Thời gian nghệ thuật trong Vũ Như Tô

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong vũ như tô của nguyễn huy tưởng (Trang 38 - 45)

7. Bố cục khóa luận

2.2.1. Thời gian nghệ thuật trong Vũ Như Tô

2.2.1.1. Thời gian hiện thực

Trong cuộc sống đời thực, không một cá nhân, cá thể nào có thể tồn tại ngoài thời gian. Thế giới nghệ thuật cũng vậy, không một nhân vật nào tồn tại độc lập bên ngoài những giới hạn đó. Thi pháp học hiện đại quan niệm thời gian nghệ thuật không chỉ bó hẹp trong chức năng làm “phông nền” cho nhân vật hành động mà là nơi “phản ánh cái hữu hạn của mình, một thế giới là bên ngoài tác phẩm”. Thời gian hiện thực là kiểu sáng tạo độc đáo, một phương thức phản ánh đời sống của nhà văn. Đó là khoảng thời gian sinh tồn cơ bản nhất của con người, được xem là yếu tố tiếp xúc cận cảnh nhất với chất đời thường.

Thời gian hiện thực có thể đo, đếm bằng ngày, tháng cụ thể hoặc được cảm nhận qua những đổi thay của sự vật, sự nếm trải bằng những mất mát, khổ đau nhưng thời gian hiện thực có thể ngưng đọng, trì trệ, xoay quanh những quỹ đạo tưởng chừng như bất biến của cuộc đời.

Kịch Vũ Như Tô cho ta cảm nhận về thời gian rất thực. Dựa vào lời chỉ

dẫn ở đầu kịch bản, chúng ta có thể biết hoàn cảnh lịch sử chung nhất: “Kịch xảy ra ở Thăng Long hồi 1526-1527”, trong thời kì Lê Mạt, dưới triều vua Lê Tương Dực. Thời gian xảy ra hành động kịch chỉ vẻn vẹn trong 10 tháng. Đó là thời gian người nghệ sĩ Vũ Như Tô được đem cái tài của mình ra để thi thố với hóa công, được theo đuổi khát vọng, đam mê sáng tạo cái đẹp, Đan Thiềm gặp được người “đồng bệnh”. Từ đó, bà trở thành “tri kỉ” của người nghệ sĩ tài

năng, cùng Như Tô đi đến tận cùng giấc mộng lớn của ông và hết mình bảo vệ cho cái tài. Đây cũng là khoảng thời gian những người thợ được thể hiện tài năng, giúp người nghệ sĩ thực hiện mộng lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là cái hăng hái ban đầu, nửa năm sau, họ đã nhận ra cái không cần thiết của việc xây đài: “Vua Thục đắp thành để giữ nước, còn ta xây thành để cho vua chơi” [7; 324].

Thời gian hiện thực trong tác phẩm được cảm nhận qua những đổi thay của sự vật, sự nếm trải bằng những mất mát, hủy hoại và hủy diệt.

Là nhân vật trung tâm của bi kịch, Vũ Như Tô tỏ ra hết sức nhạy cảm và thấu hiểu cái thời gian nghiệt ngã này. Có tài năng lớn và hết sức tự tin về tài năng của mình, ông đã có cái nhìn thấu suốt thời đại phong kiến và cay đắng nhận ra đó chính là thời đại kìm hãm, bóp chết những tài năng sáng tạo. Quan sát, suy ngẫm từ góc độ nghệ thuật kiến trúc, người thợ cả nhận xét: “Chế độ thì nghiệt ngã, vô lí: nhà không cho làm cao, áo không cho mặc đẹp. Ai xây một kiểu nhà mới khả quan, thì lập tức kết vào tội lộng hành đem chém. Thành thử không ai dám vượt ra khuôn sáo nghìn xưa, nghề kiến trúc đọng lại như một vũng ao tù. Người có tài không được thi thố đành phải tiến về mặt tiểu xảo” [7; 294]. Có tài năng thực sự mà không được bộc lộ có khác gì phải chịu chết dần chết mòn, đã thế, một khi cái tài ấy lọt vào tai mắt của triều đình tất yếu biến thành vạ lớn, cái vạ của cả một lớp nhân tài. Hai trăm năm trước, nghệ sĩ thiên tài Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, cũng ngẫm về tài năng một cách chua chát:

“Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.”

Tài lớn đi liền với hoạ lớn (Tài bao nhiêu lụy bấy nhiêu - Lời Đan Thiềm). Sớm biết điều này nhờ “ngày ngày…thấy các bạn thân bị bắt giải kinh, người nhà khóc như đưa ma”, Vũ Như Tô đã cùng gia đình trốn tránh, sống “đời lẩn lút” nhưng mà ông vẫn cứ tiếp tục luyện nghề, chờ dịp, thậm

chí, “trong suốt một năm đi trốn, tuy bị truy nã, khổ nhục trăm đường…cũng đã vẽ phác bản đồ Cửu Trùng đài, tính toán đâu đấy và đã ghi hết cả trong một cuốn sổ” [7;300]. Khổ công trau nghề đến khi đạt được đỉnh cao của tài năng thì như mọi nghệ sĩ chân chính khác, người thợ tài hoa ấy luôn luôn ao ước xây dựng một Cửu Trùng đài “to như núi, bền như trăng sao”. Thế nhưng, người nghệ sĩ tài hoa chân chính ấy đã phải chết thảm dưới lưỡi gươm của đám quân phiến loạn chỉ qua mười tháng trời ngắn ngủi.

Qua lời của Vũ Như Tô nói với Thị Nhiên, hình ảnh 500 thợ già cũng là minh chứng cho thời gian huỷ hoại tấm thân: “Khi tuyển vào kinh, họ còn trai tráng mà bây giờ…người thì còng lưng, người thì bạc đầu, người thì móm mém. Có người chưa có vợ con gì cả…” [7; 303]. Những người thợ mới tuyển để xây dựng đài Cửu Trùng thì số phận sắp tới dường như đã được báo trước từ miệng vua Lê: “Vua cần đến thì thần dân phải xả thân làm việc kỳ đến chết thì thôi” [7; 298]. Quả nhiên “nửa năm sau”, khi tốp thợ chính có dịp trò chuyện, niềm vui về kết quả công việc, Phó Độ có vẻ như khá lạc lõng trước nỗi chán nản, khổ sở của Phó Bảo, Phó Cõi, nỗi kinh sợ, mất niềm tin của Hai Quát… Hằng trăm thợ nề, trong đó có em trai Phó Bảo đã chết. Chỉ trong vòng “ba ngày” mà số thợ chết đã lên tới ba trăm người.

Ngay những kẻ quyền quí cũng không sao thoát được cái hoạ diệt thân. Thái tử Chiêm Thành ba năm mòn mỏi nhớ nước, cứ tưởng hai năm nữa sẽ được “trông thấy đồn tháp nước Hời” thế rồi bị giữ lại suốt đời ở đây và cuối cùng chết thảm bởi đám thợ khổ sở của Phó Bảo vào cái đêm khởi loạn. Cũng trong đêm khởi loạn, võ sĩ Ngô Hạch theo lệnh Trịnh Duy Sản đâm vua Lê ngã ngựa rồi giết chết. Khâm Đức Hoàng hậu nhảy vào lửa chết theo. Nguyễn Vũ “xin chết vì nạn của vua” chỉ sau tám năm chịu ơn tri ngộ….

Qua thời gian hiện thực trong tác phẩm, nhà văn cũng tái hiện lại sinh động hiện thực xã hội đương thời. Khi thời kì xã hội phong kiến rơi vào cuộc

khủng hoảng trầm trọng, trong cuộc đấu tranh dành quyền lực của các tập đoàn phong kiến thì nhân dân bao giờ cũng là người chịu hậu quả tang thương nhất. Trong mười tháng, kể từ ngày Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng đài, cuộc sống của nhân dân vốn đã khổ cực nay lại càng thêm cơ cực, lầm than, khốn cùng. Đã có biết bao người phải hi sinh cả sức lực, tuổi thanh xuân thậm chí là cả tính mạng cho cái tháp ngà của nghệ thuật ấy. Cũng chính vì thế mà mâu thuẫn giữa nghệ sĩ và nhân dân ngày càng nổi lên gay gắt.

Kiểu thời gian hiện thực làm cho kịch Vũ Như Tô mang đậm chất đời

thường. Các nhân vật được đặt trong những mối quan hệ tuy phức tạp, chồng chéo mà vẫn chặt chẽ, nhất quán trong toàn bộ kịch bản. Họ phải trải qua những biến động lịch sử, sự suy vong của một thời đại. Vấn đề mối quan hệ giữa nghệ thuật và thời đại là vấn đề nhà văn Nguyễn Huy Tưởng luôn quan tâm và trăn trở. Kiểu thời gian hiện thực góp phần phản ánh chân thực hiện thực trong xã hội phong kiến đương thời, đem đến cho bạn đọc một cái nhìn khách quan, rõ ràng, cụ thể về một thời kì lịch sử đã qua cũng như bi kịch của những con người có tài nhưng quá đam mê, khát vọng sáng tạo cái Đẹp trong

khi hoàn cảnh lịch sử không cho phép. 2.2.1.2. Thời gian tâm trạng

Thời gian nghệ thuật là một phạm trù nghệ thuật, là thời gian có thể thể nghiệm được trong tác phẩm với độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều thời gian là hiện tại, quá khứ, tương lai. Thời gian nghệ thuật cũng là một hình tượng nghệ thuật - sản phẩm sáng tạo của nhà văn. Nó là một tín hiệu nghệ thuật để nhà văn gửi gắm những suy tư và tình cảm của mình về cuộc sống con người. Tâm tư, tình cảm của tác giả khi trực tiếp, khi kín đáo bộc lộ qua các nhân vật. Kiểu thời gian này trong văn chương người ta gọi là thời gian tâm trạng hay tâm lý.

Thời gian tâm trạng là thời gian được nhìn nhận, khúc xạ qua ý thức, tâm trạng của con người. Nói cách khác, đó là thời gian đã được nếm trải qua tâm hồn của nhân vật. Nếu thời gian sự kiện làm thành một chuỗi liên tục các sự kiện theo quan hệ trước - sau, nhân - quả và có một nhịp điệu đều đặn theo thời gian đồng hồ, lịch thì thời gian tâm trạng lại có một độ dài, một nhịp điệu riêng gắn với những “thời gian điểm” có ý nghĩa đặc biệt đối với từng nhân vật. Thời gian tâm trạng không đồng nhất với thời gian tự nhiên. Nó dài hay ngắn, trôi nhanh hay trôi chậm đều phụ thuộc vào sự cảm nhận và tâm trạng riêng của mỗi người. Thời gian có thể bị trùng xuống hay kéo căng ra, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát hoặc có thể kéo dài cái chốc lát thành cái vô tận.

Thời gian thực tại trôi chảy theo quy luật sinh hóa, thời gian tâm trạng lại vận hành theo tâm trạng của con người. Vũ Như Tô là người nghệ sĩ say mê, hết mình cống hiến cho sáng tạo cái Đẹp. Suốt đời ông đều dành cho sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo nghệ thuật. Chính vì thế, Như Tô dường như không ý thức được sự trôi chảy của thời gian. Ông làm việc quên cả ngày đêm. Nhưng đó cũng là thời gian đánh dấu sự ngộ nhận con đường đi trong nghệ thuật của người nghệ sĩ. Chính cái mong muốn, khát vọng nghệ thuật cùng cái bi tưởng “xây một cái đài vĩ đại làm vinh dự cho non sông đất nước” đã làm cho ông quên mất vai trò của người nghệ sĩ cũng như vấn đề nghệ thuật chân chính mà như ban đầu mình đã xác định. Lòng ham mê nghệ thuật, khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao và sự vĩnh hằng cho muôn đời đã lôi cuốn đã biến ông trở thành con người mù quáng. Vì theo đuổi nghệ thuật thuần túy mà theo thời gian, Vũ Như Tô đã tự đánh mất tất cả bạn bè, người thân. Ông không hề quan tâm đến thay đổi cuộc sống của mình. Vũ Như Tô đã đi ngược lại với quần chúng nhân dân. Cửu trùng đài bị đốt nhưng ông vẫn còn ngây thơ lầm lạc, mơ màng chưa tỉnh và không hiểu mình tội gì. Cuối cùng Như Tô không những không

thực hiện được hoài bão mà còn phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Đó là cái chết đầy đau đớn và xót thương.

Đối với Đan Thiềm, trước khi gặp Như Tô, khoảng thời gian bị tuyển vào cung từ năm 17 tuổi “rồi từ đấy đến nay ngót 20 năm” ngày ngày bạn với cảnh già là khoảng thời gian kéo dài và vô cùng khắc nghiệt. Chỉ đến khi gặp gặp Như Tô và cùng ông sáng tạo, xây dựng đài Cửu Trùng bà mới cảm thấy suộc sống của mình thực sự có niềm vui:

“Vũ Như Tô (cười): - Nhưng thôi, hãy mời bà lên ngắm đài đã. Đài xây đẹp hơn nhiều lắm. Bà đứng lên chồng đá này xem một lượt bà sẽ thấy nhời tôi là đúng. (Họ cùng đứng lên, nhìn bốn phía, một hồi lâu. Mặt Đan Thiềm tươi lên. Nàng sung sướng ứa nước mắt).

Đan Thiềm (cảm động): - Đẹp! Qủa thật đẹp!” [7; 335].

Có thể nói, trong suốt cuộc đời của cung nữ Đan Thiềm, đây là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất đối với bà. Thấy Như Tô say sưa với công việc, suốt ngày lao lực, đốc thúc thợ thuyền, xem xét tính toán, đêm khuya còn thao thức bên ngọn đèn, Đan Thiềm vừa mừng lại vừa lo.Vì vậy, bà đã không quản thị phi, công sức, tiền bạc cũng như thời gian để cùng Như Tô đi đến tận cùng giấc mộng lớn của ông.

Trong khi đó, đối với người vợ của Như Tô - Thị Nhiên, khoảng thời gian chờ chồng về dường như được kéo dài ra cùng biết bao nhiêu lo lắng. Thị than thở với chồng: “Trời đất ơi! Lâu thế thì làm thế nào được. Tôi tưởng một tháng, cùng lắm là ba bốn tháng…”; “Thầy nó tôi còn lạ gì? (…). Chỉ khổ vào mình chứ gì? Đấy thầy nó vừa nói thương những người làm hàng 30 năm ở đây. Thử hỏi năm nay thầy nó 40, liệu thầy nó có sống được 30 năm không?” [7; 304]. Mỗi ngày trôi qua với Thị Nhiên là mỗi ngày đầy những dự cảm lo âu, khắc khoải. Thị chỉ mong sao cho đài lớn sớm hoàn thành để chồng mình được về với gia đình.

Những người thợ cảm thấy thời gian phải làm việc dường như kéo dài vô tận. Họ cảm nhận được sự trôi chảy của thời gian đời người: “Cứ thế này thì bao giờ cho xong. Công việc cứ nở ra. Nửa năm rồi mà chẳng đâu vào đâu cả. Đã xuân rồi mà mình chả biết xuân là gì nữa”. [7; 317]. Thời gian với những người thợ bây giờ chỉ còn lại là sự chán nản, mất niềm tin. Với họ ngày nào còn xây Cửu Trùng đài thì ngày đó họ còn khổ.

Thời gian tâm lý trong vở kịch có khi lại được các nhân vật cảm nhận với sự dồn dập, gấp gáp đầy kịch tính. Khi Trịnh Duy Sản và thợ thuyền nổi loạn, trong không khí biến đến từng giây, Đan Thiềm là người nhận rõ thời cuộc hơn ai hết. Để báo tin sắp có loạn cho Vũ Như Tô, nàng chạy hớt hơ hớt hải, mặt cắt không còn một giọt máu. Nàng một mực khuyên Vũ Như Tô trốn đi. Đối với Đan Thiềm, thời gian quyết định sinh mệnh của Như Tô lúc này chỉ trong gang tấc. Những điệp khúc thúc giục Vũ Như Tô trốn đi được nàng nhắc đi nhắc lại một cách gấp gáp, hối thúc, có những câu như là lời van xin, khẩn thiết và quyết liệt: “Ông nghe tôi! Ông trốn đi! Ông phải trốn đi mới được!”, “Ông đi đi không thì không kịp. Tôi xin ông, ông nghe tôi trốn đi”. Chỉ trong vòng một đêm, Kinh thành đã xảy ra hàng loạt các sự kiện: Trịnh Duy Sản khởi loạn, thái tử Chiêm Thành, Lê Tương Dực bị giết, Nguyễn Vũ tự sát trong trò hề ngu trung, Hoàng hậu nhảy vào lửa, Kim Phượng và lũ cung nữ bị bắt bớ, nhục mạ, Cửu Trùng đài bị đốt tàn thành tro, Đan Thiềm và Vũ Như Tô đều bị đưa ra pháp trường. Như vậy, thời gian ở đây đã được dồn nén tạo sự căng thẳng, kịch tính cho vở kịch.

Có thể nói, thời gian tâm trạng đã góp phần thể hiện những biến thái tinh tế trong tâm hồn con người. Đó là những cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa của thời gian được cống hiến và sáng tạo ở Vũ Như Tô và Đan Thiềm, sự chờ đợi, mong mỏi tưởng chừng như kéo dài mãi của Thị Nhiên và những người

thợ… Tất cả đã góp phần phản ánh những nỗi niềm nhân sinh cao cả của vở bi kịch này.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong vũ như tô của nguyễn huy tưởng (Trang 38 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)