải có chỗ đứng? Mà điều này lại phụ thuộc rất lớn vào nhận thức của nhân dân và thời đại. Phải chăng đợi đến khi đời sống tinh thần của nhân dân có nhu cầu về cái Đẹp? Thực ra, nhu cầu về

cái Đẹp vốn tồn tại như mọi nhu cầu khác (như về ăn, mặc, ở…) nhưng cái đó thường bị xếp sau cùng mọi nhu cầu khác. Phải chăng câu nói dân gian “Có thực mới vực được đạo” dường như thời đại nào cũng có ý nghĩa? Câu thơ của Xuân Diệu “Cơm áo không đùa với khách thơ” hay thơ Tản Đà “ Văn chương hạ giới rẻ như bèo” thì ngoài ý nghĩa tự trào vẫn mang nỗi xót xa có thật và ước mong nghệ thuật được trả về vị trí xứng đáng làm cho đời sống đẹp lộng lẫy như nhà nghệ sĩ họ Vũ xây Cửu Trùng đài tô điểm non sông. Nếu trong câu hỏi da dết này có biểu hiện sự ngập ngừng thì đó không phải là hạn chế mà do nhà văn thấy chưa thỏa đáng với cách giải quyết mói quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống ở trong Vũ Như Tô. Phải chăng dân chúng sáng suốt bao nhiêu khi giết bè lũ hôn quân bạo chúa, thì dân chúng cũng nông nổi và mù quáng bấy nhiêu khi giết nghệ sĩ thiên tài và thiêu cháy Cửu Trùng đài? Rõ ràng câu trả lời dành cho hậu thế. Bằng câu hỏi day dứt trong lời đề tựa, Nguyễn Huy Tưởng đã làm cho ý nghĩa tư tưởng của bi kịch trở nên sâu sắc khi đề cập đến những vấn đề mang tính thời đại.

Câu kết đề tựa: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm” như lời tự nhủ về mục đích người làm nghệ thuật phải nghĩ đến, không chỉ là sáng tạo cái Đẹp mà còn tôn vinh cái Tài, như Đan Thiềm đã từng tôn vinh Vũ Như Tô là: “thiên tài đừng bỏ phí tài trời”. Để đến khi nào đó người sáng tạo nghệ thuật (nghệ sĩ) và người hưởng thụ nghệ thuật bằng con mắt của “người đồng bệnh”. Khi viết câu đề tựa này, Nguyễn Huy Tưởng đã vô cùng thấm thía cái chết của Vũ Như Tô và chấp nhận nó như bi kịch người nghệ sĩ. Nhưng từ bi kịch ấy cháy lên mơ ước cho cái Tài không phải sống “Lụy”, cái Tài phải được tồn tại như một lẽ hiển nhiên tốt đẹp nhất trên đời? Phải chăng lời đề tựa thể hiện niềm khao khát về một xã hội không có “hôn quân bạo chúa”, một xã hội công bằng dân chủ cho tất cả và nhất là nghệ thuật?

3.2.2.2. Ngôn ngữ trong kịch bản

Một trong những đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ kịch Vũ Như Tô đó là ngôn ngữ mang tính lãng mạn. Trong văn học thời kì 1930-1945, kịch Vũ Như Tô được xếp vào khuynh hướng lãng mạn (Ý kiến đánh giá Phan Cự Đệ, Phan

Kế Hoành, Huỳnh Lý, Nguyễn Nam). Chủ nghĩa lãng mạn có những thủ pháp miêu tả đặc biệt của nó. Nhà nghiên cứu văn học (người Nga) Vôrpxki đã nhận xét về bút pháp lãng mạn: Nhà thơ lãng mạn chủ nghĩa không chỉ tái hiện một cách đơn giản thế giới xung quanh mình trong những hình tượng nghệ thuật, mà tái hiện nó theo những tuyến phóng đại, với những màu sắc được tô đậm. Và tác giả tái hiện những cảm xúc, những hình tượng thẩm mĩ không giống như lúc mình cảm thụ chúng, mà bằng cách tưởng tưởng và cường điệu. Như vậy có thể hiểu ngôn ngữ được sử dụng trong khuynh hướng lãng mạn mang tiêu chí phóng đại, tạo miền đất mênh mông cho trí tưởng tượng.

Ngôn ngữ trong vở kịch Vũ Như Tô chủ yếu là lớp ngôn từ mang giọng

điệu ngợi ca, diễn tả cảm xúc tôn vinh tài năng. Miêu tả sự sáng tạo của Vũ Như Tô, tác giả dùng những ngôn ngữ phóng đại đến mức tối đa, biến người thợ tài năng có thật trong sử sách trở thành một thiên tài ngàn năm chưa dễ có một. Đó là “hoa tay tuyệt thế”, “xây dựng không kém đường gì”, “đào muôn kiểu hồ, vẽ những vườn hoa lộng lẫy như bồng lai”, “ tay hội họa khác thường. Chỉ một bút vẩy là chim hoa đã hiện lên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công (…) tài tính toán thì không lời nào tả hết (…) sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây dựng những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ” [7; 289]. Nghệ sĩ Vũ Như Tô được thể hiện như là một sự hội tụ của nhiều tài năng phi thường.

Trong kịch Vũ Như Tô thì nhân vật Đan Thiềm cũng được Nguyễn Huy

Tưởng dành cho lớp ngôn từ có tính ngợi ca, thi vị hóa với những hình ảnh so sánh đẹp đẽ nhất trong thế giới thiên tạo và nhân tạo. Khi ca ngợi tài sắc của

Đan Thiềm tác giả so sánh bà như là viên ngọc chói ngời nổi bật giữa chốn nhơ nhớp, “trong sạch như viên ngọc quý (…) trí sáng như vầng nhật nguyệt”.

Qua lớp ngôn từ ngợi ca tuyệt đối dành cho hai nhân vật được nhiều yêu mến này, có thể thấy họ chính là hiện diện cho tâm hồn nhà văn và giúp ta hiểu hơn tư tưởng tôn vinh tài năng cùng những giá trị tốt đẹp thuộc về con người.

Với thể loại kịch, hành động kịch là yếu tố quan trọng, thể hiện qua mối quan hệ biện chứng giữa hành động và ngôn ngữ. Chức năng hành động của lời nói bộc lộ đầy đủ nhất trong lời đối thoại của các nhân vật.

Trong Vũ Như Tô, tính hành động của ngôn ngữ đối thoại thể hiện ở sự

giải tỏa những bức xúc trong tâm trạng nhân vật, tạo ra những bước chuyển cho sự phát triển của xung đột kịch, gắn với việc giải tỏa mâu thuẫn. Hồi thứ nhất (lớp I, II, III, IV) đều nói về mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô và Lê Tương Dực. Nếu Lê Tương Dực mất hàng năm trời mới tìm được người thợ giỏi, thì Vũ Như Tô lại kiên quyết không xây đài cho “hôn quân bạo chúa”. Mâu thuẫn càng đẩy lên cao khi cả nhà Vũ Như Tô bị hành tội, đến lớp VII được giải tỏa, Vũ Như Tô thay đổi nhận lời xây đài, sau gặp gỡ với Đan Thiềm:

“Vũ Như Tô: - Vậy bà khuyên tôi nên ở đây làm việc cho hôn quân sao?

Đan Thiềm: - Miễn là ông không bỏ phí tài trời. Ông nên lợi dụng cơ hội đem tài ra thi thố.

Vũ Như Tô: - Xây Cửu Trùng đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho đời được.

Đan Thiềm: - Ông biết một mà không biết hai. Ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây. Ông không có tiền, ông không có thể dựng một tòa nhà như ý nguyện (…). Đây là lúc

Ông cứ xây lấy một tòa đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn về muôn đời. Dân ta được nghìn thu hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp của nước ngoài, thế là đủ (…). Ông hãy nghe tôi làm cho đất Thăng Long này thành nơi kinh kì lộng lẫy nhất trần gian.

Vũ Như Tô: - Đa tạ. Bà đã khai cho cái óc u mê này. Thiếu chút nữa tôi nhỡ cả. Những lời vàng ngọc tôi xin lĩnh giáo. Trời quá yêu nên tôi mới được gặp bà.

Đan Thiềm: - Tôi cũng may gặp được ông, xin ông cố đi.” [7; 296 - 297]. Trong đối thoại trên, lời nói của Vũ Như Tô thể hiện hành động cự tuyệt, phản đối, một mực không xây đài cho tên bạo chúa và lũ gái dâm ô. Lời nói của Đan Thiềm lại hướng tới khuyên như Như Tô. Bà đã cho Như Tô thấy đây là cơ hội cho khát vọng sáng tạo nghệ thuật, ước mơ biến Thăng Long thành nơi kinh kì lộng lẫy có khả năng trở thành hiện thực. Tất cả điều kiện đưa ra có sức thuyết phục và hành động kịch của nhân vật Vũ Như Tô thay đổi theo lời thoại “trời quá yêu nên tôi mới gặp bà”.

Hành động nhận lời xây Cửu Trùng đài của Vũ Như Tô khiến cho mâu thuẫn giữa Lê Tương Dực và Vũ Như Tô tạm thời lắng xuống để nhường chỗ cho mâu thuẫn mới. Đây là đoạn đối thoại có tính chất quyết định:

“Lê Tương Dực: -Vua có cần đến thì thần dân phải xả thân làm việc đến kì chết thì thôi.

Vũ Như Tô: - Nhưng xử đãi thế thì ai muốn trau dồi nghề nghiệp? Kính sĩ mới đắc sĩ…

Lê Tương Dực: - Kính sĩ mới đắc sĩ, mi là sĩ đấy ư? Mi dám tự phụ mi là sĩ thảo nào mi không sợ chết.

Vũ Như Tô: - Sĩ mà không có chan tài thì tiện nhân không bàn. Anh em tiện nhân còn có những nguyện vọng sâu xa hơn đối với nước. Hoàng thượng

quá nhầm về chữ sĩ. Một ông quan trị dân, với một người thợ giỏi, xây những lâu đài tráng quan, điểm xuyết cho đất nước, tiện nhân chưa biết người nào mới đáng gọi là sĩ.” [7; 298].

Lời nói của Vũ Như Tô về kẻ sĩ làm cho Lê Tương Dực tin rằng Vũ Như Tô thực sự muốn xây Cửu Trùng đài, quan hệ mâu thuẫn giữa hai nhân vật này chuyển sang hình thức khác. Trong vở kịch, đây là đối thoại quan trọng nhất vì đã đã thể hiện bước ngoặt thay đổi có tính chất quyết định của hành động nhân vật.

Khi thể hiện bản chất nhân vật, hành động được đặt trên những diễn biến hợp lí, phù hợp với sự phát triển của tình huống. Là võ quan hủ nho nhưng lại biết lo việc nước, Trịnh Duy Sản phản đối việc xây dựng Cửu Trùng đài dữ dội nhất. Nói chuyện với Nguyễn Vũ (hồi hai, lớp III) Trịnh Duy Sản đã tỏ thái độ bất bình: “Xin cụ lớn xét lại cho, xây Cửu Trùng đài thì loạn mất” và dọa Vũ Như Tô: “giết mi thì Cửu Trùng đài cũng hết”. Lúc này lời nói của Trịnh Duy Sản mới chỉ thể hiện hành động phản đối bởi ý thức, trách nhiệm của một mệnh quan triều đình mà thôi. Đến khi đối thoại với Lê Tương Dực (hồi ba, lớp VII) thì thái độ phản đối của Trịnh Duy Sản thẳng thắn và quyết liệt hơn, lời nói kèm theo hành động nắm lấy áo vua: “Xin hoàng thượng nghe lời hạ thần đuổi cung nữ, chém Vũ Như Tô”. Vua đã không nghe lời can gián mà còn dọa chém đầu Trịnh Duy Sản. Lời nói và hành động này như khơi gợi cho mầm mống phản loạn của Trịnh Duy Sản được hình thành. Đến hồi bốn, lớp V, Trịnh Duy Sản thực sự ra lệnh cho thợ và binh lính nổi loạn: “ta đã có 3000 quân tinh nhuệ đảm đang. Chúng bay chỉ có việc đi theo ta để thêm thanh thế nghe. Bảo anh em như thế, không sợ gì cả. Xong việc ta cho ăn rồi thả cho về(…). Còn mày, hãy dẫn 3000 quân Kim Ngô ra cửa Bắc. Hễ có hiệu lửa thì xông vào. Vua thế nào cũng ở đấy chạy ra, mày đuổi theo cho kỳ được, giết ngay cho ta” [7; 348]. Hành động nổi loạn

của Trịnh Duy Sản kết thúc ở hồi thứ năm, miêu tả trọn vẹn cuộc khởi loạn, bi kịch kết thúc trong lửa thiêu cháy Cửu Trùng đài và những xác chết la liệt. Hành động của nhân vật trải qua một quá trình, mâu thuẫn phát triển từ thấp lên cao, có sự phát triển dồn nén. Mở đầu ở cuộc đối thoại với Nguyễn Vũ, được hình thành sau khi đối thoại với Lê Tương Dực, kết thúc trong cuộc chém giết ở hồi kết, hành động nổi loạn của Trịnh Duy Sản đã có sự dự báo trước. Tính tất yếu của bi kịch được khẳng định trong quá trình phát triển trọn vẹn của nó.

Như vậy, có thể nói nếu những điều khám phá trong kịch Vũ Như Tô

giống như những tầng vỉa trên bề mặt của mạch ngầm dẫn người đọc đi đến các đích khác nhau thì ngôn ngữ cũng góp phần vào sự bề thế ấy của vở kịch. Ngôn ngữ giúp nhà văn tái hiện rõ ràng, sinh động hình tượng các nhân vật trong tác phẩm, đồng thời giúp ông chuyển tải những thông điệp ý nghĩa của mình qua vở kịch.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong vũ như tô của nguyễn huy tưởng (Trang 57 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)