7. Bố cục khóa luận
3.2.1. Xung đột kịch trong Vũ Như Tô
Từ phương diện mĩ học, cái bi (tragique, cũng có người dịch là bi kịch)
là một phạm trù mĩ học cơ bản dùng để chỉ tính chất cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái mới và cái cũ, thường kết thúc bằng sự thất bại của nhân vật tiên tiến, nhưng vẫn biểu dương sức mạnh chiến thắng của cái mới trong tương lai. Xung đột bi kịch nằm giữa “đòi hỏi tất yếu của lịch sử và việc
không đủ khả năng thực tế để thỏa mãn đòi hỏi đó” nói như Engels; hay cái bi chỉ sự thất bại, tiêu vong của cái có tính lý tưởng trước cái hiện thực, nó là “chủ nghĩa anh hùng của những người chiến bại” [6; 22].
Kịch bản trở thành tác phẩm bi kịch khi nó được kết cấu trên cơ sở
xung đột hay mâu thuẫn bi kịch. Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng chứa
đựng mâu thuẫn bi kịch như là một yếu tố nền của tác phẩm. Có thể gọi đây là tác phẩm bi kịch theo nghĩa khoa học chặt chẽ của từ ấy.
Nhìn một cách tổng quát, kịch Vũ Như Tô có rất nhiều xung đột.
Nguyễn Huy Tưởng đã đặt nhân vật vào những xung đột, kịch tính lớn, gay gắt, đòi hỏi nhân vật phải ngay lập tức xử lí các tình huống đó dẫn đến nhân vật hành động.
Xung đột nảy sinh đầu tiên trong tác phẩm là xung đột giữa Vũ Như Tô và Lê Tương Dực. Nếu cuộc hội ngộ giữa Như Tô và Đan Thiềm là cuộc hội ngộ giữa tài và tình, giữa tài năng và sự đồng cảm với tài năng thì cuộc gặp giữa Vũ Như Tô và Lê Tương Dực trở thành cuộc đấu mở màn giữa tài năng và quyền lực. Xung đột mở màn giữa hai đỉnh cao, đỉnh cao tài năng (Vũ Như Tô) và đỉnh cao quyền lực (Lê Tương Dực) là một trong những dạng xung đột tiêu biểu của vở bi kịch này. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Như Tô và Lê Tương Dực được nhà biên kịch dành cho số lượt thoại nhiều nhất (47 lượt), số lượng trang cao nhất (9 trang) trong hồi một. Tự tin vì đang nắm trong tay quyền lực cao nhất bấy giờ, Lê Tương Dực liên tục đe doạ Vũ Như Tô hết đợt này đến đợt khác:
- Vũ Như Tô, mi không sợ chết sao? - Trẫm sai cắt lưỡi mi đi bây giờ!
- Trẫm đã khoan thứ cho mi nhiều lắm rồi.
- …Chẳng qua là trẫm mến tài, người khác thì đã mất đầu. - … Đầu mi chỉ một lệnh truyền là không còn trên cổ.
- … lần này trẫm không tha mi nữa…Còn mi, mi chờ quân đao phủ dẫn đi.
Còn Vũ Như Tô đối đáp lại một cách cứng cỏi, thể hiện sự dũng cảm, khí phách hiên ngang:
- Tâu hoàng thượng, tiện nhân không sợ chết.
- Tâu hoàng thượng, tiện nhân trốn đi để tránh cho triều đình một tội ác. - Lời nói thẳng thì hay trái tai. Xin hoàng thượng cho phép tiện nhân được nói. Tiện nhân có bị cực hình cũng không oán hận. Tiện nhân không trộm cướp, không tham nhũng, không giết người, tiện nhân chỉ biết phụng dưỡng mẹ già, nuôi vợ, nuôi con (…). Hỏi tiện nhân có tội gì?
Tự tin và ý thức sâu sắc về tài năng, giá trị của bản thân, Vũ Như Tô đã dũng cảm, khôn khéo chống trả những đợt tấn công gay gắt, quyết liệt buộc nhà vua phải đi từ nhân nhượng này đến nhân nhượng khác và cuối cùng phải chấp nhận thực hiện hai điều kiện mà người thợ cả nêu ra: “thứ nhất, đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một li nào. Thứ hai: Hoàng thượng và triều đình phải trọng đãi công ngang sĩ” [7; 302].
Tuy vậy, mâu thuẫn này nhanh chóng được giải quyết bởi lời khuyên của Đan Thiềm. Từ đây, Vũ Như Tô được đặt trong xung đột, kịch tính lớn hơn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải giải quyết một mất một còn dẫn tới cái chết của nhân vật. Đó là xung đột giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời và lợi ích nhất thời, trực tiếp, thiết thực của nhân dân. Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài, khao khát xây dựng “một cái đài vĩ đại” để cho “dân ta nghìn thu được hãnh diện” nhưng hoàn cảnh của đất nước bấy giờ không tạo điều kiện cho ông thực hiện khát vọng sáng tạo vĩ đại, chân chính đó. Không còn cách lựa chọn nào khác, Vũ Như Tô đã nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm mượn uy quyền và tiền bạc của tên hôn quân để thực hiện hoài bão lớn của mình. Nghiệt ngã thay, chính cái niềm khao khát được cống
hiến, được sáng tạo chân thành ấy đã đẩy ông vào tình trạng đối nghịch với lợi ích trước mắt, trực tiếp và thiết thực của nhân dân. Trong suốt quá trình xây đài, mâu thuẫn đó ngày càng trở nên phức tạp và sâu sắc hơn.
Khi Như Tô chọn con đường xây Cửu Trùng đài, ông ý thức rất rõ những gì phải làm để đạt tới đích. Vũ Như Tô đòi vua cho mình toàn quyền làm việc, kẻ nào trái lệnh chém bêu đầu. Công trình với năm vạn thợ bên trong và mười vạn thợ bên ngoài được so sánh với cuộc chiến tranh với nước ngoài. Quyền sống của nhân dân bị hi sinh không thương tiếc trong cuộc chiến ấy đã được phát lên thành lời nhiều lần và từ nhiều người. Đó là lời của Trịnh Duy Sản ở hồi hai: “Chứ lại không ư? (…) Nay lại vẽ ra việc xây Cửu Trùng đài, tiền tiêu tính ra tốn hơn là đánh Chiêm Thành. Tiền lấy đâu ra? Tiền lấy ở dân mà dân thì cụ lớn biết đấy. Mười năm nay không mấy năm mất mùa, đói kém quá thể…” [7; 311]; Lời phó Bảo phàn nàn, than vãn: “ Cứ thế này thì bao giờ xong. Công việc cứ nở ra. Nửa năm rồi mà chẳng đâu vào đâu cả(…)! Nhớ nhà quá! dân lại còn oán(…) cứ coi mình như thù như hằn” [7; 317]; Lời Phó Độ thở than chì chiết: “mình cứ nai lưng làm để vua chúa ăn chơi”. Sự uất ức tột độ của người thợ bị tội chém vì bỏ trốn: “Xây cái đài này thì ai được nhờ. Dân bị hút máu hút mủ mà được lợi cái gì(…) Hỡi cái thằng cả Tô ấy, nó ngu hơn lợn, ngoài cái đài này ra không biết gì nữa. Ừ thì ông chết ông hẵng nói cho sướng mồm. Dân khổ mày có biết đâu, mày chỉ biết đến cái đài của mày(…). Mày có biết vì mày mà dân khổ bao nhiêu từng không?” [7; 322- 323]. Tác giả dùng nhiều giọng điệu thể hiện thái độ phản đối của thợ, bởi sự thiếu thốn vất vả, việc trừng phạt bóc lột bất công. Ngay cả thái tử Chiêm Thành - nhân vật không liên quan đến hành động kịch - xuất hiện trên sân khấu để một lần nữa nhấn mạnh về tính quá ư không thiết yếu, tính xa xỉ nguy hại cho quốc gia, dân tộc của những công trình như Cửu Trùng Đài: “ Mi có biết không? Nước ta bại chỉ vì nay làm đền, mai đẽo
tượng, rút cuộc cả vua lẫn dân chết vì đền đài, còn họ chỉ nai lưng khơi sông, đắp đê, khai khẩn ruộng hoang; cho nên dân họ đông, nước họ mạnh (…) Mi bảo nước ta xây đài cho đẹp có ích gì không? Thế mà bây giờ họ lại bắt chước ta, ta nên cố giúp cho vua xây đài, cho hao người tốn của, cho họ kiệt quệ như ta” [7; 340].
Như vậy, hai lực đối kháng và đồng đẳng xung đột quyết liệt trong tác phẩm bi kịch hoàn chỉnh một cách cổ điển của Nguyễn Huy Tưởng : Nghệ sĩ và Nhân dân. Nghệ sĩ mượn tay vương quyền khẳng định bằng việc làm thiên tài sáng tạo của mình, không đếm xỉa đến mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của Nhân dân. Nhân dân, không chấp nhận sự áp đặt giá trị với những đòi hỏi hi sinh từ phía Nghệ sĩ. Xung đột này cũng làm nảy sinh hàng loạt mâu thuẫn chồng chéo giữa Trịnh Duy Sản với Lê Tương Dực, giữa Trịnh Duy Sản với Vũ Như Tô, giữa Trịnh Duy Sản với thần dân, với thái tử Chiêm Thành, giữa Vũ Như Tô với những người cộng sự gần gũi của mình.
Nếu quan niệm hoạt động sáng tạo là sự thực hiện mệnh lệnh của cái Đẹp và việc bảo vệ quyền sống và các quyền chính đáng khác của con người là sự thực hiện mệnh lệnh của cái Thiện thì trước chúng ta là cuộc xung đột khốc liệt giữa cái Đẹp và cái Thiện, cuộc xung đột có ý nghĩa lịch sử nhân loại mà nhà văn Việt Nam Nguyễn Huy Tưởng đã khắc hoạ, bây giờ đã có thể khẳng định là một cách trường cửu. Kết cục của vở kịch mang tính bi kịch bởi vì đã băng hoại những giá trị lớn: Một nghìn năm nữa nhân dân mới có thể sản sinh ra một Vũ Như Tô mới, nhiều công trình kì vĩ có thể xây cất nhưng không phải Cửu Trùng đài tuyệt diễm mà chỉ có Vũ Như Tô mới có thể làm nên.
Phân tích thế giới hình tượng kịch nhằm xác định giá trị, chiều sâu của
tư tưởng kịch bản, trước tiên, chúng ta cần xác định xung đột chính của tác phẩm. Trong Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đặt nhân vật vào các xung đột
làm bộc lộ tính cách, tạo ra những biến cố thúc đẩy sự phát triển của số phận, giúp chúng ta nhìn nhận một cách toàn diện và đa chiều về nhân vật.