7. Bố cục khóa luận
1.2.4. Kiểu nhân vật “Liên tài”
Trong Vũ Như Tô, ta thấy xuất hiện kiểu nhân vật “liên tài”. Đó là con
người biết yêu quý, trân trọng, nâng niu cái Tài. Thậm chí họ không quản những điều thị phi, quên cả nguy hiểm của bản thân để bảo vệ cái Tài. Vì cái đẹp, cái Tài mà bi lụy thì họ cũng sẵn sằng chấp nhận.
Nếu Vũ Như Tô là người nghệ sĩ đam mê sáng tạo cái đẹp thì Đan Thiềm là người đam mê cái tài, ở đây là tài sáng tạo ra cái đẹp. Đan Thiềm là
người biết “ biệt nhỡn liên tài”. Là cung nữ, Đan Thiềm có một cuộc đời đau đớn thầm lặng suốt hai mươi năm trời trong cung cấm. Nàng bị tuyển vào cung năm 17 tuổi, khi đã có người dạm hỏi và bị giam trong cung, là thị nữ hầu hạ cả những phi tần kém cả tài lẫn sắc. Sống kiếp tôi đòi và không được phép “vượt phận hèn”, Đan Thiềm phải chịu những cái ngấm nguýt khinh bỉ của tên “vua Lợn”, hay sự thóa mạ đau đớn về nhân phẩm khi bị gọi là “con dâm phụ” và “con đĩ già”. Thân phận tôi đòi ấy còn vô cùng mong manh, khi chỉ vì một chút hiểu lầm mà Hoàng hậu ra lệnh cho Lê Trung Mại giết Đan Thiềm bằng cách treo cổ. Cuộc đời Đan Thiềm có phần giống nàng cung nữ
bị bỏ rơi trong Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), nàng Kiều tài hoa
bạc mệnh của Nguyễn Du, những thân phận chìm nổi, éo le gợi nhiều xót thương và cảm thông. Tuy nhiên, ở đây tác giả không đi sâu vào vấn đề thân phận người phụ nữ. Cuộc đời bất hạnh của Đan Thiềm chỉ là một phương diện trong sự “đồng bệnh” với thân phận nghệ sĩ trong cảm hứng về người tài hoa bạc mệnh. Không chỉ giãi bày với Vũ Như Tô cuộc đời cung oán của mình, Đan Thiềm cũng là người chia sẻ và thấu hiểu cuộc đời gian truân, oan khốc của người nghệ sĩ tài hoa, và như thế cung đàn đồng điệu như rung lên bản nhạc sâu lắng trong tâm hồn “đồng bệnh”. Đan Thiềm và Vũ Như Tô gặp nhau ở nơi tâm hồn cùng đồng cảm với thân phận tài hoa nhưng bị vùi dập, chia sẻ trong mơ ước về cái Đẹp trong lý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Nàng trở thành người tri âm tri kỉ của Vũ Như Tô.
Đan Thiềm là người yêu “tài” và trọng “tài”. Tinh thần trọng người tài thể hiện ở chỗ khi vừa gặp Vũ Như Tô nàng đã có sự thông cảm và chia sẻ với người “đồng bệnh”: “Tài làm lụy ông cũng như nhan sắc phụ người. Tài bao nhiêu lụy bấy nhiêu” [7; 294]. Đan Thiềm đã chỉ ra một sự thật, Vũ Như Tô là đại diện cho cái tài luôn xứng đáng được ngợi ca, tôn vinh nhưng trong chế độ bất công thì tài năng và người nghệ sĩ luôn bị khinh rẻ. Khi chữ Tài
còn đi liền với chữ Lụy thì những người “đồng bệnh” mãi mãi ôm nỗi cô đơn trong sáng tạo nghệ thuật.
Vì có tấm lòng liên tài nên lúc Vũ Như Tô mới bị bắt, ông nhờ Đan Thiềm “mách đường chạy trốn” nàng đã hết lòng động viên, khích lệ Vũ Như Tô ở lại và khuyên ông: “Ông không có tiền. Không thể dựng một tòa lâu đài như ý nguyện. Đây là lúc ông mượn tay vua Hồng Thuận mà thực hành cái mộng lớn của ông” [7; 297]. Chỉ ra khả năng vô hạn và cái hữu hạn của nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật, Đan Thiềm làm cho khát vọng của nghệ sĩ trỗi dậy mãnh liệt. Nghệ sĩ có tài năng và ước mơ lớn, nhưng không có khả năng thực hiện vậy thì hãy dựa vào vua Hồng Thuận: “Sự nghiệp sáng tạo còn lại về muôn đời. (…) Hậu thế xét công cho ông và nhớ ơn ông mãi mãi. Ông hãy nghe tôi làm cho đất Thăng Long trở thành nơi kinh kì lộng lẫy” [7; 297]. Trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy gian truân, Đan Thiềm là một người bạn chung thủy của người nghệ sĩ. Khi chỉ ra cái mất và cái được, trong cái nhất thời và bất biến, Đan Thiềm bộc lộ tư tưởng tôn vinh nghệ thuật tuyệt đối, cái mất chỉ là chuyện không đáng kể so với cái được là một công trình nghệ thuật để đời. Với Đan Thiềm, dường như mọi hi sinh vì nghệ thuật đều được coi là xứng đáng và đây cũng là điều mà Vũ Như Tô tôn thờ.
Đam mê tài năng, Đan Thiềm luôn khích lệ Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng đài, sẵn sàng quên mình để bảo vệ cái tài ấy. Đan Thiềm nguyện sống chết vì Cửu Trùng đài. Nàng trao vàng bạc tế nhuyễn của mình cho việc xây công trình, chia sẻ niềm vui với thợ xây dựng. Đan Thiềm luôn tâm niệm cầu khấn: “cầu trời cho đài chóng hoàn thành, trường thọ với non sông”.
Khi nhận ra sự thất bại của giấc mộng Cửu Trùng đài, Đan Thiềm vẫn nghĩ cho Như Tô mà quên đi bản thân mình cũng đang gặp nguy hiểm. Nàng đau đớn nghĩ đến sự sống chết của Vũ Như Tô. Có đến 20 lần nàng thúc giục ông: “trốn đi”, “lánh đi”, “đi đi”, “chạy đi”. Lời thúc giục vừa van xin, vừa
khẩn thiết, quyết liệt: “Ông phải trốn đi. Ông phải trốn đi. Trong lúc biến cố này, ông hãy tạm lánh đi (…) Ông trốn đi. Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai tô điểm nữa” [7; 353]. Khi quân nổi loạn đến, Đan Thiềm chỉ một mực xin cho Như Tô: “Tướng quân nghe tôi. Bao nhiêu tội tôi xin chịu hết. Nhưng xin tướng quân tha cho ông Cả. Ông ấy là một người tài (…) tướng quân tha cho ông Cả. Nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm (…) đừng phạm vào tội ác. Tướng quân. Đừng giết ông Cả (…). Tôi xin chịu chết.” [7; 359]. Không coi trọng mạng sống của mình, Đan Thiềm chỉ nghĩ đến Vũ Như Tô và Cửu Trùng đài, mong mỏi đến cháy lòng, hy vọng đến quyết liệt cho cái tài được tồn tại. Trong lời van xin, nàng chỉ nhấn mạnh vào cái tài của Vũ Như Tô hy vọng quân nổi loạn tha chết cho người nghệ sĩ. Trước sau Đan Thiềm vẫn chỉ một mực trung thành với lý tưởng đề cao cái Đẹp và cái Tài. Hành động dũng cảm quên mình của Đan Thiềm chỉ có thể lý giải bằng lòng yêu nghệ thuật.
Nhân vật Đan Thiềm mang một vẻ đẹp cao quý của tấm lòng biết nâng niu, trân trọng tài năng, đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Đó cũng là mong muốn của nhà văn trong một xã hội mà người trí thức bị khinh rẻ, văn học công khai đang đi vào ngõ cụt của sự bế tắc.
Thế giới nhân vật trong kịch Vũ Như Tô là những con người thuộc
nhiều giai cấp, tầng lớp trong xã hội đương thời. Đó là những nhân vật văn học lấy nguyên mẫu từ những nhân vật lịch sử, những con người đời thường nhưng vẫn có sự hư cấu nhất định. Để tái hiện một cách sinh động các kiểu nhân vật trên, tác giả đã sử dụng sáng tạo một số thủ pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật nhưng để có thể khảo sát kĩ hơn, chúng tôi tách riêng và tập trung nghiên cứu ở chương ba.
CHƯƠNG 2
KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN 2.1. Cơ sở lý luận
Thời gian và không gian nghệ thuật trong gần ba thập kỉ qua được giới nghiên cứu và phê bình nước ta quan tâm như một vấn đề then chốt của thi pháp học, đặc biệt là tác phẩm văn xuôi tự sự và kịch. Khó có thể tìm hiểu chiều sâu, ý nghĩa tác phẩm nếu chưa tìm hiểu những nét đặc sắc trong cách tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có một không gian và thời gian riêng. Không gian và thời gian ấy là sự quy ước, mã hóa của nhà văn về không gian, thời gian thực tại. Không gian và thời gian nghệ thuật là hai yếu tố cơ bản cấu thành nên Thế giới nghệ thuật.
2.1.1. Khái niệm thời gian nghệ thuật
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thời gian nghệ thuật trong tác phẩm
văn học chính là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian nghệ thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thể giới nghệ thuật. Khác với thời gian khách quan được đo bằng thời gian đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát thành vô tận” [21; 322].
Theo giáo trình Dẫn luận thi pháp học của GS,TS Trần Đình Sử, ông
quan niệm: Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Thời
gian nghệ thuật do được sáng tạo ra nên mang tính chủ quan, gắn với thời gian tâm lý. Nó có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian thực tế. Nó có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai. Nó có thể dừng lại.
Trong tác phẩm văn chương, thời gian chỉ trở thành thời gian nghệ thuật khi nó trực tiếp tác động vào nhân vật, vào môi trường mà ở đó diễn ra số phận của nhân vật và những biến động của tâm tư, tình cảm con người. Thời gian nghệ thuật là hình thức của hình tượng nghệ thuật thể hiện tài năng và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ… Nó được nhận biết nhờ các mối quan hệ giữa các biến cố, có thể là quan hệ nhân quả, quan hệ tâm lý hoặc liên tưởng. Tuy nhiên điều quan trọng không chỉ là cách biểu thị thời gian mà là quan niệm, cách hiểu thời gian của tác giả.
Thời gian nghệ thuật cũng có đặc trưng riêng của nó: Thời gian nghệ thuật thể hiện ở nhiều thời điểm; thời gian nghệ thuật thể hiện sự biến đổi bên ngoài và bên trong; thời gian nghệ thuật thể hiện được thái độ chủ quan của nhân vật trước biến đổi khách quan của Thế giới (mỗi nhân vật có cách nhìn thời gian riêng tùy theo hoàn cảnh và tâm trạng).
2.1.2. Khái niệm về không gian nghệ thuật
Trong thi pháp học, khái niệm không gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật. Nếu thế giới nghệ thuật là thế giới của cái nhìn và mang ý nghĩa thì không gian nghệ thuật là trường nhìn mở ra từ một điểm nhìn, cách nhìn.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì “không gian nghệ thuật là hình thức
bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không
gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về về không gian, mang tính chủ quan. Ngoài không gian vật thể có không gian tâm tưởng” [21;160].
Là một hình tượng nghệ thuật nên không gian mang tính ước lệ tượng trưng như: làng quê, sân đình, biển khơi… cũng có khi được biểu hiện bằng các từ không gian đã “mã hóa” sẵn về ý nghĩa trong đời sống. Do vậy, không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy định vào không gian địa lý. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hóa các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự. Ngôn ngữ của không gian nghệ thuật rất đa dạng và phong phú. Các cặp phạm trù cao - thấp, xa - gần, rộng - hẹp, cong - thẳng, bên này - bên kia… đều được dùng để biểu hiện các phạm vi giá trị phẩm chất của đời sống xã hội.
Giáo sư Trần Đình Sử trong cuốn Dẫn luận thi pháp học đã khẳng định
không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện quan niệm nhất định về cuộc sống do đó không thể quy nó về không gian địa lý, không gian vật lý hay vật chất. Trong tác phẩm, ta hay bắt gặp sự miêu tả con đường, dòng sông nhưng bản thân các sự vật ấy chưa phải là không gian nghệ thuật. Chúng được xem là không gian nghệ thuật trong chừng mực biểu hiện Thế giới mô hình của con người.
Không gian nghệ thuật thể hiện tập trung vào cái nhìn, điểm nhìn, điểm quan sát, sự đối lập và liên hệ của các yếu tố không gian các miền phương vị, các chiều tạo thành ngôn ngữ nghệ thuật để biểu hiện thế giới quan cuả tác phẩm.
Không gian nghệ thuật trong văn chương có những đặc trưng cơ bản: Nó xuất hiện lần lượt tuần tự theo sự trình bày của tác giả, không gian mang tính quan niệm và không bị một hạn chế nào.
Tóm lại, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật là hai khái niệm luôn đi song hành với nhau, tạo ra tính cấu trúc và tính quá trình của tác phẩm, là yếu tố mở ra thế giới nghệ thuật của nhà văn.
2.2. Không gian và thời gian nghệ thuật trong kịch Vũ Như Tô của
Nguyễn Huy Tưởng
2.2.1. Thời gian nghệ thuật trong Vũ Như Tô 2.2.1.1. Thời gian hiện thực 2.2.1.1. Thời gian hiện thực
Trong cuộc sống đời thực, không một cá nhân, cá thể nào có thể tồn tại ngoài thời gian. Thế giới nghệ thuật cũng vậy, không một nhân vật nào tồn tại độc lập bên ngoài những giới hạn đó. Thi pháp học hiện đại quan niệm thời gian nghệ thuật không chỉ bó hẹp trong chức năng làm “phông nền” cho nhân vật hành động mà là nơi “phản ánh cái hữu hạn của mình, một thế giới là bên ngoài tác phẩm”. Thời gian hiện thực là kiểu sáng tạo độc đáo, một phương thức phản ánh đời sống của nhà văn. Đó là khoảng thời gian sinh tồn cơ bản nhất của con người, được xem là yếu tố tiếp xúc cận cảnh nhất với chất đời thường.
Thời gian hiện thực có thể đo, đếm bằng ngày, tháng cụ thể hoặc được cảm nhận qua những đổi thay của sự vật, sự nếm trải bằng những mất mát, khổ đau nhưng thời gian hiện thực có thể ngưng đọng, trì trệ, xoay quanh những quỹ đạo tưởng chừng như bất biến của cuộc đời.
Kịch Vũ Như Tô cho ta cảm nhận về thời gian rất thực. Dựa vào lời chỉ
dẫn ở đầu kịch bản, chúng ta có thể biết hoàn cảnh lịch sử chung nhất: “Kịch xảy ra ở Thăng Long hồi 1526-1527”, trong thời kì Lê Mạt, dưới triều vua Lê Tương Dực. Thời gian xảy ra hành động kịch chỉ vẻn vẹn trong 10 tháng. Đó là thời gian người nghệ sĩ Vũ Như Tô được đem cái tài của mình ra để thi thố với hóa công, được theo đuổi khát vọng, đam mê sáng tạo cái đẹp, Đan Thiềm gặp được người “đồng bệnh”. Từ đó, bà trở thành “tri kỉ” của người nghệ sĩ tài
năng, cùng Như Tô đi đến tận cùng giấc mộng lớn của ông và hết mình bảo vệ cho cái tài. Đây cũng là khoảng thời gian những người thợ được thể hiện tài năng, giúp người nghệ sĩ thực hiện mộng lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là cái hăng hái ban đầu, nửa năm sau, họ đã nhận ra cái không cần thiết của việc xây đài: “Vua Thục đắp thành để giữ nước, còn ta xây thành để cho vua chơi” [7; 324].
Thời gian hiện thực trong tác phẩm được cảm nhận qua những đổi thay của sự vật, sự nếm trải bằng những mất mát, hủy hoại và hủy diệt.
Là nhân vật trung tâm của bi kịch, Vũ Như Tô tỏ ra hết sức nhạy cảm và thấu hiểu cái thời gian nghiệt ngã này. Có tài năng lớn và hết sức tự tin về tài năng của mình, ông đã có cái nhìn thấu suốt thời đại phong kiến và cay